CÁC HÌNH THÁI CỦA THINH LẶNG
1. Cấp thứ nhất của thinh lặng
Cấp bậc thứ nhất của thinh lặng ở tầm mọi người, và không đòi buộc phải đọc những văn kiện bác học về vấn đề này. Đừng chờ đợi đến khi “gãy” rồi mới tìm ra một cách sống khác, ít ra theo định kỳ, hãy tìm một thời gian nghỉ ngơi cho thể xác và trí óc. Đấy là hình thức thứ nhất để giải độc tiếng ồn. Tìm lại hương vị của các thú vui đơn giản. Đi bộ rất sớm trên bờ biển. Hít thở với toàn thể hình hài mình hương thơm của quê hương.
Lắng nghe tiếng gầm thét của sóng hay tiếng vỗ của dòng nước nhấp nhô, phản ánh lịch sử mấy ngàn năm của chúng ta. Lắng nghe sự im lặng của các ngọn núi tuyết phủ mà nét uy nghi, sự nhỏ bé của con người đồng thời sự cao cả của chúng ta; vì chúng ta biết suy nghĩ.
Đi bách bộ nơi đồng quê. Chọn những con đường vắng thay vì các sòng bạc. Bước chầm chậm đến cạnh một con suối. Ngắm nhìn nét tế nhị của vân một lá cây, cái khéo cần cù của một con kiến, sự hoàn hảo của một cánh hoa, một mạng nhện mà sương mai đã đặt vào những hạt lấp lánh.
Tìm lại một vài điều hay; ngay trong sự lười biếng: thưởng thức một buổi sáng dậy trễ. Nằm trên thảm cỏ, dưới chân các cây to. Ở đấy ngửa mặt nhìn trời, để cho làn gió mơn trớn, đưa mình theo tán lá nhè nhẹ lắc lư. Không nghĩ ngợi gì cả. Trở thành một cái cây, thế thôi. Hút lấy nămg lực từ nhựa cây từ rễ vươn lên đến ngọn. Trở thành chốc lát nơi gặp gỡ của thế giới khoáng vật, thực vật và động vật.
Tìm thú vui khi trò chuyện với một cụ già ngồi trên ngưỡng cửa. Chơi một ván ném hòn với người dân địa phương. Tìm lại những cử chỉ hạnh phúc đơn sơ, cảm nếm sự cô đọng và cái bất ngờ của đời thường. Nếm lấy nét duyên dáng và tranh tối tranh sáng của một nhà nguyện, mà mình phải đi tìm chìa khoá nơi căn nhà bên cạnh. Thinh lặng! Thinh lặng! Chìm sâu vào thinh lặng như vào một bể tắm hồi sức cho mình.
Thoát mình khỏi sự thống trị của truyền hình để dệt lên những liên hệ mới trong gia đình, thường căng thẳng vì những yêu cầu và giờ giấc làm việc.
Buông thả và cùng cười với nhau… Chơi ô chữ. Nắm lấy tay đứa con nhỏ nhất rồi chạy vẩn vơ trên vùng đất thơm ngát hoặc ngồi bệt xuống đất mà đọc với nó cuốn sách hình mới nhất.
Nhưng chúng ta sẽ thấy rằng sự thoải mái thể lý này chỉ là một giai đoạn. Thinh lặng không chỉ là vắng bóng tiếng ồn. Sự thinh lặng tâm lý phải theo sau để mở ra những biên giới khác của thinh lặng.
Thinh lặng của lương tri, của linh hồn, hay của một “cõi lòng” biết lắng nghe Thần Khí. [1]
2. Sự thinh lặng của ý thức và của cõi lòng
Trong sự thinh lặng của ý thức, vang lên một cuộc tranh chấp giữa nhiều tiếng nói, qua đó sẽ xuất phát sự lựa chọn, các quyết định của mình. Nơi ưu tuyển để thực thi tự do. Sự tranh chấp giữa cái tốt nhiều, và cái tốt ít trong chính mình, giữa những giá trị mà mình chọn lựa hay từ chối. Đây là lúc mà mình cố gắng tìm hiểu bí mật về mình, về căn tính đích thực và về vận mệnh của mình.
Ai lẩn tránh vùng thinh lặng này, người ấy đánh mất toàn bộ cuộc sống ý thức và chỉ còn phản ứng một cách hời hợt bằng cảm tính, bằng những cảm xúc ngoài da. Người ấy chiều theo khẩu hiệu, thời trang và dư luận. Không có nhân vị thực sự nếu không có sự tranh luận nội tâm trong thinh lặng của ý thức.
Thật hoàn toàn giả mạo nếu ta muốn xác định ranh giới giữa sự thinh lặng của giác quan, sự thinh lặng của tâm lý, sự thinh lặng của ý thức với sự thinh lặng của cõi lòng. Những tác động qua lại giữa các bình diện ấy thì thật nhiều. Hiểu như thế, thì cuộc đối thoại của con người với ý thức mình dù cảm động và cần thiết đến đâu, cũng không thể đồng hoá với sự thinh lặng của “cõi lòng”.
Những người Phương Tây có khuynh hướng đối lập lòng với trí. Trí là lãnh vực của đầu óc, của suy tư, của hiểu biết, của lý luận, của đúng sai. Và lòng là trung tâm của tình cảm.
Thế nhưng “lòng” trong truyền thống Kinh Thánh, truyền thống Kitô Do Thái giáo, và đặc biệt là trong truyền thống tâm linh ở Phương Đông, không chỉ hạn hẹp trong lãnh vực tình cảm mà thôi. [2]
Trong Kinh Thánh “lòng” là trung tâm sự sống của con người. Đấy là nơi mà đôi khi ta gọi là “tâm hồn”, “chiều sâu của con người mình”. Nơi ưu tuyển để hội nhập, nơi cắm rễ qui tụ hoà hợp mọi khả năng con người, mọi biểu hiện của sự sống và mọi chức năng của thân thể.
Trên hết, “lòng” là nơi mà mỗi một chúng ta ở gần Thiên Chúa, có thể liên lạc với Đấng Cội Nguồn Sự Sống. Nó là cánh đồng mà Chúa Giêsu đã nói đến, nơi ấy chứa đựng kho tàng Nước Trời (Mt 13,44).
Và suốt lịch sử các tôn giáo, bao nhiêu người nam, nữ đã đi vào thinh lặng của “cõi lòng”, đỉnh cao của con người mình, nơi đây họ cảm nhận được một chiều kích mới của bản thân và của thế giới. Sự thinh lặng đã đưa họ vào một “vũ trụ” mà họ không tạo ra nhưng đã hiện diện trong họ, như là bị chôn vùi. Rồi một hôm, họ bỗng ý thức được.
“Cõi lòng” hay tâm hồn có lẽ là ơn huệ cao cả nhất, tốt đẹp nhất, và ẩn kín nhất, mà Đấng Tác Tạo đã ban cho loài thụ tạo.
Như vậy, mọi người dù hữu thần hay vô thần, đều có “khả năng nội tâm” này, và có thể thiết lập tương giao với Thiên Chúa, vì Người đã đặt vào đấy hơi thở của chính Người.
Trong sự thinh lặng của tâm hồn không phải con người đi bước trước, nhưng chính là Thiên Chúa, nhờ Thần Khí Người kết hợp với lòng trí chúng ta”. Con người không còn độc thoại với chính mình nhưng có thể lắng nghe Lời của Thiên Chúa. Lời không thể nào diễn đạt bằng tiếng nói, tựa như tiếng reo của một dòng suối. Ở đấy, giống như nhựa cây vươn lên và nuôi sống cây trong thinh lặng, Thần Khí Tác Tạo chạm lấy “cõi lòng” của tạo vật bằng những can thiệp thật khẽ, mà chỉ có con người thinh lặng mới cảm nhận được. [3]
3. Các hình thái của thinh lặng và các mặt sáng, mặt tối của thinh lặng
3.1. Các hình thái tích cực của thinh lặng.
Từ thời cổ đại, các nhà tư tưởng và luân lý thường nhắc đến bao nhiêu ơn ích của sự thinh lặng trong đời sống cá nhân và tập thể của con người. Plutarque từng viết: “Tôi chưa bao giờ phải hối hận vì đã im lặng, nhưng thường hối hận vì đã nói quá nhiều”. Và sự khôn ngoan dân gian cũng công nhận nếu:
“Lời nói là bạc”… thì “im lặng là vàng!”.
Sự thinh lặng nhẫn nại biết rằng có một thời để nói và có một tời để im lặng. Sự thinh lặng cẩn trọng cân nhắc từng lời và không vội lên án. Sự thinh lặng thông cảm biểu hiện bằng hành động hơn là bằng lời nói, một tình cảm chân thành đối với người bị thương tích trong tâm hồn hay trên thể xác. Sự thinh lặng khiêm nhường thừa nhận giới hạn của lý trí và hiểu biết của con người và chấp nhận mở lòng đối với một ánh sáng khác.
Trong truyền thống Kitô giáo, các bậc thầy về sa mạc và các nhà linh đạo lớn đã dành nhiều chương để ca tụng sự thinh lặng; mà họ thường xem là khu đất màu mỡ cho các nhân đức đối thần, đức tin, đức cậy, đức mến, cho sự sống trong Thánh Thần, cho sự thánh thiện. Dựa trên kinh nghiệm bản thân, các Ngài đã xem sự thinh lặng là một bậc thầy vô song; giúp mình phát triển khả năng tập trung vào Thiên Chúa, vào tha nhân, và như thế chuẩn bị cho mình điều kiện để thờ lạy Thiên Chúa và phục vụ con người.
Nhưng nếu chúng ta trân trọng sự thinh lặng, người bạn đồng hành đầy nhân bản, thì cũng phải cảnh giác trước những hí hoạ về thinh lặng. Vì sự thinh lặng của con người, cũng như mọi thứ khác của con người, là một điều hàm hồ. Không phải bất cứ sự thinh lặng nào cũng đương nhiên là nhân đức, là lành mạnh, là dấu chỉ của sự khôn ngoan hay chiều sâu nội tâm. Trong số những người thinh lặng, ta gặp phải cả các vị thánh lẫn những tên tội phạm.
3.2. Các hình thái tiêu cực của thinh lặng.
- Thinh lặng dửng dưng: xem người khác chỉ là bối cảnh cho một cuộc sống ích kỷ.
- Thinh lặng khinh bỉ: nhìn xuống kẻ dưới khác với cái nhìn trịch thượng.
- Thinh lặng khắc kỷ: “làm chủ bản thân”, mà những câu thơ nổi danh của Alfred de Vigny đã minh hoạ: “Chỉ có im lặng là cao cả, mọi thứ khác đều là yếu đuối… Than van, khóc lóc, nguyện cầu, đều hèn hạ như nhau”.
- Thinh lặng ngạo nghễ của một kẻ tự mãn, một người chỉ đáp lại, như lời của tác giả ấy “bằng một sự thinh lặng lạnh lùng, đối với sự thinh lặng vĩnh hằng của Thượng Đế!”
- Thinh lặng kiêu căng: không chịu ngưỡng mộ và đón nhận những việc làm hoặc lời nói tốt lành nơi kẻ khác.
- Thinh lặng lười biếng: không muốn bỏ công tạo ra các mối liên hệ.
- Thinh lặng của kẻ ngu vì không có gì để nói; nhưng lại muốn dùng sự câm lặng của mình để cho mọi người tưởng rằng tư tưởng mình sâu sắc. Nhưng như lời cách ngôn: “Sự thinh lặng của kẻ ngu cũng giống như một cái tủ khoá kín”.
- Thinh lặng oán hờn: gặm nhấm những vết thương lòng và không muốn nối lại cuộc đối thoại bị gián đoạn.
- Thinh lặng yếu đuối: sợ phải dấn thân.
- Thinh lặng hèn nhát: cố gắng để khỏi bị liên luỵ.
- Thinh lặng đồng lõa: đồng tình giữ kín.
- Thinh lặng phản bội: trốn tránh không đưa ra một chứng từ mà mọi người chờ đợi. [3]
3.3. Mặt sáng, mặt tối của thinh lặng.
Người ta có thể nhìn thinh lặng dưới nhiều hình thức khác nhau: không nói, thu mình vào đời sống nội tâm, chiến đấu để chống những thói quen xấu, nhưng thinh lặng cũng có thể là một thái độ tích cực. Giữ thinh lặng là giữ thái độ tích cực, không phải là không nói, không suy nghĩ nhưng xa lánh các tư tưởng, các diễn giải trong đầu. Khả năng giữ thinh lặng của mỗi người không phải định giá ở quan trọng của lời nói nhưng ở thái độ từ bỏ mình. Có những người bề ngòai im lặng, nhưng thỉnh thoảng lại không từ bỏ mình được, mà từ bỏ mình là mấu chốt đích thực của thinh lặng. Họ núp trong thinh lặng, để không bị đụng tới hay né tránh cuộc chiến đấu với cuộc đời, bám vào chính mình và vào hình ảnh lý tưởng của mình. Đối với nhiều người, thinh lặng là thoái lui, là rút mình về không dám nhận lấy trách nhiệm. Nguy cơ này những người trẻ hay mắc phải, họ chưa nắm vững vấn đề nên xem thinh lặng như con đường duy nhất. Họ cảm thấy được an tòan khi ở trong thinh lặng, không muốn thấy các giấc mơ bị đè nén vì phải chiến đấu với đời. Trong trường hợp này, thinh lặng là khư khư bám chặt vào mình. Nói: là phải phơi bày mình ra với người khác: để hở cạnh sườn cho người khác tấn công và lúc đó, lời nói có thể là đề tài để bị chỉ trích và chế nhạo. Lời nói của mình có thể làm cho mình trở nên kỳ cục. Nhiều người im lặng vì kiêu ngạo, sợ bị phơi bày. Người ta không thể từ bỏ mình và hình ảnh đẹp về mình. Nhưng tốt hơn là cứ liều để bị xem là kỳ cục khi mình diễn tả. Nếu tôi thấy được tôi lố bịch đến như thế nào khi tôi nói, và nếu tôi tạ ơn Chúa vì đã bị chế nhạo lúc nói, thì lúc đó thật sự tôi đã biết từ bỏ chính tôi. Bởi vì tôi không còn coi trọng hình ảnh đẹp đẽ mà người khác phải có về tôi, tôi cám ơn Chúa và như vậy, tôi mới đọc được lời Thánh Vịnh:"Đau khổ quả là điều hữu ích, để con học biết thánh chỉ Ngài"(Tv 119,71). Tôi không còn lo làm sao để tôi nói năng một cách tốt đẹp hơn, nhưng tôi từ bỏ chính con người tôi, từ bỏ hình ảnh lý tưởng để phó thác hòan tòan vào Chúa. Chính cái từ bỏ này là vấn đề rút cùng của thinh lặng. [5]
Như vậy, theo các hình ảnh trên, ta có những thinh lặng tốt và xấu, phản ánh hai bộ mặt của chúng ta bộ mặt tối và bộ mặt sáng. Trong thinh lặng, chúng ta có thể tẩy rửa mình, thống nhất bản thân, nhưng cũng có thể tự huỷ diệt mình.
Do đó, sự thinh lặng có thể biểu hiện sự tôn trọng hay lòng khinh bỉ, tình yêu hay thù hận, niềm vui hay đau khổ, suy tư hay ngu dốt, bệnh hoạn hay cởi mở…
Làm thế nào dể biện phân giữa sự câm lặng chẳng hạn; của kẻ ít nói, của kẻ hằn học, của kẻ oán hờn, của kẻ ghét người, của kẻ thu về mình; với sự thinh lặng của một hiền nhân?
Cách đầu tiên để phân định về phẩm chất của sự thinh lặng của mình, ấy là phân định về phẩm chất của tình yêu mình, của những tương quan của mình đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. [6]
4. Vậy thế nào là thinh lặng nội tâm ?
4.1.Thinh lặng nội tâm không có nghĩa là không nói gì cả.
Giữ thinh lặng không có nghĩa là không nói gì cả. Nhưng khi cần, vì bác ái yêu thương, ta phải nói. Về điều này, thánh Gioan Kim Khẩu đã khuyên:"Chỉ nên nói khi nói sinh lợi ích hơn khi nín lặng". Sau khi sống đời sống yêu mến sự thinh lặng, thánh Maria Mácđala đệ Pátdi chuyển lại cho chúng ta chính cảm nghiệm đời sống thiêng liêng của bà:"Tôi tớ thật của Chúa Giêsu lãnh nhận mọi sự, làm lụng thật nhiều và nói thật ít" [7]
4.2. Thinh lặng nội tâm không có nghĩa là không làm gì cả.
Tuy nhiên, điều cần thiết là phải phân biệt: sống trong bầu khí vắng vẻ, cô tịch trong lòng không có nghĩa là không làm gì cả. Thiên Chúa muốn bạn hữu nghĩa thiết yêu thích ở những nơi thanh vắng. Người không muốn họ ở không một mình. Có những người thích sự nín lặng, nhưng đó là sự nín lặng của những kẻ lười biếng. Thánh Basiliô nói về những kẻ này rằng:"Họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về sự nín lặng, sự ở nhưng không chẳng chịu làm việc, hoặc chỉ muốn làm những việc vô ích theo ý riêng của họ" [8]
4.3. Một tâm hồn thinh lặng nội tâm thực sự.
Yêu thích sự thinh lặng là yêu thích sống ở những nơi yên tĩnh, tránh xa những tiếng động và lời nói không cần thiết. Nhưng như thế thôi chưa đủ để có một tâm hồn cô tịch thực sự. Thinh lặng còn là tình trạng tâm hồn có thói quen hãm dẹp các đam mê xấu, giữ mình khỏi những ý nghĩ vô ích cũng như những tưởng tượng, những kỷ niệm cột chặt lòng mình vào cuộc sống trần tục này. Những tâm hồn đó đương nhiên sẽ rất dễ dàng nghe được những tiếng thì thầm tâm sự của Chúa, Đấng hằng tha thiết được tâm sự cùng các bạn hữu của Người, và nghe được nỗi lòng và các tiếng kêu than của những con người đau khổ đang vang lên trong chính cõi lòng thâm sâu của họ. [9]
[1] Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng, trg.7-9
[2] Michel Hubaut,sđd trg.35
[3] Michel Hubaut, sđd trg.54-55
[4] Michel Hubaut, sđd trg.36-38
[5] Anselm Grun, Apprendre à faire silence (học sống thinh lặng) trg.41-42
[6] Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng, trg.39
[7] Cứu Thế Tùng Thư, Sống theo Thần Khí, trg.156
[8] Cứu Thế Tùng Thư, sđd trg.258
[9] Cứu Thế Tùng Thư, sđd trg. 254