Mary Thuý Trác - soạn dịp mừng 60 năm Đất Mẹ Trinh Vương Bùi Môn 2016
- MỞ ĐẦU
Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời lúc 3 giờ 18 phút ngày 23.3.2015, tại bệnh viện General, Singapore, hưởng thọ 91 tuổi. Người dân Singapore tôn kính gọi ông là "người cha sáng lập" đất nước, là người kiến tạo nên xã hội Singapore hiện đại, xây dựng nên những quy tắc chuẩn mực để quản lý xã hội; thế giới kính trọng ông, xem ông như hình mẫu lãnh đạo tài ba của thế giới văn minh, hiện đại. Chính ông đã đặt nền móng vững chắc cho Singapore phát triển, là động lực để người dân, nhất là giới trẻ Singapore luôn phấn đấu xây dựng đất nước phồn vinh.
Hôm nay gia đình Dòng chúng ta cũng có thể nói về người cha Bernardo của chúng ta như thế. Chính cha là người “sáng lập” Đất Mẹ Bùi Môn, là người kiến tạo nên thế giới Trinh Vương. Chính Cha đã xây dựng những qui tắc chuẩn mực để quản trị Dòng qua Hiến Chương. Chính cha đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Dòng trên Đất Mẹ Bùi Môn. Hôm nay theo tinh thần "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của người Việt, chúng ta tưởng nhớ đến Cha như ông tổ Đất Mẹ, như người cha rất cha của con cái Trinh Vương trong ngày kết thúc tháng tạ ơn này.
- NỘI DUNG
- Giai đoạn 1956 - 1966: Đặt nền trong hy vọng
Năm 1956, chính cha với trực giác bén nhạy đã quyết định đưa con cái từ rừng dừa Quới Sơn về định cư tại Bùi Môn, vùng đất không quá gần thành thị cũng không đến nỗi hẻo lánh. Vùng đất thuận lợi cho sự phát triển của một dòng tu hoạt động.
Nhớ lại những ngày mới đưa con cái từ Quới Sơn lên Bùi Môn, cha đã vất vả biết bao. Với con cái, người đã cho đi đến đồng xu cuối cùng. Từng đồng tiền lễ được dùng để mua gạo nuôi chị em. Khi nào hết gạo thì chị Quản lý Matta Vui sang nhà cha Bề trên, cha mở ngăn kéo lấy tiền và chị đi mua gạo. Về vật chất cha đã cho xây dựng nhà ở, kiếm kế sinh nhai cho chị em qua việc phát triển việc nuôi gà trên đất Mẹ. Năm 1962, trên mảnh đất này cha đã thao thức với tương lai của Hội Dòng và khi phải đối diện với tương lai mịt mờ, cha đã hoàn toàn phó thác Dòng cho Mẹ Vô Nhiễm - Mẹ Thiên Chúa và trân trọng tôn nhận Mẹ là Mẹ Bề trên vĩnh viễn của chúng ta. Cha rất quan tâm đến việc đào tạo nhân sự, nên dù nhà nghèo, cha vẫn tìm cách cho Đệ tử đi học. Niên học 1956-1957 các em Đệ tử theo học tại trường Chân Phước Liêm. Những năm 1965 Dòng đã có ba chị tốt nghiệp cử nhân văn chương và năm chị đậu Tú tài.
Trong hoàn cảnh rất nghèo khó, Cha đã chứng tỏ một lòng cậy trông vững mạnh vào Chúa. Chính cha kể: “Có người đến xin Cha, chỉ cần Cha cho con một chữ ký, con sẽ xin viện trợ cho nhà Dòng. Cha hỏi: Được bao nhiêu? Ít ra được vài tháng- người kia trả lời. Vậy hết vài tháng thì ai nuôi chúng tôi? Thôi tôi phó thác để Chúa nuôi chúng tôi”. Và quả thực Chúa đã nuôi.
Trên mảnh đất này, từng ngày cha đã ngồi cửa sổ để con cái, ai có nhu cầu cần linh hướng thì giải quyết hay chỉ đơn giản là một sự bày tỏ thiện chí muốn nên thánh để nhận lãnh nơi cha sự khích lệ.
Cha là tác nhân chính và quan trọng trọng việc quyết định sự độc lập của Dòng.
Chính cha là tác giả của Hiến Chương và danh hiệu Trinh Vương, bởi cha biết “dưới sự che chở của Chúa, Hội Dòng này sẽ có một nền tự do mới" (Tổng thống Abraham Lincoln, ngày 19/11/1863) cha là người lo lắng nhất để chị em đạt được sự thánh thiện. Chẳng vậy mà khi trao Hiến Chương cho con cái, cha đã xin mỗi người hãy quyết tâm trở nên một người con bé nhỏ của Mẹ Maria.
Bằng đó việc chứng nhận rằng Cha chính là “Ông Tổ” của Đất Mẹ Bùi Môn. Ông Tổ ấy đã đặt nền móng vững chắc cho con cái Trinh Vương trên đất Mẹ Bùi Môn. Ông Tổ ấy còn có nhiều tên gọi thân thương theo từng hoàn cảnh: bố, “ông cảnh sát”, và những danh hiệu trang trọng khác: vị Thuyền trưởng, Đấng Cải tổ Dòng, Đấng Sáng lập và Đấng Đồng Sáng lập Dòng Trinh Vương. Mười năm đặt nền móng, cha đã “sinh” được sáu người con. Đó là các chị từ lớp 1 đến lớp 6.
- Giai đoạn 1966- 2006: Phát triển trong đau thương
Năm 1966 là năm Hiến pháp do cha Bernardo soạn thảo, được Toà Thánh duyệt y và được Đức Tổng Giám đốc Phaolô Nguyễn Văn Bình phê chuẩn cùng với danh hiệu mới của Dòng là NỮ TU THỪA SAI ĐỨC MẸ TRINH VƯƠNG. Chính do biến cố đó tại nơi mảnh đất Bùi Môn này cha đã cứu đoàn con khỏi sự sát nhập vào các Hội Dòng Mến Thánh Giá và đặt nền tảng cho sự độc lập của Dòng.
Tiếp theo sau đó là sự thành công trong việc nuôi gà, kiến thiết thêm nhà cửa và mở rộng hoạt động tông đồ đến các giáo điểm truyền giáo. Nhưng vào những năm 1973- 1974 cha đã đau khổ nhìn những đứa con của mình bị đói, bị khát và ra đi. Nhưng cha cũng chẳng làm gì được, như mảnh đất Mẹ Bùi Môn âm thầm nín nhịn, cha cũng chỉ có thể ứng xử như thế, bởi chính mình cũng đang chịu chung số phận với đoàn con. Cha biết và thâm tín rằng đó là cơ hội để được thanh tẩy và được nên giống Chúa. Nhưng Chúa đã có cách cứu cha và cứu cả đoàn con. Biến cố 1975 như một cuộc “giải phóng” riêng cho Dòng Trinh Vương. Can đảm từ giã Đất Mẹ, Cha dẫn đưa đoàn con lên Phú Hiệp như Thiên Chúa đưa dân riêng vào sa mạc để thủ thỉ với họ những lời yêu thương nhất, để bồi bổ tâm thần sau những tháng năm “chạy đua với thời đại” vì mải miết đi mở trường, đi truyền giáo.
Sau 18 năm ở Phú Hiệp, khi thời cuộc thay đổi, năm 1993, cha lại dẫn đoàn con trở về Đất Mẹ Bùi Môn với sự đồng ý của Đức Tổng Giám mục Sài gòn - Phaolô Nguyễn Văn Bình. Trên mảnh đất Bùi Môn cha hướng dẫn đoàn con tái thiết và mở rộng cửa nhà để có thể phát triển và phục vụ Giáo hội. Từ đất Mẹ Bùi Môn nhiều người con đã được sai đi làm việc truyền giáo, mở đầu với việc được sai đến cộng đoàn Vô Nhiễm năm 1995, cộng đoàn Regina, rồi đến Phú Thọ Hoà vào năm 1996, cộng đoàn Bông Huệ vào năm 2000, cộng đoàn Giuse Bernardo vào năm 2005.
Trên mảnh đất Bùi Môn cha đã cùng đoàn con hồi hộp chờ đón Hiến Chương tu chính được Toà Thánh phê chuẩn trở về với danh hiệu Mẹ Bề trên vẫn còn đó. Trên mảnh đất cha hân hoan khi thấy đoàn con yêu thương hiệp nhất đan tay xây dựng Dòng và khổ đau khi thấy con cái sống ngược với tinh thần Hiến chương, tinh thần tận hiến và hững hờ với lý tưởng nên thánh của mình. Trên mảnh đất cha đã bảo đảm cho con cái biết sự chắc chắn của linh đạo Thơ Ấu Phúc âm là con đường dễ nhất, ngắn nhất và hoàn hảo nhất để về trời. Cha cũng có thể nói như thủ tướng Lý Quang Diệu: “Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, ngay cả khi các bạn đem tôi đi mai táng, nếu tôi nhận thấy đang xảy ra một điều gì sai trái, tôi sẽ ngồi dậy ngay.” Chính cha còn khẳng định mạnh mẽ với giọng khôi hài: “Nếu lộn xộn, ông sẽ về “bóp cổ”?!
Mảnh đất Bùi Môn đã chứng kiến những thao thức, những lời răn dạy, khuyên bảo khi mạnh, khi nhẹ, khi nhủ khuyên cũng như những lời trách mắng nghiêm khắc. Đất Mẹ Bùi Môn cũng chứng kiến những thao thức của cha cho sự nên thánh của đoàn con: “Nếu sự thánh thiện mua được, cha cũng mua cho mỗi con một dúm”. 32 năm trên Đất Mẹ Bùi Môn, nếu tính mỗi ngày một Thánh lễ thì cha đã dâng khoảng 11.680. Con số này không phải đúng tuyệt đối vì có những ngày cha dâng hai thánh lễ, có những ngày cha đi vắng… nhưng đủ hiểu với ngần ấy lần dâng hy tế cực trọng của Chúa Giêsu cho Chúa Cha đã kéo biết bao phúc lành xuống trên Đất Mẹ cùng đoàn con và do đó, chúng ta có thể nói rằng Bùi Môn là mảnh đất được chúc phúc.
Mảnh đất Bùi Môn thân yêu này đã chứng kiến những niềm hân hoan khi con cái được cha cho mừng những ngày đặc biệt. Mảnh đất Bùi Môn cũng chứng kiến những việc bác ái cha làm cho những người nghèo, từ việc giúp đỡ các linh mục vùng sâu, vùng xa, cho đến những người thợ, những người mẹ buôn bán nhỏ vì gia đình, những sinh viên đi làm thêm để có thể có phí trang trải cho những nhu cầu học hành. Mảnh đất này, chín người con được sinh ra trong “vương quốc” Trinh Vương, đó là các lớp khấn 18,19,20,21,22,23,24,25,26. Trong đó, lớp 26 được gọi là bé út vì được sinh ra trong tuổi già của cha.
Những tháng năm cuối đời khi mảnh đất Bùi Môn từng bước thay đổi và tạo dựng tương lai thì chính cha lại âm thầm chịu đựng những khổ đau từ bệnh tật của tuổi già và sự bất hiếu của những đứa con cha đã vất vả sinh dưỡng. Cha đã chịu những nhát đâm phía sau từ những người anh em và cũng được niềm an ủi từ những người công chính. Vì đoàn con trên Đất Mẹ cha đã âm thầm chịu đựng những “dò xét” của Giáo quyền. Từ mảnh đất linh thiêng này, vào ngày 03.2.2006 cha đã hoàn tất Thánh lễ cuộc đời trong sự an bình vì xác tín rằng: “Mẹ là niềm tín thác của con”. Mảnh đất Bùi Môn như vòng tay người mẹ, ôm nhận thân xác cha vào lòng đất, chờ ngày phục sinh. Ngày cha trở về bên Chúa, cũng là ngày Hiến Chương “sống” trong lòng Mẹ Dòng Trinh Vương tròn 40 năm. Điều này được ví như hành trình 40 năm của dân Israel trong sa mạc. Hội Dòng tiến vào “Đất Hứa” nhưng vắng bóng “Môisen”. 40 năm, qua ấn tín Thập Giá, Hội Dòng nhận ra mình được chúc phúc ngay trên mảnh đất tổ tiên này để có thể tồn tại và phát triển qua những đau thương của thời cuộc.
3. Giai đoạn 2006-2016: Trung thành trong thử thách
Hôm nay đã 10 năm kể từ ngày Cha bắt đầu cuộc sống mới để hiện diện bên đoàn con trong một tư cách khác, tư cách của Đấng cầu bầu thế lực trước mặt Chúa, Hội Dòng Trinh Vương vẫn hân hoan thẳng tiến, cho dù có rất nhiều thách đố cho chung Dòng và riêng cho từng chị em, nhưng Hội Dòng vẫn vươn lên trong thử thách để trung thành với đặc sủng của Dòng. Từ Đất Mẹ Bùi Môn chị em hân hoan ra đi truyền giáo trên các vùng khác nhau: miền Tây với cộng đoàn Hoà Bình Giồng Riềng được thành lập vào năm 2007- một năm sau ngày cha về trời, và cộng đoàn Fourmeirs Pháp quốc được thành lập năm 2009; cộng đoàn Thánh Gia được thành lập năm 2011, cộng đoàn Hiền Hoà vào năm 2012, cộng đoàn Mông Triệu và Gioan Phaolô II năm 2015.
Năm 2012, từ đất Mẹ Bùi Môn các chị em bắt đầu ra nước ngoài học tập về các ngành học liên quan đến đời sống tâm linh và tông đồ của Dòng. Việc trao dồi kiến thức từ trong nước cũng đặc biệt được mở rộng và chú trọng nhiều hơn về tất cả các ngành chuyên môn. Số ơn gọi có phần giảm sút theo xu hướng chung của Giáo hội toàn cầu nhưng chính vì thế mà có những ơn gọi đặc biệt hơn và xác tín hơn. Các công trình xây dựng đang diễn ra tại Đất Mẹ Bùi Môn cũng góp phần làm cho bộ mặt Nhà Mẹ mỗi ngày một đổi mới. Trên Đất Mẹ Bùi Môn diễn ra các dịp kỷ niệm: mừng 50 năm Cha tôn nhận Mẹ Maria Vô Nhiễm làm Mẹ Bề Trên Dòng vào năm 2013; mừng 60 năm Dòng được thiết lập theo Giáo luật vào ngày 14.9.2013; mừng Năm Thánh Hiến Chương và danh hiệu Dòng vào năm 2015 và mừng 60 năm Đất Mẹ Bùi Môn, mừng ngày giỗ tổ đầu tiên vào ngày 03.2. 2016. Bốn người con là bốn lớp khấn 26,27,28,29 chào đời sau ngày cha về trời minh chứng rằng, dưới sự phù hộ che chở của cha, đoàn con vẫn tiếp tục tiến lên trong hân hoan và tín thác.
- KẾT LUẬN
Kết thúc tháng tạ ơn về 60 Đất Mẹ Bùi Môn, chúng ta nhớ tới cha như ông tổ, như vị sáng lập vùng đất này cho con cái Trinh Vương. Chúng ta tạ ơn Chúa vì tất cả những ân phúc Thiên Chúa và Mẹ Bề Trên đã ban cho chúng ta trong suốt 60 năm và vẫn còn tiếp tục. Chúng ta cám ơn các chị đầu Dòng còn sống hay đã qua đời vì công khó của các chị đã làm nên tương lai cho chị em chúng ta hôm nay trên mảnh đất này. Đồng thời, chúng ta sám hối vì đã làm mất đi vẻ thiêng thánh của đất Mẹ bằng chính đời sống không tha thiết với tương lai của Mẹ Dòng và chưa nghiêm túc sống sự thánh thiện của riêng mình. Dịp kỷ niệm này như một điểm dừng mời gọi chúng ta sống triệt để lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Năm đời sống thánh hiến: Nhìn về quá khứ với niềm tri ân, sống hiện tại cách hăng say và nhìn về tương lai với niềm hy vọng. Chính tại nơi đây, trong giờ phút này, chúng ta được mời gọi gìn giữ, trân trọng và làm phát triển Đất Mẹ hơn nữa và ghi khắc công ơn người cha - ông tổ Đất Mẹ vào lòng Hội Dòng, vào lòng từng người. Ước mong chúng ta nỗ lực sống thánh thiện trong linh đạo TrinhVương để làm cho đất Mẹ vẻ vang vì con cái, và người người có thể nói về chúng ta: “Đó là dòng dõi được chúc phúc trên mảnh đất gia nghiệp của họ. Bởi họ có một người cha sẽ được tưởng nhớ trong nhiều thế hệ như người cha của Dòng Trinh Vương, người cha của đức tin và lòng mến! Người Cha của Đất Mẹ Bùi Môn”.