Cá Hồi và suy tư về ơn gọi

Thứ bảy - 20/04/2024 10:51  348
 
dsc 8799 optimized

(Nhấn vào để xem thêm hình ảnh)


CÁ HỒI VÀ SUY TƯ VỀ ƠN GỌI

Nt. Maria Phong, CMR


 “Cá hồi” là thuật ngữ xuất phát từ tiếng La tinh “Salmo”. Chữ này có gốc từ “Salire”, nghĩa là “nhảy”, “leo lên”, “đi lên”. Trong tiếng Hán Việt, “hồi” có nghĩa là “quay lại”, “trở lại”. Đúng với tên gọi của nó, cá hồi là loài cá hồi hương theo tập tính. Chúng trở về nơi đã sinh ra, dù phải lội ngược dòng và nhảy cao vượt thác. Trong bài thuyết trình này, qua sáu đặc điểm của cá hồi và Tông huấn Christus Vivit (Đức Kitô Sống) của Đức Thánh Cha Phanxicô, gửi cho người trẻ để chia sẻ với ứng sinh chút suy tư trong ngày cầu cho ơn Thiên Triệu.
  1. Tập tính di cư - Sẵn sàng ôm chầm tất cả
Trứng cá hồi được đẻ vào ổ trong hốc đá ở sông suối vào mùa Đông. Cuối đông hay đầu xuân, trứng cá hồi nở thành con. Cá hồi con ở vùng này khoảng hai tháng cho tới khi đủ lớn thì di chuyển tới vùng hạ lưu. Ở đây chúng sống một tới ba năm để tiếp tục phát triển. Khi màu da chuyển sang xám bạc như cách ngụy trang lẩn tránh nguy hiểm, cá hồi điều chỉnh cơ thể cho thích hợp với nước mặn, rồi di cư ra đại dương. Chúng tận dụng nguồn thức ăn dồi dào và phát triển nhanh chóng, dự trữ dưỡng chất, trở nên mạnh mẽ. Khi trưởng thành, tới tuổi sinh sản, chúng quay lại đúng nơi chúng đã sinh ra để sinh sản.  
Tập tính di cư này của cá hồi gợi cho ứng sinh thái độ sẵn sàng chào đón tất cả những gì sẽ đến trên đường tu. Quyết định đáp lại tiếng Chúa đồng nghĩa với việc chấp nhận cả sự lành lẫn rủi ro, niềm vui lẫn nỗi buồn, hạnh phúc lẫn đau khổ, sự dư tràn lẫn sự thiếu thốn, sự nghỉ ngơi lẫn lao công vất vả ở mỗi giai đoạn của đời tu. Ứng sinh ôm chầm tất cả với quyết tâm không để gì qua đi vô nghĩa, nhưng tận dụng mọi cơ hội để lớn lên, trưởng thành mặc lấy Chúa Giêsu (Cl 3,12-13). Với họ, tu không phải là từ bỏ để theo Chúa, nhưng là ở gần gũi mật thiết với Người trước hầu biết cái cần phải từ bỏ. Cuộc di cư của ứng sinh tiến về biển tình yêu Chúa trong đời tu sẽ phải liên tục, nhưng cũng chính tình yêu đó lôi kéo, thôi thúc ứng sinh thẳng tiến, không hề giậm chân tại chỗ. Đức Thánh Cha nói: “Thiên Chúa yêu con. Con đừng bao giờ nghi ngờ điều đó, cho dù bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời con. Trong bất cứ cảnh huống nào, con cũng được Thiên Chúa yêu thương vô tận” (số 112).

 
dsc 8855 optimized
  1. Cùng vươn tới ước mơ - Các thế hệ của ước mơ
Cá hồi sinh ở vùng nước ngọt kín nhưng không ngừng mơ về biển khơi rộng lớn, chứ không chịu giam mình nơi góc sông nhỏ hẹp. Vì thế, chúng thực hiện chuyến phiêu lưu ra biển dù phải đương đầu với nguy hiểm và có thể bỏ mạng. Chúng không khi nào di cư một mình nhưng luôn theo đàn. Ở vùng nước lợ, chúng tụ lại với nhau thành nhiều nhóm, điều chỉnh cơ thể thích hợp trước khi bơi ra biển. Ở đại dương, chúng cùng nhau tung hoành vùng vẫy, thể hiện sức mạnh lạ kỳ của mình. Khi trở về lại vùng nước ngọt, chúng bơi theo từng cặp đực cái để sau đó cùng nhau sinh sản.
Đặc tính cùng vươn tới ước mơ này của cá hồi gợi cho ứng sinh sự gắn kết giữa các thế hệ trong cộng đoàn tu trì, cùng nhau mơ ước nên thánh, đồng nhất với Chúa Giêsu và thực hiện ước mơ hợp nhất của Thiên Chúa (Ga 17,21). Bước vào đời tu, ứng sinh như nói với người đi trước: anh/chị cho em cùng ước mơ với! Và tiếng đáp lại: Hãy đến! Chúng ta hãy cùng mơ ước những điều lớn lao, hãy tìm kiếm những khát vọng cao hơn nơi Thiên Chúa, hãy cùng nhau cống hiến hết mình để xây dựng điều tốt đẹp hơn! (số 15). “Chúng ta đừng bao giờ hối tiếc về việc dành tuổi trẻ của mình làm người tốt, khi mở lòng ra cho Chúa và sống một cách khác” (số 17). Mối liên kết giữa người già và người trẻ trong cộng đoàn thật quan trọng; vì nhờ đó, ký ức tập thể được nuôi giữ, di sản dòng được chuyển giao cho thế hệ sau (số 191). Người cao tuổi có những giấc mơ, dệt nên từ những ký ức, chứa đầy những trải nghiệm quý báu, với những thông điệp ẩn sâu dưới đó. Và người trẻ, nếu biết bén rễ mình từ trong những giấc mơ đó, sẽ thấy tương lai, mở rộng tầm nhìn và tìm ra những lối đi mới (số 193).

 
dsc 8860 optimized
  1. Lội ngược dòng - Khả năng vượt cảnh
Để về lại nơi sinh ra, cá hồi phải lội ngược dòng lên thượng nguồn. Chúng phải bơi với tốc độ rất nhanh, lườn qua ghềnh đá, quăng mình lên cách kiên nhẫn và phóng thân cao hơn dòng chảy. Những cú nhảy cực mạnh này giúp chúng vượt qua các con thác chảy xiết. Tuy vậy, chúng vẫn không tránh khỏi thất bại bởi bị thác cuốn trở xuống hay thành mồi ngon cho ngư dân và các thú khác. Hơn nữa, khi về tới vùng nước ngọt, cá hồi không ăn hay săn mồi mà chỉ dồn sức bơi. Nhiều khi chưa về đến nơi sinh sản, chúng đã kiệt sức mà chết. Dù vậy cá hồi vẫn không nản chí; chúng tiếp tục lội ngược dòng để có thể trở về.
Khả năng lội ngược dòng này của cá hồi gợi cho ứng sinh sức mạnh vượt cảnh. Ứng sinh muốn gặp Chúa và sống tình huynh đệ cộng đoàn ý thức những trở ngại trong suốt hành trình nhưng không gì có thể tách họ ra khỏi lựa chọn. Dù thất bại, chán trường, họ vẫn có thể nhìn thấy chân trời mới và khung cảnh đầy hy vọng. Họ tin rằng trong mọi hoàn cảnh khó khăn, đau thương, vẫn có một lối thoát; và đá tảng cho sự bảo đảm này chính là Chúa Giêsu Phục Sinh (số 104). Điều cần là tái khám phá sức mạnh trong họ, đánh thức Chúa Giêsu đang ngủ trong thuyền linh hồn họ. Sóng gió tới không còn làm cho họ ngạc nhiên hay khiếp sợ. Đức Thánh Cha dặn rằng khi Chúa yêu cầu con điều gì hoặc đơn giản để con đối diện với những thách đố trong cuộc đời, đó là lúc Ngài mong con để cho Ngài thúc đẩy con, động viên con, giúp con trưởng thành” (số 117). Vì vậy, hãy “mạnh bạo lên, can đảm lên!” (Gs 1,9a).
  1. Khả năng định vị - Sức mạnh của cầu nguyện
Cá hồi sử dụng nhiều phương pháp để định hướng trở về như lực từ của trái đất, dòng chảy của vì sao, phần tử sắt trong não, cấu trúc của mắt, hay khứu giác cực kỳ nhạy bén của chúng. Khả năng định vị của cá hồi vẫn là lĩnh vực đang tiến triển. Đến kỳ sinh nở, cá hồi vượt hàng nghìn dặm trở về đúng nơi mình đã sinh ra; dù biển rộng sông dài vẫn không hề sai hướng, lệch dòng. Chúng nhất định sinh nơi quê cha đất tổ chứ không sinh nơi đâu khác. Nếu vì lý do nào không thể, chúng thà ôm bụng trứng mà chết chứ không đẻ nơi đất khách quê người.
Khả năng định vị này của cá hồi có thể ví như sức mạnh của cầu nguyện. Ứng sinh bước vào đời tu được bảo đảm sẽ đi đúng đường và tới đích nếu liên tục tiếp nhận sự khôn ngoan, hướng dẫn của Chúa từ cầu nguyện. Đức Thánh Cha nói: “Cầu nguyện là sức mạnh đầu tiên của hy vọng. Các con cầu nguyện và niềm hy vọng lớn lên, tiến về phía trước”. Tuy nhiên, “Cầu nguyện là một thách đố và cũng là một cuộc phiêu lưu”; vì nó đòi sự thay đổi, từ việc thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin giúp con...” sang lối cầu nguyện của Thánh Phaolô: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? (Cv 9,6). Đây là sự biến chuyển trọng tâm, thay vì xin Chúa giúp làm điều con thấy là tốt thì xin Chúa tỏ ra điều tốt dưới mắt Chúa để con thực hiện. Cha Daniel khẳng định: “Nếu con thật tâm hỏi như vậy, chẳng bao giờ Chúa nỡ im lặng đâu... Con đừng bao giờ sợ sệt. Nếu thực sự muốn làm hài lòng Chúa, chắc chắn ta sẽ làm được”. Với sự thinh lặng của nguyện cầu, ứng sinh có thể định vị chính xác và trở về nguồn Thiên Chúa, nơi ứng sinh được sinh ra.
  1. Sinh sản bảo toàn nòi giống - Sống hiện tại vì thế hệ tương lai
Hằng năm, hơn nửa tỉ cá hồi từ Thái Bình Dương trở về nơi mình sinh ra để làm trọn nhiệm vụ thiêng liêng nhất là sinh sản duy trì nòi giống. Từng cặp cá hồi đực cái tìm địa điểm thích hợp để đào ổ đẻ trứng. Khi cá cái đẻ trứng xong, cá đực phủ tinh trùng lên, dùng đuôi mình đẩy sỏi, cát, rêu, lá lấp vùng trứng lại để ngụy trang. Chúng canh giữ trứng vài ngày rồi cả hai cùng chết; thân thể trôi theo dòng nước. Đông đến, tuyết trắng phủ kín mặt đất nhưng dưới lớp băng phủ kín mặt sông, hàng ngàn cá hồi con chào đời và sinh trưởng, tiếp tục sứ mệnh mà cha mẹ chúng đã trao lại.
Đặc điểm sinh sản bảo toàn nòi giống này của cá hồi gợi về sứ mệnh cao quý mà ứng sinh sẽ ôm ấp để hiện thực hóa; đó là nỗ lực không ngừng trong hiện tại vì thế hệ tương lai. Đức Thánh Cha quả quyết: người trẻ là tương lai và cũng là hiện tại của thế giới, góp phần làm cho thế giới phong phú (số 64), luôn sẵn sàng để bước tới, để nhảy, luôn lao về phía trước, dồi dào sinh lực, có khả năng nhìn với niềm hy vọng, có một khả năng kiên cường nhất định (số 139). Cũng thật đúng khi nói mỗi tu sĩ là hiện tại và tương lai của hội dòng, với tất cả đặc tính kể trên của người trẻ. Mỗi công việc to nhỏ người tu sĩ làm không đơn thuần là chu toàn bổn phận, nhưng tiềm ẩn một giá trị khôn lường, kiến tạo hiện tại, quyết định tương lai. Từng nỗ lực được thực hiện với niềm tín thác gìn giữ linh đạo, truyền thống, di sản, tinh hoa của hội dòng để truyền lại cho đời sau. Đó cũng là lời cảm ơn ý nghĩa nhất của tu sĩ trẻ đối với thế hệ đi trước về những gì họ được lãnh nhận nhưng không.
  1. Cho sự sống loài khác - Đời cho đi
Cá hồi là mối liên kết giữa đại dương với rừng già. Chúng không chỉ sinh sản duy trì nòi giống mà còn đóng góp cho sự sống và phát triển của nhiều loài khác. Ở Thái Bình Dương, xác rữa ra của cá hồi làm nguồn thức ăn dồi dào cho nhiều trứng đang lớn lên và cung cấp dưỡng chất cho các con sông. Những con sông chuyên chở sự sống cá hồi tới đâu, những cánh rừng ven chúng đều được cung cấp dưỡng chất. Ở đất liền, chúng cung cấp thức ăn cho hàng triệu động vật. Cơ thể đầy dưỡng chất mà cá hồi đã tích góp được gấu và chó sói tha đi, phân tán khắp những cánh rừng, đem lại sự sống phì nhiêu cho nhiều vùng trên trái đất.
Đặc điểm trải rộng sự sống mình cho loài khác của cá hồi nhấn mạnh với ứng sinh mục tiêu và sứ mạng của đời thánh hiến. Một khi bước vào đời tu, ứng sinh hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa để phụng sự Người trong thinh lặng nguyện cầu. Họ cũng hiến dâng cuộc đời để phục vụ mọi người trong khi thi hành đoàn sủng và loan báo Tin Mừng. Sự hiến dâng đích thực có khả năng đem đến sự sống và lan tỏa sự thánh thiện đến mọi môi trường mà linh mục, tu sĩ hiện diện. Cả khi họ ra khỏi cõi thế, hương thơm nhân đức của họ vẫn có thể truyền cảm hứng và khơi dậy ước mơ. Những câu chuyện của họ được kể lại có thể tạo động lực và tăng cường ý chí cho những thế hệ sau vượt qua khó khăn tiến về phía trước.
Những gợi hứng về ơn gọi từ những đặc tính của cá hồi cho các ứng sinh, những người đang tìm hiểu đời tu, cũng được gửi tới tu sĩ, những người đã dám ước mơ hiến mình cho Chúa, đang can đảm di cư và lội ngược dòng với thế giới, đang sống hết mình vì hiện tại và tương lai của hội dòng. Đang khi cầu nguyện cho những người trẻ lắng nghe và đáp trả tiếng Chúa, chị em Trinh Vương chúng ta cũng được mời gọi, trong khoảnh khắc tĩnh lặng, trở về với Thiên Chúa trong niềm tín thác hơn, trở về với Đoàn sủng Dòng trong tâm tình tri ân hơn, và lãnh nhận ân sủng mới cho chặng đường tu kế tiếp hăng say hơn. Để kết thúc bài thuyết trình, em xin gửi lại lời dặn dò của Đức Thánh Cha: “Nếu con đánh mất sc sống nội tâm, những giấc mơ, lòng nhiệt thành, niềm hy vọng và lòng quảng đại, Chúa Giêsu đứng trước mặt con như ngày xưa Người đã làm thế với đứa con trai đã chết của một bà góa, và với tất cả quyền năng của Đấng Phục Sinh, Người sẽ thúc giục con: “Này con, Ta bảo con: hãy trỗi dậy!” (Lc 7,14) (số 20).


Tài liệu tham khảo:
  • Tông huấn Christus Vivit của Đức Thánh Cha Phanxicô.
  • Sách “Can đảm lên con” của cha Daniel Considine.
  • Bài viết “Mùa cá hồi Tây Bắc với trái tim cá hồi hải ngoại” của Linh Vũ, tại https://www.goctroivienxu.com/mua-ca-hoi-tay-bac-voi-trai-tim-ca-hoi-hai-ngoai/

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

duc thanh cha 2

Lịch Phụng vụ

THÁNG 10 THÁNG MẸ MÂN CÔI
14 Thứ Hai N Thánh Têrêsa Giêsu Avila
15 Thứ Ba   Thánh Hedwig, Thánh MagarIta Maria Alacoque
16 Thứ Tư N Thánh Inhaxiô Antiôkia
17 Thứ Năm   Thánh Francois Isidore Gagelin
18 Thứ Sáu K THÁNH LU-CA
19 Thứ Bảy   Thánh Gioan Bơrêbớp, và Thánh Ixaác Giogơ, Thánh Phaolô Thánh giá
20 Chủ Nhật   CHÚA NHẬT XXIX TN
21 Thứ Hai   Thứ Hai Tuần 29 TN
22 Thứ Ba   Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
23 Thứ Tư   Thánh Gioan Capistrano, Thánh Phaolô Tống Viết Bường
24 Thứ Năm   Thánh Antôn Maria Claret, Thánh Giuse Lê Đăng Thị
25 Thứ Sáu   Thứ Sáu Tuần 29TN
26 Thứ Bảy   Thánh Gio-an Đạt
27 Chủ Nhật   CHÚA NHẬT XXX TN
28 Thứ Hai K THÁNH SIMON VÀ THÁNH GIUĐA
29 Thứ Ba   Thứ Ba Tuần 30 TN
30 Thứ Tư   Thứ Tư Tuần 30 TN
31 Thứ Năm   Thứ Năm Tuần 30 TN

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập17
  • Hôm nay1,707
  • Tháng hiện tại5,303
  • Tổng lượt truy cập7,182,125

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây