Dung mạo của Thiên Chúa - Đấng ban cho chúng ta sự tự do đích thực

Chủ nhật - 27/11/2022 07:50  699
images 2


DUNG MẠO CỦA THIÊN CHÚA

ĐẤNG BAN CHO TA SỰ TỰ DO ĐÍCH THẬT

Đọc Lc 15,11-31

Đức Giêsu là con người tự do, là người mẫu của tự do. Người dạy chúng ta bằng chính cuộc sống và bằng lời giáo huấn rằng Sự thật sẽ giải thoát chúng ta (cf. Ga 8,32). Vì Người là Sự thật, nên Người là Đấng giải thoát chúng ta. Nhờ Thần Khí của Người, Người ban cho ta sự tự do của Người (cf. 2Cr 3,17). Người mở lòng chúng ta ra đón nhận Thiên Chúa. Chính Người cho ta biết Lòng Thương Xót vô biên của Chúa Cha, Đấng khi tha thứ cho chúng ta cũng làm cho chúng ta được tự do và nên thụ tạo mới trong tình yêu. Trong trình thuật Lc 15,11-32 Đức Giêsu giới thiệu cho ta dung mạo của Thiên Chúa Cha của Người. Sự thật thì giải phóng, cho chúng ta được tự do, tự do để đón nhận Tình yêu, và để yêu thương.

1. Chúa Cha giàu lòng thương xót.

Người Cha trong trình thuật có thể được nhận ra ngay là dung mạo của Thiên Chúa Cha, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa của Đức Giêsu cũng là Cha của chúng ta, là “nhà” mà ta phải “trở về”. Từ dụ ngôn ta thấy Thiên Chúa của Đức Giêsu có ít là 6 đặc tính sau đây:
1. Thiên Chúa khiêm hạ. Nhân vật chính của trình thuật tự mạc khải trước hết là một người cha khiêm hạ. Người cha tự trở nên bé nhỏ, hèn hạ để nhường không gian cho con được tồn tại. Sự khiêm hạ của Thiên Chúa thể hiện qua sự kiện Ngài tự ý rút lui cho chúng ta được hiện hữu, Ngài tạo không gian cho phẩm giá của thụ tạo. Có thể nói Thiên Chúa tự giới hạn mình để chúng ta có thể hiện hữu với tự do.
Thánh Phanxicô Assisi trong Bài Ca tán tụng Thiên Chúa Chí Tôn không ngại ngần cất lời ca tụng Đấng Vĩnh Cửu “Ngài là Đấng Khiêm hạ!”.
2.  Thiên Chúa hi vọng. Một tên gọi khác của Khiêm hạ là Hi vọng. Nếu khiêm hạ là nhường không gian cho tha nhân được tồn tại, thì Hi vọng là hướng về tha nhân ấy với ước muốn người ấy hiện hữu, đáp lại với một tình yêu tự do và vô cầu. Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa của niềm Hi vọng, không chỉ theo nghĩa Ngài là Thiên Chúa của Lời hứa và là nền tảng và bảo đảm cho mọi hi vọng của con người, nhưng còn theo nghĩa Ngài là một Thiên Chúa biết chờ đợi trong khát khao và mừng rỡ mở tiệc vì con người hoán cải trở về.
3. Tình mẫu tử. «Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương (esplanchnísthe) chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để» (c.20). Cảm xúc như “ruột quặn đau” chỉ xuất phát từ tình yêu của ruột gan người mẹ. Thiên Chúa yêu thương như chỉ một người mẹ mới biết yêu con. Một tình yêu sáng ngời sự dịu dàng và vô điều kiện (không căn cứ vào công trạng và đức độ), một tình yêu trung tín lớn hơn mọi thứ bất trung của con người. Tình yêu tôn trọng đến cùng sự tự do của con và vẫn tiếp tục yêu con dù bị khước từ.
4. Tình yêu can đảm. Người cha trông thấy con trở về thất thểu từ xa, đã chạy ra ôm lấy con. Cung cách thái độ ấy xem ra ngược với tâm thức người sêmit phương đông vốn quan niệm người cha, nhất là trong hoàn cảnh này, phải tỏ ra nghiêm nghị và cứng rắn. Theo thói thường lẽ ra phải chính người con hoang đàng ấy chạy đến phủ phục trước mặt cha và tỏ bày sám hối ăn năn và xin lỗi. Câu chuyện trình bày cho ta thấy đàng này, ngược lại, người cha ấy chạy đến với con trước và ôm lấy con, … Ông không sợ mất phẩm giá ha tư cách của mình, không sợ bị mất mặt. Ông là một người cha yêu con cách can đảm. Quyền bính của người cha không do khoảng cách người ta phải giữ giữa cha với con, mà ở nơi tình yêu ông rạng rỡ bộc lộ ra.
5. Thiên Chúa vui mừng hoan hỉ. Rõ ràng tất cả những gì người cha bộc lộ khi con trở về là sự vui mừng: đem mặc cho con quần áo mới, giày dép mới, nhẫn đeo, bê béo được làm thịt ăn mừng; cả một bữa tiệc ngày lễ đặc biệt. Đó là lễ tiệc ăn mừng ở trên trời vì chỉ một người tội lỗi ăn năn sám hối chứ không vì chín mươi chín người công chính không cần sám hối. Đó là niềm vui, nỗi hoan lạc của Thiên Chúa rất hài lòng, nhưng đã chấp nhận chịu đau khổ trước. Nếu nơi Thiên Chúa có một niềm vui mới mẻ nào, thì cũng có một mầu nhiệm đau khổ đã đi trước, có căn nguyên xuất phát là từ chính lòng thương xót, tình yêu từ ái từ dạ mẫu thân của Thiên Chúa.
6. Thiên Chúa biết đau khổ. Người cha trong câu chuyện không phải là một người cha vô cảm, lạnh lùng chỉ đứng nhìn thế gian đau khổ, nhưng là một Thiên Chúa biết đau khổ vì yêu thương thụ tạo của mình vô cùng.
«Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy» (c. 24.32).
Thiên Chúa biết đau khổ vì yêu thương, Ngài dấn thân vào các sự kiện cuộc sống con người, chấp nhận trở nên nghèo hèn vì yêu thương thụ tạo của Ngài. Đó không phải là một vị Thiên Chúa xa lạ, dửng dưng với nỗi đau của con người, tự giam hãm khép mình trong thế giới thần linh riêng, nhưng biết tham dự vào lịch sử của con người.
Tất cả những nét đặc trưng của người cha mà dụ ngôn diễn ta mạc khải mầu nhiệm Đau Khổ ấy của Tình yêu Thiên Chúa kín ẩn ở đáy sâu con tim của Chúa Cha, Thiên Chúa của Đức Giêsu.

2. Hai đứa con hư trong trái tim người Cha nhân hậu

Đứng trước người cha nhân hậu đó là hai người con.
1. Người trẻ hơn là người con thứ hoang đàng. Kẻ đã muốn làm chủ đời mình theo ý riêng của mình. Tội lỗi của nó hệ tại ở chỗ nào? Nó không muốn cha liên quan gì đến cuộc sống của mình, nó muốn hoàn toàn tự làm chủ cuộc đời mình. Tội lỗi của đứa con này, cũng là hình ảnh tiêu biểu của mọi tội lỗi của con người, hệ tại ở chỗ nó muốn tuyệt đối làm chủ đời mình, thay chỗ của Thiên Chúa Đấng tuyệt đối Chủ tể sự sống
Tự lo lấy sự sống mình không cần đến Chúa có nghĩa là không còn sống nữa, lạc mất hướng sống, cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa, cuộc đời hết đẹp, kiệt sức, đi vào cõi chết. Nhưng đứa con hoang đàng ý thức hết tình trạng này của mình. Bấy giờ nó đứng dậy và định trở về với cha; hành trình này có thể xác định là hành trình từ sự giàu có trở về nghèo nàn gồm 5 bước sau đây:
i) Lưu đày bên ngoài: khởi đầu của cuộc hoán cải, nó cảm nhận được tình cảnh tồi tệ của mình. Điều này nói lên rằng bình thường sự hoán cải bắt đầu từ một động lực vị kỉ: cảm thấy mình ở trong tình trạng tồi tệ và muốn cải thiện nó.
ii) Nhớ quê nhà: yếu tố thứ hai của cuộc trở về là nhớ nhà cha mẹ với những ngọt ngào, ấm áp, no đủ kể cả của những người làm công không phải là con cái, đối lập với nỗi cay đắng, giá lạnh, đói khát hiện tại của bản thân đứa con trong cảnh lưu đày.
Iii) Lưu đày trong tâm hồn: nhận thức bị lưu đày trong tâm hồn. Nhận thấy được tình trạng lưu đày bên ngoài chưa đủ. Cần phải có ý thức gốc rễ sâu xa của sự ác là sự lìa bỏ Thiên Chúa. “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (c.18.19). Đó chính là sự xa lìa Đấng đã yêu thương ta vô cùng. Đó là muốn làm chủ đời mình bằng cách trở nên giàu có bản thân nhưng nghèo nàn Thiên Chúa, và sau cùng bản thân cũng trở nên nghèo nàn. Chúng ta hãy nhớ rằng ta đánh mất quê hương là do tội lỗi của ta. Tình trạng lưu dày nội tâm đó dẫn đến:
iv) Từ bỏ quá khứ tội lỗi, hướng về tương lai Thiên Chúa yêu thương: Bởi vì khi nghĩ về quê hương tràn ngập yêu thương ta nhớ lại trong nhà cha cơm dư gạo thừa, vì cha nhân lành. Không có yếu tố thứ tư này thì hoán cải không sinh hoa kết quả. Sau khi đã nhận thấy tình trạng lưu đày bên ngoài và nhớ quê nhà và cảm thấy đau đớn sự lưu đày trong nội tâm, thì cần phải có niềm Hi vọng và Tin tưởng rằng ta có thể có một cuộc sống mới tốt đẹp. Nhớ về quê nhà tràn ngập yêu thương cần phải quyết chí muốn một tương lai trong xác tín rằng Chúa Cha có thể giúp ta làm lại từ đầu, một cách mới mẻ và bất ngờ. Cuối cùng là bước thứ năm:
v) Trở về thực sự với Cha: tất cả những gì nói ở bốn bước trước đây phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, một hành động sám hối thực sự trở về với Thiên Chúa. Đó là một hành động thấy được bên ngoài bởi một thay đổi bên trong tâm hồn: “Thế rồi, anh ta đứng lên đi về cùng cha” (c.20). Đó là cái quyết định mà nếu không có thì hoán cải vẫn chỉ là một ước muốn đạo đức, mà không diễn tả thành một đời sống mới làm thay đổi số phận một cuộc đời. 
Con đường giải thoát chính là đây: anh bạn trẻ từ giàu có trở nên nghèo hèn. Từ cuộc sống có vẻ như tự do đối với Cha để sống tự lập trong sự giàu có của mình anh đi đến sự tự do đối với bản thân để sống nhờ Cha, cởi mở hoàn toàn và vô điều kiện với Thiên Chúa trong tinh thần và đời sống nghèo khó.
2. Cuối cùng, còn người con trưởng kia, nhân vật thứ ba và sau cùng của dụ ngôn, luôn sống trong nhà gần cha về mặt thể lí, chưa bao giờ rời khỏi “tiền đình nhà Chúa”. Câu chuyện của người con trưởng cho ta hiểu ngay rằng gần gũi bên ngoài không nhất thiết có nghĩa là gần gũi trong tâm hồn. Người ta có thể sống cả đời trong nhà Chúa mà không yêu mến Chúa
Ở đây ta gặp phải cùng một tội như của con thứ. Người con trưởng muốn làm chủ đời mình, tự cho mình là trọng tài, thẩm phán xét xử về điều gì tốt điều gì xấu, cũng như phán xét về người em, “thằng con của cha kia”, hoang đàng. Như thế mặc dù ở gần Cha ta cũng có thể cách xa Cha khi ta xét đoán đời sống và tâm hồn người khác.

 
Nguồn: Tài liệu ĩnh tâm Linh Mục Giáo phận Cần Thơ 2022

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

11

Lịch Phụng vụ

THÁNG 11 – CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN
9 Thứ Bảy   CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATÊRANÔ
10 Chủ Nhật   CHÚA NHẬT XXXII TN
11 Thứ Hai   Thánh Máctinô thành Tours, Giám mục
12 Thứ Ba   Thánh Giôsaphát, Giám mục, Tử đạo
13 Thứ Tư   Thứ Tư Tuần XXXII Thường Niên
14 Thứ Năm   Thánh Têphanô Têôđo Cuênot Thể
15 Thứ Sáu   Thánh An-béc-tô Cả, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh.
16 Thứ Bảy   Thánh nữ Ma-ga-ri-ta Scốt-len.
17 Chủ Nhật   CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập15
  • Hôm nay2,382
  • Tháng hiện tại20,247
  • Tổng lượt truy cập7,197,069

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây