Tân Phúc Âm hóa Lòng ghen tị - kỳ II

Chủ nhật - 02/12/2018 06:59  2019
TÂN PHÚC ÂM HÓA LÒNG GHEN TỊ - KỲ II
 LÒNG GHEN TỊ TRONG CUỘC SỐNG
longghenti2


1. Phân biệt ghen tị và ghen tuông
Chúng ta thường lẫn lộn ghen tị với ghen tuông.


1.1. Ghen tị là cảm thấy đau đớn, khi thấy người khác có được những gì chúng ta thèm muốn, còn ghen tuông là sợ mất những gì chúng ta đang có.
Cảm thấy tức tối khi người khác vui hưởng một điều đáng ao ước, người ghen tị muốn chiếm đoạt hay làm cho điều ấy ra hư hỏng. Trái lại, ghen tuông thì liên quan đến tình yêu. Người ghen tuông sợ mất người yêu vào tay tình địch.
Từ ghen tị bắt nguồn chữ invidere hay invidia trong tiếng La Tinh, có nghĩa “nhìn một cách độc ác hay tức tối..và thèm muốn.” Nói cách khác, người ghen tị nhìn sự vật với “đôi mắt độc ác.” Theo Từ điển Webster, lòng nghen tị là “cảm thấy đau đớn và tức giận khi người khác vui hưởng một lợi lộc, cùng với lòng ước ao muốn chiếm đoạt lợi lộc ấy.” Các nhà tâm lý bổ túc thêm: và muốn phá hoại kẻ đang chiếm hữu lợi lộc ấy.” Lòng ghen tị đặt nền tảng trên niềm tin này: Vì của cải có giới hạn, nên một ai đó chiếm hữu quá nhiều, thì tôi chẳng còn được bao nhiêu. Tóm lại, sự khác biệt giữa ghen tuông và ghen tị là ở chỗ, sự ghen tuông liên hệ đến mối tương quan tay ba, trong đó người ghen tuông sợ kẻ tình địch cướp mất tình cảm của người mà mình yêu thương. Trái lại, lòng ghen tị chỉ liên quan đến hai người: Người này là chủ thể của lòng ghen tị và người kia là đối tượng của lòng ghen tị. [1]

1.2. Ghen tuông liên quan đến việc chiếm hữu người khác, còn ghen tị thì so đo với người khác.
Trong kỳ tĩnh tâm, một người đàn ông đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong cuộc chiến chống lại sự ghen tuông và ghen tị, kinh nghiệm của ông có thể làm sáng tỏ sự khác biệt giữa hai loại cảm xúc ấy. Khi gặp vị linh hướng, ông nói là mình cảm thấy xấu hổ khi phải thừa nhận những cảm xúc khó chịu ấy, nhưng ông thừa nhận là những cảm xúc ấy cản trở ông cầu nguyện, ông thất vọng và thú nhận rằng, sự tức giận xâm chiếm cuộc sống ông đến mức ông không thể cầu nguyện. Và ông thấy rõ sự ghen tuông và ghen tị chính là kẻ phá bĩnh nguy hiểm, vì chúng là tác nhân thổi bùng ngọn lửa tức giận. Sự ghen tuông mãnh liệt đến nỗi, chỉ cần trông thấy bà vợ nói chuyện với một người đàn ông khác là ông đã muốn bỏ đi. Sự ghen tuông ích kỷ của ông đã khiến đời sống hôn nhân toan rơi xuống vực thẳm ly dị. Ông cũng bị dằn vặt vì lòng ghen tị. Ông không ngừng so đo với những người đàn ông khác, và vì thế mà ông cảm thấy bất an vì tức giận. Ông tức giận vì họ thụ hưởng một nền huấn luyện và giáo dục tốt hơn ông, vì họ có những chiếc xe sang trọng hơn xe của ông, vì họ có nghề nghiệp, ngoại hình, tài năng và nổi tiếng hơn ông, và vân vân. Vì sự ghen tuông và ghen tị cản trở ông tiếp xúc với Thiên Chúa và tha nhân, ông cần thẳng thắn đối phó với những cảm xúc ấy thì mới có thể phát triển đời sống tâm linh được. [2]

1.3. Lòng ghen tị có thể được kích hoạt khi so đo với kẻ khác. Qua câu chuyện dưới đây về một người đàn ông trung niên, chúng ta có thể thấy những sự so đo đã kích hoạt lòng ghen tị của ông như thế nào. [3]
Ông may mắn kết hôn với một phụ nữ mà ông cảm thấy tương hợp cả thể xác lẫn tinh thần. Ông cảm thấy hài lòng với chân giáo sư tại trường đại học và tiền lương tuy khiêm tốn, nhưng cũng kha khá. Ông sống tại một khu phố đủ tiện nghi và con cái ông được học tại những trường công có chất lượng. Về mặt xã hội, ông cảm thấy hài lòng với các đồng nghiệp và bạn hữu thân thiện, cũng như với nhiều người bạn thân khác. Nhìn chung, ông hoàn toàn mãn nguyện về cuộc sống mình, cho đến khi ông tham dự buổi họp mặt lần thứ 20 của các bạn học thời sinh viên.
Vì tò mò, ông tham dự cuộc họp mặt ngoài trời để xem các bạn học cũ vui chơi với nhau như thế nào. Thế nhưng, sự tò mò ấy sớm biến thành lòng ghen tị, khi ông biết rằng nhiều người có được một địa vị xã hội cao trọng hơn ông, gặt hái được những thành quả trong lãnh vực kinh tế và nghề nghiệp nhiều hơn ông. Không những họ thu nhập nhiều tiền hơn ông và đang hoạt động trong những lãnh vực có vẻ lý thú hơn ông, mà con cái họ cũng được theo học tại những trường tư thục nổi tiếng và vợ họ dường như có học thức và quyến rũ hơn vợ ông.
Những điều đó đã kích hoạt những cảm xúc ghen tị nơi ông, khiến ông không còn cảm thấy hài lòng với chính mình. Sau cuộc họp mặt, ông trở về nhà với cảm xúc tức tối, tự ti và nghĩ rằng mình giống như một kẻ thất bại. Ông không còn cảm thấy hạnh phúc với vợ mình, và tức giận với bà, vì bà thua kém những bà vợ của các bạn học cũ. Trước đây, ông cảm thấy mãn nguyện với chiếc ghế giáo sư đại học, thì nay ông lại cảm thấy bất mãn vì đồng lương khiêm tốn, công việc nhàm chán và ít có ảnh hưởng, ông ôm ấp một mối thù hằn thầm kín đối với những người bạn thành đạt, ít nữa là ông nhận thấy mình đang ước ao cho họ gặp phải một vài thất bại.
Tóm lại, khi ông so đo với những người khác, ông đã để cho mình bị tấn công bởi lòng ghen tị và hậu quả là ông thường xuyên cảm thấy đau đớn trong lòng, và đánh mất cái nhìn lạc quan về toàn thể cuộc sống mình. Chỉ trong thời gian cuối tuần vắn vỏi, lòng ghen tị đã làm vẩn đục nhận thức của ông, khiến ông không còn thấy được những điều thiện hảo mà ông đã vui hưởng trong cuộc sống mình. [4]

2. Lòng ghen tị và những mặt tốt xấu.

2.1. Mặt tối của lòng ghen tị.

2.1. 1. Mặt tối của lòng ghen tị.

Nhiều người trong chúng ta đã không nhìn nhận lòng ghen tị của mình, hoặc chúng ta miễn cưỡng nhìn nhận lòng ghen tị của mình, vì hình như chúng ta cảm thấy mất giá trị khi nhìn nhận như thế. Chúng ta xem lòng ghen tị như một độc dược mà chúng ta có thể nhốt trong tủ trà, xa tầm nhìn và ngoài tầm tay của chúng ta, mà khi chúng ta hợp lý hóa [5]  lòng ghen tị, thì nó không thể làm hại chúng ta được. Điều đó có lẽ phản ánh xu hướng che giấu những mặt tối nơi con người chúng ta, nhất là những mặt tối khiến chúng ta cảm thấy thấp hèn và hổ thẹn. Vì ghen tị là một trong những cảm xúc khó nhận diện và toàn nhập nhất, nên sự ghen tị dễ trở thành một phần của bóng tối và xói mòn sự toàn vẹn của đời sống tâm linh.
Thần học và tâm lý học Kitô Giáo đều cảnh giác chúng ta đừng coi thường sức hủy hoại của lòng ghen tị. Truyền thống Kitô Giáo xem lòng ghen tị như một điều xấu cố hữu, nên đã xếp lòng ghen tị vào danh sách bảy mối tội đầu.
Các nhà phân tâm học cũng quan tâm đến lòng ghen tị, vì họ nghĩ rằng lòng ghen tị là nhân tố nằm bên dưới nhiều vấn đề liên quan đến mối tương quan của con người, gây đổ vỡ giữa vợ chồng, con cái, bạn bè và các quốc gia. [6]

2.1.2. Ghen tị luôn che đậy một nỗi đói khát sự toàn vẹn đã bị cản trở.

Như mọi vấn đề khác liên quan đến bóng tối, những ai muốn phát triển đời sống tâm linh, thì phải biết nhận ra nhiều bộ mặt khác nhau của lòng ghen tị. Chúng ta phải mở lòng đón nhận nỗi khao khát chưa được thỏa mãn và là nguyên nhân sinh ra lòng ghen tị, bởi vì lòng ghen tị luôn che đậy một nỗi đói khát sự toàn vẹn đã bị cản trở. Cho dù lòng ghen tị có thể được biểu lộ qua những sắc thái cụ thể khác nhau, nhưng trong thực chất thì lòng ghen tị là một nỗi khao khát vô vọng hướng tới một cuộc sống viên mãn, mà Thiên Chúa hứa ban cho chúng ta như một quyền lợi cơ bản. Nếu chúng ta có khả năng nhận ra sự hiện diện của lòng ghen tị và giải mã được ý nghĩa của lòng ghen tị, chúng ta có thể hướng cảm xúc tiêu cực ấy đến những mục tiêu cổ võ sự sống. Nếu chúng ta xem xét cảm xúc ghen tị một cách kỹ lưỡng, chúng ta có thể khám phá được hai điều này. Thứ nhất, lòng ghen tị vừa biểu lộ nỗi khao khát muốn đón nhận những điều thiện hảo của đời sống, vừa biểu lộ sự thất vọng vì những điều thiện hảo mà mình đã đón nhận từ cuộc sống. Người ghen tị cố tước đoạt của người khác những điều họ khao khát. Thứ hai, lòng ghen tị luôn luôn xuất hiện nơi những người không có lòng biết ơn. Trong khi lòng biết ơn sản sinh ra tình yêu, lòng ghen tị lại sản sinh ra căm thù. Khi chúng ta nhận ra lòng ghen tị xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào, thì đó có thể là cơ may giúp chúng ta được chữa lành và trưởng thành. [7]

2.2. Mặt sáng của lòng ghen tị: luôn khát khao một sự viên mãn tròn đầy.

Để hiểu rõ một cảm xúc phức tạp như lòng ghen tị, chúng ta nên biết rằng, cảm xúc ấy bắt nguồn từ ước muốn hoàn thiện của mình. Bất cứ khi nào chúng ta nhận thấy một điều tốt, chúng ta cũng bị lôi cuốn bởi điều tốt ấy. Chúng ta khao khát đến gần hay chiếm hữu điều tốt ấy. Điều tốt ấy có thể là một con người, một đồ vật, một vẻ đẹp hay một đặc điểm cao quý như hạnh phúc hay lòng quảng đại. Trong thực chất, lòng ghen tị liên quan đến sự thiện hảo. Lòng ghen tị bắt nguồn từ nỗi khao khát mãnh liệt muốn chiếm hữu điều thiện và từ nỗi thất vọng sâu xa vì không chiếm được điều thiện ấy. Tính cách độc đáo của mỗi người cũng là yếu tố định đoạt tại sao chúng ta khao khát và đánh giá điều này hay điều nọ là tốt. Điều người này cho là đáng ước ao, thì người khác có thể cho là không đáng ước ao. Lòng ghen tị xâm nhập con tim chúng ta, khi chúng ta không hy vọng chiếm được những điều tốt mà chúng ta ao ước. Tâm trạng sụp đổ và thất vọng là mảnh đất mầu mỡ để lòng ghen tị phát triển, vì lòng ghen tị triển nở mỗi khi chúng ta thiếu niềm hy vọng. Vì thế, chúng ta có thể cảm thấy rất đau đớn khi người khác thành công, hay cảm thấy hân hoan trong lòng khi người khác thất bại.
Lòng ghen tị sẽ xuất hiện, khi chúng ta không hiểu rõ giá trị cao sâu của lòng khao khát mà con người phàm nhân của chúng ta đang trải nghiệm. Là con người, chúng ta mang trong lòng một sự trống rỗng không ngừng khao khát được lấp đầy. Do đó, thánh Augustinô đã cầu nguyện như thế này: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và lòng con vẫn còn thao thức mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.” Qua lời nguyện ấy, chúng ta thấy rằng con người mang trong lòng một nỗi khao khát thẳm sâu, và vì thế, họ luôn luôn cảm thấy chưa đầy đủ và cứ thèm muốn nhiều hơn nữa. Chính vì lòng khao khát vô biên ấy, mà chúng ta hằng ước muốn trở nên viên mãn. Khi chúng ta không ý thức mà chấp nhận khía cạnh ấy nơi thân phận con người chúng ta, chúng ta sẽ trở nên người thất vọng và ghen tị. Chúng ta quên rằng, chúng ta chỉ là những thụ tạo của Thiên Chúa, và chúng ta được dựng nên là để đi tìm sự viên mãn nơi tình yêu Thiên Chúa. Lòng ghen tị làm chúng ta nghĩ rằng, “giả như tôi chiếm được điều này hay điều nọ, tôi sẽ trở nên viên mãn.” Nhưng cuối cùng, kinh nghiệm cho chúng ta thấy mình bắt đầu vỡ mộng và căm ghét chính những điều mà chúng ta nghĩ là có thể làm cho chúng ta mãn nguyện.
Thay vì chấp nhận những hạn chế và mất mát như một phần của cuộc sống, kẻ ghen tị nghĩ rằng người khác thì nhận được nhiều, trong khi họ chẳng nhận được bao nhiêu. Người ghen tị chú ý quá nhiều đến những gì người khác sở hữu, khiến họ không thể tập trung vào những gì họ đang cần và đang mong muốn. Khi họ thiếu nhận thức về chính mình, thì tình trạng đó cản trở họ lãnh trách nhiệm về cuộc đời mình. Họ nghĩ rằng, người khác phải chịu trách nhiệm về những gì họ đang thiếu, và vì thế mà họ tức giận. Họ đổ lỗi cho người khác, đó là tác nhân kích hoạt cảm xúc bị ngược đãi và thù hằn mà họ cho là đúng, khiến họ nghĩ rằng người khác phải trả giá vì đã làm cho họ cảm thấy tồi tệ. Những cảm xúc đau khổ mà họ cảm nghiệm nơi mình, dần dần trở thành sự đau khổ do ngươi khác gây ra cho họ. Sự trống vắng và nỗi khao khát của họ được thay thế bằng sự tức giận và thịnh nộ. Và kẻ nào đang sở hữu những điều mà họ khao khát, kẻ ấy sẽ trở thành kẻ thù, mà hạnh phúc của kẻ thù thì không có lợi cho họ. [8]

3. Bạn bị ghen tị, buồn hay vui, khổ hay sướng?

3.1. Bạn không gì phải buồn, bạn không gì phải khổ, nhưng bạn hãy hãnh diện vì bạn phải có cái gì đó hơn người nên bạn mới bị ghen tị.

Bị người khác ghen tị là một loại bị tổn hại cực kỳ không công bằng và oán hận. Người bị ghen tị đối với người ghen tị có thể không có một tí bất lợi và ác ý nào, thậm chí người trước có những việc làm có lợi và hữu nghị với người sau. Hoàn toàn do lòng dạ hẹp hòi của loại người sau, không thể khoan nhượng người khác trội hơn anh ta, đã sinh ra loại tình cảm đê tiện thấp hèn - đó là ghen tị. 
Nói chung, khi bạn bị người khác ghen tị là lúc bạn đang đóng vai của một kẻ mạnh trong cuộc sống, về các phương diện tài năng hoặc tình cảnh nhân sinh hoặc địa vị danh dự đang có ưu thế nhất định. Còn người ghen tị thì trái ngược với những điều đó, phần nhiều là kẻ thất bại trong cuộc sống. Anh ta có lẽ biết thất bại, biết tình cảnh của nhiều phương diện không bằng người, nhưng anh ta không bằng lòng tiếp nhận thất bại này, không bằng lòng tiếp nhận tình cảnh này mà anh ta lại không bằng lòng có lẽ không thể dùng phương thức tích cực để cải thiện cảnh này. Thế là mưu toan đào khoét sâu khuyết điểm của người khác để bù đắp lại và an ủi mình, hoặc mưu toan quật ngã người khác, đem người khác gạt bằng ngang với mình hoặc thấp hơn một chút. Ðây chính là logic của kẻ ghen tỵ: tôi không làm được, để bạn cũng không làm được như tôi, thậm chí để cho bạn càng không làm được hơn tôi. 

3.2. Bạn bị người khác ghen tị, bạn không gì phải buồn, bạn không gì phải khổ, bạn hãy hãnh diện vì bạn phải có cái gì đó hơn người nên bạn mới bị ghen tị, nhưng bạn hãy coi chừng, nếu bạn không có bản lãnh, bạn sẽ trở thành nạn nhân của sự ghen tị.


Sau khi gặt hái nhiều thành công trong nghề nghiệp và trở thành chuyên viên có tầm cỡ quốc tế, một nữ tu đã kể lại nỗi kinh hoàng của mình, khi bà trở thành nạn nhân của chính cộng đoàn mình, giống như con dê chuộc tội. Là một nhà giảng thuyết được nhiều người săn đón, bà được hưởng mọi “vinh dự” liên quan đến chức vụ ấy. Bà lấy làm ngạc nhiên, vì công việc ấy tuy làm cho bà thích thú, nhưng cũng là một nguyên nhân khiến bà mệt mỏi. Bà trở thành đối tượng ghen tị của chị em trong cộng đoàn, vì trong vô thức họ cảm thấy bực bội vì bà được tự do đi lại (bà thường xuyên đi khắp thế giới như một học giả), trong khi họ chẳng thể đi đâu vì thời khóa biểu dạy học dày đặc. Cuối cùng, khi bà giới thiệu một chuyên viên phụ tá thay mặt bà, thì họ lại không cộng tác với người này, không một ai muốn nói chuyện với người này. Bấy giờ, bà đoan chắc rằng cốt lõi của vấn đề chính là lòng ghen tị. Sau những ngày tháng hội họp mà chẳng đi đến đâu, bà thấy mình không thể giải quyết sự ghen tị tiềm ẩn trong vô thức của họ, nên bà xin chuyển đi nơi khác.
Câu chuyện trên đây cho thấy rằng, đối tượng bị ghen tị có thể trở thành nạn nhân của lòng ghen tị. Đối tượng của lòng ghen tị cảm thấy mình bị tấn công, đe dọa và bơ vơ. Có thể là đối tượng bị ghen tị tìm cách nói chuyện với người có lòng ghen tị và tranh luận với họ, thậm chí chứng minh cho họ thấy chẳng có gì đáng ước ao. Kẻ bị ghen tị có thể đi tới chỗ cắt đứt mọi liên lạc với người có lòng ghen tị. Rốt cuộc, kẻ bị ghen tị có thể nhận thấy là họ không thể làm gì được để cải thiện tình trạng đó, bởi vì nguyên nhân gây ra lòng căm thù không phải là một lỗi lầm hay nhân đức cụ thể nào đó, mà chính là con người của họ.

3.3.Nạn nhân của lòng ghen tị có thể phản ứng bằng nhiều cách khác nhau.

- Nếu họ cảm thấy tức giận vì bị ngược đãi, thì hầu chắc là họ sẽ phản công, và như thế, họ sẽ trở nên người tiêu cực và đầy căm phẫn như kẻ ghen tị.
- Một cách phản ứng khác là để cho mình bị đầu độc bởi lòng ghen tị, khi họ nội tâm hóa lời khiển trách mà người khác phóng chiếu lên họ, và cảm thấy có lỗi. Đó là trường hợp của một thừa tác viên mục vụ đầy năng động, khi ông vô tình biến mình thành nạn nhân của các đồng nghiệp đầy lòng ghen tị. Dần dần ông đi đến chỗ tin rằng, mình cũng xấu xa như lời các bạn đồng nghiệp quả quyết. Hậu quả là ông phủ nhận hoàn toàn những cấu tố trong nhân cách của mình đã khiến các đồng nghiệp tỏ lòng ghen tị. Sau nhiều năm trị liệu, ông mới có thể sửa chữa sự thiệt hại và lấy lại nghị lực mà sống theo bản chất của mình. Qua kinh nghiệm đau đớn ấy, ông biết rằng mọi nạn nhân của lòng ghen tị cần phải ý thức rằng, khi họ đầu hàng trước những nhận xét mà người khác nêu ra vì lòng ghen tị, họ phản bội những phẩm chất cao quý của mình, thậm chí làm cho họ thiếu ý thức về bản thân.
- Các nạn nhân của lòng ghen tị cảm thấy rất bị lôi cuốn phải từ bỏ chính mình, vì họ không thể chịu đựng những đau khổ do người khác ngược đãi. Họ phải có nhiều nghị lực thì mới có thể quý mến những cấu tố trong nhân cách của mình, vốn là những phẩm chất đã làm cho người khác ghen tị. Nhiều khi, hình như người ta thích phủ nhận hay coi thường tài năng và thành công của mình, để xoa dịu những đòn tấn công gây đau đớn của kẻ ghen tị, hơn là quý mến những tài năng và thành công ấy. [9]

4. Những người ghen tị và những người hay bị người khác ghen tị

4.1. Những người hay ghen tị: Francis Bacon cho rằng những người hay ghen tị người khác là những người như sau: người không có đức không có tài, họ không thể từ những ưu điểm của bản thân để rút ra được chất tu dưỡng, mà nhất định phải tìm khuyết điểm của người khác để làm chất tu dưỡng, dùng biện pháp làm bại hoại hạnh phúc của người khác để an ủi mình, bản thân họ thiếu một đức tính tốt đẹp nào đó thì lấy việc hạ thấp đức tính tốt đẹp này của người khác để thực hiện sự cân bằng giữa hai người; người hay đi hỏi thăm những chuyện lời ong tiếng ve, họ lấy việc phát hiện những điều không vui vẻ của người khác, để làm cho mình được một trận hả hê vui tai vui mắt? Ghen tị là một thứ tính dục lang thang khắp nơi, chỉ có những người nhàn cư mới có thể được hưởng nó, còn tất cả những ai vùi đầu vào sự nghiệp của mình, căn bản không có thì giờ để ghen tị người khác; những người có loại khuyết điểm nào đó khó khắc phục, vì khiếm khuyết của mình không có cách nào bù đắp được, nên họ cần phải làm tổn thương người khác để được bù đắp lại; người đã từng trải qua tai họa và thảm họa lớn, những người này thích đem thất bại của người khác xem là sự đền bù đối với những đau khổ mình phải kinh qua trước kia; người có lòng hư vinh cực mạnh, họ không thể nhìn ra trong một sự nghiệp, người khác luôn luôn mạnh hơn anh ta, họ không thể khoan nhượng đồng nghiệp hoặc người mà anh ta rất quen thuộc được đề bạt. 

4.2. Những người hay bị người khác ghen tị: Francis Bacon cũng cho rằng những người dễ bị người khác ghen tị là những người như sau: người ưu tú của thế hệ sau, họ rất dễ bị các vị nguyên lão ghen tị; người xuất thân hèn mọn một khi bốc lên; các công tử nhà giàu "tọa hưởng kỳ thành"; người xuất phát từ dã tâm muốn ngoi lên, khắp nơi ôm lấy việc để làm; người tự kiêu tự đại, những người này mọi lúc mọi nơi đều tỏ rõ ưu việt của mình, hoặc khoe khoang trắng trợn cố hòng áp đảo tất cả mọi người cạnh tranh; người được hưởng địa vị ưu việt nào đó mà lại xảo quyệt che giấu, họ làm cho người khác cảm thấy họ không có giá trị do đó mà không xứng đáng được hưởng hạnh phúc đó; người thích xuất đầu lộ diện và những thằng ngốc thấy các nhân vật lớn xuất đầu lộ diện. 

4.3. Những người dễ tránh tính ghen tị: Francis Bacon còn cho rằng những người dễ tránh tính ghen tị là những người như sau: người có đức hạnh cao cả, vì hạnh phúc của họ đến từ sự lao khổ của họ nên không dễ bị ghen; người với danh hiệu quý tộc cha truyền con nối; người tuần tự tiệm tiến lên cao; người đã từng nếm đủ thảm họa sau mới giành được hạnh phúc, hạnh phúc đến với họ không dễ dàng như thế, cả đến làm cho người khác đồng tình; người hay kể khổ kể nghèo, loại người này cho dù ở địa vị trên cũng vẫn thích kể nghèo kể khổ với người khác, ngâm nga một điệu than vãn ?đang sống như người bị tù đày?, kỳ thực họ chưa chắc đã thật sự chịu khổ như thế, đây chỉ là một màu khói dùng để làm nhạt tính ghen tị của người khác; những nhân vật lớn vui lòng dùng địa vị ưu việt của mình bảo hộ lợi ích của thuộc hạ, hành vi của họ bằng việc đắp lên một "con đê" hữu hiệu để ngăn chặn ghen tị; người bất kể ở vị trí địa vị nào đều có thể bình thản thành khẩn cởi mở mình với người khác; người chỉ nấp ở sau màn mà không dễ dàng xuất đầu lộ diện; người mà ở một số mặt để cho người khác chiếm vị trí ở trên mình. [10]

4.4. Chiến lược để tránh thảm họa của lòng ghen tị: Bị người khác ghen tị, không duyên cớ bị người khác thù hằn, bị người khác vu cáo hãm hại, bị người khác bức hại, thì trong lòng luôn khó chịu, có một nỗi cay đắng khó nói ra. Nhưng, nhìn thế giới nhiều hơn, nhất là nhìn những người hay ghen tị người khác nhiều hơn, nhìn thấu rõ hơn thì trong lòng sẽ có thể bình tĩnh hơn nhiều. Những người ghen tị bạn phần nhiều là những người không bằng bạn, người mạnh hơn bạn nói chung không thể ghen tị bạn. Như vậy, chiến lược cơ bản của bạn nên là giữ vững trận địa của mình, ít xuất kích đối với người ghen tị bạn. Chỉ cần bạn bình tĩnh, giữ được thêm một ngày thì kẻ ghen tị bạn sẽ có thể khó chịu thêm một ngày. Giống như khi bạn đang đọc sách, viết văn, gặp phải những tiếng ồn từ bên ngoài phòng cố ý phát ra để quấy rầy bạn, bạn chỉ có bình tĩnh đứng dậy đi đóng chặt cửa sổ lại, nhốt tiếng ồn ở bên ngoài phòng, như thế có lẽ bạn mới có thể tiếp tục đọc sách, viết văn được. Bằng không, bạn phải chạy ra quát một tiếng lớn đối với kẻ phát ra tiếng ồn, cãi nhau một trận đến đỏ mặt tía tai hoặc dẫn đến bệnh tim phát ra, thế thì bạn sẽ hỏng bét hết, không những không lập tức tiếp tục đọc sách viết văn, chưa biết chừng đến mấy tiếng đồng hồ liền đều vì tâm trạng không tốt mà không làm nổi việc gì. 
Ngoài việc giữ chặt trận địa của mình, không dễ dàng xuất kích, nếu như có thể thiết kế một vài biện pháp khéo léo hơn để tránh né ghen tị, thì càng lý tưởng hơn. Ví dụ, trước vinh dự cố gắng ít chìa tay ra, khi chưa cần xuất đầu lộ diện cố gắng ít xuất đầu lộ diện, càng không nên đi khoe khoang mình. Hãy suy nghĩ thay cho người khác nhiều hơn một chút, những thuận tiện có thể nhường cho người khác thì hãy để cho họ chiếm. Hãy cống hiến nhiều hơn một chút cho công chúng, cho xã hội. Mọi lúc mọi nơi làm việc thiện, chân thành gặp gỡ với người khác. Bồi dưỡng tình cảm đạo đức cao thượng... Như thế, có lẽ bạn sẽ có thể xua tan được đám sương mù của ghen tị sáng tạo cho mình một bầu trời trong trẻo. [11]

 
5. Lòng ghen tị trong đời sống cộng đoàn


Sự khác biệt của các cá nhân trong cộng đoàn có thể là một thuận lợi và có thể là một bất lợi tùy ở nơi chúng ta.

5.1.Thuận lợi: Sự khác biệt của các cá nhân có thể là một cơ hội làm giầu cho cộng đoàn.

Cần lưu ý hết sức đến những hậu quả do lòng ghen tị gây ra trong đời sống cộng đoàn, vì đa số chúng ta đều sống và làm việc trong nhóm. Các chuyên viên năng động nhóm đều cho rằng, các cuộc xung đột trong nhóm thường bắt nguồn từ một sự ghen tị trong vô thức tập thể. Các nhóm ít khi được thành lập bởi những người đồng đều như nhau; những khả năng phú bẩm không đồng đều là chuyện không thể tránh. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng ấy không đương nhiên sinh ra lòng ghen tị, nếu mỗi cá nhân cảm thấy đủ an tâm và tự tin, mà hiểu rõ giá trị của những gì mà mỗi người cống hiến. Trong trường hợp đó, “chúng ta không buộc phải có hết mọi sự và làm hết mọi việc. Chúng ta có thể tin tưởng rằng, người khác sẽ cung cấp cho chúng ta những gì chúng ta thiếu.” Đó là điều mà Ann và Barry Ulanov, hai nhà phân tâm học theo trường phái Jung, đã khẳng định trong một tác phẩm nghiên cứu về lòng ghen tị. Họ còn nói thêm rằng, chúng ta “có thể vui mừng vì tài năng và khả năng của người khác, bởi vì chúng ta cùng nhau làm nên một khối toàn vẹn và đáng mong ước.” [12]

5.1.1 Sự khác biệt của các cá nhân có thể là một cơ hội làm giầu cho cộng đoàn, nếu biết liên kết những khác biệt:
Có khi nào bạn quan sát một người thợ xây bức tường từ những viên đá tự nhiên có hình dạng khác nhau -  viên có dạng hình chữ nhật, viên hình tam giác và cả những viên không có hình dạng nhất định. Thế nhưng với sự khéo léo của người thợ, những viên đá khác nhau đó đã tạo nên một bức tường rất chắc chắn và mang tính mỹ thuật cao.
Cuộc sống cũng vậy. chúng ta sinh ra và lớn lên chẳng ai giống ai. Mỗi người một tính cách, mỗi người một thế mạnh riêng. Cuộc sống, công việc xung quanh ta là bức tranh rộng lớn được hình thành bởi những con người với những tính cách khác nhau đó. Có người chú ý đến tổng thể và có người chỉ quan tâm đến chi tiết. Nhiều người rất giỏi trong việc nghĩ ra các ý tưởng hay thiết lập các kế hoạch vĩ mô nhưng lại không có cách triển khai, theo đuổi và biến nó thành hiện thực. Ngược lại, số khác có thể bền bỉ thực hiện mọi kế hoạch đề ra đến cùng. Hiếm có người nào một mình có thể làm được tất cả.
Chắc chắn sẽ rất thành công nếu chúng ta biết kết hợp những con người với những tính cách khác nhau đó để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho tổ chức của mình. Và người giỏi không phải là người làm tất cả mà là người biết dùng những người giỏi hơn mình để làm những công việc thích hợp.
Howard Murad là bác sĩ chuyên khoa da liễu ở
Los Angeles. Ông nhận thấy hầu hết các bệnh nhân đều mong muốn được kết hợp giữa việc điều trị và chăm sóc sắc đẹp. Nhưng ông cũng biết rất rõ rằng ít có ai trong ngành y có thể giỏi trong cả hai chuyên môn này: "Tôi quyết định hợp tác với một bác sĩ phẫu thuật, và nếu bệnh nhân của tôi cần đến một cuộc giải phẫu thẩm mỹ thì đó không còn là việc của tôi nữa”.
Sau hai mươi năm thực hiện việc điều trị bệnh kết hợp với chăm sóc sắc đẹp, bác sĩ Murad thu được khoảng 60 triệu đô la mỗi năm từ việc bán mỹ phẩm và điều trị theo phương pháp tắm nước khoáng. Ông nhận xét: "Tôi có được ngày hôm nay có lẽ là do tôi chọn cách làm việc với những người am tường những điều mà tôi không biết”. [13]

5.1.2. Sự khác biệt của các cá nhân có thể là một cơ hội làm giầu cho cộng đoàn, nếu biết hợp tác với nhau:
Có hai người đang trong cơn hạn hán đói kém thì nhận được đồ bố thí của một ông cụ: một cần câu cá và một giỏ cá sống. Người thứ nhất chọn giỏ cá, người thứ hai chọn cần câu rồi ai đi đường nấy.
Người chọn giỏ cá thì kiếm củi nhóm lửa, rồi ngấu nghiến nướng ăn mà chẳng biết tận hưởng mùi vị thơm ngon của cá. Nhưng không lâu sau cá hết, anh ta chết đói cạnh cái giỏ không.
Còn người thứ hai thì cầm cần câu nhịn đói, ráng lê từng bước đi đến bờ sông. Nhưng chưa kịp đến nơi thì kiệt sức, anh ta gục chết giữa đường.
Lại có hai người đang đói khác cũng được ông già cho một cái cần câu và một giỏ cá. Nhưng hai người này không chia tay nhau mà rủ nhau cùng đi tìm dòng sông. Trên đường đi, họ vừa hỗ trợ, vừa động viên nhau cùng cố gắng, khi mệt mỏi thì bắt ra một con cá nấu chia nhau ăn. Cuối cùng, họ cũng đến được dòng sông. Từ đó, hai người sống bằng nghề đánh bắt cá. Mấy năm sau, họ xây nhà, lập gia đình rồi sinh con đẻ cái, sống khỏe mạnh và hạnh phúc. [14]

5.1.3 Sự khác biệt của cá nhân có thể là một cơ hội làm giàu cho cộng đoàn, nếu biết ý thức trong xã hội mỗi người có một vai trò khác nhau:

 
Một nhà khoa học già khá nổi tiếng và một chàng ca sĩ trẻ gặp nhau trên cùng một chuyến bay.
Khi xuống máy bay, rất nhiều người hâm mộ vây quanh chàng ca sĩ, còn nhà khoa học thì chẳng ai để ý đến.
Chứng kiến điều này, một người quen của nhà khoa học bất bình nhưng khi vừa định lên tiếng thì liền bị nhà khoa học ngăn lại:
- Ca sĩ thì phục vụ trước mặt công chúng, còn chúng tôi thì làm việc một cách thầm lặng. Do đó, mọi người tất nhiên sẽ chào đón những ca sĩ và âm thầm kính trọng chúng tôi. Trước mặt biết bao nhiêu người, các ca sĩ có thể hát; còn chúng tôi, trước mặt đông người thì làm sao có thể làm thí nghiệm hay nghiên cứu được? Trong xã hội có rất nhiều người vẫn đang âm thầm phục vụ cho những người khác, và có thể bạn cũng là một trong số đó. Vấn đề là bạn hiểu và biết rõ về việc mình đang làm và cảm thấy tự hào chứ không cần đến sự tán dương của những người xung quanh. [15]

5.2. Bất lợi:

5.2.1. Sự khác biệt nơi mỗi cá nhân có thể là một nguy cơ cho sự ghen tị đầu độc cộng đoàn.

Nếu các thành viên trong nhóm thiếu lòng tự trọng, thì chúng ta có thể dự đoán là lòng ghen tị sẽ ngẩng cao đầu và chĩa vào bất cứ thành viên nào tỏ ra nổi bật vì thành công hay vì may mắn. Vì thế, những dịp mừng lễ, đám cưới, kỷ niệm và mừng sinh nhật có thể là cơ hội khiến người ta so đo mà ghen tị. Khi người ta cảm thấy chẳng ai cho mình điều gì, hay không đối xử với mình một cách đặc biệt, thì họ có thể cảm thấy rất tức giận khi người khác được đề cao.
Lòng ghen tị đầu độc đời sống cộng đoàn. Khi người ghen tị làm bầu khí cộng đoàn trở nên ô nhiễm vì những cảm xúc tức giận và ngấm ngầm phá hoại những nỗ lực sống chung và hợp tác, họ gây ảnh hưởng xấu trên toàn thể đời sống cộng đoàn. Họ có thể gieo vãi mầm mống chia rẽ, bằng cách loan truyền những tin đồn gây ngờ vực, xúi giục những người khác chống đối nhau và tạo nên những cuộc đối đầu tay ba. [16]

5.2.2. Sự khác biệt của các cá nhân có thể là một nguy cơ cho sự ghen tị hủy hoại cộng đoàn.

Để đối phó với những vấn đề liên quan đến đời sống cộng đoàn, thì đức tin và thiện chí mà thôi thì chưa đủ. Nếu các thành viên cộng đoàn thiếu những kỹ năng giao tiếp và giải quyết xung đột một cách hữu hiệu, họ sẽ không sao tránh khỏi những thiệt hại do lòng ghen tị gây ra. Nếu có nhiều người ghen tị trong cộng đoàn, thì đời sống của toàn thể cộng đoàn có thể bị phá hủy.
- Một cách phá hoại phổ biến là trút tức giận lên đầu một kẻ bung xung: Một cách ý thức hay vô thức, một vài người thông đồng với nhau mà chỉ định một thành viên làm “người có vấn đề,” rồi thuyết phục những người khác cũng tin như thế. Khi tìm hiểu các gia đình có “một đứa con gây ra vấn đề,” các lý thuyết gia về hệ thống đã chứng minh rằng, năng động “trút giận lên đầu một kẻ bung xung” là một điều hoàn toàn có thật. Khi nghiên cứu gia đình như một hệ thống, họ có thể tìm thấy những sự liên minh và xung đột giữa các thành viên trong gia đình. Khi giúp mỗi thành viên trong gia đình biết cách bộc lộ các nhu cầu và cảm xúc của mình, họ không cần phải trút giận lên đầu một kẻ bung xung nữa. Khi các nhóm bất hòa mà đưa ra những tiêu chuẩn như “phải tử tế” và “đừng vạch áo cho người ta xem lưng,” họ ngăn cản các thành viên bày tỏ cảm xúc và bộc lộ sự bất đồng của mình, thì đó là bước đầu mở đường cho việc trút giận lên đầu kẻ bung xung. Sự kiện đó đã xảy ra trong một cộng đoàn Kitô hữu nọ, khi họ giải quyết sự xung khắc mà họ không nhìn nhận, bằng cách trút giận lên đầu một người, mỗi năm một người khác nhau. Bề ngoài thì họ làm ra vẻ có tinh thần hiệp nhất và hợp tác, nên những người ngoài cộng đoàn nghĩ rằng họ là một cộng đoàn gương mẫu. Tuy nhiên, sự thật không chỉ được tỏ lộ qua việc họ trút giận lên đầu một kẻ bung xung, mà còn biểu hiện qua việc họ không có khả năng phát huy một đời sống cầu nguyện cho có ý nghĩa, và không thể giao tiếp thân mật với nhau.
- Ngoài việc trút giận lên đầu kẻ bung xung, sự ghen tị trong cộng đoàn có thể biểu hiện qua những hình thức ít bi thảm hơn. Chẳng hạn như đàm tiếu, tỏ thái độ tiêu cực (đối với bề trên và các bạn nổi bật), không khích lệ và nâng đỡ nhau. Đó là những hình thức mà các thành viên trong cộng đoàn thường sử dụng khi họ bộc lộ lòng ghen tị đối với nhau.
- Không có khả năng tiếp nhận sự trợ giúp hay chân thành tỏ lòng biết ơn đối với các thành viên khác trong nhóm, cũng có thể là những hình thức che đậy sự ghen tị.
- Cuối cùng, sự ghen tị trong cộng đoàn đôi khi được phản ánh qua việc các thành viên lớn tuổi đối xử không tốt với các thành viên trẻ tuổi hơn. Quả là điều đau đớn đối với những người lớn tuổi, khi họ phải chấp nhận những dấu hiệu suy yếu mỗi ngày một gia tăng. Nếu họ không biết chấp nhận những sự mất mát không sao tránh được, thì sự tức giận của họ sẽ tạo nên một sự ghen tị giữa người già và người trẻ, khiến họ không thể vui hưởng những điều tốt lành mà họ trao ban cho nhau. Vì cảm thấy mình bị lường gạt, nên một vài người lớn tuổi tỏ ra khó chịu với những người trẻ, khi người trẻ thụ hưởng những điều mà họ không bao giờ có được. Trong đời sống gia đình, có lẽ cha mẹ phải đối phó với những cảm xúc ghen tị đối với con cái, khi họ thấy con cái có được những lợi thế, mà khi họ còn trẻ, họ đã không có. Đây là một điều nghịch lý: Trên bình diện ý thức thì cha mẹ muốn con cái có được mọi thứ, nhưng trên bình diện vô thức thì họ lại bực bội vì con cái có quá nhiều thứ. [17]

 

 

 

[1] Wikie AU và Norren Cannon, PhD,  sđd trg.151
 
[ 2] Wikie AU và Norren Cannon, PhD, sđd trg.152
 
[3] Câu chuyện này được phỏng theo một dữ liệu của Solomon Schimmed, The seven deadly sins: Jewish, Christian and classicalreflections on human nature (New York: The Free Press, 1992), trg. 56-57.
 
[4] Wikie AU và Norren Cannon, PhD, Urgings of the heart (Những thôi thúc trong tim) trg.151-153
[5]  Rationalization: Một cơ chế tự vệ, nhằm biện minh cho một vấn đề, để khỏi phải đối diện trực tiếp với vấn để đó. X. Cencini và Manenti, Tâm lý và huấn luyện, dg. Nguyên Ngọc Kính (Thành Phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Đông Phương, 2011), trg. 458 (ND).
 
[6]  Wikie AU và Norren Cannon, PhD, Urgings of the heart (Những thôi thúc trong tim) trg.149
 
[7]  Wikie AU và Norren Cannon, PhD, sđd trg.149-150
 
[8]  Wikie AU và Norren Cannon, PhD, sđd trg.154-155
 
[9]  Wikie AU và Norren Cannon, PhD, sđd trg.162-163
 
[10]  ZHANG ZI WEN tusach.mobi/61536. 90.khoanh-khac-bi-nguoi-khac-ghen-ti/htm.
 
[11]  ZHANG ZI WEN tusach.mobi/61536. 90.khoanh-khac-bi-nguoi-khac-ghen-ti/htm.
[12]  Wikie AU và Norren Cannon, PhD, Urgings of the heart (Những thôi thúc trong tim) trg.164
 
[13] Nguyễn văn Hải, Biết sống cao thượng trg. 96-98
 
[14] Thiên Trí Liên tổng hợp, Hạt giống tâm hồn: nghệ thuật sáng tạo cuộc sống trg.130
 
[15] Thiên Trí Liên tổng hợp, sđd trg.111-112
[16] Wikie AU và Norren Cannon, PhD, Urgings of the heart (Những thôi thúc trong tim) trg.164
 
[17] Wikie AU và Norren Cannon, PhD, sđd trg.165-166
 
 

Tác giả bài viết: LM Giuse Đỗ Văn Thụy, MSV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

thang 9

Chúc mừng & cầu nguyện

- Ngày 17.9. 
Kn. Thánh tẩy: c.M.Sự
- Ngày 18.9 
Kn. Thánh tẩy: c.M.Thảo31
- Ngày 20.9. 
Kn. Thánh tẩy: cc. M.Giá, M.Thơm

- Ngày 24.9. 
Kn. Thánh tẩy: c.M.Nguyên

- Ngày 26.9. 
Kn. Thánh tẩy: c.M.Huyền30

- Ngày 27.9. 
Kn. Thánh tẩy: c.M.Ngự

- Ngày 29.9. 
Kn. Thánh tẩy: c.M.Đăng

Videos

Audio

Hình ảnh

22 8
Lễ Mẹ Trinh Vương ngày 22.8.2023
c trinh
Tang lễ chị Maria Nguyễn Thị Trinh

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập22
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm21
  • Hôm nay2,318
  • Tháng hiện tại103,484
  • Tổng lượt truy cập5,851,120

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây