VỀ VIỆC KHÔNG CHO TÁI KHẤN TẠM HAY SA THẢI TU SĨ -
JB. Lê Ngọc Dũng
Việc không cho tiếp tục khấn tạm hay không cho khấn vĩnh viễn đối với khấn sinh hiện nay, do có sự lẫn lộn, sự thực hành có phần không hợp lý, khiến gây ra những thiệt hại cho những tu sĩ. Vì vậy cần phải xem xét việc áp dụng về vấn đề này dựa theo Giáo Luật, để vừa bảo vệ được sự thánh thiện của đời sống thánh hiến vừa bảo vệ được quyền lợi của tu sĩ.
Về việc không cho tái khấn tạm hay sa thải tu sĩ
Trong việc cho phép hay không cho phép tiếp tục khấn tạm hay khấn vĩnh viễn đối với khấn sinh hiện nay, đôi khi sự thực hành theo Hiến Pháp hay Giáo luật có phần khiếm khuyết, khiến gây ra những thiệt hại cho những tu sĩ. Vì vậy cần phải xem xét việc áp dụng về vấn đề này dựa theo Giáo Luật, để vừa bảo vệ được sự thánh thiện của đời sống thánh hiến vừa bảo vệ được quyền lợi của tu sĩ.
Điều khiếm khuyết được nhận thấy là trong trường hợp không cho tiếp tục khấn tạm hay cho khấn vĩnh viễn khi mãn hạn khấn tạm đôi khi dựa vào sự đoán xét chủ quan của Bề Trên hay Hội Đồng mà thiếu những lý do chính đáng (justae causae). Hơn nữa, sự không cho khấn tiếp này lại có hiệu quả như sự sa thải nhưng ta lại không để ý đến những tiến trình thủ tục cần thiết tôn trọng quyền tự bảo vệ quyền lợi của khấn sinh.
1. Cho tái khấn
Giáo Luật quy định chung cho sự khấn tạm:
Điều 656,30
Việc nhận cho khấn phải được tự do thực hiện do bề trên có thẩm quyền với sự biểu quyết của ban cố vấn chiếu theo quy tắc của luật;
Thẩm quyền cho khấn lần đầu là bề trên có thẩm quyền. Bề trên cấp bậc nào thì tuỳ theo hiến pháp riêng quy định.
Giáo Luật quy định chung cho sự tái khấn tạm:
Điều 657§1
Khi mãn thời gian giữ lời khấn, tu sĩ nào tự ý xin khấn và được xét là có khả năng xứng hợp, thì phải được nhận cho tái khấn hoặc cho khấn trọn đời, nếu không thì phải ra khỏi hội dòng.
Điều 657§1 nói trên, có ý nói đến việc "phải cho" tái khấn nếu khấn sinh có đủ khả năng xứng hợp. Còn về thẩm quyền cụ thể như thế nào thì tùy thuộc vào Hiến Pháp hay luật riêng của mỗi dòng tu.
Hiến pháp nữ đan viện tự trị sui iuris quy định thẩm quyền như sau:
162. …Việc nhận cho khấn tạm lại thuộc quyền Bề Trên với sự ưng thuận của Hội Đồng đan viện.
Hiến Pháp của dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ cũng có quy định thẩm quyền:
120. Với sự ưng thuận của ban cố vấn tỉnh dòng và sau khi đã thực hiện những tham khảo cần thiết, Bề Trên giám tỉnh quyết định nhận cho khấn lại.
2. Không cho tái khấn
Giáo luật quy định:
Điều 689
§1 Khi mãn hạn giữ lời khấn tạm, nếu có những lý do chính đáng, một thành viên có thể bị bề trên cấp cao có thẩm quyền loại bỏ không cho khấn tiếp, sau khi đã tham khảo ý kiến của ban cố vấn.
§2. Một bệnh thể lý hay một bệnh tâm thần đã mắc phải kể cả sau khi tuyên khấn, theo ý của các giám định viên, khiến cho thành viên được nói đến ở §1 không có khả năng sống trong tu hội, tạo thành một lý do khiến cho đương sự không được nhận để khấn lại hoặc khấn trọn đời, trừ khi đương sự mắc phải bệnh ấy là do sự chểnh mảng của tu hội hoặc do công việc làm trong tu hội.
§3. Nếu xảy ra việc một tu sĩ mất trí trong thời gian giữ lời khấn tạm, cho dù không đủ điều kiện để khấn lại, đương sự không thể bị sa thải khỏi tu hội (CIO 547).
Hiến pháp đan viện cũng tương tự:
193. …Về phía Dòng, vì những lý do chính đáng, sau khi tham khảo ý kiến Ban cố vấn, Bề Trên có thể không cho một nữ tu khấn lại, hoặc khấn trọng thể (đ. 689§1).
2.1. Thẩm quyền
Sự không cho tái khấn, theo điều 689§1, thuộc quyền Bề Trên cấp cao [1] sau khi đã tham khảo ý kiến của ban cố vấn. Cũng nên lưu ý:
Nếu luật đòi sự "ưng thuận" như trong Hiến Pháp ghi : "162. …Việc nhận cho khấn tạm lại thuộc quyền Bề Trên với sự ưng thuận của Hội Đồng đan viện”, thì quyết định cho khấn tiếp sẽ vô hiệu nếu không có sự ưng thuận của Hội Đồng đan viện (đ. 127§2,10).
Nếu luật đòi phải tham khảo “ý kiến”, như điều 689 ghi: “…, sau khi đã tham khảo ý kiến của ban cố vấn", thì quyết định của Bề Trên sẽ vô hiệu nếu không tham khảo ý kiến ban cố vấn. Tuy nhiên, Bề Trên vẫn có quyền không làm theo ý kiến của ban cố vẫn, và như vậy quyết định trái với ý kiến ban cố vấn vẫn hữu hiệu.
2.2. Những lý do chính đáng
Bề trên cần có lý do chính đáng khi quyết định không cho khấn tiếp. Lý do chính đáng đó là gì?
Theo chú giải Giáo Luật của L. Chappettra, những lý do đó liên quan đến: “sức khỏe không ổn định, cá tính thất thường, khó khăn trong dấn thân vào đời sống chung hiệp thông”.[2]
Sharon L. Hollan, trong bộ chú giải Giáo Luật New Commentary on the Code of Canon Law, cũng cho rằng:
Lý do chính đáng để không cho tái khấn thường thường là những thất bại nghiêm trọng trong việc giữ những lời khấn và đời sống chung trong bác ái.
Hollan cũng cho rằng “Trong tình bác ái và công bằng, những lo ngại này phải cho cá nhận đó được biết bởi những người có trách nhiệm đào tạo”. [3] Và nên vì tình bác ái giúp đở người đó trở về đời sống trần thế khi người ấy có những vấn đề nghiêm trọng khó có thể có được đời sống tu phù hợp.
Trong bộ chú giải nhiều tác giả này, Rosemary Smith, cũng đã lưu ý về sự cảnh báo trước:
Quyết định không cho khấn tiếp tự nó (per se) không phải là sự sa thải, mà bản chất được coi là một hình phạt. Mặc dù quyết định sau cùng thuộc quyền của Bề Trên chiếu theo luật, một quyết định không chấp nhận cho ứng sinh khấn tiếp, hoặc tạm hoặc vĩnh viễn, theo công lý, không được, đưa đến một sự kinh ngạc đối với ứng sinh. Văn bản tài liệu trong hồ sơ ứng sinh, những bản sao của chúng phải sẵn sàng cho ứng sinh để người này có thể thấy trước được và chấp nhận quyết định.” [4]
Các tác giả đều cho thấy những “lý do chính đáng” để không cho khấn tiếp phải là nghiêm trọng, đến nỗi không thể giữ được các lời khấn, hoặc không thể sống chung cộng đoàn. Mặt khác, cần phải giúp đở sửa chửa, cảnh tỉnh trước, để làm sao khấn sinh có thể dễ dàng chấp nhận khi bị từ chối cho khấn tiếp.
Vì vậy, không hợp lý và bất công khi quyết định của Bề Trên hoặc những thành viên khác có quyền góp ý kiến, hoặc đưa ra sự chấp thuận, không cho khấn tiếp, khi:
- Chỉ dựa vào một số lỗi phạm, một số biểu hiện hay tính tình không nghiêm trọng nghịch với đời sống chung.
- Người có trách nhiệm đào tạo đã không cho khấn sinh biết trước những khiếm khuyết của ứng sinh để có thể sửa chữa.
2.3. Lý do bệnh
Điều 689§2 quy định về bệnh thể lý hay tâm thần mắc phải, kể cả sau khi tuyên khấn, theo ý của các giám định viên, khiến cho thành viên không có khả năng sống trong tu hội, cũng tạo thành một lý do khiến cho đương sự không được nhận để khấn lại hoặc khấn trọn đời.
3. Sa thải tu sĩ
Việc sa thải tu sĩ được quy định ở những điều 694 – 704.
3.1. Lý do có thể bị sa thải
Lý do dành cho việc sa thải đã được Giáo Luật quy định ở ba cấp độ tùy thuộc vào sự trầm trọng của lỗi phạm: đương nhiên bị sa thải (đ. 694); buộc phải sa thải (đ. 695); có thể bị sa thải (đ.696).
Ở đây chúng ta xem xét đến trường hợp thứ ba, nghĩa là, “có thể bị sa thải”, được quy định bởi Giáo Luật điều 696:
§1 Một thành viên cũng có thể bị sa thải vì những lý do khác, miễn là những lý do ấy nghiêm trọng, bên ngoài, có thể quy trách nhiệm và được chứng minh theo pháp lý, chẳng hạn như: thường xuyên chểnh mảng các nghĩa vụ đời thánh hiến; nhiều lần tái phạm các lời khấn; ngoan cố không tuân giữ những quy định hợp pháp của bề trên trong vấn đề quan trọng; sinh gương xấu trầm trọng do cách xử sự sai lỗi của thành viên; ngoan cố ủng hộ hay truyền bá các học thuyết đã bị huấn quyền Giáo Hội kết án; công khai tán đồng các ý thức hệ nhiễm thuyết duy vật hay vô thần; sự vắng mặt bất hợp pháp được nói đến ở điều 665 §2. được kéo dài đến sáu tháng; và các lý do nghiêm trọng khác tương tự như thế mà luật riêng của tu hội phải ấn định.
§2. Các lý do dù kém nghiêm trọng hơn được luật riêng xác định cũng đủ để sa thải một tu sĩ khấn tạm.
Các điểm cần chú ý là:
- Lý do phải nghiêm trọng, bên ngoài, có thể quy trách nhiệm được. Sẽ không đúng nếu chỉ xét đến tâm tính: bướng bỉnh, hiền lành, hung dữ, hay nói, ít nói, quá đóng kín, không cởi mở… mà không có biểu hiện phạm luật ra bên ngoài. Cũng cần xem xét sự vi phạm bên ngoài đó có thể quy trách nhiệm được hay không. Một sự thiếu hiểu biết về luật hay vô tình trong hành vi có thể giảm thiểu hay triệt tiêu trách nhiệm của chủ thể.
- Lỗi phạm đó phải được chứng minh theo pháp lý, nghĩa là, sự vi phạm đó nghịch với những quy định của Giáo Luật, Hiến Pháp, hay luật riêng, được xác định ở điều khoản nào và phải có được những chứng cớ xác minh.
- Đối với tu sĩ khấn tạm thì các vi phạm đó có thể kém nghiêm trọng hơn, cũng có thể bị sa thải (đ. 696§2). Tuy nhiên, không phải vì kém nghiêm trọng mà có thể bỏ qua các thủ tục trong tiến trình sa thải. Cần biết là có những quy định mà nếu bỏ qua thì sự sa thải bị vô hiệu.
3.2. Tiến trình thủ tục sa thải
Giáo Luật điều 697 quy định:
Trong những trường hợp được nói đến ở điều 696, sau khi đã tham khảo ý kiến của ban cố vấn, nếu xét rằng phải bắt đầu thủ tục sa thải, thì bề trên cấp cao phải:
10 Thu thập và bổ túc các bằng chứng;
20 Gửi cho thành viên một lời cảnh cáo bằng văn bản hoặc trước mặt hai nhân chứng với lời ngăm đe rõ ràng sẽ bị sa thải, nếu không có lòng hối cải, bằng cách thông báo cho thành viên biết rõ nguyên nhân sa thải và cho thành viên năng quyền tự biện hộ; nếu lời cảnh cáo vô hiệu, thì ngài phải tiến hành cảnh cáo lần thứ hai, sau một thời hạn ít nhất là mười lăm ngày;
30 Nếu lời cảnh cáo này cũng vô hiệu, và nếu bề trên cấp cao, cùng với ban cố vấn, nhận thấy là đương sự không thể sửa mình được và những lời biện hộ của đương sự không đủ, thì sau thời hạn mười lăm ngày đã trôi qua vô ích kể từ lần cảnh cáo cuối cùng, ngài phải chuyển lên vị điều hành tổng quyền tất cả các văn bản do chính ngài và công chứng viên ký tên, cùng với những câu trả lời của thành viên do chính thành viên ký tên.
Bề trên cấp cao có nhiệm vụ thu thập và bổ túc các bằng chứng. Bằng chứng có thể là hiện vật, bút tích, lời nói, hành vi… Cần phải hỏi và lấy lời khai trên giấy tờ có ký nhận của bị cáo và nhân chứng, nghĩa là, họ phải chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Việc hỏi này được thực hiện riêng biệt, không có sự hiện diện của nhân chứng và nữ tu bị cáo, để tránh sự tranh cải vô ích.
Việc cảnh cáo hai lần theo chỉ dẫn của điều 697,20 là điều quan trọng phải làm, nghĩa là, Bề Trên phải “cảnh cáo bằng văn bản hoặc trước mặt hai nhân chứng với lời ngăm đe rõ ràng sẽ bị sa thải”. Nếu không hay cảnh cáo không đúng cách, tu sĩ bị sa thải có thể khiếu nại lên cấp cao hơn.
Sau lần cảnh cáo thứ hai 15 ngày mà bị cáo không sửa đổi hay hối cải thì Bề Trên cấp cao phải gởi hồ sơ lên vị điều hành tổng quyền, trong đó những câu trả lời của bị cáo phải được bị cáo ký tên.
Luôn phải tôn trọng quyền của thành viên được liên lạc với vị Điều Hành tổng quyền hoặc Đức Giám Mục Giáo Phận và trực tiếp trình bày với ngài những lời tự biện hộ (đ. 698).
3.3. Thẩm quyền sa thải
Thẩm quyền sa thải thuộc về vị điều hành tổng quyền, hoặc Giám Mục Giáo Phận đối với đan viện tự trị được nói đến ở điều 615, được điều 699 quy định như sau:
§1 Vị điều hành tổng quyền cùng với ban cố vấn phải gồm ít nhất là bốn thành viên mới thành sự, cùng tiến hành cách hiệp đoàn để cân nhắc cẩn thận các bằng chứng, các lý luận và các lời biện hộ; nếu việc sa thải đã được quyết định sau một cuộc bỏ phiếu kín, thì vị điều hành tổng quyền phải ban hành sắc lệnh sa thải, và để được hữu hiệu, sắc lệnh phải trình bày ít là cách sơ lược các lý do theo luật và theo sự kiện.
§2. Trong những đan viện tự trị được nói đến ở điều 615, việc ra sắc lệnh sa thải thuộc về Giám Mục Giáo Phận và bề trên phải trình lên Giám Mục các văn bản đã được ban cố vấn của mình xác minh.
Đối với các dòng thuộc luật giáo hoàng, sắc lệnh sa thải ban hành do Bề Trên Tổng Quyền hay Đức Giám Mục giáo phận đối với đan viện được nói đến ở điều 615 phải được Tòa Thánh xác nhận. Nếu không có sự xác nhận của Tòa Thánh sắc lệnh này không có hiệu lực (đ. 700).
Đối với các dòng thuộc luật giáo phận, xác nhận cho việc sa thải, để có hiệu lực, thuộc quyền Đức Giám Mục giáo phận tại nơi có nhà dòng mà tu sĩ tùy thuộc (đ. 700).
Mặt khác, để cho sắc lệnh sa thải được hữu hiệu, cũng cần phải nói ít là cách sơ lược các lý do theo luật và theo sự kiện, và phải nói rõ là thành viên bị sa thải có quyền kháng cáo lên nhà chức trách có thẩm quyền, trong vòng 10 ngày kể từ lúc nhận được thông báo. Nếu sắc lệnh không trình bày lý do sa thải hoặc không nói đến quyền kháng cáo thì sắc lệnh bị vô hiệu (đ. 699; 700).
Việc kháng cáo có hiệu quả đình hoãn (đ. 700), nghĩa là, sắc lệnh sa thải đình hoãn hiệu lực, thành viên đó chưa được kể là bị sa thải.
5. Tóm kết
Những khảo sát Giáo Luật trên cho thấy việc buộc tu sĩ xuất tu có hai trường hợp cần phải phân biệt. Đối với mỗi trường hợp, lý do, thủ tục và thẩm quyền cho xuất thì khác nhau. Giáo Luật, bảo vệ quyền biện hộ của bị cáo, đòi hỏi phải xử công minh theo thủ tục quy định, không được tùy tiện hay xử cách mơ hồ. Nếu áp dụng không đúng, sự cho xuất tu có thể vô hiệu. Hai trường hợp bị buộc xuất tu, được kể là:
a- Không cho khấn tiếp vì lý do chính đáng hay bệnh tật
Lý do chính đáng có thể kể như: sức khỏe không ổn định, cá tính thất thường, khiến không thể giữ lời khấn hoặc sống hiệp thông cộng đoàn. Ngoài ra, lý do bệnh tật thể xác hay tâm thần cũng tạo thành lý do khiến bị không cho khấn tiếp.
Khấn sinh không được cho khấn tiếp, nên được cho biết trước tình trạng của mình để chỉnh sửa.
b- Sa thải vì lý do lỗi luật.
Lý do của sự có thể sa thải do lỗi luật, được quy định ở điều 696. Thủ tục có thể được tóm tắt như sau: có sự vi phạm luật bên ngoài, có thể chứng minh được, có thể quy trách nhiệm. Sự vi phạm cần nghiêm trọng đối với tu sĩ đã khấn trọn, có thể ít nghiêm trọng hơn đối với tu sĩ khấn tạm (đ. 696). Bề Trên có nhiệm vụ thu thập các chứng cứ và cảnh cáo sa thải ít là hai lần (đ. 697). Thẩm quyền sa thải thuộc vị Điều Hành tổng quyền hoặc Đức Giám Mục giáo phận đối với đan viện được nói đến ở điều 615. Sắc lệnh sa thải để hữu hiệu thì phải được Tòa Thánh xác nhận, nếu tu hội thuộc luật giáo hoàng; phải được Đức Giám Mục giáo phận xác nhận nếu thuộc luật giáo phận (GL. 699, 700).
[1] Điều 620
Những vị bề trên cấp cao là những người lãnh đạo toàn thể tu hội, hoặc một tỉnh dòng, hoặc một phần tương đương với tỉnh dòng, hoặc một nhà tự trị, cũng như những người đại diện của các vị ấy. Viện phụ tổng quyền và bề trên của một hội dòng đan tu cũng là những vị bề trên cấp cao, nhưng những vị này lại không có mọi quyền mà luật phổ quát dành cho các bề trên cấp cao.
[2] L. CHIAPPETTA, Il Codice di Diritto Canonico. Commento giuridico pastorale, Dehoniane, Roma 1996, 456.
[3] J.P. BEAL et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, New York 2000, 859.
[4] J.P. BEAL et alii, New Commentary on the Code of Canon Law, Paulist Press, New York 2000, 824.