Bước theo Đức Kitô vâng phục

Chủ nhật - 04/12/2022 07:55  995
f264243d751cf6d0ca78494a733714f2



BƯỚC THEO ĐỨC KITÔ VÂNG PHỤC

 

1. Thượng nguồn của đức vâng phục

- Đức vâng phục đầu tiên là sự vâng phục của mọi thụ tạo được Tạo Hóa yêu thương kêu gọi đi vào hiện hữu. Đón nhận chính sự sống của mình với lòng tri ân vì mình đã được ban cho hồng ân sự sống, được làm người, được sống trong thế giới này.
- Người tin Chúa kết hợp với Ngài, nghe Ngài mời gọi tìm kiếm trước hết lắng nghe lời Ngài. Vâng phục Thiên Chúa trên hết là nghe lời Thiên Chúa được viết nơi tạo thành (trong thiên nhiên), chứa đựng trong Sách Thánh, nói trong lịch sử và trong cộng đoàn Kitô hữu.
- Đức Giêsu Kitô là người mẫu sống đức vâng phục. Đức Giêsu hằng nghe Chúa Cha (cf. Ga 8,28-29). Lương thực của Người là thực thi thánh ý Cha (cf. Ga 4,34).
“Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8).
- Vâng phục Thánh Thần. Ta cần phải ngoan ngoãn vâng nghe theo Thần Khí của Hiệp thông, Đấng tạo ra trong cộng đoàn nhiều đặc sủng khác nhau, nhiều việc phục vụ và hoạt động khác nhau, nhưng hoạt động ở trong mọi người (cf. 1Cr 12,4-11), hợp thành một thân thể duy nhất gồm những chi thể kín múc ơn thiêng từ Ngài (1Cr 12,12-13).
Thần Khí luôn đi kèm theo Lời : nếu chữ viết mà thiếu Thần Khí thì giết chết (cf. 2Cr 3,6), thì Thần Khí, “Đấng đồng hành không thể tách rời với Chúa Kitô” (Basiliô thành Cêsarê), không bao giờ có thể mâu thuẫn với Tin mừng.

2. Trung gian nhân loại chuyển tiếp thánh ý Chúa

Những trung gian chuyển tiếp ý muốn của Thiên Chúa có thể là: người “làm lãnh đạo” (protos: Mc 10,44); người “làm lớn hơn cả” trong anh em (meízon: Mt 23,11; Lc 22,26); “những người hướng dẫn” (số ít: hegoúmenos: Lc 22,26). Cộng đoàn Kitô hữu được tổ chức, được hợp thành bởi các đặc sủng và các phận vụ khác nhau, và trong đó một số người là “lãnh đạo nhân danh Chúa” (hay “chủ sự trong Chúa”: proistámenoi en Kyrío: 1Tx 5,12), hoặc là “những người hướng dẫn”(hegoúmenoi: Dt 13,17) cần phải được những người kia nghe lời. Chính Chúa Giêsu đã đặt người chăn dắt đoàn chiên là cộng đoàn Kitô hữu (cf. Ga 21,15-17), Thánh Thần đã thiết lập các kỳ mục (presbýteroi: Cv 20,17) và các giám mục (epískopoi: Cv 20,28) để chăn dắt Hội Thánh Chúa, đàn chiên Chúa giao phó cho họ (cf. 1Pr 5,2). Những người phụ trách này được gọi theo lời của Chúa Giêsu là “những người quản gia (nguyên tự ở số ít: oikonómos) trung tín và khôn ngoan, được ông chủ đặt lên để coi sóc người ăn kẻ ở, để cấp phát phần lương thực đúng giờ đúng lúc” (cf. Lc 12,42) và theo lời của thánh Phaolô là “những người đã dấn thân phục vụ dân thánh” (1Cr 16,15), giống như những người “lãnh đạo nhân danh Chúa” mà các anh em phải phục tùng.
Tất cả họ luôn được mời gọi sống chức vụ của mình như những tôi tớ (diákonoi: cf. Mc 9,35; 10,43, vv.), có khả năng phục vụ theo cách thức khác hẳn cách thực thi quyền lực trong thế gian: Non ita in vobis! (Mc 10,43).
Tuân thủ Quy luật đời sống (QLĐS)
- Vì QLĐS diễn tả một dự phóng sống Tin mừng được khơi dậy bởi Thần Khí  và được Giáo hội chuẩn nhận, nên những ai với tự do và xác tín đã gắn kết với đời tu được đòi hỏi phải xem đó như là trung gian chuyển tiếp thánh ý của Thiên Chúa, nghĩa là nơi tham chiếu của đức vâng phục.
- Chúng ta chỉ có thể sống Giao ước trong cộng đoàn được Chúa kêu gọi, theo các khoản tu luật và các giới răn, đồng thời đón nhận sự phục vụ của vị đứng đầu cộng đoàn. Giao ước đó là một lộ trình cùng đi với nhau, luôn nổi bật bởi tính chất hiệp hành (sinodalità): cùng đi với nhau trên một lối đường. Thế nên, để cùng đi với nhau trên hành trình ta cần chuyển tiếp từ ý riêng (voluntas propria) sang ý chung (voluntas communis), muốn vậy cần có sự vâng phục lẫn nhau, tuân thủ lề luật chung cho mọi người, và vâng phục vị lãnh đạo và có nhiệm vụ phục vụ cho sự hiệp thông, ngài dù ở dưới luật nhưng còn là người giải thích luật.
Lắng nghe và tùng phục lẫn nhau
Hội Thánh hiệp hành mở rộng “chiếc lều” của mình ra liên tục và kiên trì, bắt đầu bằng việc lắng nghe. Tất cả các thành viên chân thành lắng nghe tiếng Chúa, qua việc lắng nghe nhau, gồm cả những người ở “ngoại vi”. Điều này đòi hỏi chúng ta có một sự hoán cải rộng và sâu, về thái độ cũng như về cơ cấu, và cách thức đồng hành mục vụ. Không lắng nghe dẫn tới hiểu lầm, loại trừ, và gạt người khác ra ngoài; từ đó sinh ra thiếu tin tưởng, sợ hãi, hủy diệt sự hiệp thông cộng đoàn. Mục tử khi không muốn nghe, có lí do thoái thác, hoặc khi vấn đề trình bày không được trả lời, thì sẽ sinh buồn chán, thất vọng, ghẻ lạnh trong lòng người giáo dân. Không lắng nghe, hoặc trả lời những khó khăn của con chiên, bề dưới ngoài bối cảnh hoặc không đi vào bản chất của vấn đề họ đang gặp, thì lời khuyên giải đáp đạo đức ấy trống rỗng. Lắng nghe thật sự đòi chúng ta phải nhìn nhận người khác là chủ thể hành trình của họ; như thế người ta mới cảm thấy họ được đón nhận không định kiến, họ được tự do chia sẻ ý kiến về con đường thiêng liêng của họ. Đây là bước hiệp hành quan trọng, theo nhiều kinh nghiệm cho ta biết, và trong nhiều trường hợp giúp biến đổi nhiều nhất. Kinh nghiệm hiệp hành của người mục tử và các tín hữu trong cộng đoàn cho biết đây là con đường để nhận biết những anh chị em ở rìa, bên lề Giáo hội, họ thường không cảm thấy mình thuộc về Giáo hội, họ là những giáo dân, tu sĩ nam hay nữ, trước đó cảm thấy Giáo hội cơ chế không quan tâm đến kinh nghiệm đức tin hay ý kiến của họ. Tránh né không lắng nghe con chiên chân thành có khi do linh mục sợ phải dấn thân mục vụ.
Vâng phục nhau trong đời sống cộng đoàn thật ra đơn giản là sống điều răn mới Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ Người: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34; cf. 15,12).

Vâng phục người lãnh đạo và những người phụ tá
Nghệ thuật lắng nghe
Để thực hiện việc phục vụ của mình người phụ trách (bề trên) trước hết phải biết lắng nghe không mệt mỏi anh em chị em mình, ngoài việc lắng nghe tiếng Chúa. Lắng nghe là biết đón nhận anh chị em bằng cách tự đặt mình sẵn sàng phục vụ họ theo các nhu cầu của họ.
Nghệ thuật nói chuyện
là nghệ thuật giáo hóa bằng lời uy lực và bằng hành động của chính mình, bằng cách sống của mình. Người phụ trách giáo huấn bằng lời nói nhất là bằng gương sáng.
Nghệ thuật chỉ huy và quyết định
Người phụ trách cũng là người cầm quyền phải chỉ huy và ra quyết định lựa chọn và yêu cầu những người dưới quyền phải vâng phục. Hẳn nhiên, đầu tiên người phụ trách xin tư vấn đồng thời luôn lắng nghe anh em, và sau khi đã cầu nguyện, kêu cầu Chúa Thánh Thần và xem xét cẩn thận để không có những lí do ích kỉ hoặc đam mê tăm tối nào đó chi phối, ngài mới đưa ra quyết định. Quyết định sẽ được kiểm nghiệm trong thời gian, được kiểm tra qua việc thi hành và kết quả phát sinh, có thể sẽ được xét lại và điều chỉnh, nhưng chỉ khi thật xác quyết.
Nghệ thuật khuyên răn, khiển trách, sửa lỗi
Nhiệm vụ của người phụ trách còn là đôi khi nhắc nhở khuyên răn, khiển trách, sửa lỗi, như thánh Phaolô khuyên nhủ: “hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2Tm 4,2), “vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa” (Dt 13,17). Họ được đặt như người lính canh phòng trong cộng đoàn, nên phải tỉnh thức, phải nhân danh Chúa cảnh báo những ai phạm tội và nói với người ấy họ đang đi vào cõi chết.
Sửa lỗi nhau là dấu chỉ của tình bác ái, một tình bác ái tinh tế khôn ngoan, mang tính phúc âm và nhân văn, để nhắc nhở nhau về trách nhiệm và đặt trở lại trong tình hiệp thông với anh em.

Kết luận

Chúng ta chỉ sống vâng phục khi biết khiêm hạ (cf. Pl 2,8) và quan tâm đến thực tế cuộc sống được kinh nghiệm qua đau khổ (cf. Dt 5,8). Khi gặp khó khăn trong vâng phục, chúng ta hãy khẩn cầu Chúa Thánh Thần, Ngài luôn được ban cho những ai tha thiết kêu cầu Ngài (cf. Lc 11,13). Trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng là luôn vâng phục tự “trong lòng” (ek kardias: Rm 6,17), nếu không, ta chỉ vâng phục “bằng mặt” mà không “bằng lòng” (vâng mà không phục), sẽ thiếu tự do, khi ấy không còn là vâng phục của hàng con cái thảo hiền mà chỉ là của hàng gia nhân.
Nếu đôi khi người bề dưới cảm thấy có những điều tốt đẹp, ích lợi cho linh hồn mình hơn vâng lời bề trên người ấy hãy tự nguyện hi sinh dâng cho Chúa ý riêng mình qua việc thi hành ý bề trên. Đó quả là một sự vâng phục đích thật trong tình bác ái đẹp lòng Chúa và tha nhân (cf. 1Pr 1,22). Và rồi giả như bề trên có truyền lệnh một điều gì nghịch với lương tâm của bề dưới, dù không thể vâng theo nhưng người ấy cũng không từ bỏ bề trên.

Nguồn: Tĩnh tâm Linh mục Giáo phận Cần Thơ 2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

50c748fb79e4deba87f5

Lịch Phụng vụ

THÁNG 9 – MÙA THƯỜNG NIÊN
Thứ Năm   Thứ Năm đầu tháng, ngày các Linh mục
Thứ Sáu   Thứ Sáu đầu tháng, đền tạ Trái Tim Chúa Giê-su
Thứ Bảy K SINH NHẬT
ĐỨC MARIA
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIII TN 
Thứ Hai   Thánh Phêrô Claver, Linh mục
Thứ Ba   Thứ Ba Tuần 23 TN
Thứ Tư   Thứ Tư Tuần 23 TN
Thứ Năm   Danh Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a
Thứ Sáu N Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ Bảy K SUY TÔN THÁNH GIÁ, lễ kính
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIV TN 

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập17
  • Hôm nay2,796
  • Tháng hiện tại29,159
  • Tổng lượt truy cập7,069,560

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây