Người Hi Lạp nổi tiếng về sở hữu trí tuệ. Thời cổ đại, họ tin nền văn minh đất nước Hi Lạp được đẩy đưa bởi cánh tay hai vị thần: Apollon - thần Ánh sáng, và Dionysos - thần Sức sống say sưa. Nhưng sức sống của thần Dionisos là sức sống ồ ạt bất chấp thiện ác. Đặt vận mệnh trong tầm tay của các "vị thần" đại loại như thế phải chăng là một bước liều cạnh vực thẳm hư vô? Quả là trò đùa nguy hiểm mà nhân loại đã từng chơi và còn đang tiếp tục chơi.
Vậy có thể có không một nguồn sức sống đích thực: vừa sinh động, vừa chuyên chở kiếp người đến bến bờ hạnh phúc? Để tìm được câu trả lời, chúng ta kiên nhẫn "bước từng bước một".
- Thánh Thể - trái tim của Đạo Công giáo
Bất kì đạo nào cũng xây trên những niềm tin căn bản. Thử nhìn khái quát niềm tin căn bản của 7 tôn giáo được xem là lớn trên thế giới: Đạo Ấn Độ tin vào tái sinh và luân hồi. Đạo Sikh và Đạo Phật tin vào tái sinh và nghiệp chướng. Đạo Vật Linh tin thiên nhiên sống hài hòa và có linh hồn. Đạo Do Thái tin Thiên Chúa của Abraham và có thể nên công chính bởi tuân giữ lề luật. Đạo Hồi tin đấng Allah và sẽ nên thánh nhờ tuyên xưng niềm tin, cầu nguyện, bố thí, ăn chay và hành hương. Cuối cùng là niềm tin căn bản của đạo Công giáo, người Kitô hữu tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, xuống thế để cứu độ nhân loại, đã chết và Phục sinh, ở lại với con người trong Bí tích Thánh Thể.
Ta có nhận ra sự khác biệt giữa Đạo Công giáo với 06 đạo vừa liệt kê không? Đạo Ấn và đạo Sikh, đạo Phật và đạo Vật linh không đặt niềm tin vào một Đấng nào, nhưng tin vào một nền triết thuyết, một qui luật sinh tồn. Thí dụ Đạo phật nhìn cuộc sống là đau khổ gây ra bởi dục vọng, nên họ tin rằng khi tiến tới bậc Niết bàn, con người sẽ không còn bị dục vọng đày ải nữa. Ba đạo còn lại Do Thái giáo, Hồi giáo và Công giáo thì đặt niềm tin vào chính vị Thần linh. Tuy nhiên, Do thái giáo tin Thiên Chúa của Abraham đồng thời với việc tin con người có thể nên công chính bởi lề luật, nó có nét tương tự với Hồi giáo tin Đấng Allah và tin chắc chắn có thể tiến thẳng vào thiên đàng nhờ đọc kinh Qur'an hay tuyên xưng niềm tin như đọc thần chú: "Không có Thượng đế nào khác ngoài Allah, và Muhammad là Thiên sứ của Ngài". Duy đạo Công giáo đặt niềm tin căn bản tinh tuyền vào một Thiên Chúa đã sáng tạo và cứu chuộc con người qua Đức Giêsu. Đức Giêsu ấy đã chết, phục sinh và ở lại trong BTTT; những điều phải tin khác đều đặt trên điều căn cốt này. Còn đạo Anh giáo và Tin Lành thì sao? Tuy cùng chung niềm tin vào Chúa Kitô với đạo Công giáo nhưng sự kiện Chúa lập Bí Tích Thánh Thể chỉ được họ nhắc lại như một kỉ niệm qua nghi thức bẻ bánh, nghĩa là tấm bánh và chén rượu của họ vẫn nguyên xi là nó trước sau nghi thức. Tâm hồn tín đồ không được nuôi dưỡng gì, không được đón nhận một sức sống siêu nhiên nào sau những lần nghi thức bẻ bánh diễn ra.
Trái lại, bàn tiệc Thánh Thể là một biến cố tuyệt vời trong đời sống Đạo Công giáo, trong đó thân mình toàn thắng Chúa Giêsu trở nên sự sống cho ta. Lời "Này là Thịt Ta" và "Này là Máu Ta" toát lên sự có mặt của Chúa Giêsu ở ngay nghĩa từ vựng của nó: Thịt là xác thịt, một thân xác sống động đầy sự sống, có khả năng thông ban sự sống, bởi chính nó đang sống. Thân xác đó đã đánh bại sự chết.
Không chỉ dừng lại ở sự có mặt thực sự, Thịt Máu Chúa Giêsu trên bàn thờ còn gói ghém một ý vị khác. "Thịt máu" thuộc về "thân xác" nên cũng diễn tả sự yếu đuối, mong manh trong mỗi kiếp người, bị lụy phục cái chết khiến cho sự sinh tồn của nó thật phù du: "Thân phận chúng là xác thịt mong manh, gió thoảng qua, không hẹn ngày về (Tv 77,39) Tính chất ấy không vắng bóng trong công thức truyền phép. Xác thịt Đức Giêsu là một xác thịt đã lụy phục cái chết để chiến thắng cái chết, để gánh chịu sự yếu đuối tột cùng của ta.
Bởi những lí lẽ đó mà Thánh Thể quả thật là trái tim của Đạo Công giáo với đầy đủ tính chất của nó. Trái tim đó không chỉ để giữ cho cơ thể sống mà còn trở nên nguồn sức sống tràn trề, trẻ trung cho mỗi chúng ta là những chi thể.
- Thánh Thể - nguồn sức sống trẻ trung
Khi nói Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể như lễ vật hi sinh, dễ làm cho ta nghĩ rằng Ngài hiện diện như của lễ hi sinh đã sát tế. Nếu vậy, Thánh lễ chỉ có thể mang một vẻ chết chóc, chỉ nhắc đến một cái tang. Nhưng Thánh lễ không được cử hành trong bầu không khí như thế. Ôm thân xác ấy cách mầu nhiệm trong tay, linh mục không ở trong trạng huống như Đức Maria dưới chân thập giá, linh mục không phải gục xuống trên thân xác ấy với sự mủi lòng thương cảm của một trái tim "bị đâm thâu qua". Thân xác Chúa trong hình bánh rượu là một thân mình đang sống, còn phong phú sống động hơn chính thân xác của linh mục. Ngài đến với tư cách là hi lễ nhưng là một hi lễ trong đó sự sống đã toàn thắng sự chết, một thân xác đi vào sự sống của Thiên Chúa. Cho nên sức sống của Thánh Thể là một sức sống trào ra, xâm nhập vào thế giới với nguồn năng lực trẻ trung tươi mới. Ý nghĩa này được diễn tả rõ nét trong lời lẽ của Tông huấn "Đức Kitô đang sống": "Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách kỳ diệu Người mang sự tươi trẻ đến cho thế giới chúng ta, và mọi sự được Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ, đầy tràn sức sống". Thánh Thể là sự hiện diện của Chúa Giêsu với nét thanh xuân đích thực giữa một thế giới đang già đi. Ngài là Đấng luôn mãi trẻ trung và muốn trao cho chúng ta quả tim trẻ trung mãi mãi.
Mẹ Maria là hình mẫu cho sự trẻ trung bước theo Chúa Giêsu, bởi Mẹ đã từng cưu mang Thánh thể trong lòng ở một nghĩa nào đó. Mẹ tỏa sáng ngay tại trung tâm Giáo hội với trái tim tràn ngập niềm vui, Mẹ nhìn đời bằng con mắt đức tin và trân quí giữ gìn mọi điều trong trái tim trẻ trung của mình. Thời tuổi trẻ, lòng Mẹ ví tựa bông lúa non đang thì con gái trên cánh đồng quê: "Thân em như chẽn lúa đòng đòng/ Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai", bông lúa mơn mởn trong trẻo, bông lúa hướng về ánh Mặt Trời để tiếp lấy sức sống cho tâm hồn mình.
Tiếp theo gót Mẹ, có biết bao tâm hồn trẻ dấn bước trên khắp các nẻo đường thập giá, những người đã được tiếp lấy nguồn sức sống tươi trẻ từ Thánh Thể tuôn trào vào thế giới. Thánh Têrêsa nép mình trong nhà kín, Thánh Phanxicô Savie bươn trải dặm trường rắc gieo Lời Chúa. Hai vị dấn thân ở hai nẻo đường khác nhau nhưng cùng xuất phát và được nuôi dưỡng từ một niềm hân hoan. Các Thánh là hoa trái sinh ra từ bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc này là đầu nguồn của giòng người dâng hiến, giòng người tử đạo "lớp lớp tiến lên pháp trường".
Phóng tầm mắt trở lại phía trước, có thể thấy sự sống sinh động của Con Thiên Chúa nơi Thánh Thể đã có nền ngay từ trong Cựu ước. "Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ/ Người đưa tôi tới dòng nước trong lành" (TV 23,2). "Đồng cỏ xanh tươi, dòng nước trong lành" không chỉ là nơi chốn hạnh phúc nhưng còn diễn tả chính Thiên Chúa. Người được ví như đồng cỏ xanh tươi, tức là đất lành; và như nước. Nước và đất là những cổ mẫu văn hóa của nhân loại mang ý nghĩa của sự đằm sâu, bền vững, kín đáo, đơn giản; mang tính nữ, tính mẹ, ấm áp chở che và thuần khiết. Biến thể của nước là sông suối, mưa, sương cũng được tìm thấy rất nhiều nơi những áng văn chương mạc khải diễn tả một cách ý nhị về khuôn mặt Thiên Chúa: "Thăm trái đất ngài tuôn mưa móc/ Cho ngập tràn phú túc giàu sang/ Suối trời trữ nước mênh mang/ Dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông". Từ Cựu ước đến Tân ước, khuôn mặt Thiên Chúa xuất hiện từ đằm thắm đến trẻ trung. Bởi lẽ đó mà thánh Augustino phải thốt lên: "ôi vẻ đẹp của Ngài mỗi ngày mỗi mới".
Bởi Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn sức sống trẻ trung nên Ngài dễ dàng được thế giới nhận ra nơi những chứng nhân trẻ tuổi. Quả vậy, “Tuổi trẻ là một ơn lành, một phúc hạnh”, một ân ban cho Giáo hội và cho thế giới. Đức Phanxico than thở: "Người lớn chúng ta thường bị cám dỗ để liệt kê tất cả các vấn đề và các nhược điểm của giới trẻ, cho rằng như vậy chúng ta tỏ ra sắc sảo trong việc nhận định những khó khăn và những nguy hiểm". Cũng theo ngài, cần hiểu người trẻ có một khả năng nhạy cảm nhận biết các dấu chỉ của thời đại mà người lớn tuổi ít có được, người trẻ có được niềm “hoan hỉ với những sự bắt đầu mới, lên đường hướng đến những thành quả lớn hơn nữa”. Bằng cung cách của người trẻ, Thiên Chúa được giới thiệu cho thế giới một cách lôi cuốn mà sự lão hóa chẳng thể làm được.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng tuổi trẻ mà Đức Thánh Cha muốn nói ở đây không chỉ là một giai đoạn thời gian; nó là một tình trạng tâm lí. Tuổi trẻ đích thực bao gồm hết những ai có trái tim yêu thương, mở ra với Thiên Chúa và với thời đại mà không đánh mất mình, dám sống độc đáo và chập nhận sự khác biệt, dám làm chứng cho vẻ đẹp của sự quảng đại, sự trong sạch, nhẫn nại, tha thứ. Giáo hội là thân mình Chúa Kitô nên phải thực sự là tuổi xuân của thế giới. Điều này theo Đức Phanxico có nghĩa là mỗi cộng đoàn trong Giáo hội cần khiêm nhường nhìn nhận một số điều phải được thay đổi cách cụ thể, và để thay đổi như vậy thì cần trân trọng cả tầm nhìn lẫn những phẩm bình của người trẻ.
- Nữ tu - người cầu bầu trước Thánh Thể
Trong Thánh lễ, Chúa Giêsu vừa là hi tế vừa là người dâng của lễ. Ta thường quên vai trò "Thầy cả thượng phẩm" của Chúa Giêsu. Đó là vai trò cầu bầu: "Còn Đức Giêsu, Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta" (Dt 7, 24). Tu sĩ cần giống Chúa ở khả năng cầu bầu, phải có khả năng mang vác những đau khổ, những rách nát của thế giới đến trước nhan Thánh Thể, phải biết đau đớn và rên siết nơi ngưỡng cửa Nhà Tạm khi chứng kiến nỗi khắc khoải của con người.
Thật vậy, cầu bầu trước Thánh Thể là điều mà một tu sĩ có thể làm tốt nhất, cho một thế giới đã tuyên bố "Thiên Chúa chết rồi" (Nietzsche) và hô hào con người giết chết Thiên Chúa hòng tiến tới "thời kì của con người siêu nhân", vì "không gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống thì tôi không thể tự do tuyệt đối". Muốn vươn tới tự do tuyệt đối nhưng con người lại bị chặn đứng bởi những giới hạn ghê sợ: đau khổ, sự ác và sự chết. Tin rằng chết là hết nhưng con người lại sợ rơi vào vực thẳm hư vô, mà thành thực chẳng ai muốn tin như thế, nếu không tự lừa dối mình. Thế nên, có người vô thần chống đối Thiên Chúa nhưng cũng có những người vô thần trong khắc khoải bởi không tìm được hướng đi, lầm lũi giữa kiếp nhân sinh, có cả những Kitô hữu sống lối sống vô thần nữa. Chúng ta đừng đứng đối lập với họ nhưng hãy mang vác họ đến trước nhan Thiên Chúa.
Ở phạm vi hẹp hơn là cộng đoàn ta đang phục vụ, hãy gánh vác những yếu đuối, rách nát của nhau đến với Chúa để được thanh luyện con tim nên trong sạch, bởi nếu quả tim không trong sạch, những phán quyết của ta sẽ làm hư bao nhiêu người ta hướng dẫn, lời ta nói và việc ta làm chỉ như mầm của những rễ đắng.
Theo cách nói của một vị giảng linh thao, tu sĩ mà không có khả năng cầu bầu cho con người trước Thánh Thể thì chỉ như "con công hay múa", cùng lắm cũng chỉ như "con ong vất vả tội nghiệp" mà thế gian chẳng nhờ gì được ta, chẳng nên ích gì cho Giáo Hội. Xa Thánh Thể, chúng ta sẽ không nhận vinh quang từ Chúa mà dễ dàng nhận những vòng hoa người đời đội cho.
Cũng theo vị giảng phòng, trước tiên chính người chuyển cầu cần phải có trái tim nghèo khó. Trong tất cả những ngổn ngang, hãy nhận ra Chúa dắt ta đi. Hãy cứ lì ra để yêu thương, để tha thứ, hãy để Chúa biến ta thành khí cụ của lòng Chúa thương xót với người làm ta đau khổ. Đó là ý nghĩa của nghèo khó thẳm sâu. Tại sao ta không có khả năng băng bó con người, bởi lẽ ta đã không cầu nguyện cho họ trước Thánh Thể. Không gặp gỡ Thánh Thể, ta sẽ trở nên những khuôn mặt Giêsu không ai muốn nhìn. Ngược lại, một tu sĩ đến với Thánh Thể trên vai mang vác đồng loại, sẽ nghe được những điều chẳng nghe được ở nơi đâu và từ đó có thể đưa ra được những ý kiến, quyết định tốt đẹp. Người ở trong Chúa thì khôn ngoan.
Kết luận
Thật vậy, đời tu của ta có đích thực, có sáng tạo không trước nhất là ở tại trước nhan Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu trên bàn thờ, trong nhà tạm đang cần những tâm hồn đứng ra đảm đương lấy anh chị em mình để cầu bầu cho họ. Trong ngày lễ Thánh Thể, ta cũng đừng quên chuyển cầu cho sự hiệp nhất giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính Thống. Họ cùng có chung nguồn sống với ta trong Thánh Thể nhưng bởi những khó khăn chưa vượt qua được, nên chưa thể hiệp thông trọn vẹn theo tiếng vẫy gọi của Con tim Thánh Thể là con tim của sự hiệp nhất.
Gió Biển, CMR
Tài liệu tham khảo
- Nhóm phiên dịch Những giờ kinh phụng vụ (2014), Lời Chúa cho mọi người, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội.
- Đức Thánh Cha Phanxico (2019), Christus Vivit, Tông huấn hậu thượng hội đồng gửi người trẻ và toàn thể Dân Chúa, Vũ Văn An dịch.
- J.Galot SJ, Lm Bernado chuyển ngữ (1988), Thánh Thể sinh động, Nguyên bản: Eucharistie Vivante.