KỲ I
TÂN PHÚC ÂM HÓA LÒNG GHEN TỊ
Ghen tị là một cảm xúc phổ biến như tình yêu hay tức giận, và tất nhiên ghen tị cũng là một cảm xúc mạnh mẽ như bất cứ đam mê nào khác trong lòng người. Thế thì tại sao người ta ít khi chấp nhận hay đề cập đến cảm xúc này? Phải chăng vì cảm xúc ấy là một sự dữ nổi tiếng lâu đời? Ngày xưa cũng như ngày nay, sự ghen tị đều làm cho tất cả chúng ta buồn phiền, bất chấp ý hướng hay những nỗ lực tốt lành mà chúng ta muốn thực hiện để khắc phục sự ghen tị. Trong khi một số người chỉ cảm nhận sự ghen tị như một cảm xúc nhất thời và chóng qua, thì có những kẻ lại bị “chế ngự bởi sự ghen tị,” và hậu quả là họ phải đau đớn trầm trọng về mặt tâm thần, khi sự ghen tị thống trị cuộc sống và tâm thức của họ. [1]
Thần học và tâm lý học Kitô Giáo đều cảnh giác chúng ta đừng coi thường sức hủy hoại của lòng ghen tị. Truyền thống Kitô Giáo xem lòng ghen tị như một điều xấu cố hữu, nên đã xếp lòng ghen tị vào danh sách bảy mối tội đầu.
Các nhà phân tâm học cũng quan tâm đến lòng ghen tị, vì họ nghĩ rằng lòng ghen tị là nhân tố nằm bên dưới nhiều vấn đề liên quan đến mối tương quan của con người, gây đổ vỡ giữa vợ chồng, con cái, bạn bè và các quốc gia.[2]
I. SỰ GHEN TỊ
TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI
1. Những câu chuyện phổ biến về sự ghen tị
Nhiều tác phẩm văn chương đã từng mô tả những thảm kịch do lòng ghen tị gây ra, khi con người tương quan với nhau. Trong Kinh Thánh thì có chuyện giữa Cain và Abel, Giuse và các anh của ông, Người Con Hoang Đàng và ông anh cả; trong kho tàng cổ tích thì có chuyện Cô Bé Lọ Lem; và trong văn học thì có chuyện Othello của Shakespear. Những câu chuyện ấy có thể minh họa lòng ghen tị như một tiềm năng hủy hoại và phản ánh ý hướng căm thù của lòng ghen tị.
- Vì nung nấu lòng ghen tị, Cain đã bị thúc bách phải giết em mình là Abel, khi ông thấy Yavê sủng ái Abel (Stk4,1-8).
- Giuse là nạn nhân của lòng ghen tị, khi các anh của ông thấy “Israel yêu thương Giuse hơn những người con khác..., nên họ đã căm ghét ông và không thể nói năng tử tế với ông” (Stk 37,3-4). Thêm vào đó, khi Giuse kể lại những giấc mơ về một tương lai sáng ngời, báo trước ông sẽ cai trị trên anh em mình, thì ông làm cho họ càng thêm ghen tị. Giấc mơ của Giuse kích thích lòng căm hờn và ghen tị nơi các anh mình, rồi lòng ghen tị ấy đã biến thành việc sát nhân.
- Trong dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, hình ảnh người con cả cũng cho thấy rằng, khi chúng ta nhận thấy một ai đó được ưu đãi một cách bất công mà đón nhận nhiều “của cải” hơn chúng ta thì chúng ta sinh lòng tức giận và ghen tị. Khi người cha xin anh thông cảm với em mình, anh đã đáp lại bằng một thái độ hờn dỗi và oán trách: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà cha chưa bao giờ cho con một chú dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15,29-30).
- Chuyện cổ tích Cô Bé Lọ Lem lại mô tả một khía cạnh khác của lòng ghen tị: sắc đẹp và tài năng thiên phú của một ai đó có thể kích thích lòng ghen tị của những kẻ cảm thấy mình thua kém người khác. Trong câu chuyện này, cô thiếu nữ xinh đẹp đã trở thành mục tiêu tấn công của bà dì ghẻ và con gái của bà, họ cảm thấy sung sướng khi làm cho cô phải đau khổ.
- Cuối cùng, nhà văn Shakespeare vạch trần lòng ghen tị hiểm độc và hủy hoại của Iago, một nhân vật phản diện trong vở kịch Othello. Vì ghen tị khi thấy Othello gặt hái thành công và có được cô vợ xinh đẹp là Desdemona, Iago bị thôi thúc phải phá hoại cuộc sống hạnh phúc của Othello, bằng cách làm cho Othello nghi ngờ lòng chung thủy của Desdemona. Khi Iago tiến hành âm mưu phá hoại, Othello đã trở nên một người chồng hết sức ghen tuông, đến nỗi ông đã giết cô vợ đáng yêu của mình. Mặc dù lòng ghen tị đã khiến cho Iago tự trừng phạt chính mình, lòng ghen tị ấy cũng đã gây nên thảm kịch cho Othello, khiến ông cũng bị hủy hoại. Ngay cả khi người ghen tị không thể chiếm được những gì người khác đang có, thì dường như họ cũng muốn tước đoạt niềm vui mà người khác đang thụ hưởng. [3]
Khi lòng ghen tị xuất hiện, thì đau khổ cũng đến gần. Theo cách nói của Horace, thì “nỗi đau lớn nhất mà những nhà độc tài xứ Sicile đã tạo ra chính là lòng ghen tị.” [4]
2. Sự ghen tị đã gây ra biết bao đau khổ cho con người.
Nói chung, chính chúng ta là những người phải đau khổ nhất vì lòng ghen tị của mình. Lòng ghen tị có tính chất ái khổ, bởi vì lòng ghen tị làm cho kẻ ghen tị phải chịu những đau khổ vô lý hơn là người bị ghen tị.
Vào Thế kỷ XVIII, một nhà luân lý Do Thái đã nói như sau: Lòng ghen tị không gì khác hơn là tình trạng đần độn và ngu xuẩn, bởi vì người có lòng ghen tị thì chẳng chiếm được gì, và cũng chẳng làm kẻ bị ghen tị mất gì. Do đó, chỉ một mình người ghen tị chịu thiệt thòi... Có những kẻ ngu xuẩn đến mức, khi họ thấy người thân cận có được một thứ gì đó, thì họ ngẫm nghĩ, lo lắng và đau khổ đến mức họ không thể vui hưởng những gì mình đang có.” [5]
Điều chắc chắn là lòng ghen tị của chúng ta cũng có thể làm cho người khác bị tổn thương và đau khổ. Tiếng nói của lòng ghen tị tựa như một băng ghi âm cứ lặp đi lặp lại lời này trong nội tâm kẻ ghen tị: “Tôi sẽ không có được những điều tôi cần, cho nên tôi sẽ phá hoại những ai đang chiếm giữ những gì tôi thiếu.” Vì thế, người ghen tị tìm cách trả thù cho mình bằng cách tấn công những đối tượng vô tội của lòng ghen tị. Cả người ghen tị lẫn đối tượng bị ghen tị đều khó có thể hiểu được nguyên nhân gây ra đau khổ, vì đó là một nhiệm vụ khó khăn và thường để lại một sự hỗn loạn không bao giờ giải quyết được. Nhìn nhận và hiểu được lòng ghen tị của mình, chúng ta có thể đối phó tốt hơn với sự đổ vỡ do cảm xúc ghen tị gây ra. Nếu không nhận ra điều đó, chúng ta dễ trở thành nạn nhân của lòng ghen tị của mình hay của người khác. [6]
[1] Wikie AU và Norren Cannon, PhD, Urgings of the heart (Những thôi thúc trong tim) p.146
[2] Wikie AU và Norren Cannon, PhD, sđd trg.149
[3] Wikie AU và Norren Cannon, PhD, Urgings of the heart (Những thôi thúc trong tim) trg.147
[4] Horace, Epistles, tập 1,1, dòng 58.
[5] Mosche Haim Luzzatto, The path ofthlust, dg. Shraga Silverstein (Feldheim: 1996), được trích dẫn trong Solomon Schimmed, The seven deadly sins: Jewish, Christian and classical relections on human nature (New York: The Free Press, 1992), trg.60
[6] Wikie AU và Norren Cannon, PhD, Urgings of the heart (Những thôi thúc trong tim) trg.146-148