Tha tận đáy lòng - Chúa nhật 23 năm A

Thứ ba - 08/09/2020 04:42  861
cn 23 nam aaa


Phim “Cánh Đồng Bất Tận” kể về bi kịch của sự thù hận. Phim được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bộ phim xoay quanh 4 nhân vật, người cha và hai đứa con, cùng cưu mang một người đàn bà làm nghề mại dâm. Bốn người lênh đênh trên một chiếc xuồng máy, nuôi vịt chạy đồng, không nhà không cửa, nay đây mai đó theo con nước. Đời sống của họ ngập chìm đau khổ dằn vặt xuất phát từ sự thù hằn.
Đầu tiên là người cha. Số là anh ta lấy vợ và có hai con. Cuộc sống cơ cực, anh phải vất vả để lo cho ba mẹ con. Ấy vậy mà người vợ ham sang phụ khó theo một thương lái người Hoa, bỏ lại hai đứa con cho anh. Đau khổ tột cùng vì bị chính người vợ yêu thương phản bội, anh đốt căn nhà, đốt cái mái ấm bấy lâu nay, xuống ghe lênh đênh, bắt đầu một cuộc sống trôi sông lạc chợ, nay đây mai đó, không tương lai, không định hướng. Bao nhiêu hận thù, người cha trút hết lên đầu hai đứa con.
Kế đến là sự thù hận của cô gái điếm. Vì hận cha mẹ ly dị bỏ rơi cô, nên cô làm gái để trả thù đời. Trong một lần đi khách, cô bị đám đông các bà vợ bắt và đổ keo dán sắt vào vùng kín. Cô đau đớn chạy trốn và được ba cha con đưa lên ghe cứu chữa. Cuộc sống của 4 người cứ lênh đênh trên sông nước, buồn tẻ vì mỗi người đều mang trong mình những nỗi thù hằn, căm phẫn vì bị chính những người thương yêu phản bội. Ông bố hận vợ, thù người bạc tình nên luôn cau có và bạo lực đánh đập 2 đứa con. Cậu con trai tuy còn nhỏ nhưng đã mang trong mình nỗi hận thù của cha, cậu nói rằng cậu ghét cái ác, và muốn trả thù, có thù thì phải trả. Cô gái làm điếm vì hận thù gia đình, hận thù bố mẹ…
        Cũng vì sự hận thù và lòng muốn trả thù nên 4 người trở thành thù địch của nhau. Và họ đi đâu cũng gây thù chuốc oán ở chỗ đó, cho nên nhiều bọn giang hồ ghen ghét. Cậu con trai vì không chịu nổi người ta ức hiếp người đàn bà nên đã phạm tội giết người. Vì sợ, cậu đã bỏ trốn. Người đàn bà không chịu được sự thù hằn của người bố nên cũng bỏ đi. Chỉ còn lại người cha và đứa con gái. Câu chuyện được đẩy lên đỉnh điểm khi đứa con gái bị nhóm côn đồ hiếp dâm ngay trước mặt ông bố. Chúng nó đánh ông bố ngã quỵ, rồi buộc ông phải nhìn cảnh bọn chúng từng thằng hãm hiếp đứa con gái của mình trong bất lực. Không còn đau khổ nào hơn thế nữa.
Kết thúc bộ phim, cô gái có bầu, không biết cha đứa bé là ai. Cô đi trên một cánh đồng mênh mông, bất tận, vừa đi vừa nói với đứa con trong bụng: Là trẻ con, nên tha thứ lỗi lầm cho người lớn. Và mẹ sẽ đặt tên con là Thương.
Không biết Nguyễn Ngọc Tư có đạo Công giáo hay không, nhưng rõ ràng với những bế tắc của các nhân vật, cuối cùng chỉ có giáo lý Kitô giáo mới giải quyết được vấn đề. Hận thù chỉ làm cho con người bế tắc, chỉ có sự tha thứ và tình yêu sẽ cứu rỗi thân phận con người.(Lm. Mar-Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS).
Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc đàm đạo về ơn tha thứ. Phêrô đến gần Chúa Giêsu hỏi rằng: Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bảy lần không?. Đối với người Do thái là “quá tam ba bận”. Có tha chỉ tha ba lần thôi, đến lần thứ tư phải trừng phạt. Họ suy luận:Thiên Chúa trừng phạt kẻ ác khi nó lỗi phạm lần thứ tư; người phàm không thể nhân lành hơn Thiên Chúa nên con người không thể tha thứ cho nhau quá ba lần. Trước lời suy luận và giảng dạy như thế của các kinh sư, Phêrô chắc mẫm sẽ được Thầy khen ngợi khi đề nghị tha bảy lần. Vì tha thứ bảy lần là đã gấp đôi truyền thống Do thái và còn cộng thêm một lần nữa. Phêrô đến với Chúa bằng tâm thức của luật dân Chúa đang tuân giữ "Thiên Chúa luôn tha thứ cho người công chính bảy lần" (Cn 24,16). Tha thứ bảy lần là tha thứ có giới hạn. Thế nhưng, câu trả lời của Chúa Giêsu đã làm bàng hoàng người nghe: Không phải chỉ bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy. Tha thứ đến 490 lần. Ở đây không thể hiểu theo nghĩa đen với công thức toán học để tìm ra con số lần phải tha thứ cho anh em mà là tha thứ không giới hạn, tha hoài, tha mãi.
Để các môn đệ hiểu bài học tha thứ không giới hạn này, Chúa Giêsu đã cụ thể hoá bằng câu chuyện. Một người đầy tớ mắc nợ vua mười ngàn nén bạc, có giá trị tương đương một trăm triệu, một số nợ khổng lồ vì một ngày công chỉ một đồng (x. Mt 20,9). Vua ra lệnh bán y, vợ con, tài sản của y để trả nợ. Người đầy tớ liền sấp mình, van lơn xin khất nợ. Nhà vua động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.Tên đầy tớ được tha hết mọi nợ nần, được trả tự do, không còn làm nô lệ nữa. Trớ trêu thay, vừa được tha về, tên đầy tớ gặp một người bạn chỉ mắc nợ y một trăm đồng, một món nợ rất nhỏ so với món nợ khổng lồ y vừa được vua tha bổng, y tóm lấy, bóp cổ đòi trả nợ ngay. Người bạn sấp mình dưới chân y, van lơn xin khất nợ, nhưng y không nghe, bắt bạn tống giam vào ngục. Chuyện chướng tai gai mắt này đến tai vua, vì những người bạn của anh không thể nhắm mắt làm ngơ được. Kết cục, tên đầy tớ ác độc bị vua ra lệnh hành hạ. Kết thúc câu chuyện, Chúa Giêsu khẳng định: “Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Tha thứ cho nhau là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ.Tha thứ không giới hạn và tha thứ tận đáy lòng. Tha tận đáy lòng nghĩa là tha và quên hoàn toàn, như không có chuyện gì đã xảy ra giữa hai người. Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta xin: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Chúa lấy mức chúng ta tha thứ cho nhau làm thước đo để tha thứ, chúng ta tha thế nào thì Cha trên trời cũng tha cho chúng ta như vậy. Trong “bài giảng trên núi,” Chúa Giêsu đã dạy, không những “chớ trả thù” mà phải “yêu kẻ thù” nữa, “như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời”. Và Chúa kết luận: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 38-48). Tha thứ tận đáy lòng là một cách thức nên hoàn thiện như Cha trên trời: hoàn thiện về lòng yêu mến, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Trả thù là khuynh hướng nhân loại, tha thứ là hồng ân Thiên Chúa. Quan toà có thể không tha thứ cho tội nhân, nhưng Thiên Chúa luôn tha thứ cho người tội lỗi, nếu họ thực lòng ăn năn hối cải.
Trong lúc đau đớn tột cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tha thứ cho kẻ bách hại, lăng nhục, cáo gian và đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,34).
Thế giới hôm nay đang bị thống trị bởi bạo lực và oán thù. Những cuộc chiến tranh dai dẳng giữa các quốc gia; những hiềm thù giữa các bộ tộc anh em; những xung đột giữa những người khác màu da, khác tôn giáo, khác quan điểm chính trị; những thảm kịch vô phương hàn gắn trong gia đình. Con người để cho hận thù lôi kéo và không sao thoát ra khỏi cái vòng ân oán nghiệt ngã. Cần phải có những người dám chịu thiệt thòi, dám bẻ gãy oán thù bằng tha thứ, dám tin rằng tình thương có thể biến đổi quả tim chai đá của con người. Giáo hội vẫn luôn kêu gọi xây dựng một nền văn minh tình thương, vì chỉ khi ấy trái đất này mới có cơ may tồn tại.
Tha thứ là một nhân đức siêu nhiên nên cần có ơn Chúa, con người mới có thể nói lời tha thứ cho nhau. Tha thứ không chỉ là một hành động thuần tuý ý chí, mà còn là một ân ban. Không thể có sự tha thứ nếu không cầu nguyện. Mỗi người luôn cảm nhận tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa đối với chính mình thì sẽ dễ dàng thứ tha cho người khác.
Tha thứ là lời mời gọi duy nhất để tình yêu lớn lên. Tha thứ đem về mùa xuân cho tâm hồn đâm chồi yêu thương, nảy lộc bình an. Chúa đã tha thứ cho Phêrô, tình yêu bùng cháy, Phêrô đã sống hết mình cho sứ vụ Thầy trao. Phaolô đựơc ơn tha thứ, biến đổi cuộc đời, thành sứ giả lừng danh rao truyền Đức Kitô cho thế giới.
Ơn tha thứ làm nên vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của lòng khoan dung. Thế giới có “Ngày khoan dung quốc tế” (International day of tolerance) do Liên Hiệp Quốc thiết lập vào ngày 16.11.1995. Người khoan dung độ lượng là người không chấp nhất, nhưng thông cảm với những lầm lỗi của kẻ khác. Lòng khoan dung độ lượng được xây dựng trên ý thức về những yếu đuối, về khả năng phạm lỗi của chính bản thân mình, và của người khác. Mình cũng phạm lỗi sao mình lại kết án người khác? Thế giới có ngày khoan dung, người Kitô hữu cần cả đời khoan dung.
Ơn tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới, một thế giới cảm thông chan hoà, một thế giới chan chứa tình huynh đệ, một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định điều ấy: Thế giới không thể có hoà bình nếu thiếu sự tha thứ.
Chúa Giêsu vì yêu thương đã hiến dâng chính mình trên hy tế thập giá đễ ban ơn cứu độ cho nhân loại. Với hiến tế Thánh Thể, Người vẫn tiếp tục tuôn đổ ơn cứu độ. Đón nhận Thánh Thể là nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu để chúng ta biết tha thứ cho nhau.
                                             
  Lm Giuse Nguyễn Hữu An

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

50c748fb79e4deba87f5

Lịch Phụng vụ

THÁNG 9 – MÙA THƯỜNG NIÊN
Thứ Năm   Thứ Năm đầu tháng, ngày các Linh mục
Thứ Sáu   Thứ Sáu đầu tháng, đền tạ Trái Tim Chúa Giê-su
Thứ Bảy K SINH NHẬT
ĐỨC MARIA
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIII TN 
Thứ Hai   Thánh Phêrô Claver, Linh mục
Thứ Ba   Thứ Ba Tuần 23 TN
Thứ Tư   Thứ Tư Tuần 23 TN
Thứ Năm   Danh Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a
Thứ Sáu N Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ Bảy K SUY TÔN THÁNH GIÁ, lễ kính
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIV TN 

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập11
  • Hôm nay1,727
  • Tháng hiện tại35,876
  • Tổng lượt truy cập7,076,277

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây