Lược sử cộng đoàn Regina
Thứ ba - 13/09/2022 05:22
137
LƯỢC SỬ CỘNG ĐOÀN REGINA
362 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 4, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Vì lý tưởng truyền giáo thúc bách, cha Đồng Sáng lập Bernado Maria cùng với Hội đồng Dòng quyết định thành lập giáo điểm truyền giáo đầu tiên tại Sài Gòn, tọa lạc 362 đường Phan Đình Phùng, Quận 3, Sài Gòn, nay là 362 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 4, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Mục đích là “để chị em Trinh Vương hiện diện giữa thành phố, để có những tác động yêu mến và Thánh lễ vô giá dâng lên Chúa thay cho biết bao người ở thành phố quên Chúa, không nghĩ đến Chúa; đồng thời để làm giáo điểm của Dòng: truyền giáo, dạy học trẻ em và đi thăm viếng người già, bệnh và người nghèo” (Cha Đồng Sáng lập).
Chiếu theo sổ bộ điền thổ châu thành Sàigon, sơ đồ thiết kế biệt thự, đoạn mại, đồ án sửa chữa và cơi lầu nhà phụ thuộc, bất động sản 362 có diện tích 601 m2, gồm căn biệt thự 1 tầng và dãy nhà phụ 1 tầng phía sau biệt thự, thuộc quyền sở hữu của ông Lê Nguyên Khanh và Lê Nguyên Vĩnh. Sau khi mua bất động sản nói trên (4/1974), chị em tiến hành chỉnh sửa (phá vách ngăn, sơn màu) cho phù hợp với nhu cầu của vườn trẻ. Đến ngày 06/7/1974 cha Đồng Sáng lập Bênađô làm phép nhà.
Ngày 25/7/1974 Cha dâng thánh lễ đầu tiên tại đây, đặt Thánh Thể để Chúa Giêsu là trung tâm của giáo điểm với tên gọi “cộng đoàn Regina”, chọn Mẹ Vô Nhiễm (8/12) làm bổn mạng của cộng đoàn. Kể từ đây, chị em bắt đầu ra đi với nhiều sứ vụ khác nhau.

Nằm giữa xóm lao động, dân cư phần đông theo các tôn giáo khác nên cánh đồng truyền giáo ở đây khá phong phú. Sứ vụ hàng đầu là làm cho mọi người nhận biết Chúa và trở lại đạo. Hoa trái đầu tiên của công việc truyền giáo là em Nguyễn Thị Phụng, 19 tuổi, bị ung thư máu, được ơn làm con Chúa ngày 4/1/1975.
Khởi đi từ nhóm chị em làm nhà in (1970) và nhóm chị em tiếp quản hoàn toàn trường École Aurore - Rạng Đông (1972) hơn nữa chị em cũng mở vườn trẻ Regina (29/8/1974) nên khi hiện diện trong cộng đoàn dưới sự hướng dẫn của chị Maria Phạm Thị Hùng kiêm hiệu trưởng trường Aurore và vườn trẻ Regina, chị em hoạt động trong các lĩnh vực này. Đặc biệt, môi trường giáo dục vừa là “trường dạy tinh thần bé thơ sống động và cụ thể” (cha Đồng Sáng lập), vừa là môi trường để các chị tổ chức các lớp dạy giáo lý.


Từ tháng 1/1975, vì tình hình an ninh bất ổn, Regina trở thành nhà chính để Hội Đồng Dòng và số đông các chị khấn chuyển về sinh hoạt. Tại Regina - “nhà mẹ tạm thời”, chị Tổng Giám đốc Maria Trần Thị Từ cùng với 33 chị em giã từ đất mẹ Việt Nam lên đường qua Úc Châu (25/4/1975). Cũng chính tại đây, Cha Bề trên Bênađô Maria và Hội đồng Dòng đưa ra những quyết định khẩn cấp và quan trọng cho hướng đi tương lai của toàn Dòng khi biết Thánh Ý Chúa qua Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình. Cha quyết định để chị em ở lại đồng hành cùng dân tộc, cắt cử chị em cho các cộng đoàn và bổ nhiệm các chị Phụ Trách. Chị Maria Nguyễn Thị Châu là Giám đốc cộng đoàn Regina. Sau đó số đông chị em trở về Bùi Môn (3/5/1975) để đi Phú Hiệp (5/5/1975). Lúc này, vườn trẻ Regina đã tạm đóng cửa, trường École Aurore bị nhà nước tiếp quản (đổi tên thành trường tiểu học Lương Định Của), “cộng đoàn Regina chỉ còn một số chị em ở lại coi nhà và làm nhà in”.
Tháng 10/1975, Ủy Ban Nhân Dân F4 - Q3 - Tp.HCM mượn tầng trệt và lầu 1 ngôi nhà biệt thự để làm trường mầm non. Còn chị em sinh hoạt ở tầng trên (nhà nguyện, phòng ngủ) và tầng dưới phía sau (nhà bếp, phòng ăn). Ngày 1/7/1976, người đại diện UBND Cách mạng phường cư xá Đô Thành, quận 3 lại bàn giao cho UBND phường 7 “trường Regina là tài sản của Tu viện Trinh Vương. Do dì phước Nguyễn Thị Châu đại diện ban quản trị trường với sự chấp thuận của bề trên đã cho phường mượn trong thời gian tu viện chưa cần đến. Phòng ốc và đồ dùng trong trường gồm có: tầng trệt (1 văn phòng, 3 phòng học, 1 phòng nhỏ, 3 phòng tắm), tầng 1 (4 phòng học, 1 phòng tắm), tầng 1 phía sau (3 phòng học, 2 phòng vệ sinh), toàn bộ tầng 2 phía sau và một số đồ dùng (bàn, ghế, bảng, đèn, điện thoại, giường, quạt, cầu tuột…)” “để dời Trường tư thực Trung Thành từ số nhà 390/63 và 390/65 Nguyễn Đình Chiểu quận 3, nay là Trường Lê Chí Trực cơ sở 1” . Thế nhưng, “ngày 7/8/1978, UBND Thành phố ra quyết định số 2321/QĐ-UB về việc quốc lập hóa Trường tư thực Trung Thành ở số 362 đường Nguyễn Đình Chiểu quận 3 theo chính sách cải tạo các trường tư của Bộ Giáo dục”: “Trưng dụng toàn bộ cơ sở vật chất và thiết bị của trường Trung Thành ở sở 362 đường Nguyễn Đình Chiểu Quận 3, thuộc tu viện Thiên chúa giáo dòng Trinh Vương Regina để phục vụ yêu cầu giáo dục”. Trong khi đó, cộng đoàn không hay biết gì về việc quốc lập hóa này cho đến năm 1988. Vì thế, chị em vẫn yên tâm sinh hoạt và đi làm cho nhà in Nguyễn Bá Tòng (sau nhà nước tiếp quản và đổi tên thành nhà in Tổng hợp vào ngày 27/4/1978). Ngoài ra, chị em còn làm một số nghề thủ công, như may sách, dệt chiếu, làm mành trúc, đan giỏ, làm hoa nilon… để kiếm thêm trang trải “trong tình hình chung của dân tộc “ngăn sông, cấm chợ”… mọi sự đều khó khăn, đồng lương nhà in ít ỏi 20.000 đồng/ tháng”. Chị em cũng tận dụng cơm dư ở nhà in để nuôi thêm heo trong một phòng tắm được sửa lại.
Giữa tình hình quẫn bách đói khổ như thế, cộng đoàn sống nổi bật đức thương yêu đối với nhau. Bữa trưa đạm bạc của công nhân tại nhà in là cơm độn mì hoặc nui, thỉnh thoảng mới có cơm trắng, nhưng chị em cũng chia nhau 5 người một phần, để dành phần còn lại đem về cho những chị em không đi làm nhà in. Hạnh phúc cho chị em là cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn vẫn thường xuyên dâng lễ tại cộng đoàn và đảm nhận nhiệm vụ làm tuyên úy cho cộng đoàn từ năm 1976.
Từ năm 1988, đại diện cộng đoàn – chị Maria Châu đệ đơn và tiến hành việc lấy lại nhà cho mượn mà bị trưng dụng. Quá trình “đòi nhà” gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Mãi đến ngày 22/3/1994, mới có quyết định “về việc thu hồi quyết định số 2321/QĐ-UB ngày 07/8/1978 của UBND thành phố về việc quốc lập hóa Trường tư thực Trung Thành ở số 362 đường Nguyễn Đình Chiểu quận 3”, và ngày 20/6/1994 nhà được chính thức bàn giao lại cho cộng đoàn.

Ngay sau khi UBND trả lại nhà, chị em lập tức tiến hành chỉnh sửa cho phù hợp với việc dạy học. Ngày 23/5/1994. tiến hành việc sửa chữa sân thượng ngôi biệt thự và sân thượng ngôi nhà phía sau biệt thự thành lầu 2, ngăn thêm nhiều phòng như hiện nay. Như vậy, trải qua bao nhiêu thăng trầm được - mất, với những lần sửa chữa-mở rộng, cơ sở vật chất của cộng đoàn gồm có: 1 nhà nguyện nhỏ; 1 phòng ngủ; 1 phòng học hội dùng để hội họp, học đàn, đọc sách; 3 phòng đồ; 1 phòng cá nhân. Phía nhà trường gồm 1 văn phòng, 1 phòng tài vụ, 6 phòng học, 3 phòng chức năng.
Ngày 5/9/1994 cộng đoàn khai giảng nhóm trẻ gia đình mang tên Bình Minh, gồm 4 lớp với sĩ số ban đầu là 54, rồi 70 và cuối cùng là 108 em. Ngày 19/6/1997, nhóm trẻ Bình Minh nhận được giấy “Quyết Định thành lập trường Mầm Non Dân Lập Bình Minh”. Trường chính thức trở thành một thành viên trong hệ thống giáo dục chung của nhà nước với tất cả quyền lợi và nghĩa vụ phải thi hành. Số học sinh tăng dần đến 300 em với 9 lớp học. Từ năm 2013 vì thiếu nhân sự, trường giảm xuống 6 lớp học với 200 em.
Có thời gian cộng đoàn Regina được gọi là cộng đoàn Sài Gòn A. Đó là khoảng thời gian nhà Dòng mua căn nhà số 20 (30/3/1981) và căn nhà số 52 (1995). Hai căn nhà này nằm ở đường Tôn Thất Tùng - phường Bến Thành, Quận I, được gọi là cộng đoàn Sài Gòn B, trực thuộc cộng đoàn Regina, gọi tắt là cộng đoàn Sài Gòn A. Để tiện cho việc sinh hoạt của chị em, các Bề trên quyết định tách hai cộng đoàn Sài Gòn A và B thành hai cộng đoàn riêng biệt (18/6/1998). cộng đoàn Sài Gòn A trở về với tên gọi cộng đoàn Regina và cộng đoàn Sài gòn B được gọi là cộng đoàn Mân Côi.
Nhìn chung, từ năm 1995 đến nay, ban ngày chị em dạy học, chiều tối chị em trau dồi thêm các môn như: đàn, lớp ca trưởng, Anh Văn, Pháp Văn, Sư phạm Mầm non… Chị em nhiệt tình tham gia vào các công việc mục vụ giáo xứ Vườn Chuối như: làm trợ Úy đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể; dạy giáo lý từ lớp Chiên con đến lớp Vào Đời; phụ trách lớp Giáo lý Tân Tòng, giúp Hội Legio Maria xứ đạo Vườn Chuối. Đối với sứ mệnh truyền giáo cho người nghèo, chị em thi hành bằng: Thăm viếng người già, người neo đơn, người bệnh, người nghèo; tại cộng đoàn phát gạo hằng ngày cho những người đến xin và số người nhận cấp dưỡng hàng tháng; tìm việc làm, giúp vốn cho người nghèo làm ăn; giúp người rửa tội được tận hiến cho Đức Mẹ; giúp các hối nhân trở về với Chúa; đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân tại hai bệnh viện: Bình Dân, Nguyễn Trãi và tại tư gia trong Giáo xứ vào các ngày Chúa nhật.
Năm 2021, Năm Cha Thánh Giuse, cộng đoàn vui mừng tạ ơn Ngài trong ngày thứ tư đầu tháng biệt kính Ngài (3/3/2021), vì từ dấu mốc này cộng đoàn chính thức nhận được sổ hồng sau bao khó khăn. Điều này là một bảo chứng cộng đoàn Regina mãi mãi thuộc về Dòng Trinh Vương để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
Kỷ yếu 40 năm cộng đoàn Regina.
Giấy bàn giao, ngày 1/7/1976
Quyết định của UBND Thành Phố về việc thu hồi quyết định số 2321/QĐ-UB ngày 07/8/1978 của UBND thành phố về việc quốc lập hóa Trường tư thực Trung Thành ở số 362 đường Nguyễn Đình Chiểu quận 3.
Quyết định về việc quốc lập hóa trường tư thực Trung Thành ở sở 362 đường Nguyễn Đình Chiểu Quận 3, điều 1.
Kỷ yếu 40 năm cộng đoàn Regina.
Xem Kỷ yếu 40 năm cộng đoàn Regina.