Môsê, Người lãnh đạo là Tôi tớ của Dân CN 18 B
Thứ bảy - 31/07/2021 08:12
744
Trong bối cảnh gian truân tư bề của những ngày ôn dịch, hôm 23-7, Ông Lâm Minh Thành, chủ
tịch UBND tỉnh Kiên Giang nói những câu được nhiều người khen tặng và bình luận: “Đi chợ
mua đồ ăn, thức uống, đi chợ nào, mua cái gì là quyền của dân. Một bó rau, một mớ hành cũng
phải để cho dân chở đi bán”; "Việc đi chợ nào, mua cái gì, mua bao nhiêu là quyền của người
dân. Họ phải ăn, uống mới sống được. Đâu phải chợ nào cũng giống chợ nào. Có chợ ở phường
này, xã này bán thứ này, chỗ khác bán thứ khác, cho nên không được cứng nhắc khi áp dụng, mà
phải linh động, phải hiểu nhu cầu thực tế của người dân. Ở vùng sâu, vùng xa, người ta đất ít,
trồng ít được 1 bó rau, mớ hành cũng phải để cho dân chở đi bán, để ở nhà 2, 3 ngày rau cải hư
hỏng hết. Người có nông sản bán được thì người mua mới có để mà mua. Mình chống dịch chặt
chẽ, nhưng không được ngăn sông cấm chợ"…
Ông Thành được khen là: con người công vụ gần Dân, hiểu Dân và làm việc vì Dân…Từ khi "gà
chưa biết gáy" đến...bi giờ, mới nghe được một vị lãnh đạo có lời nói đứng về phía Dân…Trong
lúc này, lãnh đạo nào mà sống gần Dân, hiểu Dân, cống hiến vì Dân, thì họ là Thánh trong lòng
Dân…
Bài trích sách Xuất hành ngày Chúa nhật hôm nay nói về Môsê một nhà lãnh đạo vì Dân, yêu
thương Dân.
Tôi đã đọc đâu đó câu này: “Cần một ngày để đưa dân Do thái ra khỏi Ai cập, nhưng cần bốn
mươi năm để đưa Ai cập ra khỏi người Do thái”.
Tại sao phải mất 40 năm để đưa Ai cập ra khỏi người Do thái? Bài đọc 1 hôm nay nêu lý do.
Dân Do thái than vãn với Môsê: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Aicập, khi
còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó
mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16,3).
Dân Do thái đã buông ra những lời trách móc nặng nề ông Môsê và ông Aharon. Nhiều lần dân
đã trách móc, xỉa xói và tỏ thái độ vô ơn bạc nghĩa đối với ông Môsê, vị đại ân nhân của họ.
Hành trình sa mạc với nhiều thử thách là dịp thanh luyện dân tuyển chọn khỏi nổi nhớ “thịt béo,
củ hành củ tỏi Ai cập”. Suốt 40 năm, họ được thử thách, tinh luyện để vào đất hứa. Đó là thời
gian giáo dục để trở thành một dân tộc, một cuộc giáo dục từ từ, dạy họ tin tưởng vào quyền
năng Thiên Chúa bằng cách thi thố những phép lạ, dạy họ tín nhiệm vào sự quan phòng của
Thiên Chúa bằng cách ban manna, chim cút và nước vọt ra từ tảng đá. Sự hiện diện của Thiên
Chúa giữa dân Người trong sa mạc là một sự hiện diện đầy yêu thương. Môsê vị lãnh đạo là
khuôn mặt nổi bật nhất suốt chặng đường gian truân này.
1. Môsê, người của Thiên Chúa luôn sống liên đới với dân.
Môsê nhà lãnh đạo đã dành cả đời lo cho dân. Ông đã trải qua biết bao đau khổ, sợ hãi và lo lắng
để chăm sóc cho dân. Nhưng dân lại trách móc, than phiền và mắng nhiếc ông. Dân đối xử tệ bạc
với Môsê. Họ xem ông như chính là thủ phạm gây ra những đau khổ và bất hạnh cho họ và gia
đình họ vậy. Thật bất công!
Vậy mà cả đời Môsê vẫn một mực yêu thương liên đới với dân, sống chết với dân trong lời táo
bạo với Chúa mà thấm đượm lòng thương dân:“Tôi không muốn một mình sống hạnh phúc bên
cạnh Chúa, nếu ở đó tôi không có Dân của tôi!”.
Từ ngày được Thiên Chúa gọi để lãnh đạo Dân Chúa (Xh 3,10), Môsê dần dần thấu hiểu và thâm
tín rằng: vị tư tế ở giữa dân Chúa không những phải sống hoàn toàn liên đới với Thiên Chúa, mà
còn phải hoàn toàn liên đới với dân Chúa.
Môsê luôn là người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa và là vị lãnh đạo quảng đại, đầy lòng xót
thương, liên đới với dân cho dù dân ‘cứng cổ’, tội lỗi, bất trung.
a. Môsê, người của Thiên Chúa
Là tư tế, Môsê tường trình mọi việc của dân chúng ‘lên Thiên Chúa’ (Xh 18,19). Ông đàm đạo
và nhận chỉ thị của Thiên Chúa trong Trướng tao phùng (Xh 33,9); ông thể hiện vai trò trung
gian của vị tư tế, môi giới giữa Thiên Chúa và dân, nối kết hai bên bằng máu giao ước (Xh 24,6-
8); ông còn chọn Aharôn và con cái Aharôn để sung vào chức tư tế (Xh 28,1), cũng như thay
mặt Thiên Chúa để tác thánh họ (Xh 29,1-46). Chính việc tiếp xúc thường xuyên với ‘lãnh vực
thánh’ đã dần dần khiến ông đi sâu về phía Thiên Chúa, đến độ Kinh Thánh đã không ngần ngại
gọi ông là ‘người của Thiên Chúa’ (Tl 33,1; Yôs 14,6).
Môsê có những lúc tiếp xúc tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, được chan hoà sự hiện diện của
Người, mặt ông đã rạng sáng lên, dọi chiếu lại vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang mà
không một người phàm nào có thể nhìn thẳng được: “Aharon và toàn thể con cái Israel trông
thấy Môsê và này da mặt ông chói lọi và họ sợ không dám tiến lại với ông” (Xh 34,30). Khi ông
vào Trướng tao phùng đàm đạo với Thiên Chúa, toàn dân phủ phục (Xh 33,7-11). Ở đó, Thiên
Chúa nói chuyện với ông như nói chuyện với một người bạn thân ‘diện đối diện’ (Xh 33,11).
Ông thật sự trở nên con người mà Thiên Chúa ‘biết’ đích danh và không ngần ngại đồng hành
với ông (Xh 33,12-17). Môsê táo bạo thỉnh cầu được nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa (Xh
33,18-23).Thiên Chúa đã nhượng bộ cho ông nhìn thấy Người… Nhưng từ phía sau lưng: “… Ta
sẽ cất bàn tay Ta đi và Ngươi sẽ nhìn thấy phía sau Ta, nhưng Nhan Ta, người ta sẽ không nhìn
thấy được” (Xh 33,23).
b. Môsê, người liên đới với dân Chúa
Môsê được sống bên cạnh, thân mật với Thiên Chúa, và tâm trí ông luôn hướng về dân Chúa:
“Nếu quả tôi được nghĩa với Người, xin Chúa tôi khấng đi làm một với chúng tôi, vì đó là một
dân cứng cổ và Người sẽ tha thứ tội lỗi chúng tôi và cho chúng tôi làm cơ nghiệp của Người”
(Xh 34,9).Từ ngữ ‘chúng tôi’ ở đây thật cảm động! Môsê đã không đặt mình trên dân, cũng
không ở ngoài dân; nhưng hoàn toàn liên đới đến đồng hoá với dân, ngay cả nhận lãnh trách
nhiệm về tội lỗi của dân.
Môsê bị phạt vì chính tội của dân, vì ông muốn liên đới với tội của dân: “Giavê đã phẫn nộ với
cả ta nữa vì cớ các ngươi, mà rằng: cả ngươi nữa, ngươi cũng sẽ không vào!” (Tl 1,37). Hình
phạt này đối với Môsê thật nặng nề và đau khổ. Môsê đã phải nằm xuống trên núi Nêbô, tại vùng
đất Môab. Môsê chia sẻ hoàn toàn số phận của dân và dường như ông còn muốn ôm vào lòng cả
thế hệ xuất Ai cập, thế hệ mà ông đã lãnh đạo, đã cầm tay đưa đến gặp gỡ Thiên Chúa tại Sinai,
đã yêu thương cũng như đã chịu đựng… Thế hệ đó đã nằm xuống trong sa mạc. Môsê vì thế
cũng ‘không muốn’ vào Hứa Địa một mình khi vắng bóng dân!
Môsê đã đau khổ cùng dân và cho dân! Môsê đã chết với dân và cho dân! Khuôn mặt và đời
sống của Môsê đã in đậm nét trong lịch sử dân Chúa.
Môsê luôn luôn bênh đỡ, cầu bầu cho dân trước mặt Thiên Chúa: “Phải! Dân này đã phạm một
tội rất lớn… Nhưng bây giờ, ước gì Người miễn chấp tội chúng; bằng không, xin Người hãy xoá
tôi đi khỏi sách Người đã viết…” (Xh 32,30-32).
Lòng yêu thương, tình liên đới, thái độ bầu chữa, bênh vực dân của Môsê xuyên suốt trong quá
trình ông lãnh đạo dân. Môsê gắn bó cả cuộc đời và mạng sống mình với dân tộc Israel.
2. Môsê là hình bóng của Đức Giêsu Kitô.
Môsê là vị cứu tinh, là vị trung gian giữa Thiên Chúa và dân. Môsê là ngôn sứ nói với dân về
Đấng Cứu Độ một lời danh tiếng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đó là: Đức Chúa sẽ cho xuất
hiện “một ngôn sứ như tôi, anh em hãy nghe lời vị ấy” (Tl 18,15). Sau này, Têphanô vị tử đạo
đầu tiên đã nhắc lại lời tiên tri đó (Cv 7,37); thánh Phêrô đã thấy thực hiện nơi Đức Kitô (Cv
3,22). Chính Môsê đã làm chứng về "Vị Tiên Tri" đó (Lc 24,27; Ga 5,46).
Là trung gian làm nhịp cầu giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel, Môsê tiên báo Đức Kitô,
Đấng trung gian cho một Giao Ước mới hoàn hảo hơn. Dọc dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã
thiết lập hai giao ước chính thức. Giao ước thứ nhất với Môsê trên núi Sinai. Giao ước thứ hai
với Đức Kitô trên núi bát phúc và được bảo chứng trên Núi Sọ. Đây là Giao Ước Mới và là Giao
Ước Vĩnh Cửu.
Đức Kitô, là Môsê mới đã hoàn thành tất cả những điều đã được ghi chép trong Lề Luật: "Những
lời này, Ta đã nói cùng các ngươi, khi Ta còn ở với các ngươi, là phải nên trọn mọi điều đã viết
về Ta trong luật của Môsê và các tiên tri cùng Thánh Vịnh" (Lc 24,44).
Môsê đã đưa dân Israel nô lệ ở Ai cập, xuyên qua sa mạc về Đất Hứa. Đó là hình bóng và là tiên
báo Chúa Cứu Thế, Đấng là Đường, là Ánh Sáng đưa Israel mới đi qua cuộc đời trần thế mà tiến
về Đất Hứa, là thành Giêrusalem trên trời.
Đức Kitô là Môsê mới của Dân Chúa. Tác giả thư Do thái quả quyết: “Trong mọi sự, Ngài đã
nên giống các anh em Ngài, để trở thành vị Thượng tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương,
vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân” (Dt 2,17). Chính Người đã đón nhận lời mời gọi của
Thiên Chúa để trở nên Vị Thượng Tế tuyệt đối trung tín với Thiên Chúa, đứng về phía Thiên
Chúa (Dt 5,5-6), đồng thời Người cũng đã thể hiện một cách trọn vẹn sự liên đới với mọi người,
đầy lòng xót thương đối với mọi người (Dt 5,9) qua hành động tự nguyện dâng hiến con người
của mình làm lễ tế để kéo tình thương tha thứ của Thiên Chúa cho dân Chúa (Dt 5,8). Để đền tội
cho dân và đem ơn cứu độ đến cho mọi người, Đức Giêsu Nazaret đã dùng chính máu mình để
thiết lập Giao Ước Mới, một lần nữa nối kết Thiên Chúa với con người (Mc 14,24; Mt 26,28; Lc
22,20; 1C 11,25; cf Xh 24,8) và dùng cái chết tự nguyện đau thương trên thập giá, bị liệt vào
hàng tội nhân (Mc 15,22-37; Mt 27,39-50; Lc 23,33-46; Ga 19,17-30; Rm 8,3; cf Tl 34,5-6) để
đáp lại lời thách đố của Môsê? Từ đó, qua Đức Giêsu Kitô Cứu Thế, chắc hẳn Môsê sẽ được
chứng kiến và nghe lại lời này: “Tôi muốn sống hạnh phúc bên cạnh Đức Chúa, và ở đó có cả
dân của tôi nữa!” (x.Môsê, vị lãnh đạo của Dân Chúa: trung tín và liên đới, ĐGM Giuse Võ Đức
Minh , WHĐ).
Môsê là một tấm gương lãnh đạo vì dân, mẫu gương người lãnh đạo là tôi tớ của dân. Ông được
Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ lúc còn rất nhỏ. Sau này, ông xác tín, lãnh trách nhiệm dẫn dắt
Dân Chúa ra khỏi Ai Cập, vào miền Ðất Hứa. Cuộc đời của ông là gương mẫu cho những nhà
lãnh đạo chân chính, thiện chí, phục vụ vì Dân vì Nước. Ông tu thân và thường xuyên gặp gỡ,
đàm đạo với Thiên Chúa. Ông trình bày với Ngài về tình trạng của dân và xin ơn tha thứ. Rồi
ông đón nhận Thánh Ý Ngài, cụ thể là Mười Giới răn, ghi khắc vào bia đá, truyền đạt lại cho
dân. Dân chỉ tin người lãnh đạo, khi người lãnh đạo gặp Thiên Chúa và truyền đạt cho họ ý của
Ngài.
3. Chúa Giêsu, người lãnh đạo đem lại cho dân sự sống đời đời.
Sau phép lạ bánh hoá nhiều, Chúa Giêsu biết dân chúng đi tìm mình chỉ vì đã được ăn bánh no
nê. Có lẽ họ hy vọng sẽ được những bữa ăn tương tự. Chúa Giêsu muốn họ tìm đến lương thực
thường tồn: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có
lương thực trường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho
các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận". Bánh của
Thiên Chúa chính là Đấng từ trời xuống và ban cho loài người, không chỉ sự no đủ về phương
diện thể lý mà còn là sự sống đời đời: "Chính tôi là Bánh Hằng Sống. Ai đến với Tôi, không hề
phải đói; Ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ”. Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời, là lương thực chân
thật cho những kẻ đói khát. Lời, sứ vụ và cuộc sống của Chúa Giêsu đều là bánh nuôi dưỡng linh
hồn nhân loại đang đói khát thiêng liêng. Chúa Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là
Bánh Hằng Sống. Chúa Giêsu chính là Môsê mới cung cấp bánh ăn và giáo huấn khôn ngoan
cho nhân loại. Chỉ có Chúa Giêsu mới làm thỏa mãn cơn đói đời đời.
Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ con đường trở nên lớn lao thật sự. Đó là con đường phục vụ.
Con đường phục vụ thay thế cho tham vọng thống trị. Giúp đỡ tha nhân thay cho tham vọng bắt
người khác phục vụ chính mình. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là
sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể. Người lớn nhất, người đứng đầu
là người phục vụ hết mình. Chức tước, chức vụ, chức vị, chức quyền chỉ là phương tiện để phục
vụ. Ai sống tinh thần phục vụ đó là người lớn nhất. Ai không biết phục vụ thì là người nhỏ nhất.
Giá trị của một con người không do địa vị chức tước mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ
hữu ích của người đó. Chúa Giêsu mở ra một nền văn minh mới. Người lớn nhất không dùng
quyền để lãnh đạo, nhưng dùng khả năng để phục vụ. Người lớn nhất không dùng sức mạnh để
chỉ huy, nhưng dùng trái tim để yêu thương.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An