Quá đề cao chủ nghĩa cá nhân và thiếu sự khiêm nhường là những nguyên nhân đưa đến sự chia rẽ hay bất hòa trong cộng đoàn. Nói cách khác, đó là những ngăn trở quan trọng làm cho cộng đoàn khó có sự hiệp thông trọn vẹn với nhau.
Do đó, chúng ta cần tìm hiểu về cộng đoàn hiệp thông. Cộng đoàn này, xét theo vĩ mô hay vi mô, luôn cần có sự hiệp thông của các thành phần Dân Chúa, vì Giáo hội là một mầu nhiệm hiệp thông [1]
1. Khái niệm về sự hiệp thông.
Sự “hiệp thông” (tiếng La tinh là communio, tiếng Hy Lạp là koinonia) nghĩa là sự thông phần vào những thiện hảo của ơn cứu độ: Thông phần vào Thánh Thần, vào sự sống mới, vào tình yêu, vào Tin Mừng và trên hết là thông phần vào Thánh Thể (hiệp lễ) (x. 1Cr 10,16).
Hiệp thông là công trình của Chúa Ba Ngôi thể hiện nơi kẻ tin và ơn cứu độ được hiệp thông. Sự sống của Giáo hội cốt ở sự hiệp thông (x. Cv 2,42-47; 4,32-34; 5,12-14).
Tự bản tính, con người sống trong sự hiệp thông: Nhân vị chỉ trưởng thành như nhân vị trọn vẹn khi đối thoại với một nhân vị khác; bởi nhân vị mang tính chất “tương quan” như các Ngôi Vị Thiên Chúa.
2. Các chiều kích của sự hiệp thông.
Sự hiệp thông trong Giáo Hội bắt nguồn từ sự hiệp thông của chính Ba Ngôi Thiên Chúa. Do đó, Giáo Hội là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại theo hai mặt: Một bên là Thiên Chúa vì yêu thương tự thông đạt cho nhân loại [2] , một bên là sự đáp trả của nhân loại trong tin yêu và hy vọng [3]
2.1. Hiệp thông với Thiên Chúa.
Hiệp thông thể hiện qua sự hiệp nhất với Ba ngôi Thiên Chúa: “Được hợp nhất với Chúa Con trong sợi dây tình yêu của Chúa Thánh Thần, các Kitô hữu được hiệp nhất với Chúa Cha, và từ sự hiệp thông này tuôn tràn sự hiệp thông mà các Kitô hữu chia sẻ với nhau nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần” [4]
Sự hiệp thông với Thiên Chúa cần phải sinh hoa trái (x. Ga 15,5). Nói cách khác, người nào không sinh hoa trái thì không ở trong sự hiệp thông (x. Ga 15,2)
2.2. Hiệp thông với các Kitô hữu:
Giáo phận. Cộng đoàn Giáo phận hiệp thông quanh vị Chủ Chăn của mình, nơi đây hàng giáo sĩ, những người sống đời thánh hiến và giáo dân được nâng đỡ nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Trong giáo phận, sự hiệp thông các cộng đoàn được thực hiện nơi những thực tại xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hóa và kinh tế.
Sự hiệp thông trong giáo hội địa phương được gọi là “Giáo hội tham gia” (participatory Church), nghĩa là một Giáo hội trong đó mọi người đều sống ơn gọi và chu toàn nghĩa vụ riêng của mình.
Giáo xứ. Giáo xứ là nơi mà mọi tín hữu được tập hợp và lớn lên trong đức tin, sống mầu nhiệm hiệp thông Giáo Hội và dự phần trong sứ mạng của Giáo Hội. Vì thế:
– Sự tham gia của người giáo dân trong kế hoạch mục vụ phải là nét bình thường của tất cả các giáo xứ, vì mỗi người là một thành phần của giáo xứ và của toàn thể dân Chúa.
– Giáo xứ cần dành nhiều cơ hội hơn cho người trẻ sống tình hiệp thông, như thành lập hiệp hội tông đồ và câu lạc bộ giới trẻ.
Không một người nào trong giáo xứ bị loại trừ khỏi sứ mạng của giáo xứ chỉ vì quá trình xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá hay giáo dục của họ. Vì mỗi người theo Đức Kitô đều có một quà tặng để trao ban cho cộng đoàn, nên cộng đoàn phải có thiện chí đón nhận và hưởng nhờ tặng vật của mỗi người.
Cộng đoàn Giáo hội cơ bản. Các cộng đoàn này giúp người tín hữu sống thành những cộng đoàn tin, cầu nguyện và yêu thương như các Kitô hữu thời sơ khai (x. Cv 2,44-47; 4,32-35).
Các cộng đoàn này có mục đích giúp đỡ các thành viên của mình sống Tin Mừng trong tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ. Đó là khởi điểm để xây dựng một nền văn minh tình thương.
Cộng đoàn cơ bản phải hiệp nhất với Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ, trong sự hiệp thông với các vị chủ chăn của Giáo hội và với Huấn quyền, biết dấn thân truyền giáo và không theo chủ nghĩa biệt lập hay sự khai thác ý thức hệ.
Sự hiện diện của những cộng đoàn cơ bản này này không làm vô hiệu những thể chế và cơ cấu để Giáo Hội hoàn thành sứ vụ của mình.
Những phong trào canh tân. Tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng tình hiệp thông qua đức tin và các bí tích, và để cổ võ việc hoán cải đời sống.
Các chủ chăn có trách nhiệm hướng dẫn, đồng hành và khích lệ để họ có thể hội nhập vào đời sống và sứ mạng của giáo xứ và giáo phận.
Những người trong các hiệp hội, hội đoàn và phong trào phải trợ giúp giáo xứ, giáo phận, và không được tự coi mình thay thế cho những cơ cấu giáo phận và giáo xứ.
Sự hiệp thông lớn mạnh hơn khi các lãnh đạo các phong trào này làm việc chung với vị chủ chăn trong tinh thần bác ái vì lợi ích chung (x. 1Cr 1,13) [5]
Tóm lại, hai chiều kích của sự hiệp thông: Hiệp thông với Chúa và hiệp thông với nhau, không thể tách rời nhau. Một đàng, sự hiệp thông với Thiên Chúa là nền tảng và điều kiện thiết yếu cho mối hiệp thông đích thực giữa các Kitô hữu. Đàng khác, hiệp thông giữa các anh chị em Kitô hữu chính là hoa trái hữu hình và thuyết phục nhất cho sự hiệp thông với Thiên Chúa.
3. Người Kitô hữu sống tình hiệp thông.
– Sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình là tình hiệp thông huynh đệ dựa trên quan hệ huyết thống, thể hiện qua việc nhận nhau là anh chị em theo ngày sinh. Tùy hoàn cảnh có thể gọi nhau theo thứ bậc như: anh (chị) Cả, chị Hai, chú Ba, anh Tư, cô Út….
– Mỗi người có thể đọc một chục kinh mân côi làm thành chuỗi mân côi sống để cầu nguyện cho nhau, quan tâm thăm viếng giúp đỡ nhau, noi gương Cộng đoàn Hội thánh sơ khai (x. Cv 2,42-47). Anh chị Cả hoặc một anh chị có uy tín được mời làm cố vấn gia đình, có nhiệm vụ dàn xếp các bất hòa, củng cố hiệp thông giữa các thành viên.
– Tránh nói xấu nhau, không tranh cãi to tiếng, tránh thái độ vô trách nhiệm với việc chung, nhất là tránh lạm dụng tín nhiệm vay mượn tiền bạc, thường là nguyên nhân gây bất hòa và làm tan rã các gia đình trong giáo xứ.
– Sống tình yêu thương cụ thể bằng việc nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt cho nhau; cảm thông chia sẻ và mau mắn đáp ứng nhu cầu của nhau; quảng đại tha thứ lỗi lầm cho nhau; năng thăm hỏi và động viên khen ngợi đúng lúc; phê bình góp ý cách tế nhị để giúp nhau sửa lỗi; biết tôn trọng nhau khi giao tiếp và có tinh thần trách nhiệm đối với việc chung.
Kết luận.
Cộng đoàn hiệp thông cần phải:
– Đâm rễ sâu trong đời sống Chúa Ba Ngôi, và trở thành một cộng đoàn cầu nguyện và chiêm niệm, một cộng đoàn cử hành bí tích Thánh Thể.
– Tham gia và đồng trách nhiệm, hiệp nhất với chủ chăn cũng như với Giáo Hội.
– Làm chứng cho những điều mình tuyên xưng, để cho những giá trị đó nhập thể vào trong lối sống của mình, diễn tả chúng trong cách thế hiện diện, đối thoại và thực hành của mình trong mọi lãnh vực của cuộc sống.
Câu hỏi thưa.
Câu 1: H. Sự hiệp thông trong Giáo Hội bắt nguồn từ đâu?
Câu 2: H. Sự hiệp thông trong Giáo Hội được thể hiện trên bình diện nào?
Câu 3: H. Hai mối hiệp thông này liên kết với nhau như thế nào?
———————————
[1] x. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Lumen Gentium (21/11/1964).
[2] x. GLHTCG 51.
[3] x. GLHTCG 143.
[4] x. Thánh Giáo Hoàng GIOAN PHAOLO II, Tông huấn Giáo hội tại Á châu – Ecclesia in Asia (06/11/1999), số 24; CĐ Vaticano II, Hiến chế Lumen Gentium (21/11/1964), số 4.
[5] x. Thánh Giáo Hoàng GIOAN PHAOLO II, Tông huấn Giáo hội tại Á châu – Ecclesia in Asia (06/11/1999), số 25.
Nguồn: https://www.giaophanbaria.org/nam-pah-giao-xu-va-cong-doan-2015/2015/08/08/cong-doan-hiep-thong.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
THÁNG 9 – MÙA THƯỜNG NIÊN | |||
Thứ Năm | Thứ Năm đầu tháng, ngày các Linh mục | ||
Thứ Sáu | Thứ Sáu đầu tháng, đền tạ Trái Tim Chúa Giê-su | ||
Thứ Bảy | K | SINH NHẬT ĐỨC MARIA | |
Chủ Nhật | T | CHÚA NHẬT XXIII TN | |
Thứ Hai | Thánh Phêrô Claver, Linh mục | ||
Thứ Ba | Thứ Ba Tuần 23 TN | ||
Thứ Tư | Thứ Tư Tuần 23 TN | ||
Thứ Năm | Danh Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a | ||
Thứ Sáu | N | Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh | |
Thứ Bảy | K | SUY TÔN THÁNH GIÁ, lễ kính | |
Chủ Nhật | T | CHÚA NHẬT XXIV TN |
|