MÙA CHAY – MÙA ĐỔI MỚI NHỜ CẦU NGUYỆN
MÙA CHAY – MÙA ĐỔI MỚI NHỜ CẦU NGUYỆN
Mở đầu sứ điệp mùa chay 2019 Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ: “Hàng năm, qua Mẹ Giáo hội, Thiên Chúa ban cho chúng ta mùa vui này khi chúng ta chuẩn bị kỷ niệm Mầu nhiệm Vượt qua với tâm hồn và quả tim được đổi mới” Nhưng đổi mới thế nào? “Mùa Chay chính là dấu chỉ của sự đổi mới, nó mời gọi các Kitô hữu thể hiện Mầu nhiệm Vượt qua một cách mạnh mẽ và cụ thể…qua việc ăn chay, bố thí và cầu nguyện”. Tại sao thế? Đức Thánh Cha nêu lên ba lý do đổi mới nhờ cầu nguyện: “Cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ việc tôn thờ ngẫu tượng, từ bỏ sự kiêu căng của bản ngã, đồng thời thừa nhận nhu cầu của chúng ta đối với Thiên Chúa và Lòng thương xót của Ngài”.
Lý do 1/ Cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ việc tôn thờ ngẫu tượng.
Sách Xuất hành 32,7-8 đã ghi: “Dân của ngươi đã hư hỏng rồi. Chúng đã đúc một con bò vàng, rồi sụp xuống lạy nó". Đức Thánh Cha giải thích (8/8/2018): Con bò vàng là biểu tượng của mọi ước muốn: thành công, quyền lực và tiền bạc. Giai thoại con bò vàng có bối cảnh là sa mạc. Sa mạc là hình ảnh cuộc sống con người đang bấp bênh. Để trốn chạy sự bấp bênh là sa mạc - bản tính con người “tự làm lấy” cho mình một vị thần phù hợp là ngẫu tượng “có miệng nhưng không nói” (Tv 115,5). Ngẫu tượng là cớ để ta tôn thờ chính công trình tay mình làm ra” (Lumen fidei, 13).
Đức Thánh Cha đề nghị: “Chúng ta hãy nghĩ kỹ điều này: giải phóng dân khỏi Ai Cập không tốn công đối với Thiên Chúa; Ngài đã làm điều đó với các dấu chỉ quyền năng và tình yêu thương. Nhưng công việc lớn lao của Thiên Chúa đó là lấy “Ai Cập” khỏi trái tim của dân, nghĩa là lấy đi việc tôn thờ ngẫu tượng khỏi trái tim của dân. Và Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm việc để lấy nó khỏi ra trái tim của chúng ta. Đó là công việc vĩ đại của Thiên Chúa: lấy đi “Ai Cập” mà chúng ta mang trong mình, là sự hấp dẫn của việc tôn thờ ngẫu tượng: Thành công, quyền lực và tiền bạc.
“Cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ việc tôn thờ ngẫu tượng”, lấy “Ai Cập” ra khỏi trái tim ta. Vì lẽ, cầu nguyện chính là dành chỗ thứ nhất cho Thiên Chúa, sống mật thiết với Ngài và lớn lên trong tương quan với Người. Cha Monchanin nhủ khuyên: “Chính lúc bạn tôn thờ Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, là lúc bạn đạt tới đỉnh cao của kiếp sống làm người, là lúc bạn tuyên xưng Ngài chí thánh. Giá trị đời bạn là khả năng tôn thờ Thiên Chúa qua cầu nguyện."
Lý do 2/ Cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ sự kiêu căng của bản ngã.
Theo Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên.OP: “Trầm trọng nhất trong cuộc sống, đó là tôn vinh cái tôi ích kỷ, vì mọi người, mọi vật, sự kiện, được ta đánh giá không phải theo tiêu chuẩn chân lý, nhưng theo lăng kính của riêng ta: Đi đâu cũng khoe mình, phóng rọi mình mà sự thật chẳng có; Đặt nhu cầu cá nhân trên; Gắn bó với “dự phóng của ta”, “việc tông đồ” của ta. Đòi hỏi mọi quyền lợi, nhưng lại xem nhẹ nghĩa vụ và trách nhiệm đối với tha nhân và cộng đoàn”. Đức Thánh Cha huấn dụ: “Nếu người tông đồ, hay một ai đó trong số chúng ta được sai đi - hếch mũi lên, tin rằng mình trổi vượt hơn người hay tìm kiếm những lợi ích mang tính con người, thì sẽ chẳng thể giúp người khác mở lòng, vì lời của người ấy không có thẩm quyền.” Để tích cực đổi mới nhờ cầu nguyện Đức Thánh Cha chỉ dạy: “Cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ sự kiêu căng của bản ngã” Bởi vì, Cầu nguyện làm cho chúng ta tìm ra được nguồn cội, cùng đích của cuộc đời. Cầu nguyện cũng giúp chúng ta biết mình là ai? phải làm gì và từ bỏ điều gì?
Lý do 3/ Cầu nguyện dạy chúng ta thừa nhận nhu cầu của chúng ta đối với Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài.
Thái độ và lời cầu nguyện chân thành của các nhân vật trong Kinh thánh minh chứng điều đó. Lời cầu của Samson: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng của con, xin nhớ đến con và ban sức cho con lần này nữa thôi” (Tl 16,28). Lời cầu của Đavít: “Lạy Chúa, con nâng tâm hồn lên cùng Chúa. Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài, xin Ngài đừng để con tủi nhục, đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 25,1-2). Lời cầu của Salomon: “xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái.” (1V 3,9). Riêng “Ông trưởng Hội đường, vừa thấy Đức Giêsu ông ta sụp xuống dưới chân người và khẩn khoản nài xin” (Mc 5,22-23). Còn người thu thuế đứng đàng xa khẩn nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Cũng thế lời cầu của người phong cùi: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mt 8,2). Cuối cùng, Lời cầu của tướng cướp Dimas: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42). Đặc biệt lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." (Mc 14,32.36). "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Người bỏ rơi con?" (Mc 15,34).
Sức mạnh vạn năng của cầu nguyện chính là được kết hợp với Thiên Chúa ngang qua tất cả những biến cố, biến những đau khổ và vấn nạn ấy trở nên những trải nghiệm có ý nghĩa trong cuộc đời. Cầu nguyện giúp ta đi vào những biến cố với tâm thế của lòng cậy trông và tín thác vào lòng xót thương của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và chăm sóc ta. Hãy cầu nguyện với cả con người mình, xuất phát từ trái tim chân thành, cởi mở… điều kỳ diệu của cuộc sống sẽ đến. Thánh Gioan Thánh Giá xác tín: "Không có bậc thang trí tuệ nào có thể dùng để leo lên Thiên Chúa đâu". Nếu bạn kiên trì hướng mặt nhìn lên trời, Thiên Chúa sẽ xuống và nâng bạn lên. Ngài vẫn là Ðấng tìm bạn trước: "Ngài đi đường mệt mỏi, nên ngồi xuống bên bờ giếng... chờ bạn. “Nếu lòng bạn khô héo như một khúc củi, hãy kêu gào Thiên Chúa đốt lên lửa thiêng, hãy gõ cửa cho tới khi Ngài mở. Bạn nên nhớ rằng, nếu bạn xin cơm bánh, Ngài không cho bạn đá sỏi đâu. Ngài muốn cho bạn điều bạn xin, nhưng Ngài chờ xem bạn có kiên trì không đã?”.
Tài liệu tham khảo:
Sứ điệp Mùa Chay năm 2019 – một số bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Sr Maria Tôn, CMR