Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria
Được gợi hứng từ một bản tình ca mang tựa đề “Trái tim không ngủ yên”, diễn tả tâm trạng của đôi bạn trẻ nam nữ yêu nhau: dù xa nhau, họ vẫn cảm thấy gần gũi; dù giận hờn, họ vẫn thấy dễ thương; trái tim họ không ngủ yên, luôn thôi thúc người này nhớ tới người kia; vì thế mà xa hóa nên gần, lạ hóa thành quen, và khổ đau được biến thành hạnh phúc, em muốn hướng mọi người đến với Trái Tim của Thiên Chúa. Một Trái tim được mặc khải cách trọn vẹn nơi Trái Tim Chúa Giêsu - Trái Tim Không Ngủ Yên.
- Trái Tim Thiên Chúa – Trái Tim nhân loại
Ngôn sứ Hôsê đã diễn tả Trái tim yêu của Thiên Chúa “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11,8). Thổn thức, bồi hồi vì không nỡ từ chối Epraim, không nỡ nộp Israel vào tay quân thù”. Đó là tâm trạng cảm thương, băn khoăn trước một sự việc xảy đến cho người mình yêu, nhất là lúc gặp phải thử thách gian nan trong cuộc sống. Thiên Chúa là Tình yêu. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Ngài mang trong mình trái tim nhân loại, không ngủ yên khi đã yêu, luôn thổn thức rung cảm trước nỗi đau của con người; chạnh thương khi thấy con người lạc lối, đau khổ và sự chết, để đem niềm vui, ơn chữa lành và tha thứ, và được chia sẻ hạnh phúc vinh quang của Ngài.
Càng đau lại càng yêu
Mang trong mình một trái tim nhân loại nên Trái Tim Chúa Giêsu cũng phải chịu những tổn thương, những đau đớn và nát tan. Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: “Nơi một thị trấn nhỏ, có một chàng trai trẻ đứng giữa phố và nói anh có một trái tim hoàn hảo. Nhiều người hoài nghi và đứng vây quay để được tận mắt thấy nó. Đúng thật, anh ta có một trái tim khoẻ mạnh, hồng hào và không một tì vết. Khi mọi người nhìn lại trái tim của mình, đâu đó cũng đều có vài vết xước. Họ công nhận chàng trai có trái tim đẹp hoàn hảo và trầm trồ ngắm nghía. Có một ông lão đi tới và nói: “Tôi mới là người có trái tim hoàn hảo”. Ngạc nhiên, trái tim của ông lão méo mó, sứt sẹo với những mảnh vá chằng chịt, - một người thốt lên: “Một Trái tim trông thật xấu xí!” - Ông lão chỉ vào những miếng vá nói: “Miếng to này là của cha mẹ xé ra cho tôi, những miếng nhỏ này là của bạn bè tôi, và những lỗ hổng là những mảnh tim mà tôi xé ra trao lại cho mọi người, nhưng có khi không được đáp lại”. Mọi người im lặng và suy ngẫm, còn chàng trai trẻ như chợt nhận ra điều gì. Anh xé một miếng từ trái tim của mình gắn lên một lỗ hổng của trái tim ông lão...” Trái tim đẹp nhất không phải là trái tim vẹn nguyên không tì vết mà là bị vá chằng chịt. Mỗi lần ta trao đi yêu thương cũng như xé đi một mảnh tim, và rồi ta cũng nhận lại một mảnh, có thể không vừa vặn với chỗ vừa khuyết. Cũng có khi ta trao đi yêu thương mà không được nhận lại, khiến cho trái tim còn vết khuyết. Một trái tim sẽ đẹp nhất khi nó trao đi yêu thương và nhận lại yêu thương.
Trái tim của ông lão trong câu chuyện trên phản ánh phần nào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho ta qua Trái Tim của Đức Giêsu. Trái Tim bị xé toạc vì chúng ta và chúng ta đến chiêm ngưỡng tình yêu mang tâm tình của chàng trai trẻ trong câu chuyện, hãy xé thịt tim mình ra bằng chính cuộc đời trao ban, để đắp lên những lỗ hổng nơi Trái Tim Chúa vì ta mà tổn thương nhiều. Trên Thập Giá, Trái Tim ấy vẫn tiếp tục trao ban, vẫn khát khao đong đầy mọi khoảng trống, mọi vết trầy xước nơi trái tim của con người khốn cùng. Trước tình yêu vĩ đại, chúng ta mang thái độ và sống Linh đạo tôn sùng Thánh Tâm Chúa, nên sức mạnh làm rung động và trở thành cung bậc tâm hồn mình để trao ban hạnh phúc. Lewis viết: “Yêu trước hết là chấp nhận bị tổn thương. Hãy yêu bất cứ điều gì và con tim bạn chắc chắn sẽ quặn đau, có thể sẽ tan nát. Nếu bạn muốn giữ tim mình nguyên vẹn, đừng bao giờ trao cho ai hết, ngay cả một con vật. Hãy gói ghém nó thật kỹ trong những sở thích và những trò xa xỉ nhỏ nhoi; tránh mọi rắc rối; hãy nhốt nó lại an toàn trong hộp cứng hay trong cỗ quan tài của lòng ích kỷ, nhưng trong chiếc hộp này - tối tăm, bất động và thiếu không khí - nó sẽ thay đổi, trở nên chai cứng, bí hiểm, bất khả cứu chữa. Chọn lựa bi kịch này quả thực đọa đày. Nơi duy nhất ngoài Thiên đàng mà bạn được an toàn tuyệt đối khỏi mọi hiểm nguy của tình yêu, đó chính là Hỏa ngục”. Tình yêu đích thực là mong muốn cho người khác được hạnh phúc. Khi cho đi chính bản thân mình, ta cảm nghiệm được hạnh phúc dồi dào.
- Trái Tim Chúa và Trái Tim Mẹ Maria - Hai Trái Tim nên một
Nhẩm lại bài ca thân thương chúng ta vẫn thường du dương: “Con hãy lấy Trái Tim Cha để ngợi khen Mẹ, hãy lấy Trái Tim Mẹ để ngợi khen Cha, hãy dâng Trái Tim Cha cho Mẹ và dâng Trái Tim Mẹ cho Cha. Hãy yêu mến ca tụng Hai Trái Tim này vì Hai Trái Tim đã nên một, đã tan hòa vào nhau, đã nứt nẻ vì yêu”. Vậy, Trái Tim Chúa không ngủ yên thì lẽ nào Trái Tim Mẹ lại có thể? Trên đời này không có tình yêu nào khăng khít cho bằng tình mẫu tử: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình…” Nếu tình mẹ con ở trần gian còn đằm thắm như thế, thì tình mẫu tử của Mẹ Maria đối với Chúa Giêsu biết nói sao cho xiết! Thánh Anphongso viết rằng: “Tất cả những tình yêu của các bà mẹ thế gian cộng lại, cũng không cân nặng bằng một tình yêu của một mình Mẹ Maria đối với Người Con Giêsu”. Chúng ta là con cái nhân loại của Mẹ, tình yêu Mẹ dành cho Giêsu thế nào thì cũng dành cho chúng ta như vậy. Trong câu chuyện rất quen: “Một bà mẹ góa nghèo khổ, bà rất yêu con trai mình. Cậu bé lớn lên trong tình yêu thương, sự hy sinh nhọc nhằn và cả nước mắt của mẹ. Khi đến tuổi yêu đương, chàng cầu hôn một cô gái, nhưng cô ta nói: Em bị bệnh tim! Chỉ có thể ăn trái tim của chính mẹ anh - một trái tim đau khổ mà nhân hậu thì em mới khỏi và cưới anh! Không ngần ngại, chàng trai liền về giết mẹ và móc trái tim của bà để đem cho người tình. Trên đường đi, vì hấp tấp, chàng đã vấp ngã. Ngay lúc đó chàng nghe văng vẳng bên tai giọng nói êm ái của mẹ: “Có đau không con?” Thì ra đó chính là tiếng nói vọng ra từ trái tim nóng hổi của người mẹ”. Thật sự quá tàn nhẫn cho một đời hy sinh cao cả. Nhưng, trái tim người mẹ là thế. Trái Tim Mẹ Maria, vẫn lên tiếng, vẫn hiện diện để nâng đỡ bao bọc khi con cái vấp ngã trên đường đời như lời Cha Sáng Lập Bênađô Maria đã xác tín: “Hội dòng chúng ta cho đến ngày hôm nay được bằng an là nhờ Trái Tim Chúa và Trái Tim Mẹ” (26.6.2003).
- Đừng để trái tim ngủ yên
Trái tim ngủ yên là một trái tim hết thương cạn nhớ, không còn khả năng đập những nhịp yêu thương. Có một món ăn mang tên “Một trái tim lạnh lẽo”. Nó được chế biến từ thành phần là một quả tim, một tô nước lạnh, một chuỗi nghi ngờ, một trái chanh, một trái ớt và một trái chuối chát. Tất cả được bỏ chung, xay nát, để trong tủ lạnh, rồi mang ra ăn. Món ăn không có gia vị, chỉ chua, chát, lạnh và tanh. Nếu trong cuộc đời, vô tình chúng ta được ai mời ăn món ăn như thế, hay đôi khi chính ta lại là người cho người khác ăn nó, thì thật là đáng sợ, bởi sự tanh tao, lạnh lẽo, cay đắng và chua chát của nó. Đó là sự thờ ơ vô cảm, những lời nói làm tê tái lòng, vì ích kỷ, vì tổn thương, hay quá đau khổ, vì bệnh tật. Bệnh thể lý thì đau, bệnh luân lý thì nhục… tất cả làm cho trái tim con người ta biến dạng và chai đá.
Là hiền thê của Chúa, chúng ta đừng để trái tim ngủ yên, nhưng biết rung động như Trái Tim Giêsu. Chúng ta phải nên một trong cuộc sống của Chúa, huấn luyện và chữa lành trái tim mình nên giống Chúa. Muốn chữa lành cần phải có thuốc. Thuốc đắng mà giã tật thì cũng nên uống. Điều đúng mà đau thì cũng đáng làm. Vì Yêu là thế. Hưởng được sự đê mê của ma túy đồng nghĩa bạn phải chấp nhận những lúc mệt mỏi rã rời; có được niềm vui hưng phấn thì cũng sẵn sàng chuẩn bị cho những giây phút buồn chán và cô đơn. Giao thoa giữa thánh thiện và ác quỷ cách nhau có một đường ranh rất mỏng manh, nếu ta mạnh ta sẽ thánh hóa cuộc đời, nếu ta yếu nó sẽ tục hóa ta. Hãy để cho Trái Tim Chúa và Mẹ là chốn đong đầy trái tim rỗng tuếch tuyệt vọng, chai cứng và lạnh lẽo của ta. Ước gì sự nếm trải những khổ đau lại là kinh nghiệm chắp cánh cho ta vượt qua tất cả khó khăn trong cuộc sống, để dấn thân hơn cho Chúa và tha nhân.
Người chưa đẫm lệ vì u buồn làm sao biết cảm thông?
Tay chưa run rẩy vì đau đớn làm sao biết xoa dịu?
Người chưa bị đớn đau làm sao thốt ra một lời trúng trái tim?
Tim chưa tan vỡ làm sao giúp những trái tim nát tan?
Làm sao biết xoa dịu nếu chưa được dịu xoa lúc khổ đau?
Biết đi đâu khi cần nâng đỡ nếu không đi về hướng những người đã thực sự chịu khổ đau.
Để thế giới này tiếp tục đi về phía trước, để trái tim không ngủ yên, ta hãy dựng đứng trái tim mình lên, ta sẽ thấy hình một ngọn lửa nhỏ, đang không ngừng sưởi ấm ta và mọi người xung quanh. Xin Hai Thánh Tâm là nguồn hoan lạc và bình an trong tâm hồn mọi chị em chúng ta, làm cho trái tim chúng ta trở nên giống như Trái Tim các Ngài, một trái tim không ngủ yên, luôn tan chảy trước nỗi đau của đồng loại. Khi có một “trái tim không ngủ yên”, chúng ta sẽ luôn thao thức để trở nên hoàn thiện, đồng thời giúp cho anh chị em gặp gỡ Thiên Chúa là tình yêu là Đấng hoàn thiện.
Sr Têrêsa Maria Hoàng Nhung - CMR
Tài liệu tham khảo:
- Gm Giuse VŨ VĂN THIÊN, http://nhipcautamgiao.net/suy-niem-phuc-am/trai-tim-khong-ngu-yen-gm-giuse-vu-van-thien, truy cập 02/02/2020
- https://www.webtretho.com/forum/f3197/cau-chuyen-ve-trai-tim-nguoi-me-2685, Tc 02/02/2020
- Lm. Vinh Sơn. Scj, https://truyenco.com/dung-de-trai-tim-ngu-yen-a1570.html, Tc 02/02/2020
- https://blogradio.vn/blog-radio/blog-radio-516-anh-co-bang-long-voi-mot-trai-tim-mang-nhieu-vet-xuoc/7721, truy cập 10/2/2020.
- Lm Đaminh Nguyễn Đức Hạnh. SJ, Bài giảng tĩnh tâm,15/1/2020.
- LmFX Nguyễn Đức Quỳnh, http://tinmung.net/TRANG%20CUA%20ME%20MARIA/Cac-Le-Ve-Me/Trai-Tim-Me/SuLienHe.htm, truy cập 10/2/2020.
- Lm Lưu Quang Bảo Vinh, CssR, Bài giảng, http://www.1krs.com/hay-suy-nghi-ve-nen-giao-duc-viet-nam-bai-giang-hut-hon-cua-lm-luu-quang-bao-vinh_HKP7Sm5xcQG0.html, truy cập 10/2/2020.
- Timothy RADCLIFFE. OP, Tại sao là Kitô hữu, chuyển ngữ học viện Đa Minh, 2019.