LƯỢC SỬ TRINH VƯƠNG PHÚC BÌNH
Cộng đoàn Trinh Vương Phúc Bình cách quốc lộ 14 khoảng 300m. Cư ngụ tại đường Nguyễn Công Trứ, tổ dân phố 2, thị trấn Eat’ling, huyện CưJút, tỉnh Đăk Nông. Cộng đoàn thuộc giáo phận Ban Mê Thuật.
Giáo xứ Phúc Bình, trước đây gọi là giáo họ Mông Triệu, tách khỏi giáo xứ Phúc Lộc và trở thành giáo xứ, cha phó xứ Phúc Lộc Phêrô Phạm Bá Huỳnh được đặt làm cha chánh xứ Phúc Bình. Thấy chị em Trinh Vương đang phục vụ tại Phúc Lộc, cha Phêrô mời chị em cộng tác phục vụ tại giáo xứ mới. Ông Nguyễn văn Dũng, người kinh doanh về gỗ, có một miếng đất sát cạnh nhà thờ Phúc Bình với ba mặt tiền, diện tích 7250m2. Cha xứ Phêrô đề nghị ông Dũng nhường lại cho một nhà Dòng làm cơ sở. Ông Dũng tưởng là Dòng Nữ Vương Hòa Bình muốn mua đất, định bán với giá tương đối, nhưng các sơ đó không mua. Ông Dũng đến cộng đoàn Thánh Gia trao đổi với chị Triều. Đất gần quốc lộ 14, thuộc thị trấn Eat’ling, huyện Cưjut, tỉnh ĐắkNông.
Ngày 14.3.2012 chị Têrêxa Maria Phan Thị Bang Tổng Phụ tá I, chị Maria Trần Thị Miện Tổng quản lý và chị Maria Vũ Thị Triều gặp ông Dũng, đồng ý mua miếng đất này với giá 2 tỷ. Ngày 01.6.2012. Nhận lời mời của cha xứ Phêrô, chị em cộng đoàn Thánh Gia cách Phúc Bình khoảng 4km hằng tuần đến giúp mục vụ tại giáo xứ Phúc Bình.
Ngày 02.9.2012, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn văn Bản, giám mục giáo phận đến thăm xứ Phúc Bình. Cha chánh xứ thưa với Đức Cha: Dòng Trinh Vương đã nhận giúp xứ Phúc Bình; sau đó ngài dẫn Đức Cha xem khu đất nhà Dòng mua để làm cơ sở. Để giấy phép xin xây dựng mới tại Phúc Bình có cơ sở pháp lý, nhà nước đòi phải có Quyết Định thành lập trường và con mộc hiệu trưởng. Chị Maria Cần nộp hồ sơ xin mở trường, các chị chọn tên trường mới là Ánh Dương và mang hồ sơ đi nộp, nhưng không được chấp thuận. Chúa cho cơ hội: ông Tác, chủ tịch hội đồng mục vụ xứ Phúc Bình quen với ông chủ tịch huyện Cưjut. Chị Cần và ông Tác lên gặp chủ tịch huyện, được biết chủ tịch chỉ làm việc một tuần nữa là chuyển công tác mới. Nghe chị Cần trình bày nguyện vọng, chủ tịch huyện lập tức triệu tập các ông trưởng phòng: Nội Vụ, Giáo dục, và Tài Nguyên môi trường, yêu cầu ngay chiều hôm sau phải đi giám sát đất, làm báo cáo cho Huyện...trưởng phòng Giáo dục trả lời là: vội quá, không kịp! Nhưng chủ tịch Huyện cương quyết: phải làm ngay. Phòng giáo dục mời hiệu trưởng một số trường cùng đi, sau khi giám sát, mọi người đều đồng ý. Hồ sơ nộp lên huyện, ông chủ tịch huyện rất thích tên trường là Ánh Dương. Ông nói: Ánh Dương là rạng rỡ, tỏa sáng. Ông trưởng phòng Nội Vụ cũng thích, ông nói: Nghe tên trường là thấy rạng sáng, hướng lên. Bước vào tháng Mẹ Trinhh Vương, chị Đình cầu xin Đức Mẹ: trong tháng Mẹ, xin Mẹ ban cho chúng con một ơn để ghi nhớ lòng yêu thương của Mẹ.
Chiều 13.8.2015 ông chủ tịch huyện Cưjut ký Quyết Định thành lập trường. Quyết Định được chuyển sang phòng Giáo Dục để Phòng Giáo Dục đi làm mộc hiệu trưởng. Sáng 15.8. 2015 ông Tác nhờ một người trong hội đồng mục vụ xứ Phúc Bình có xe hơi, chở chị Cần đi lấy con mộc. Chị Têrêxa Maria Diễn được đặt làm hiệu trưởng trường Ánh Dương, vì chị có đủ các điều kiện phòng giáo dục huyện Cưjut yêu cầu, lúc đó chị đang bệnh và chữa bệnh tại Sài Gòn, nên mọi công việc của trường Ánh Dương do chị Cần đảm nhiệm. Ngày 14.4.2013 Ông Biền và chú Điều xem đất và chuẩn bị xây dựng. Chị Maria Đình được Bề trên đặt trông coi công trình.
Ngày 8.9.2015 Cha xứ Phúc Bình Phêrô Phạm Bá Huỳnh cử hành nghi thức đạt viên đá đầu tiên. Ngày 28.9.2015 Chị Tổng phụ trách Angela Maria đến thăm và cầu nguyện cho việc xây dựng cơ sở mới. Ngày 11.11.2015 khởi công. Dân chúng và Lãnh đạo cấp xã thấy các sơ làm công trình lớn, họ ngạc nhiên, có mấy người còn hù dọa: làm nhà mà tại sao chúng tôi không được biết? trên Tỉnh mà biết được sẽ phạt rất nặng, sẽ đình chỉ v.v… Nhờ quen Ông trưởng phòng Tài Nguyên môi trường Huyện, các chị được ông hết lòng hỗ trợ công việc này, ông nói với chị Cần: cứ xây dựng, đồng thời cũng tiến hành xin giấy phép chuyển đổi mục đích. Nếu cấp trên hỏi tới, cứ điện thoại cho ông đến giải quyết; khi ông không thể đến, ông hướng dẫn các chị cách để giải quyết. Công việc xây dựng kết thúc tốt đẹp.
Ngày 8.10.2016 cha xứ Phúc Bình Phêrô Phạm Bá Huỳnh làm phép và khánh thành nhà mới, có Cha tuyên úy nhà Mẹ Giuse Nguyễn Ngọc Quí, chị Tổng Phụ Trách Angela và một số các chị em hiện diện, cùng một số cha thân quen, chính quyền. Đáp lại lời đề nghị của Cha xứ Phêrô, từ 2012, hằng tuần chị em từ Thánh Gia sang giúp mục vụ tại Phúc Bình: chị Maria Cần chịu trách nhiệm đoàn Thiếu Nhi, huấn luyện giáo lý viên. Chị Maria Vị đào luyện cho các em về việc đánh đàn, làm ca trưởng. Chị Cần cũng kêu gọi các anh chị em trẻ trong giáo xứ, ai có thể, tham gia công việc của giáo xứ như: làm giáo lý viên, hát ca đoàn, đánh đàn nhà thờ... nhiều người đã tham gia, trong số đó có những người đã có gia đình như anh Triều, rất nhiệt thành cộng tác với các sơ. Cô Huyền là giáo lý viên, và là thành viên tu hội đời, dạy cho các em lý thuyết về đàn, phần thực hành do chị Vị. Thời gian sau chị Vị chuyển công tác sang Quảng Phú, thì chị Lương tiếp tục.
Năm (2015-2017) có 6 chị em hiện diện tại cộng đoàn Phúc Bình. Đó là các chị: CPT Đình, chị Hiên (phụ tá I), chị Lan (hiệu trưởng), chị Vang (phó hiệu trưởng), chị Hằng, chị Trưng. Khi cộng đoàn Phúc Bình được thành lập, các chị em tại đây đảm nhận giúp mục vụ. Chị Trưng và chị Vang phụ trách coi thiếu nhi giáo xứ Phúc Bình: với tổng số thiếu nhi khoảng hơn 300 em. Vào các buổi chiều Thứ Hai hàng tuần, chị Trưng dạy lớp đào tạo huynh trưởng cho các em giáo lý viên do giáo hạt tổ chức tại giáo xứ Phúc Bình.Cha xứ xin các chị hướng dẫn thêm giáo họ Trúc Sơn. chị Lan và chị Hiên coi thiếu nhi giáo họ Trúc Sơn. Chị em dạy giáo lý cho các em thiếu nhi ở giáo xứ và giáo họ vào chiều thứ Năm và sáng Chúa Nhật. Ngày thứ Bảy, chị em luân phiên để trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân không thể đến Nhà thờ. Đầu năm 2018, cha xứ nhờ chị Đình hướng dẫn, dạy giáo lý cho một số đôi hôn nhân để được hợp thức hóa giáo lý cho một số người lớn tuổi mà chưa lãnh bí tích khai tâm Kitô giáo giúp cho những người bỏ xưng tội rước lễ lâu năm trở về với Chúa.
Trường mẫu giáo Ánh Dương đã có giấy Quyết Định thành lập trường, nhưng chưa có giấy phép hoạt động. Chị Cần làm đơn xin phép. Chị em trong cộng đoàn làm ban Giám Hiệu và khâu Cấp dưỡng, giáo viên là các cô giáo ngoài. Theo nhận xét của chị Cần: Số giáo viên đăng ký xin dạy trường Ánh Dương rất đông, họ cho biết lý do: Rất thích vô dạy trong trường các sơ, để học với các sơ cách chăm sóc trẻ, được sơ yêu thương, cặn kỹ hướng dẫn từng chút, để sau này có tay nghề cao. Tháng 9.2015 nhận được giấy phép hoạt động, thì đã trễ, các học sinh đã vào các trường khác. Để tạo điều kiện cho trường Ánh Dương kịp khai giảng năm học mới, chị Cần động viên một số phụ huynh có con đăng ký học tại mẫu giáo Hoa Mai, đề nghị chuyển sang học trường Ánh Dương vì là các sơ cùng Dòng, và nhường 93 học sinh (1/3 số học sinh) của mẫu giáo Hoa Mai (cộng đoàn Thánh Gia), chuyển tiền đầu năm của các bé, đồ chơi ngoài trời v.v... cho trường Ánh Dương. Mấy trường mầm non ở chung quanh rất ngạc nhiên về điều này. Đường đi trước mặt nhà chị em là đường đất, chị em đi lễ buổi sáng hoặc phụ huynh đưa con đi học, mùa nắng thì chịu cảnh bụi mịt mù, mùa mưa đất sình lầy, có những em bị té giữa đường, quần áo dính bùn, lấm láp. Năm sau, Nhà Nước và nhân dân cùng làm, con đường đất này trở thành đường bê tông vững chắc và đẹp.
Năm 2017- 2021, cộng đoàn có 7 chị em được sai đến phục vụ trong công tác điều hành nhà trường, làm cấp dưỡng có khoảng 210 em bé từ 3 đến 5 tuổi học trong nhà trường. Có rất nhiều các em hoàn cảnh nghèo nhưng lại rất muốn học trong trường sơ, nên nhà trường giảm học phí cho nhiều trường hợp. Có những em hoàn cảnh gia đình không có tiền đi học lớp lá, chị em cũng mời đi học miễn phí. Nhà trường thuê 12 giáo viên để dạy học. Ngoài công tác trong nhà trường chị em tham gia vào mục vụ giáo xứ coi thiếu nhi, dạy giáo lý cùng với các em huynh trưởng khoảng 450 em thiếu nhi. Chị em phụ trách lớp xưng tội rước lễ 60 em và thêm sức. Các lớp còn lại do các em huynh trưởng trong giáo xứ đảm nhận. hướng dẫn 20 em lễ sinh. Mở lớp dự tu khoảng 40 em cả nam lẫn nữ sinh hoạt vào mỗi ngày Chúa Nhật, có nhiều tháng đào tạo giáo lý viên khoảng 30 em. Chị em hàng tuần kiêm việc giặt khăn thánh, đồ lễ nhà xứ. Trong cộng đoàn 2 chị phụ trách mục vụ tại giáo họ Trúc Sơn dạy giáo lý khoảng 350 em thiếu nhi cùng với các em huynh trưởng. Mở lớp dự tu khoảng 20 em sinh hoạt vào chiều chúa nhật. Thứ bảy hàng tuần 2 chị cho bệnh nhân rước lễ tại giáo khu Nữ Vương. Sau này cha xứ nhờ cho bệnh nhân rước lễ tại Trung Tâm Y Tế huyện Cưjút. Mỗi năm giáo xứ mở 2 khóa giáo lý hôn nhân chị em đảm nhận một số môn. Cộng đoàn đảm nhận dạy giáo lý dự tòng mỗi năm khoảng 10 người. Ngoài ra chị em còn giúp dạy giáo lý cấp tốc một số đôi “Cấy lúa ngắn ngày” để cho kịp thời vụ gặt hái.
Ngày thứ Bảy, chị em cộng đoàn lại tổ chức đi thăm viếng những người già neo đơn, những gia đình khó khăn trong giáo xứ để an ủi và tặng chút quà cho họ. Ngày Quốc Tế bệnh nhân cộng đoàn nấu xôi thăm hỏi người già, người đau bệnh trong giáo xứ. Mỗi năm 2-3 lần chị em lặn lội vào thăm, tặng quà anh em dân tộc H Mông, Tày, Dao trong khu Ba Tầng và Năm Tầng, phát quà cho giáo họ Lạc Thiện, giáo họ Nam Nia thuộc giáo xứ Quảng Đà hầu hết là người dân tộc. Món quà gồm có gạo, mì tôm mắm muối, dầu ăn. Ngoài ra còn có quần áo, phát thuốc thuốc. Chỗ phát thuốc khi nào cũng xong sau cùng vì nhiều người đau bệnh không có điều kiện đi khám bệnh vì nhà quá xa, không có phương tiện, tiền bạc. Cánh đồng truyền giáo tại tỉnh Đăc Nông còn rất bao la, anh em dân tộc ở phần lớn trong núi, đường đi rất hiểm trở, nhiều nơi họ chưa được biết Chúa. Các Linh mục phần lớn một xứ phải coi thêm nhiều giáo họ. Có những giáo điểm ở xa một tháng mới có Thánh Lễ 1 lần. Từ năm 2019 đến nay 2021 khi có thể cộng đoàn nấu cơm từ thiện cho trung tâm y tế huyện Cưjút hầu hết là người dân tộc khoảng hơn 100 phần cơm trưa.
Hiện diện tại Phúc Bình đến nay chưa tròn 6 năm, nhưng những gì các chị em đang thực hiện nhân danh và trong sự hiệp thông với Dòng đã dần dần làm cho chị em trở thành những nhân chứng của niềm vui Tin Mừng, của điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô hằng mong mỏi: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui.” Cầu mong những năm tháng sắp tới, có nhiều bước chân của chị em bước tiếp những bước chân rao loan niềm vui Tin Mừng đến miền đất Phúc Bình, nơi tràn đầy phúc lành và bình an của Thiên Chúa.