Kể từ năm 1988, đối với cộng đoàn dân Chúa tại Việt Nam, ngày 19 tháng 6 hằng năm đã trở thành một dịp lễ thường niên để mừng sự kiện 117 vị Chân Phước Tử Đạo được tôn phong lên bậc hiển thánh. Và năm nay 2018, đặc biệt hơn nữa khi sự kiện ấy vừa tròn 30 tuổi, 30 năm vinh quang, vui mừng và làm sáng danh đức tin kiên trung mà các Thánh Tử Đạo Việt Nam lưu truyền cho con cháu qua các thời đại. Riêng ngày 24/11, một ngày thật tuyệt vời vì các Kitô hữu không chỉ trên dải đất hình chữ S mà trên khắp Giáo hội hoàn vũ đều mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
1. Vinh danh các thánh Tử Đạo.
Tin Mừng đến với dân tộc Việt Nam trên 500 năm, thì hết 300 năm, Giáo hội Việt Nam thấm đẫm dòng máu các anh hùng tử đạo. Giai đoạn bách hại nặng nề nhất là vào thế kỷ 19, trong các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Giáo hội Việt Nam đã có hơn 100 ngàn đấng tử đạo được ghi nhận trong sổ sách. Trong đó, có 58 giám mục và linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Italia, 15 linh mục Việt Nam, 340 thầy giảng, 270 nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 giáo dân. Đó là chưa kể con số rất đông các tín hữu bị chết mất tích trong các đợt bắt đạo vì lưu đày, vì phải trốn tránh vào những nơi hẻo lánh. Đó là chưa kể rất nhiều tín hữu phải chết do cuộc Phân Sáp 400 ngàn người Công giáo dưới triều Vua Tự Đức. Đó còn là chưa kể con số hơn mười mấy vạn người Công Giáo bị chết khi có Phong trào Văn Thân nổi lên tàn sát người Công Giáo...Như thế, con số Tử Đạo phải tính lên đến 300 ngàn người trong vòng 300 năm.
Thật vinh phúc cho Giáo Hội Việt Nam, một Giáo Hội còn non trẻ, nhưng lại căng tràn sức sống, đạp trên đầu sóng ngọn gió, vượt thắng mọi thử thách, mọi đau đớn, mà cho đến nay, dẫu đã qua đúng một thế kỷ, thời gian đủ bình tĩnh để suy niệm, sao vẫn còn nghe hãi hùng, vẫn còn nghe nhức nhối tâm can, làm lặng đi mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi thanh âm.
Những người con đất Việt tưởng như gục ngã không thể gượng dậy nổi dưới bàn tay tàn bạo của làn kiếm, mã tấu, gông cùm, tù đày, lửa nung, bá đao, tùng xẻo, xiết cổ, chém bay đầu..., lại là sức mạnh ngàn đời của một đức tin không gì lay chuyển nổi. Bởi thân xác các thánh Tử đạo dù bị giết, nhưng đức tin của các ngài thì không ai giết được.
Một Giáo Hội còn non trẻ đến thế, lại có sức chịu đựng sự giày xéo quá sức tưởng tượng của người đời. Hồng ân ấy không chỉ là một quà tặng, nhưng còn là một quà tặng vinh dự, một quà tặng của niềm kiêu hãnh thánh thiện. Hồng phúc tử đạo không chỉ là một hành động dâng hiến tận cùng mà còn là một dâng hiến vinh thắng tận cùng. Đó không là một vinh phúc lớn lao lắm hay sao! Một vinh phúc lớn lao mà một Giáo Hội còn non trẻ như Giáo Hội Việt Nam lại có thể cùng Giáo Hội hoàn vũ đã qua mấy ngàn năm, vẽ thêm vào đó một đường lịch sử của đức tin không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ dừng lại.
2. Đức tin sáng ngời.
Đối với các Thánh Tử Đạo, Thiên Chúa là trên hết. Thiên Chúa là tất cả. Lập trường của các ngài là: “Thà chết chứ không thà bỏ đạo, bỏ Chúa”. Các ngài đã trung thành giữ vững đức tin trước mọi thử thách gian lao. Các ngài đã dám đánh đổi điều cao quí nhất là mạng sống của mình để làm chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa mà các ngài tôn thờ.
Những trang sử hào hùng của các vị tử đạo được viết lên bằng giá máu. Điều ấy giúp chúng ta chiêm ngắm đức tin kiên vững và tình yêu mãnh liệt mà các ngài dành cho Thiên Chúa. Nhắc lại năm tháng bách đạo trên quê hương Việt Nam không phải để oán hờn hay gieo hận cho hậu thế. Nhưng đó là cơ hội để chúng ta nhìn đến ngọn lửa yêu mến Thiên Chúa rực cháy trên pháp trường năm xưa. Thuở ấy, người ta bài xích đạo Đức Chúa Trời vì cho đó là con đường sai lạc, đạo của người nước ngoài, của kẻ phản quốc! Từ đó bao thế lực tra tay bách bớ, tiêu diệt các tín hữu một lòng tín trung với chính Đạo. Lời Chúa Giêsu đã khắc sâu trong trái tim các ngài: “Vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em”. (Ga 15, 18). Thầy Giêsu đã chọn các ngài. Vì các ngài đã đáp lại tiếng gọi của Thầy Giêsu nên thế gian đã oán ghét rồi loại trừ các ngài. Bản án cuối cùng dành cho những con người yêu mến Thiên Chúa là đầu rơi máu chảy. Nhưng phần thưởng sau cùng dành cho những ai trung kiên chọn Chúa là phần phúc hiển vinh.
Vì đức tin, các ngài đã phải chịu đủ mọi thứ cực hình dã man. Bị gông cùm, bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói, bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng,bị chặt đầu, bị thắt cổ, bị thiêu sống, bị phân thây ra từng mảnh… Có 79 vị bị trảm quyết (bị chặt đầu); 18 vị bị xử giảo (bị thắt cổ); 8 vị chết rũ tù; 6 bị thiêu sinh; 4 bị lăng trì (phân thây ra từng mảnh); 1 bị tử thương và 1 bị bá đao.
-Thánh Giám mục Xuyên, chân tay bị trói vào bốn cọc. Năm lý hình cầm 5 cái rìu, sẵn sàng nghe lệnh quan án sát. Vừa nghe lệnh, hai lý hình chặt hai chân, hai lý hình chặt hai tay, đến lượt lý hình thứ năm chặt đầu. Rồi họ mổ bụng ngài cắt lấy ruột gan.
-Hai Cha Điểm và Khoa bị trói chân tay vào cột, lý hình tròng dây vào cổ. Nghe hiệu lệnh, lý hình cầm hai đầu dây xiết mạnh cho đến khi hai vị nghẹt thở và lịm dần.
-Sáng ngày 5.6.1862, trước sự chứng kiến của rất đông người, hai giáo dân: Thánh Toại và Thánh Huyên bước vào cũi tre để bị thiêu sinh. Những người hiện diện đều xúc động khi nghe rõ các ngài cất tiếng nguyện cầu thật lớn, trong khi ngọn lửa hồng phừng phực bốc cao, thiêu đốt hai ngài.
Quả vậy, những giọt máu các ngài năm xưa thấm đẫm mảnh đất hình chữ “S” từ nam chí bắc. Chắc hẳn người ta không ngờ rằng: càng truy lùng, tra tấn và hành quyết các ngài, tình yêu và lòng nhiệt thành làm chứng cho Thiên Chúa lại càng bùng cháy nơi lớp lớp anh hùng tử đạo. Chính ngọn lửa ấy đã thắp sáng, đang sưởi ấm cho mọi thế hệ con cháu chúng ta. Hôm nay đây, nhờ ánh sáng huy hoàng của lửa mến các ngài phản chiếu, Thiên Chúa đang cho cánh đồng lúa trên quê hương chúng ta trổ bông dâng tràn sức sống.
Lật lại những trang sử một thời vang bóng của các ngài, chúng ta kính phục và tri ân tất cả những bậc cha ông đã một lòng với Thiên Chúa và hết mực với quê hương. Chúng ta lắng nghe lời vang vọng của các ngài bày tỏ: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được.”
Thiên Chúa không dạy ghét bỏ tha nhân, không xúi phản lại Đất Nước. Phải chăng định mệnh của thời cuộc đã đẩy đưa tới những cuộc bách hại khốc liệt để loại trừ những tín hữu vốn hiền hoà dễ mến. Nơi đó, người con Chúa lại lấy đức tin, lời cầu nguyện và đức bác ái để bày tỏ tình yêu của mình với Thiên Chúa và Quê Hương. Chúng ta còn nhớ thánh Trần Văn Trung khẳng khái tuyên bố: “Là công dân Việt Nam, tôi sẵn sàng đi đánh giặc bảo vệ tổ quốc. Nhưng tôi không bao giờ đạp lên Thánh giá bỏ đạo chối Chúa, vì tôi là con dân của Chúa.”
Là công dân, chúng ta quyết một lòng yêu thương giống nòi và gìn giữ non sông gấm vóc. Là môn đệ Chúa, chúng ta nhiệt thành tin yêu và phụng sự Chúa trót cuộc đời. Đó là hai mặt của tình yêu mà chúng ta luôn bắt chước các ngài trong lúc gian nguy bách hại. Trong đó bổn phận làm chứng cho Chúa phải được dặt lên hàng đầu! Xin các ngài chuyển cầu giúp chúng ta tiếp tục thể hiện tấm lòng trung tín keo sơn với Thiên Chúa và tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Tin yêu Thiên Chúa trong lòng dân tộc, các ngài xả thân theo tiếng gọi của Thầy Giêsu: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt16, 24). Nhìn lại ba thế kỷ bách đạo năm xưa, chúng ta xúc động vì dòng máu các ngài gieo vào lòng đất. Để từ đó, Lời Chúa đơm hoa kết trái trên quê hương Đất Việt. Đó là nguồn sức mạnh giúp các ngài phản chiếu một lòng hân hoan bước theo con đường hẹp của Thầy Giêsu. Con đường hẹp với tình yêu lớn đã giúp các ngài chịu được sức nặng của gông cùm, tra tấn và đã tử đạo trên pháp trường năm xưa. Ước gì chúng ta cũng can đảm từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy Giêsu.
3. Kế thừa dòng máu hào hùng để tiếp nối sứ vụ loan Tin mừng.
Các Thánh Tử Đạo là những chứng nhân can trường dám chết cho niềm tin, sống cho tình yêu, và loan báo chân lý Tin Mừng. Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng bằng cái chết. Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống. Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trong thời bị bách hại. Là con cháu các ngài, chúng ta được mời gọi làm chứng trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Làm chứng chính là “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”... như những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Muối, men, ánh sáng thì không ồn ào áp chế, công việc của nó là âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình, tự khắc môi trường xung quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men, và sẽ đầy ánh sáng. Sống đạo như thế, chúng ta góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Phúc Âm. Người Kitô hữu sống đạo hôm nay được kể như người đang “lội ngược dòng đời”. Đang khi thế gian chạy theo tiền bạc và hưởng thụ, tìm mọi cách để vun vén cho bản thân, chúng ta lại được mời gọi sống cho tha nhân, và mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Đang khi cuộc sống hôm nay đầy dẫy những lọc lừa, gian dối, chúng ta lại được mời gọi sống ngay thẳng và làm chứng cho sự thật. Đang khi thế gian coi nhẹ phẩm giá con người, chúng ta được mời gọi tôn trọng sự sống và bảo vệ những mầm sống đó ngay từ những giây phút đầu tiên trong bào thai… Và mỗi lần sống như thế, là mỗi lần chúng ta tử đạo.
Cái giá phải trả cho sự chọn lựa đứng về phía đức tin là bị tước đoạt tất cả những gì đang có trong cuộc trần. Bị tước đoạt cả sự sống, cả đến giọt máu sau cùng. Máu các thánh Tử đạo Việt Nam đã dệt đỏ thắm dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam, vì thế, các thánh Tử đạo mãi mãi vẫn xứng đáng sống trong lòng Giáo Hội và nơi từng người tín hữu Việt Nam.
Vượt trên tất cả mọi tấm gương, vượt trên tất cả mọi bài học, máu các Thánh phải là chính cuộc sống của những người Việt Nam Công Giáo hôm nay, khi làm người Việt Nam giữa dân tộc mình, và làm người giữa đời.
Khép lại năm thánh các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong ngày lễ trọng kính các Ngài, mỗi người chúng ta đều được mời gọi trở nên những chứng nhân cho Đức Kitô qua đời sống yêu thương phục vụ. Nhờ đó, Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô sẽ được lan tỏa đến tận cùng trái đất.
Sr.Têrêsa Maria Tin CMR
Trích dẫn:
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ