THINH LẶNG NỘI TÂM NƠI RÈN LUYỆN CON NGƯỜI
1. Adam: nghe được tiếng Chúa trong thinh lặng:
Mặc khải Kitô giáo cho biết: vì sao con người cảm thấy thật khó khăn để lòng mình được cư ngụ một cách thanh thản, để sống hạnh phúc cuộc đối thoại thân mật với Thiên Chúa: đó là bi kịch mà truyền thống gọi là tội lỗi, sự đoạn tuyệt bí ẩn giữa con người với Đấng Tạo Dựng mình.
“Nghe bước chân Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi ban chiều, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn để khỏi gặp Thiên Chúa. Thiên Chúa gọi con người: “Ađam, ngươi ở đâu?” (St 3,8). Cuộc đối thoại linh hứng này – được viết vào thời lưu đày, sau khi Giêrusalem bị tàn phá – biểu hiện một cách hoàn hảo cuộc gặp gỡ khó khăn giữa Đấng Tạo Hóa với loài thụ tạo sau cuộc đoạn tuyệt ấy. Con người trở thành một hữu thể đầy nghịch lý: vừa khát mong được hạnh phúc, được sống viên mãn; vừa lẩn trốn Đấng duy nhất có thể ban cho họ điều họ kiếm tìm. Nhân danh tự do, họ đòi hỏi một sự tự quản tuyệt đối, họ đã liều mình đóng cửa
lòng đối với tiếng gọi của Tình Yêu Thiên Chúa, là nền tảng và bảo đảm cho sự tự do mong manh của mình. Khát vọng của lòng họ trước đây hướng về Thiên Chúa, Nguồn Mạch của mình, Sự Tăng Trưởng và Hoàn Tất của mình, giờ đây như thể cuộn lấy vào chính mình.
Trong họ, lòng “mong muốn” được hạnh phúc – nghĩa là khát mong Thần Khí – đã tản mát thành nhiều mong muốn ít nhiều phù du hay nhỏ bé.
Từ ngày có cuộc đoạn tuyệt bí ẩn với Thiên Chúa, chính “lòng”chúng ta như lời Thánh Phaolô, đã trở nên “Mê muội, mê ngủ và tăm tối”. – “Con người suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội; thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ ngẫu tượng”. (Rm 1,21-23)
Vì ích kỷ hay kiêu căng, con người đã xem mình là trung tâm tuyệt đối, đối tượng duy nhất mà mình khát mong.
Trở thành nô lệ của các mong muốn không kiềm chế, bị phân tán theo mọi hướng, con người không tìm ra hạnh phúc, họ tự huỷ hoại chính mình bằng cách khước từ Sự Sống. Tội lỗi không gì khác hơn là sự sa đọa của khát mong được hạnh phúc, một sự lệch lạc của lòng mong muốn yêu thương và được yêu thương một sự cuộn tròn của lòng mong muốn vào chính bản thân mình, một sự tôn thờ ngẫu tượng. Tội lỗi là lòng mong muốn được hạnh phúc đã bị xoay lạc hướng.
Ai biết con đường về với lòng mình để lắng nghe Khát Mong của Thần Khí, người ấy sẽ nhận ra rằng, dần dần, những mong muốn của mình sẽ không bị phủ nhận hay trấn áp nhưng được tẩy sạch; định hướng lại đơn giản hoá.
Thinh lặng trở nên một nơi hoán cải, nơi mà ta đi từ thái độ “tự ngắm” luôn hướng về mình, đến thái độ cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân, những người mà chúng ta mong ước và yêu thương vì chính bản thân họ.
Khi quay lưng với Chúa, con người đã gây ra một loại “sa ngã”, mà một trong các hệ quả quan trọng nhất là đánh mất sự thống nhất của mình. Bị lưu đày xa “lòng” mình, việc liên lạc giữa “khả năng nội tâm này” với những khả năng khác như trí khôn và ý chí trở nên khó khăn. Điều này làm nảy sinh một khủng hoảng căn tính trầm trọng, vì có một khoảng cách giữa cái thực chất sâu xa của chúng ta: một hữu thể được tạo nên “theo hình ảnh và giống Thiên Chúa”, với cái mà chúng ta tưởng là mình, cái mà trí khôn chúng ta nghĩ ra.
Ai học cách mặc lấy sự thinh lặng cho lòng mình đón nhận Thần Khí, người ấy sẽ khám phá rằng Năng Lực Thần Linh của Tình yêu sung mãn kia sẽ dần dần thấm sâu vào mọi khả năng mình, thống nhất toàn bộ con người mình. Năng lực ấy mở đường vào sự hiểu biết mới, ấy là con đường hiểu biết của Thần Khí và đường vào tình yêu mới, yêu bằng đức ái của Thần Khí.
Cuối cùng, phẩm chất của các tương quan, của hành vi đời thường chúng ta tuỳ thuộc vào cách mà chúng ta tìm Đấng cư ngụ cho “lòng” mình, nơi mà Vương Quốc của Chúa Giêsu đã hiện diện.
Các nhà tâm lý ngày càng quan tâm đến việc thức tỉnh của các tương quan, cũng như họ quan tâm đến việc chiêm niệm, vì tác động hỗ tương giữa hai lãnh vực này ngày càng trở nên rõ ràng. Họ công nhận rằng sự thinh lặng chiêm niệm ảnh hưởng nhiều đến phẩm chất các tương quan gắn bó người với người.
Thật vậy, cần phải rất thinh lặng để đi từ tình yêu chiếm hữu đến tình yêu vô vị lợi, yêu thương người khác vì chính họ. Triết gia Levinas tuy không ngừng bảo vệ “quyền của tha nhân” vẫn khẳng định rằng chỉ có những người biết tạo một tương quan đích thực với sự cô tịch, mới có thể ở vào vị thế “thiết lập được một tương quan với tha nhân”.
Đa số các tôn giáo cho rằng thinh lặng là nơi thanh luyện. Đạo Phật thậm chí xem thinh lặng là vị thầy không thể thiếu được để diệt dục; vì dục vọng là nguồn mạch của ảo tưởng làm cho người ta không nhìn thấy đúng các thực tại trần gian.[1]
2. Abraham
Cassien, nhà văn, nhà tu sĩ vĩ đại đầu tiên của Phương Tây giải thích tinh hoa của cuộc lữ hành trong bài chú thích về câu 1, chương 12 của sách Sáng thế: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi". Đây là cuộc từ bỏ ba điều: Xứ sở, họ hàng và nhà tổ phụ. Theo Cassien, từ bỏ xứ sở có nghĩa là từ bỏ mọi của cải thế gian, mọi quan hệ thế gian. Ai từ bỏ thế gian này, họ không còn giữ gì trong tay, họ nghèo đi. Giữ thinh lặng, người tu sĩ từ bỏ cái giầu có của lời nói. Không còn gì cho phép họ đánh bóng họ. Gây ấn tượng, không còn gì để trình bày, không còn công thức đã học được, không còn tư tưởng hay ho. Họ trở nên nghèo bên trong, nghèo tinh thần. Điều này không những áp dụng với các bài diễn văn mà còn áp dụng với các tư tưởng. Giữ thinh lặng không có nghĩa là gánh lấy hết các nguồn sinh lực của tưởng tượng, nhưng trở nên nghèo đi trong tư tưởng, bằng lòng với vài tư tưởng mà với vài tư tưởng này đưa lòng mình mở ra tiếp nhận Chúa. Chỉ có một ít viện phụ ngày xưa mới nghiền ngẫm lui tới một vài đọan Thánh Vịnh. Và họ xem việc chỉ sống duy nhất vào một lời trong Sách Thánh là khó nghèo trong tinh thần và họ chỉ có lời Thánh mới làm biến đổi con người họ.
Đối với Cassien, từ bỏ họ hàng là từ bỏ đời sống trước đây, các thói quen, các tật xấu cũ, tất cả những việc mà chúng ta dính líu một cách chặt chẽ từ khi mới sinh, nó làm cho mình co rút lại trong một lọai ái lực không rời được. Sự tách rời này là từ bỏ đời sống cũ, cũng như các tình cảm và các đam mê. Cần phải tách những gì làm quả tim mình bị gò bó. Ở đây Cassien cấm quay ngược trở lại. Thu mình vào quá khứ, trốn hiện tại bằng cách trở về một quá khứ được lý tưởng hóa, lúc mà mình sống không lo âu. Lúc mà mình có thể đề cao các thành công của mình. Như thế giữ thinh lặng trong việc từ bỏ họ hàng đòi hỏi mình phải quên các kỷ niệm. Phải ngừng không được xem cá nhân mình và quá khứ mình là quan trọng. Bây giờ trước mặt Chúa, không được để trí tưởng tượng tự do trốn vào quá khứ để thấy mình được hạnh phúc. Có những người không bao giờ quên được quá khứ: họ thử sống lại những giây phút mà lúc nào họ cũng cho đó là tuyệt diệu. Họ không tài nào quên được. Họ giữ chúng như báu vật, họ sống dựa vào đó. Thinh lặng đòi hỏi phải quên quá khứ và chú ý trọn vẹn vào thực tế hiện tại, đó là Chúa mà chúng ta có thể tiếp cận, một Thiên Chúa đối diện với hiện tại.
Theo Cassien, từ bỏ nhà tổ phụ là quên mọi dấu vết của thế gian này, tách rời cái hữu hình và phù du, để chú ý đến cái vô hình, cái vĩnh cửu và tương lai. Trong bối cảnh này, Cassien trích câu:"Quê hương chúng ta ở trên trời"(Pl3,20). Phải đi trên thế gian này nhưng không ở đó, bởi vì quê hương chúng ta ở trên trời và xem đời sống dưới thế là đời sống nơi xứ lạ. Và đó là đời sống mình muốn sống. Như vậy thinh lặng là sự chạm trán với khía cạnh xa lạ của thế gian này. Họ không quen thuộc với những người chung quanh, những người trong thế gian này. Và đó là những gì các tu sĩ hiểu về thinh lặng: biết từ bỏ những gì quen thuộc với mình.
Như thế giữ thinh lặng trong việc từ bỏ xứ sở, gia đình là ý thức mình đang đi vào con đường cô độc. Các tu sĩ đi hành hương lúc nào cũng sáng suốt giữ mình tránh lộ tên tuổi. Thường thường, không ai biết họ: họ tình nguyện sống ngoài cộng đoàn và như vậy không có luật lệ bảo vệ họ. Họ tách rời khỏi cộng đoàn, khỏi xứ sở, khỏi gia đình, ngắn gọn với loài người, cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài để sống trọn vẹn, một mình với Chúa. [2]
3. Môisê
Truyện kể rằng: Trước khi ông Moisê dẫn đưa dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ Ai cập, người phải trải qua một thời gian huấn luyện dưới sự chỉ giáo của một thầy dậy. Kỷ luật đầu tiên mà Môisê phải tuân giữ, là sự im lặng tuyệt đối trước bất cứ điều trái ý nào.
Một hôm, hai thầy trò đi du ngọan tại một miền quê có đồi núi hùng vĩ, cây cối xanh tươi, hoa cỏ muôn màu sắc, sông nước trong mát. Nhưng Môisê cũng phải im lặng không dám mở môi khen ngợi.
Đến gần bờ sông, Môisê thấy một đứa bé đang chìm dần xuống nước, trong khi đó người mẹ trên bờ sông không biết làm gì hơn là khóc than thảm thiết.
Môisê không cầm lòng được trước cảnh tượng đáng thương đó, liền buột miệng nói:
Thầy không thể làm gì để cứu đứa bé được chăng ?
Thầy giáo bảo Môisê hãy giữ im lặng.
Môisê cắn lưỡi giữ yên, nhưng cảm thấy áy náy trong tâm hồn. Ông tự nghĩ, không lẽ thầy mình lại có tấm lòng chai đá như vậy hay sao ? Hay chỉ là vì bất lực không thể cứu giúp người gặp cảnh khó khăn được ? Mặc dù Môisê không dám nuôi những ý tưởng xấu về thầy mình, nhưng lại rất khó mà xua đuổi những tư tưởng ấy đi.
Hai thầy trò lặng lẽ tiếp tục tiến về phía biển. Đứng trên bờ biển, Môisê thấy chiếc thuyền nhỏ lao đao, vật lộn với sóng lớn và đang chìm dần với cả nhóm thủy thủ. Môisê kêu lên:
Lạy thầy, xin hãy nhìn xem kìa, chiếc thuyền nhỏ đang chìm dần.
Một lần nữa thầy giáo ra hiệu cho Môisê phải im lặng.
Môisê không dám nói gì thêm nữa, nhưng trong lòng không khỏi phân vân lo lắng.
Khi hai thầy trò trở về nhà, Môisê liền đem sự việc đến hỏi Chúa.
Chúa phán: thầy con làm như vậy là có lý, đứa bé chết đuối trong nước sông, nếu không chết, lớn lên nó sẽ là tên tướng giặc gây chiến giữa hai quốc gia, và hàng ngàn người vô tội sẽ phải chết thảm thương. Còn chiếc thuyền nhỏ ngòai biển kia đang chở theo một bọn cướp hung dữ, chúng đang dự định tấn công một làng nhỏ gần vùng bờ biển. Nếu chúng không bị đắm thuyền, thì chúng sẽ cướp phá và giết hãi dân làng vô tội. [3]
4. Elia
Khi đối diện với nghịch cảnh, người làm chứng bị cám dỗ lẩn trốn, thì cũng chính trong thinh lặng mà người ấy lại nghe được tiếng của Đấng đã sai mình, và sẽ tìm lại được sự dũng cảm để tiếp tục theo đuổi sứ mang của mình. Chước cám dỗ “bỏ cuộc” của tiên tri Êlia là một minh họa sắc nét (1V 19, 1-15).
Êlia vừa chiến thắng các tiên tri giả, phục vụ dưới trướng của nữ hoàng Giêzabel, một người thờ ngẫu tượng và độc ác. Bà hằn học báo cho vị tiên tri biết rằng bà sẽ cho giết ông khi xuất hiện cơ hội đầu tiên.
Lo sợ, Êlia trốn vào sa mạc! “Êlia sợ hãi, ông trỗi dậy và tìm cách thoát thân. Ông đến Becshabê thuộc Giuđa, và để gia nhân mình ở lại đấy”.
Vị tiên tri từng năng nổ vì tin chắc rằng mình có được sức mạnh của Thiên Chúa, giờ đây ông chỉ còn là một con người đáng thương, sợ hãi đến thắt ruột. Ông ý thức giới hạn nhân loại của mình. Ông trú ẩn vào nơi sa mạc, quyết tâm biến đi trong thiên nhiên mà không để cho ai hay biết.
“Thế là ông đi một ngày trong sa mạc và ngồi xuống dưới bụi cây. Ông mong muốn được chết và nói: “Lạy Chúa, thế là đủ rồi! Xin cất mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con”. Ông nằm xuống và thiếp ngủ”.
Ông bị dằn vặt vì khoảng cách giữa gánh nặng của sứ mệnh và khả năng hạn chế của con người ông. Những giờ phút đầu tiên bước đi một mình thì đầy tràn về bản thân ông, về những vấn đề của ông, về thất bại của ông. Cần phải có một thời gian mới có thể buộc im tiếng cho những trận cuồng phong của suy nghĩ, của thắc mắc, của phản kháng, vì chúng vẫn còn ồn ào quá dù cho ông ở nơi sa mạc, một sa mạc chỉ làm cho tiếng ồn nội tâm được khuyếch đại lên thôi. Ông chỉ còn một nơi duy nhất để trú ẩn, đấy là giấc ngủ. Ngủ đi! Quên đi! Không còn suy nghĩ gì nữa. Giấc ngủ đôi khi là một hình thức chạy trốn.
“Nhưng này, một Thiên Sứ chạm vào ông và nói: “Hãy trỗi dậy mà ăn”. Ông nhìn lên và thấy ở cạnh mình có một ổ bánh nướng trên đá nóng, và một bầu nước. Ông ăn uống, rồi nằm xuống lại. Nhưng Thiên Sứ của Thiên Chúa lại đến một lần nữa, chạm vào ông và nói:
“Hãy trỗi dậy mà ăn, nếu không thì ông không đủ sức đi hết đoạn đường xa”. Ông trỗi dậy và ăn uống”.
Thiên Chúa không bỏ rơi tôi tớ Người. Hai lần Người tế nhị đến viếng thăm, đánh thức ông khỏi cơn ngái ngủ - biểu trưng cho mọi sự mệt mỏi thiêng liêng của chúng ta – và nuôi sống ông. Êlia cần phải hồi phục sức lực, vì con đường nội tâm của ông chỉ mới khởi đầu. Vì thế, trong thinh lặng, ông phải đón nhận các ân huệ của Thiên Chúa, ăn bánh Lời Người, uống Nước Hằng Sống của Thánh Linh. “Nhờ lương thực ấy ông đi bốn mươi đêm ngày để đến Horeb, ngọn núi của Thiên Chúa”. Êlia phải đi một cách biểu trưng; theo lộ trình đức tin của dân ông, để tìm lại con đường đến Sinai, nơi ưu tuyển để Gặp Gỡ. Đấy chính là nơi mà Thiên Chúa đã ký kết một Giao Ước với con người, đấy chính là nơi mà cuộc Xuất Hành đã tìm thấy trọn vẹn ý nghĩa, đấy chính là nơi mà Người đã mặc khải Danh Người cho Môsê.
Êlia cần phải cắm rễ lại ơn gọi của mình vào một cảm nghiệm cá nhân đối với sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đã sai ông đi, và cắm rễ lại sứ mạng mình vào chương trình Tình Yêu của Người, vào lịch sử cứu độ. Đây là một cảm nghiệm nội tâm không thể diễn đạt bằng lời, nên tác giả Thánh Kinh đã biểu trưng bằng một hình ảnh thật đẹp đó là làn gió hiu hiu.
“Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó… Bấy giờ có tiếng hỏi ông: “Êlia, ngươi làm gì ở đây? Ông thưa: “Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Người, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ Người. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con”.
Êlia khởi sự kêu lên nỗi chán ngán của mình. Lòng hăng say của ông đối với sứ mạng Chúa trao chưa hề chết đi, và chính vì thế mà ông chua xót trước sự việc là Thiên Chúa có vẻ thất bại, sự thù địch vẫn còn, kẻ vô đạo vẫn nhởn nhơ, và dân trung thành với giao ước thì bị bỏ rơi.
“Đức Chúa phán với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa”. Cái hang mà Êlia đứng nơi cửa gợi cho ta nhớ lại khe núi mà Môsê lánh khỏi mặt Người khi Người đi ngang qua”. (Xh 33, 21). Hang này cũng tượng trưng cho “cõi lòng” mà mọi người phải đứng nơi cửa để đón tiếp Thiên Chúa trực tiếp đi qua.
“Kìa Đức Chúa đi ngang qua. Gió to bão lớn xẻ núi non, đạp vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu”.
Hẳn là Êlia chờ đợi một cuộc “hiển linh”ngoạn mục, một biểu hiện rền vang của Thiên Chúa. Ông vẫn hy vọng vào một Thiên Chúa hùng mạnh, có khả năng trấn áp đối phương. Thiên Chúa lo việc tẩy rửa những quan niệm quá con người của ông, khi ông vẽ vời Người theo hình ảnh của lòng mong muốn thống trị, hay bạo lực của chính bản thân mình.
Thiên Chúa không có mặt trong tiếng gầm thét của bão táp, không có mặt trong sự cuồng nộ của động đất. Tác giả Kinh Thánh viết như thế. Thiên Chúa viếng thăm Êlia trong cơn gió thoảng, “trong tiếng thì thầm của một làn gió hiu hiu” mà ta chỉ có thể cảm nhận trong thinh lặng. “Êlia đã nghe được”. Ông khám phá rằng Thiên Chúa hiện diện cũng như hơi thở, một làn gió, một sinh khí giống như sức sống mà sách Sáng Thế đã nêu ra, khi “Đức Chúa thổi sinh khí vào mũi” để biến Ađam thành một con người (St 2,7).
“Đức Chúa phán: “Hãy đi đi, hãy trở về trên con đường ngươi đã đi qua…”. Một lần nữa, được củng cố nhờ cảm nghiệm thiêng liêng này, nhờ sự thân mật với Thiên Chúa mà ông tìm lại được trong thinh lặng, Êlia từ nay sẽ có khả năng tiếp tục lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, và chu toàn sứ mạng của mình. Trong lòng ông lại vang lên tiếng “Hãy đi”, cái mệnh lệnh biến con người thành chứng nhân và ngôn sứ.
Ông đã canh tân lòng dũng cảm nội tâm, vì nó được đặt nền tảng trên niềm xác tín rằng cuộc chiến đấu của ông chính là cuộc chiến đấu của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ mặc ông một mình. Ông phải thông qua sự lột xác và sự thinh lặng của sa mạc, để tìm thấy nguồn mạch của ơn gọi mình, và tính chất nhưng không trong ơn cứu độ của Thiên Chúa. [4]
5. Chúa Giêsu và thinh lặng.
Đức Giêsu Lời Thiên Chúa trong xác phàm, Đấng được Cha sai phái, Đấng “thừa sai” tuyệt hảo, Ngài đã im lặng trong suốt ba mươi năm! Ba mươi năm trong ba mươi bốn năm cuộc đời! Sự nhập thể của tình yêu vào đời thường không buộc phải gây ồn ào!
Làm sao tưởng tượng được một lời ca tụng xứng đáng hơn đối với giá trị và sự phong phú của thinh lặng, sự thinh lặng biến thành một sự hiện diện để khiêm tốn liên đới với đời sống và lao nhọc của con người! Sự thinh lặng ở Nadaret từng làm ngây ngất cha Foucauld, không phải là một Lời Mặc Khải tuyệt vời về mầu nhiệm Thiên Chúa ở cùng chúng ta sao?
Suốt thời gian thực thi sứ mạng công khai của Ngài, hoàn toàn dấn thân rao giảng Nước Trời, bằng lời nói và hành động, Chúa Giêsu còn biểu lộ vai trò chủ yếu của thinh lặng trong cuộc đời của mọi môn đệ. Không phải tình cờ mà thánh Maccô – vào đầu Phúc Âm mình, đã đặt một khoảng thời gian thinh lặng vào trong “Ngày thừa sai mẫu mực” của Chúa Giêsu:
“Sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, Chúa Giêsu chỗi dậy và lên nơi vắng vẻ, và Ngài cầu nguyện ở đó”.(Mc 1,35).
Thánh Maccô muốn cho độc giả thấy rằng việc cầu nguyện trong cô tịch, đối với Chúa Giêsu không phải là một “cặp ngoặc đơn” thỉnh thoảng xảy ra khi gặp dịp, nhưng là một chiều kích chủ yếu, cơ bản của bản thân và của sứ mạng Ngài.
Chúa Giêsu không tìm kiếm sự thinh lặng để mà thinh lặng nhưng để thiết lập một đối thoại hiếu đễ với Đấng cư ngụ trong lòng, trong tư tưởng hành động, trong kinh nguyện của Ngài, Đấng sai Ngài ra đi: Thiên Chúa, Cha của Ngài.
Tác giả Phúc Âm muốn nói với cộng đoàn Kitô hữu rằng nguồn gốc của sứ mạng Chúa Giêsu, sự năng động trong công cuộc dấn thân của Ngài, sự cắm rễ trong Tin Mừng, tất cả những điều ấy đều ở nơi Thiên Chúa, một Thiên Chúa mà Ngài đón nhận, yêu mến và lắng nghe trong thinh lặng.
“Simon đi tìm Ngài với bằng hữu mình. Và khi gặp Ngài, họ nói: “Mọi người tìm Thầy!”
Chúa Giêsu không để mình bị tác động do công việc khẩn cấp, do tiếng tăm, do số lượng bệnh nhân. Ngài cho rằng thời gian thinh lặng trước Cha Ngài cũng quan trọng sống chết như không khí để thở! Ngài không bao giờ xem hoạt động và chiêm niệm là hai điều đối lập.
Chính tình yêu điều khiển hướng đi hai chiều quy về Cha và về nhân loại. Trong thinh lặng cầu nguyện, Ngài mở lòng để đón nhận Cha, đón nhận chương trình Yêu Thương của Người.
Và các thánh sử đã ghi lại cho chúng ta những cặp từ: “Cô tịch – hiện diện” với con người “thinh lặng – ngỏ lời”; những điều ấy sẽ giữ nhịp cho suốt cuộc sống công khai của Ngài.
Sau lần hoá bánh ra nhiều, “Chúa Giêsu thấy rằng người ta đến để ép Ngài làm vua, thế là Ngài lại ẩn lên núi, một mình (Ga 6, 15). “Ngài càng ngày càng nổi danh, dân chúng chạy đến nghe Ngài và xin Ngài chữa bệnh. Nhưng Chúa Giêsu rút lui vào nơi vắng vẻ và cầu nguyện”(Lc 5,15-16).
Chúng ta biết rằng con người rất thường tìm cách “kéo” Thiên Chúa vào kế hoạch, ý thức hệ, đấu tranh của mình! Vì thế, trước những sự phấn khởi hàm hồ của dân chúng, những người luôn bị cám dỗ bởi chủ thuyết giải phóng theo nghĩa hẹp, giới hạn trong những nhu cầu trần gian trước mắt, Chúa Giêsu là người tạo ra những đoạn tuyệt và mối hiệp thông. Những đoạn tuyệt cần thiết để sống một cuộc sống chân chính, trong tình liên đới với con người theo như ý Cha, Đấng vượt quá sự thiển cận của chân trời chúng ta! Sự thinh lặng nguyện cầu cần thiết cho Ngài để thi hành sứ mạng một cách tinh tuyền và đáp ứng mọi đòi hỏi của sứ mạng ấy.
Với những môn đệ đến tìm Ngài nơi vắng vẻ, Chúa Giêsu trả lời: “Chúng ta hãy đi nơi khác, vào những làng bên cạnh, để Thày còn rao giảng ở đó nữa vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Rồi Người đi khắp vùng Galilê, rao giảng trong các Hội đường của họ, và trừ quỷ” (Mc 1,38-39).
Sự thinh lặng ấy không hề là một sự lẩn tránh hay “một cuộc trốn thoát thế gian”, nhưng là một hành vi “cắm rễ” giúp Chúa Giêsu đi xa hơn, đi “nơi khác”.
Nếu thinh lặng đối với Ngài thường là một nơi hẹn cho tình Cha Con, một tình yêu vô vị lợi thì đôi khi đó cũng là thời điểm cần thiết để Ngài suy tư trước khi đưa ra những quyết định quan trọng đối với sứ mạng mình, như trước khi chọn các môn đệ đẩu tiên:
“Trong những ngày ấy, Ngài lên núi cầu nguyện, và Ngài thức suốt đêm cầu nguyện. Khi trời sáng Ngài gọi các môn đệ và chọn nhóm Mười Hai.” (Lc 6,12-13).
Nếu những lần thinh lặng của Chúa Kitô là những lời cũng quan trọng như giáo huấn mà Ngài để lại cho chúng ta, thì sự thinh lặng hùng biện nhất trong Tân Ước là sự thinh lặng trong các phiên toà xử án Ngài. Ngài là người chẳng hề ngần ngại tố cáo sự giả hình, hoặc đối đầu với cha đẻ của sự dối trá, nhưng Ngài lại ‘thinh lặng’ trước vị Thượng Tế (Mc 14,16), trước Hêrôđê (Lc 23,9) và trước Philatô. Sự thinh lặng của người công chính đối lập với sự hung hăng bất công của đối thủ Ngài. Sự thinh lặng uy nghi của Đấng Mêsia khi Giờ Ngài đã đến, và quyền lực duy nhất là quyền lực sáng chói của chân lý. Khi Ngài bị thượng tế và các kỳ lão buộc tội, Ngài không trả lời một tiếng. Vì thế Philatô mới hỏi: “Ông không nghe những gì họ làm chứng chống ông sao?” Và Ngài chẳng trả lời về điểm nào cả, khiến viên tổng trấn rất ngạc nhiên (Mt 27,12-14).
Nhưng sự thinh lặng của Ngài không hề là thái độ hèn nhát. Khi chân lý đòi hỏi, Ngài không ngần ngại nói rõ ràng. Vị Thượng Tế đứng dậy và nói: “Ông không trả lời gì cả sao? Những người này làm chứng chống ông về điều gì vậy?” Nhưng Đức Giêsu vẫn thinh lặng. Vị Thượng Tế mới nói: “Nhân danh Thiên Chúa Hằng Sống, tôi muốn ông nói; ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa, hay không? Đức Giêsu đáp lại: “Ông đã nói rồi đấy!” (Mt 26,63-64).
Nếu Đức Kitô có nói vài lời trên thập giá, thì tiên vàn đó là lời thinh lặng. Sự thinh lặng của Con Người chịu đóng đinh thập giá này trở thành một Lời nát lòng, xúc động. Thiên Chúa đã nói hết mọi sự khi Ngài thinh lặng để chết!
Nếu sự thinh lặng của Con Người, xét theo số lượng các văn bản, được đề cao hơn trong Cựu Ước, thì cần lưu ý rằng những văn bản Tân Ước có được ánh sáng mới, bởi lẽ chúng quy hướng về con người Đức Giêsu. Sự thinh lặng bao trùm mầu nhiệm của chính Thiên Chúa! Sự thinh lặng này không đơn thuần là lẽ khôn ngoan thế gian mà đạt đến mức độ thần học rồi. [5]
[1] Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng, trg.65-68
[2] Anselm Grun, Apprendre à faire silence (học sống thinh lặng) trg.57-59
[3] R. Veritas, Nghĩa cử yêu thương, trg. 13-15
[4] Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng, trg.78-82
[5] Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng, trg.72-76