Kỳ I
THINH LẶNG NỘI TÂM TRONG NỀN TU ĐỨC KITÔ GIÁO
1. Sự xuất hiện của việc thinh lặng nội tâm trong Giáo Hội.
Để được kết hiệp với Chúa, với Đức Kitô ngày càng khắng khí và trọn vẹn hơn, việc nguyện gẫm, chiêm niệm trong thinh lặng và hồi tâm được xem như bổn phận của mỗi Kitô hữu nói chung, và cách riêng của tu sĩ. Bắt đầu từ mặc khải của Thiên Chúa qua Kinh Thánh, mà đỉnh cao là đời sống mẫu mực và giáo huấn của Chúa Giêsu, sự cô tịch đã luôn là một phương thế được Giáo Hội yêu quí và trân trọng giữ gìn trong đời sống Giáo Hội. Ngay từ thế kỷ thứ IV, cuộc sống cô tịch để được kết hiệp với Thiên Chúa đã được đẩy mạnh tới mức trở thành một
nếp sống chuyên biệt cho đời sống đan tu với vị tổ phụ là thánh Antôn tu rừng. Trong thế kỷ XX của chúng ta ngày nay, một thế kỷ mà nhân loại đã tiến bộ rất nhanh trong mọi lãnh vực của cuộc sống, một thế kỷ mà cuộc sống con người đã trở nên phức tạp do bao vấn đề nảy sinh, một thế kỷ mà hơn bao giờ hết, Giáo Hội rất quan tâm đến cuộc đối thoại với con người và thế giới, thế mà Giáo Hội vẫn ân cần khuyên dặn mọi tín hữu "phải sẵn lòng lắng nghe lời Chúa…chuyên cần cầu nguyện" (LG 42). Và với các tu sĩ, Giáo Hội vẫn khẳng định rõ ràng :"phải tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự…phải cần mẫn luyện tập tinh thần cầu nguyện và cả sự cầu nguyện…Trong những hội dòng hoàn toàn chiêm niệm, các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ…" PC,6.7). [1]
2.Thinh lặng nội tâm trong nền tu đức Kitô Giáo.
2.1. Sự cần thiết của thinh lặng nội tâm trong nền tu đức Kitô Giáo.
Để nhấn mạnh hơn vai trò của sự cô tịch, nhất là cô tịch trong lòng, thánh An Phong trích dẫn lời của thánh Grêgôriô:"Nếu không có sự vắng vẻ trong lòng, thì sự vắng vẻ bên ngoài nào được ích gì ? Và ngài giải thích:"Trong lòng mà còn những quyến luyến, yêu thích các sự vật trần gian, thì dù có vào ở trong rừng vắng, cũng chẳng được ích gì"Ai từ bỏ hẳn lòng yêu mến thế gian, lòng người ấy đã được giải thoát khỏi mọi bận tâm, nơi nào cũng là nơi vắng vẻ cô tịch” như lời thánh Phêrô Kim Ngôn nói:"Nó vẫn ẩn tránh một mình, dầu ở công trường, trên đường cái, hay ở ngã ba đường cũng vậy". Thánh nữ Têrêsa đã được Chúa chuyện vãn:"Thầy muốn nói chuyện với nhiều linh hồn biết bao, thế nhưng thế gian đầy những ồn ào, tiếng động làm rối tung cõi lòng chúng, nên chúng không hề nghe tiếng Thầy phán - chớ gì chúng xa tránh thế gian hơn một chút nữa"
2.2. Thinh lặng nội tâm là điều kiện cho tâm hồn sống đời sống thiêng liêng và kết hiệp với Chúa.
Sự cô tịch vắng vẻ trong lòng là điều kiện giúp cho tâm hồn sống đời sống thiêng liêng, kết hiệp với Chúa, chuyện trò với Người. Sự vắng vẻ này loại khỏi lòng trí chúng ta mọi tình yêu không qui hướng về Chúa, và trong mọi việc chỉ nhắm một mục tiêu là làm đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi.
Thánh Biển Đức nói:"Nhờ thinh lặng, cô tịch, chiêm niệm, nhờ việc vượt thắng những rộn ràng, xao động của thế giới bên ngoài, và nhờ việc tập sống với chính mình, chúng ta mới có thể có được một cuộc sống liên lỉ đối thoại với chính mình và với Thiên Chúa. Đó là điều giúp ta đạt đến đỉnh hoàn thiện"
Thiên Chúa làm bạn với những người thinh lặng. Cầu nguyện là phương thế giúp ta kết hiệp vơi Chúa, nhưng khởi đầu của cầu nguyện là thinh lặng. Nếu ai muốn thực sự cầu nguyện, người đó trước hết phải biết lắng nghe lời Chúa, là lời ngỏ với những trái tim không ồn ào xao động bởi đủ mọi thứ dục tình và lo lắng thế gian. [2]
2.3. Thinh lặng, chiến thắng các nết xấu.
Các tư tưởng đến một cách tự nhiên cho thấy tình trạng nội tâm của chúng ta. Các tu sĩ xét xem họ có vi phạm một trong tám tật xấu đây không: tham ăn, lòng dục, lòng tham, buồn bã, giận giữ, huênh hoang, tự phụ, biếng nhác. Chúng ta có thể chứng nghiệm điều này: khi giữ thinh lặng, chúng ta sẽ thấy không biết bao nhiêu lần chúng ta nghĩ đến chuyện ăn uống, muốn có cái này, muốn mơ chuyện kia, có chiếc xe, có thêm dĩa hát hay thêm cái áo.
Bên ngoài họ có thể im lặng nhưng bên trong họ nói không ngừng. Bên trong, họ nói đến các xung lực còn khao khát, các ước nguyện chưa được thỏa mãn, các xúc cảm, cảm nhận, khoe khoang, vênh vang. Thinh lặng bên ngòai không có nghĩa là chúng ta có khả năng thinh lặng bên trong. [3]
Chính cái thinh lặng bên trong là cái thinh lặng mà các tu sĩ đi tìm. Và người ta chỉ có thể có được thinh lặng bên trong nếu vượt lên được tám nết xấu đó. Như thế thinh lặng là một thực hành để chống lại các tật xấu: đó là cuộc chiến chống lại các lỗi lầm sâu kín nhất, các ước nguyện, ước muốn quá đáng, chống lại xáo trộn gây ra do các cảm xúc không chế ngự và chống lại cơn sốt chỉ muốn mình là là trọng tâm của vũ trụ. Như vậy, thinh lặng là phương tiện để chiến đấu với các lỗi lầm sâu kín nhất. Đó không phải là việc thụ động từ bỏ nói năng, nhưng là một tiến trình tích cực nhằm chống lại các cảm xúc mà chúng ta cảm nhận. Câu chuyện sau đây giúp chúng ta vượt lên được tính tham lam:
Người ta kể câu chuyện về viện phụ Agathon và Amun như sau: Khi đi bán hàng, họ nói giá. Trong thinh lặng và với tâm hồn bình an, họ lấy số tiền mà người ta đưa cho họ. Cũng vậy, khi họ đi mua hàng, người ta đòi bao nhiêu họ đưa bấy nhiêu, họ giữ thinh lặng: họ lấy hàng đi mà không nói một câu.
Không phải là các tu sĩ không biết mặc cả trong cách buôn bán của người đông phương. Nhưng vì biết thói quen này mà họ giữ thinh lặng. Thinh lặng không làm chậm lại tính tham lam, nhưng nó kềm không để tính tham lam lộ ra. Qua thinh lặng mà các tu sĩ chiến đấu chống lại tính tham lam và bài trừ nó. [4] Cũng thế, đối với các xúc cảm làm lòng chúng ta dao động không ngừng, nhất là lúc người khác đối xử không công bằng với mình. Thinh lặng giúp chúng ta giải thóat được chuyện này. Câu chuyện sau đây của viện phụ Maisen, dẫn chứng được điều ấy. Cha Maisen, một cựu đạo tặc người Châu Phi, người ta phỉ báng cha hoài vì màu da đen của cha:
Một lần nọ, có cuộc họp ở Scétis, các cha muốn thử thách bằng cách đối xử với ông không ra chi. Họ nói với ông:"Vì sao lại có người Châu Phi Êtôpia này ở giữa chúng ta ?"Ông nghe mà không nói gì. Sau buổi họp, người ta đến hỏi ông :"Thưa viện phụ, viện phụ không tức sao ? Ông trả lời:"Có chứ, tôi tức đến mức không nói được"
Như vậy không những để tránh bực tức mà còn tránh được tâm trạng khó chịu nhờ giữ thinh lặng. Nó còn tránh tạo hoang mang dữ dội khi nói lên những lời mình không kiểm sóat. Thinh lặng này không phải là thái độ giữ lại bên trong để sau đó nổ ra bên ngòai, nhưng là phương tiện để tránh bực tức trong lòng, để thóat được tình trạng này. Thinh lặng chỉ hữu ích khi chúng ta có được thinh lặng bên trong. Nếu không chỉ là ngòai mặt, thinh lặng của người kiêu ngạo, cho mình cao hơn người khác hay thinh lặng của người bị tổn thương, im lặng vì tự ái bị đụng chạm. Thinh lặng theo nghĩa của tu sĩ là cuộc chiến đấu nội tâm, là chạm trán đích thực với hạnh kiểm xấu của mình.
Đối với Cassien, trạng thái thuần túy thinh lặng là lòng thanh khiết của tâm hồn. Tiên khởi là khiêm tốn, mình không tìm cách để đạt mục đích, cũng không tìm trạng thái tập trung trong thinh lặng tuyệt đối, nhưng với lòng khiêm tốn, chúng ta đặt để trọn vẹn mọi sự trong tay Chúa. Khiêm tốn là một phản ứng chứng nghiệm của Chúa, qua yếu đuối và bất lực của mình đối với Chúa. Và như thế, cuối cùng, khiêm tốn là một ân huệ mà con người có thể có được do chính sức lực của mình. Và như thế, với thinh lặng này, tôi im lặng với các cách biệt của hạnh kiểm bên trong và với các ước muốn quá độ, các cảm xúc, các hung hăng và qua thinh lặng này, tôi hòan tòan bình thản. Thinh lặng chỉ có thể là một ân huệ của Chúa. Trong thinh lặng, tôi có thể sửa đổi các tật xấu của tôi và chiến đấu chống lại chúng. Nhưng đó chỉ là cái đích mà tôi có thể đi tìm, mà tôi có thể sống dần dần như một ân huệ của Chúa. [5]
3. Thinh lặng nội tâm trong đời sống tự nhiên và đời sống siêu nhiên.
3.1. Giá trị của thinh lặng nội tâm trong đời sống tự nhiên và trong đời sống siêu nhiên.
Chỉ nói riêng về phương diện con người mà thôi, thinh lặng đã có một giá trị cao quí, được tất cả các truyền thống văn hóa và tâm linh trên thế giới ca ngợi. Với chúng ta là những người đi theo Chúa, cô tịch (bên trong và bên ngoài) còn là một nhân đức cao quí, giúp chúng ta sống kết hợp với Thiên Chúa và với Đức Kitô, Chúa chúng ta. Vì thế, các thánh rất yêu mến sự thinh lặng.
Có thinh lặng, chúng ta mới dễ giữ được lòng đạo đức, và trong trí khôn mới có được những ý tưởng thánh thiện. Thánh Bênađô nói:"Yên tĩnh và thinh lặng hầu như cưỡng bách linh hồn phải suy tưởng đến Chúa và những của đời đời". Vì thế, có nhiều người được nên thánh nhờ sống ẩn dật. Các ngài lui vào nơi hang núi rừng sâu để tìm kiếm sự thinh lặng và tránh cảnh ồn ào của thế gian, vì "Thiên Chúa không ở nơi ồn ào huyên náo"(1V19,11). Hơn nữa, sống trong thinh lặng, chúng ta còn nhận được nhiều lợi ích thiêng liêng khác: ngoài việc chúng ta được ban sức mạnh và được cứu độ, chúng ta còn được Thiên Chúa tìm gặp và nghe chính lời Người phán dạy cho tâm hồn (Is 30,15; hs 2,16) [6]
3.2.Trong thinh lặng nội tâm ta khám phá ra chính con người của ta.
Trong cô tịch ta dần dần lật tẩy sự ảo tưởng của tính tham lam, và sẽ khám phá ra ngay tại cõi lòng ta rằng ta không phải là những gì ta có thể chinh phục, mà chỉ là những gì đã được ban cho ta. Trong cô tịch, ta có thể lắng nghe tiếng của Đấng đã nói với ta trước khi ta nói lên lời, đã chữa lành ta trước khi ta có thể giơ tay lên kêu cứu, đã giải thoát ta từ lâu trước khi ta có thể giải thoát kẻ khác, và đã yêu thương ta trước khi ta có thể yêu thương tha nhân. Chính trong sự cô tịch mà ta khám phá ra rằng những gì ta là quan trọng hơn những gì ta có, và bản thân ta giá trị hơn mọi thành quả của ta. Trong cô tịch, ta khám phá ra rằng sự sống của ta không phải là một gia tài cần bảo vệ, nhưng là một quà tặng cần được chia sẻ. Chính lúc chia sẻ ấy mà ta nhận ra rằng những lời nói có tính chữa lành ta nói ra không phải là của ta, nhưng là những lời được ban cho ta; tình yêu ta có thể diễn tả một phần của một tình yêu vĩ đại hơn; và cuộc sống mới ta đem đến không phải là một gia tài phải bám lấy mà chỉ là một quà tặng được đón nhận.
Trong cô tịch sợ hãi và giận hờn dần dần lộ ra như những biểu hiện của một cái tôi giả tạo, và trong tĩnh mịch, những tình cảm ấy có thể yếu đi trong sự chở che của tình yêu Thiên Chúa. Đó là điều thánh Gioan muốn nói: "Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi'(1Jn 4,18). Trong cô tịch, ta có thể dần dần được đưa dẫn tới sự thật này là ta là ta, vì Thiên Chúa tạo dựng nên là thế. Vì thế, cô tịch là nơi hoán cải. Tại nơi đó, ta được biến đổi từ những người thường muốn phô trương những gì ta có và những gì ta làm được thành những người biết giơ đôi bàn tay mở rộng, trống rỗng lên Thiên Chúa, vì biết rằng mọi sự ta có đều là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Như thế, trong cô tịch, ta không chỉ gặp được Thiên Chúa mà còn gặp được cái tôi đích thật của ta. Thật vậy, chính trong ánh sáng của sự hiện diện của Thiên Chúa mà ta có thể biết ta thực sự là ai. [7]
Ngày nọ, để dạy cho hai tu sĩ một bài học, cha bề trên khuấy một thùng nước ở ngòai trời rồi gọi hai thầy tới và bảo:"các thầy hãy xem guơng mặt của mình trong thùng nước".
Dù mở to đôi mắt hai thầy vẫn không thể nào nhìn ra gương mặt mình vì nước bị khuấy động.
Cha bề trên nói tiếp:"Các thầy hãy trở lại đây chừng mười lăm phút nữa".
Một khắc sau, hai thầy trở lại khi nước trong thùng đã yên lặng. Và lần này hai thầy nhìn thấy rõ mặt mình phản chiếu trong thùng nước.
Trong mỗi người chúng ta có một khao khát nên tốt hơn. Tâm hồn chúng ta cũng giống như thùng nước, nếu cứ khuấy động thì nó chẳng có thể phản chiếu hình ảnh nào. Trái lại trong yên lặng nó phản chiếu được mọi vật, nó sẽ giúp ta nhận ra chính mình. Thinh lặng là quê hương của những vĩ nhân. Không có gì làm cho con người trở nên xấu xa bằng đánh mất sự chiêm ngắm. Và không có gì hữu ích làm tăng vẻ cao siêu cho tâm hồn bằng sự thinh lặng. Nếu lời nói tạo nên cá tính của con người, thì thinh lặng làm nên đức hạnh cho con người. Trong nhân vị con người có ba lúc khác nhau: chiêm ngắm, quyết định và hành động. Chiêm ngắm trong thinh lặng là nền tảng cho mọi công việc được tốt. Như đàn ong chăm chỉ làm việc trong bóng tối, cũng thế, tư tưởng trở nên có hiệu lực trong thinh lặng.
Hơn nữa, thinh lặng cần thiết cho việc gặp gỡ Thiên Chúa. Nếu lời nói giúp ta giao tiếp được với người khác, thì thinh lặng cho ta khả năng nắm bắt được sự hiện diện vô hình của Chúa. Thánh Gioan Thánh Gía quả quyết:"Sự hiểu biết về Thiên Chúa có được trong thinh lặng có ba cái nhìn trong thinh lặng, đó là vẻ đẹp, tình yêu thương thân mật và cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn mình". [8]
3.3. Trong thinh lặng nội tâm, chúng ta mới nghe được tiếng mời gọi của Thiên Chúa trong cuộc sống.
Trong đời sống thiêng liêng, sự cô tịch và thinh lặng có giá trị quan trọng. Chúng thực sự hỗ trợ cho ta trong việc cầu nguyện liên lỉ, kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng hiện diện ở nơi kín ẩn. Chúa Giêsu dạy chúng ta:"Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện ở nơi kín ẩn…"(Mt 6,6).
Đó là lời nhắc nhở có hiệu lực thúc đẩy mỗi người tìm kiếm cho mình một chốn riêng biệt để ở lại và sống cùng Thiên Chúa. Có thể nơi đó là nơi có khung cảnh yên tĩnh, hoặc có thể là nơi ồn ào, nhưng điều quan trọng là con tim mình có quy hướng trọn vẹn về Thiên Chúa hay không. Trong những cõi lòng cô tịch, trong những tâm hồn thinh lặng, Thiên Chúa tỏ bày quyền năng nhờ bao kỳ công vĩ đại. Mẹ Maria tiêu biểu cho mẫu người sống đời cô tịch và thinh lặng. Mẹ đã sống những ngày tháng ẩn dật, âm thầm và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa bằng một đời sống chiêm niệm:"Riêng Mẹ Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng"(Lc 2,51).
Người ta kể lại rằng một nhà thám hiểm nọ đi trong sa mạc, chuyển từ nơi này đến nơi kia, nhìn hết hướng nay đến hướng khác, ở đâu ông cũng chỉ thấy toàn cát với cát. Ông lê gót trong tình trạng tuyệt vọng, tình cờ chân ông vấp phải một gốc cây khô. Ông không còn đủ sức đứng lên, ông không còn đủ sức chiến đấu và cũng không còn một chút hy vọng sống sót nào. Trong tư thế bất động ấy, nhà thám hiểm bỗng ý thức được về sự thinh lặng của sa mạc. Bốn bề chỉ có thinh lặng. Thình lình ông ngẩng đầu lên. Trong thinh lặng tuyệt đối của sa mạc, ông bỗng nghe được như có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai. Dồn tất cả sự chú ý, nhà thám hiểm mới nhận ra được đó là tiếng chảy róc rách của một con suối từ xa vọng ại.
Như sống lại từ cõi chết, ông xác định nơi xuất phát của tiếng suối, ông dùng hết nguồn năng lực còn lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi gặp được dòng suối.
Cuộc sống chúng ta thật quả bận rộn và ồn ào, khiến chúng ta không nghe được tiếng nói và không nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa. Có thinh lặng trong cõi lòng, chúng ta mới nghe được tiếng thì thầm mời gọi của Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Chính sự thinh lặng giúp chúng ta nhận ra được tiếng của Thiên Chúa như "dòng suối róc rách" trong cảnh ồn ào của cuộc sống hôm nay. [9]
3.4. Nhưng chúng ta luôn bị cám dỗ chạy trốn sự tĩnh mịch.
Trong cô tịch ta gỡ bỏ các chướng ngại: không bạn bè nói huyện, không gọi điện thoại, không hội họp, không nghe nhạc, không đọc sách, làm ta lo ra, chia trí, chỉ một mình ta, trần trụi, mong manh, yếu hèn, tội lỗi, bị tước đoạt, đổ vỡ, không có gì. Chính sự hư không này mới là sự hư không ta phải đương đầu trong cô tịch, một sự hư không hãi hùng đến độ mọi sự trong ta đều muốn chạy tới với bạn bè, với công việc, và với những chia trí đến độ ta có thể quên đi sự hư không của ta và tự làm cho mình tin rằng ta là một cái gì đó đáng giá. Nhưng cái đáng giá ấy cũng chẳng là gì cả. Ngay khi ta quyết định ở lại trong sự cô tịch của ta, thì những ý tưởng làm ta bối rối, những hình ảnh làm ta hỗn loạn, những sự tưởng tượng hoang dã, và những tương quan kỳ lạ liền nhảy nhót trong đầu ta hệt như khỉ nhào lộn trên cây chuối. Giận hờn và tham lam bắt đầu cho thấy bộ mặt xấu xí của chúng… Như thế, một lần nữa, tôi lại đang cố chạy trốn khỏi vực thẳm tăm tối của sự hư không nơi tôi và cố duy trì cái tôi giả tạo của tôi trong tất cả vẻ vênh vang, tự đắc của nó.
Nhiệm vụ của tôi là bền đỗ trong sự cô tịch, ở lại trong phòng mình cho tới khi mọi khách đến cám dỗ chán nản, không buồn gõ cửa nữa và bỏ mặc tôi một mình…Sự khôn ngoan của sa mạc chính là đương đầu với cái hư không đáng sợ của ta, buộc ta phải hoàn toàn phó mình cho Chúa Giêsu Kitô vô điều kiện. Một mình, ta không thể đương đầu với "mầu nhiệm tội ác" mà lại không bị lây nhiễm. Chỉ mình Đức Kitô mới có thể chiến thắng các sức mạnh của sự dữ. Chỉ trong và nhờ Ngài ta mới có thể sống sót trong những thử thách của sự cô tịch của ta. [10]
[1] Cứu Thế Tùng Thư, Sống theo Thần Khí, trg.245
[2] Cứu Thế Tùng Thư, sđd trg.257
[3] Anselm Grun, Apprendre à faire silence (học sống thinh lặng) trg.30
[4] Anselm Grun, sđd trg.31
[5] Anselm Grun, sđd trg.32-34
[6] Cứu Thế Tùng Thư, Sống theo Thần Khí, trg.254-255
[7] Henri Nouwen, clowning in Rome, trong The only necessary thing, a prayerful life, trg.45
[8] Truyện vui suy niệm, trg.133-134
[9] Cứu Thế Tùng Thư, Sống theo Thần Khí, trg.259-260
[10] Henri Nouwen, The way of the Heart, trong The only necessary thing, a prayerful life, trg.45