Bước theo Đức Kitô nghèo khó

Thứ ba - 27/12/2022 03:02  872
hinh chua nhat 28 b


BƯỚC THEO ĐỨC KITÔ NGHÈO KHÓ

 

1. Nguồn cội của đức nghèo khó Kitô giáo

Nghèo khó: từ thân phận của con người đến thờ lạy Chúa
- Nghèo khó là một hoàn cảnh sống của con người, bởi vì con người là một thụ tạo giới hạn, mỏng manh, bấp bênh, đặc trưng bởi sự luôn có nhu cầu và cái chết không thể tránh thoát được. Con người là loài phải chết, điều đó cũng đủ để nói lên tình cảnh nghèo hèn cùng cực của con người.
Và chính sự nghèo khó từ căn để này của phận người đã đưa người tin đến chỗ thờ lạy Đức Chúa hằng sống.


Sự nghèo khó và người nghèo trong Cựu ước
- Trong Cựu ước, nghèo được cho là túng thiếu, trong khi giàu có là dấu của bình an hiện diện, như ân sủng và phúc lành của Thiên Chúa ban xuống cho người công chính, cho tín hữu (cf. Tv 34,10-11; 112,1.3). Tuy nhiên người nghèo luôn là đối tượng được Thiên Chúa bảo vệ, chăm sóc và quan tâm. Những người nghèo là hệ quả của một sự bất công xã hội nào đó, là nạn nhân của áp bức và bóc lột, bởi thế có sự hiện diện những kẻ thuộc giai cấp quyền lực và giàu có bóc lột. Người nghèo bởi thế bị tước mất phẩm giá, chính vì thế Thiên Chúa xót xa và cảm thương họ, đến độ đau khổ cùng họ (cf. Xh 2,25), trở nên đấng cứu độ và báo oán cho họ (Tv 72,12-14).
- Tuy nhiên, những người nghèo này, nạn nhân của lịch sử, cũng được coi là những người đang sống trong hoàn cảnh mong đợi, khao khát, đói khát sự công chính và khiêm hạ. Trong viễn tượng này, những người nghèo là những người không có quyền lực, không kiêu căng, tự mãn, bạo lực, và chỉ mong ngóng Thiên Chúa đến mang ơn cứu độ, đợi chờ ngày của Chúa; họ là “những người nghèo trong tâm hồn” (Mt 5,3; cf. Tv 34,19 LXX), những anawim, những người nghèo của Thiên Chúa (cf. Xp 2,3) sống trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, trong hiền lành và khiêm hạ.


2. Đức Giêsu, người nghèo lí tưởng
- Đức Giêsu, “vốn giàu có, lại trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta trở nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người” (2Cr 8,9).
- Đức Giêsu, theo những gì các sách phúc âm thuật lại, không thuộc giai cấp bần cùng nhất của xã hội thời Người, không là người cùng khốn và chưa bao giờ được gọi là một người khốn khổ (ptochós) về phương diện xã hội. Ngài thuộc một gia đình làm nghề thủ công, con của một bác thợ mộc (cf. Mt 13,55) có khả năng với nghề nghiệp ấy bảo đảm nuôi sống gia đình ở mức sống trung bình.
- Trong thời gian hoạt động công khai rao giảng, trong bức tranh cuộc đời rong ruổi nay đây mai đó, Người có thể trông nhờ vào một ngôi nhà nào đó mà Người lưu lại tạm thời (cf. Mc 1,29.35) và hưởng nhờ sự hiếu khách từ phía các môn đệ và những người có lòng với Người, có lương thực để ăn nhà để ở. Phúc âm thứ tư cho ta biết có một “quỹ chung” (Ga 12,6; 13,29) trong nhóm các môn đệ. Sau cùng, Người được gọi và được người ta công nhận là một rabbi và là tiên tri, với uy tín và uy quyền đó Người còn được hay mời đến các nhà giàu sang khoản đãi ăn uống (cf. Lc 5,29-32; 7,36-50; 19,1-10).
- Thế nhưng, sự nghèo khó thật của Đức Giêsu là sự nghèo khó của một con người không có gia đình, “không có chỗ để tựa đầu” (cf. 8,20; Lc 9,58), một người không chỗ tựa nương vì không thân với bất kì quyền lực chính trị, kinh tế và tôn giáo nào, một người đứng “ở giữa” (Lc 22,27) các anh em mình trong cộng đoàn chứ không ăn trên ngồi trước, một người hằng ngày sống cuộc sống mình vì Nước Trời và vì anh em, một người đã không thể cậy dựa vào tiền của sung túc và chia sẻ tất cả những gì mình có. Đó là sự nghèo khó đích thật của Kitô giáo, là mẫu gương cho tất cả mọi người. Đức Giêsu, người nghèo trước mặt Thiên Chúa, nghèo trong tâm hồn vì đã xua đuổi dọc suốt cuộc đời và sứ vụ của mình các cám dỗ của ma quỉ (cf. Mt 4,1-11; Lc 4,1-13), cám dỗ về chiếm hữu (lợi), về quyền bính và thống trị (danh và quyền).
Như thế, Đức Giêsu đã là một người nghèo, đúng hơn một người nghèo theo lí tưởng, không vì nghèo theo nghĩa xã hội, nhưng là cái nghèo của một ‘anaw, “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29), biết chia sẻ và hiệp thông. Như một người nghèo, Chúa Giêsu đón tiếp những người bạn nghèo, đơn sơ, bịnh tật, và Người chết như một người nghèo không ai bảo vệ: cả bằng cách đó Người đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa (cf. Ga 1,18).


Giáo huấn của Chúa Giêsu về đức nghèo khó
- Nghèo khó là yếu tố cốt yếu của người môn đệ khi đi theo Chúa Giêsu trong viễn cảnh Nước Trời đang đến gần. Trước hết, Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ đón nhận và sống ưu tiên số một cho Nước Trời, qui hướng mọi sự về đó. Bởi thế, những người nghèo theo tinh thần được cho là có phúc, vì Nước Trời là của họ, họ là những người sống tình trạng mong đợi, khao khát và đón nhận Nước ấy. “Tin mừng, phúc âm được loan báo cho những người nghèo” (cf. Lc 4,18; Is 61,1), Đức Giêsu đã công bố như thế ngay từ đầu sứ vụ của Người trong hội đường Nazaret. Đức Giêsu kêu gọi, nếu muốn làm môn đệ Người, phải từ bỏ của cải, nhà cửa ruộng vườn, gia đình, khởi đầu cuộc hành trình làm môn đệ bằng sự từ bỏ, tự hủy (kenosis) nghĩa là hóa mình ra không:
- Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí (Lc 12,33).
- Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14,33).
- Hãy bán tất cả những gì anh có mà phân phát cho người nghèo, và anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi (Lc 18,22 và //).
Gia đình, tài sản vật chất và thậm chí mạng sống mình (cf. Mt 10,37-38; Lc 14,26-27) có thể trở thành vật cản và mâu thuẫn với việc ta triệt để đi theo Chúa. Bởi thế, khi người tín hữu cảm thấy mình được kêu gọi đi theo Chúa thì họ phải làm một chọn lựa dứt khoát và triệt để.  Người môn đệ chọn Chúa trên hết mọi sự, và như thế họ mới có thể bước đi theo Người, với ý thức mình đã từ bỏ hết mọi thứ “bả vinh hoa phú quí” (Mc 4,19), “thần Tiền Của” (Mt 6,24; Lc 16,13), từ bỏ sự giàu sang của ma quỉ mà đức tin đòi hỏi.
- Sự từ bỏ của cải này cũng đồng thời là việc ta chia sẻ để hiệp thông với những người nghèo. Làm phúc bố thí, thực hành từ bi bác ái, giúp đỡ và chia sẻ với những người bé mọn (cf. Mt 25,31-46) là những cách thức
chia sẻ để từ bỏ mình luôn nhắm tới hiệp thông (koinonia) với Đức Chúa hằng sống và với anh chị em.


3. Đức nghèo khó và cộng đoàn Kitô hữu
- Trình thuật của sách Công Vụ Tông Đồ mô tả Hội Thánh tại Giêrusalem như thể hiện một cộng đoàn phù hợp với ý Chúa, một cộng đoàn trong đó mọi người sống bác ái yêu thương và chia sẻ, các của cải “được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu” (Cv 4,35), để sao cho “không ai phải thiếu thốn” (Cv 4,34). Họ siêng năng không những nghe các tông đồ giảng dạy, tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng, mà còn luôn luôn hiệp thông với nhau (cf. Cv 2,42), và để mọi sự làm của chung (cf. Cv 2,44), chia sẻ của cải “cho mọi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,45).
- Cộng đoàn Kitô hữu là cộng đoàn chia sẻ, trong đó không có của riêng, trong đó có một sự kết nối chặt chẽ giữa sở hữu và lao động không nhằm tư lợi nhưng nhằm đến sự hiệp thông chia sẻ. Các Kitô hữu đã cử hành Thánh Thể, lễ bẻ bánh, vốn là hành động có ý nghĩa chia sẻ, hiệp thông trong một Thân Thể duy nhất, là Thân Mình của Đức Kitô. Nếu các Kitô hữu mà không chia sẻ với nhau các của cải lương thực mình có, thì khi ấy “họ không phân biệt được Thân Thể Chúa và như thế là, họ ăn và uống án phạt mình” (1Cr 11,29), khi ấy họ “khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người nghèo” (1Cr 11,22).
- Một yếu tố thứ hai cần nhấn mạnh trong đời sống của cộng đoàn Kitô hữu là sự quan ngại đối với của cải giàu sang. Tinh thần nghèo khó, vốn đòi hỏi phải tuyệt đối không bao giờ đặt tin tưởng vào của cải, dù là của ta hay không của ta: cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc(1Tm 6,10).
- Một đặc tính thứ ba của tinh thần nghèo khó trong đời sống cộng đoàn Kitô, đó là: liên đới với người nghèo, nhìn đến những người nghèo, xem người nghèo như dấu chỉ huyền nhiệm của Chúa Kitô, và đồng thời, cũng là “mầu nhiệm tội lỗi ở trong thế gian”, họ là nạn nhân của lịch sử những kẻ quyền thế, những người thống trị thế giới này (1Cr 2,8). Lựa chọn ưu tiên người nghèo có nghĩa là chia sẻ các của cải cả ở bên ngoài cộng đoàn, với những người nghèo đang sống trong thế giới.

Kết luận

Sống tinh thần nghèo khó không dễ. Mỗi cá nhân, mỗi cộng đoàn được mời gọi thực hành với tính sáng tạo, trí thông minh, hợp tác với sức mạnh của Thánh Thần, phân định thế nào để trung thành với Phúc âm.
Chúa Giêsu thích tâm hồn nghèo khó hơn mọi thứ của cải (cf. Mc 10,17-22); một thứ nghèo khó không phô trương; một thứ nghèo khó được Chúa Cha “thấu suốt nơi kín đáo” (Mt 6,4); nghèo nhưng sạch sẽ đẹp đẽ chứ không xấu xí; một thứ nghèo khó trong tâm hồn luôn phát xuất từ tình yêu. Một thứ nghèo khó mà chúng ta phải bận tâm và mong tìm kiếm bằng cách nhìn lên Chúa Giêsu và lối sống của Người, chăm chú nhìn vào Người là “Đấng vốn giàu có đã tự nguyện trở nên nghèo khó” (2Cr 8,9) vì chúng ta, Người trong khi sống độc thân vì Nước Trời đã “không có chỗ tựa đầu” (cf. Mt 8,20; Lc 9,58).
Nguồn: Tĩnh tâm Linh Mục Giáo phận Cần Thơ 2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

50c748fb79e4deba87f5

Lịch Phụng vụ

THÁNG 9 – MÙA THƯỜNG NIÊN
Thứ Năm   Thứ Năm đầu tháng, ngày các Linh mục
Thứ Sáu   Thứ Sáu đầu tháng, đền tạ Trái Tim Chúa Giê-su
Thứ Bảy K SINH NHẬT
ĐỨC MARIA
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIII TN 
Thứ Hai   Thánh Phêrô Claver, Linh mục
Thứ Ba   Thứ Ba Tuần 23 TN
Thứ Tư   Thứ Tư Tuần 23 TN
Thứ Năm   Danh Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a
Thứ Sáu N Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ Bảy K SUY TÔN THÁNH GIÁ, lễ kính
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIV TN 

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập10
  • Hôm nay1,727
  • Tháng hiện tại35,874
  • Tổng lượt truy cập7,076,275

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây