Không cần trang điểm
Thứ năm - 18/06/2020 04:54
1057
‘Cha ơi, con đói’.
Kính thưa Anh Chị em,
Lạ lùng thay, điều đầu tiên Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu khẩn với Cha trên trời qua Kinh Lạy Cha trong Tin Mừng hôm nay là “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”; thưa lên như thế chẳng khác nào nói, ‘Cha ơi, con đói’.
Kinh Lạy Cha, một lời cầu vắn gọn nhưng táo bạo gồm bảy lời xin, một con số không hề tình cờ; số bảy nói lên sự viên mãn. Táo bạo, vì không ai, kể cả các nhà thần học hay thần nghiệm kiệt xuất dám xin như thế. Vậy mà Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ thưa lên một cách mộc mạc như đứa con đến thưa với cha, “Cha ơi, con đói”; “Con đuối”; “Con sợ”; “Con chết”.
Chúa Giêsu không vẽ vời những công thức để bảo con người làm cho mình ra đáng thương; đúng hơn, Ngài mời gọi chúng ta tháo bỏ những rào cản của ngượng ngùng và sợ hãi khi cầu nguyện. Ngài không nói, hãy hướng về Chúa như Đấng quyền năng, tối cao; hoặc “Lạy Chúa, Đấng siêu việt ngàn trùng, chúng con là những kẻ rất tội nghiệp”. Không, Ngài không bảo thế, nhưng bảo, hãy thưa “Cha ơi, con đói”, “Con đuối”; “Con sợ”; “Con chết” cách đơn sơ nhất có thể. Và những lời “Cha ơi” ấy diễn tả sự tín thác tuyệt đối của đứa con.
Xem ra Chúa Giêsu hiểu rằng, như em bé vừa chào đời đã tìm ngay cái ăn từ vú mẹ thì điều đầu tiên Ngài dạy là xin để có cái ăn hằng ngày. Và như thế Kinh Lạy Cha có gốc rễ sâu xa từ thực tế cụ thể của con người. Đó là một lời cầu chơn chất nhưng căn bản, nó nói lên rằng, cầu nguyện cũng như đức tin vốn không cần phải trang điểm, cũng không mơ hồ, tách rời cuộc sống; đúng hơn, bắt đầu từ cuộc sống, đi từ cuộc sống. Trong một ý nghĩa nào đó, lời cầu nguyện trước tiên chính là tiếng khóc vì đói, vì sợ vốn đồng hành từ hơi thở đầu tiên của một em bé mới chào đời cho đến hơi cuối cùng. Đó là cơn đói đầu tiên, nỗi sợ đầu đời cũng là cơn đói, nỗi sợ thường xuyên trong cuộc kiếm tìm không ngừng hạnh phúc nhân sinh.
Chúa Giêsu không muốn dập tắt tính người, không muốn con người bị gây mê trong cầu nguyện. Ngài không muốn chúng ta học để chịu đựng; đúng hơn, Ngài muốn mọi nỗi khổ đau và bất an được dâng lên và nó phải trở thành một cuộc đối thoại. Thật tuyệt vời khi nghĩ rằng, Thiên Chúa không cần lễ vật để ai đó nhận được lòng từ tâm của Người; Người không cần gì cả. Người chỉ đòi chúng ta một điều là luôn luôn giữ mối tương quan với Người để luôn khám phá ra rằng, chúng ta là những đứa con được yêu thương và Người rất yêu thương chúng ta.
Anh Chị em,
Chúng ta có thể nói không khiên cưỡng rằng, chính Êlia, nhân vật được sách Huấn Ca hôm nay ca ngợi, một người đã sống với Thiên Chúa như con với cha vậy. “Cha ơi, con đói”, Chúa cho quạ đem bánh tới; “Cha ơi, con đuối”, Chúa cho thiên sứ ủi an; “Cha ơi con sợ”, Chúa bổ sức để ông chiến thắng. Nếu chịu khó đọc lại cuộc đời Êlia, chúng ta thấy rõ sự đơn sơ chân thành này. Giả tảng, làm bộ làm tịch nơi Thiên Chúa là điều không thể và khi ánh mắt của con người và ánh mắt của Chúa gặp nhau, thì đó là cầu nguyện; hướng nhìn lên Chúa và để cho Chúa thấy, đó là cầu nguyện; ngắm nhìn Chúa và để Chúa ngắm nhìn, đó là cầu nguyện.
Năm 1998, tương quan giữa Mỹ và Iraq căng thẳng cực độ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan tới Baghdad để thuyết phục Iraq ký một thoả ước hoà bình. Ông đã thành công, chiến tranh không xảy ra ở Trung Đông. Khi trở về, các phóng viên hỏi, “Ông đã làm gì?”, ông chân thành trả lời, “Trước chuyến đi, tôi cầu nguyện với Chúa suốt đêm như con nói với Cha”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, mỗi khi đến với Chúa, xin đừng để con kiểu cách, nhưng theo cách kiểu của một đứa bé”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)