Tân Phúc Âm hóa lời nói và xét đoán - Kỳ II

Thứ ba - 23/10/2018 10:18  2392
 
TÂN PHÚC ÂM HÓA LỜI NÓI VÀ XÉT ĐOÁN
 
KỲ II
tan phuc am hoa loi noi ky 02


LỖI ĐỨC YÊU THƯƠNG  QUA LỜI NÓI

1. Điều cốt yếu của đạo là mến Chúa yêu người.

Tôi có đạo, và tôi hân hạnh xưng mình có đạo. Nếu ai hỏi tôi về đạo, tôi thưa: Điều cốt yếu của đạo tôi là tin thờ Thiên Chúa. Khi trước tôi tưởng thế là đủ. Nhưng bây giờ xét kỹ lại, tôi thấy không đủ. Bởi vì đạo của tôi buộc không những phải tin thờ Chúa, mà còn phải thương yêu người khác.
Tôi ngỡ yêu người chỉ là điều phụ. Nhưng đọc lại Kinh Thánh, tôi thấy yêu người cũng là điều chính. Một luật sĩ đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “Trong các điều răn, điều răn nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Đây là điều răn thứ nhất: ngươi phải kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều trước: là hãy yêu thương anh em như chính mình vậy”(Mc 12,28-31). Nếu điều răn thứ hai cũng giống điều răn thứ nhất, thì tất nhiên yêu người cũng quan trọng như mến Chúa, cũng phải giữ cẩn thận như mến Chúa.
Như thế, căn bản đạo có thể tóm tắt vào hai việc mến Chúa yêu người. Thực ra, đó chỉ là hai mặt của một tình yêu. Cả hai chỉ là một. Bỏ một tức là bỏ hai. Đủ cả hai mới thành đạo. Vì thế, kẻ vô thần không mến Chúa, thì gọi là vô đạo. Người Công Giáo không yêu người cũng là một thứ vô đạo [1]

2. Giới răn mới.

2.1. Mến Chúa yêu người trong Cựu Ước.

Trong Cựu Ước, điều luật yêu mến Thiên Chúa được ghi lại trong sách Nhị Luật: “Hỡi Israel ! Hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất. Ấy vậy, ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Các lời hôm nay Ta truyền cho ngươi, ngươi hãy ghi tạc trong lòng. Hãy ân cần dạy dỗ các điều đó cho con cái ngươi. Hãy rao truyền các điều đó khi ở nhà cũng như khi đi đường, khi nằm ngủ cũng như khi thức dậy. Hãy buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu” (Đnl 6,4-9).
Giới răn yêu người được tìm thấy trong sách Lêvi: “Ngươi chớ oán thù, chớ nuôi thù oán cùng kẻ lân bang nhục mạ mình. Hãy yêu thương người lân cận như chính mình ngươi vì Ta là Chúa” (Lv 19, 18).

2.2. Mến Chúa yêu người trong Tân Ước.

Còn trong Tân Ước, Đức Giêsu dạy :”Ngươi phải kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Đó là điều răn thứ nhất và quan trọng nhất. Còn điều răn thứ hai cũng giống như vậy: ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mt 22, 37-39).

2.3. Điểm khác biệt giữa giới luật yêu thương của Đức Giêsu và người Do Thái thời bấy giờ.

Khi nghiên cứu đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thường cắt nghĩa từ ngữ “người lân cận” theo quan điểm Kitô giáo. “Người lân cận là người ở gần bên chúng ta”. Có Nghĩa là tất cả những người chúng ta gặp trên đường đời. Nhưng vào thời Chúa Giêsu, từ ngữ “người lân cận” chẳng có nghĩa như thế. Chính vì vậy Chúa Giêsu đã phải giải thích bằng một dụ ngôn khi Ngài trả lời cho nhà thông luật. [2]
"Người kia đi từ Giêrusalem đến Giêricô dọc đường bị sa vào ổ cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh nhừ tử, rồi bỏ mặc người nửa sống nửa chết mà đi. Tình cờ một thầy cả nọ cũng xuống theo con đường ấy, thấy người kia, ông liền tránh một bên và đi qua. Cũng vậy, một thầy Lêvi đến nơi, thấy thế cũng tránh một bên và đi qua. Song một người Samari đi đường thấy vậy, liền động lòng thương người ấy. Ông liền lấy dầu và rượu xoa rịt vết thương, lại đặt lên ngựa mình, đem về nhà quán mà săn sóc. Hôm sau, ông trao cho chủ quán hai quan tiền và dặn rằng "Xin săn sóc người này, có tốn kém hơn thì lúc về tôi sẽ trả thêm". Trong ba người đó, ông nghĩ ai là kẻ lân cận với kẻ bị cướp ? Luật sĩ thưa : Chính kẻ đã thương giúp nạn nhân. Chúa Giêsu phán : Ông hãy về bắt chước như thế" (Lc 10,29-37).
Để giúp hiểu rõ từ ngữ “người lân cận”, Đức Giêsu phải trưng dẫn trường hợp của người Samaritanô. Dân Samaritanô có quê quán ở miền đất Babylon và họ đến định cư trong dân Israel. Họ đã hấp thụ đạo Do Thái ở một mức độ nào đó, song dân Samaritanô không bị đồng hóa với giòng giống Hy Bá, ngay cả trong lãnh vực tôn giáo. Thực thế, họ không bao giờ chấp nhận hoàn toàn tôn giáo của người Hy Bá cũng như truyền thống và giống nòi của họ.
Họ đã xây một đền thờ trên núi Garizim. Họ đã thờ phượng Thiên Chúa ở đó không bằng hình ảnh, và họ  không thừa nhận đền thờ Giêrusalem. Ngoài ra, họ đã thiết lập một hàng tư tế riêng đối lập với hàng tư tế ở Giêrusalem.
Những sự tương đồng và đối lập giữa hai tôn giáo, cộng với sự gần gũi va chạm, đã tạo ra lòng thù ghét giữa người Samaritanô và người Do Thái. Chúng ta nhớ lại câu chuyện người đàn bà Samaritanô. Khi Chúa Giêsu hỏi chị ta, thì chị ta ngạc nhiên đáp: “Ông là người Do Thái mà lại xin tôi nước uống cùng tôi là người đàn bà Samaritanô sao?” Và thánh Gioan giải thích thêm: “Thật ra, dân Do Thái chẳng hề giao thiệp với dân Samaritanô”(Jn 4,9).
Như vậy, từ ngữ “người lân cận” được nói trong Cựu Ước dường như chỉ áp dụng cho một chủng tộc riêng biệt hay một nhóm có tinh thần đặc biệt [3] hay nói cụ thể ra, từ ngữ “người lân cận” ở đây có nghĩa là những người thuộc chi tộc Israel  [4]

3. Những điểm Đức Giêsu muốn qua dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu.

3.1. Chuyện ngày xưa.

Càng suy càng thấy đau xót.
Vị thầy cả chuyên giảng luật Chúa. Nhưng luật căn bản của Chúa là luật bác ái thì ngài lại không giữ.
Thầy Lêvi thuộc hạng người thế giá, lại chuyên lo việc đạo, nhưng điều răn chính của đạo là yêu thương thì họ lại không thực hành.
Còn người Samaritanô mà người Do Thái kể là kẻ ngoại, không nên đi lại tiếp xúc, thì lại thực sự yêu người.
Ông thực sự yêu người, bởi vì ông đã thực sự cho đi. Yêu thương là cho đi. Ông đã cho đi thời giờ, tiền của, công lao khó nhọc của ông, bàn tay săn sóc của ông, những lo lắng của ông đối với nạn nhân chứng tỏ ông đã cho đi rộng rãi tấm lòng yêu thương chân thành của ông. Ông đã cho đi nhiều, nên ông đã yêu thương nhiều.
Còn hai vị kia có cho gì đâu để đáng gọi là yêu thương ! [5]

3.2. Chuyện hôm nay.

Cứ mỗi lần nghĩ tới dụ ngôn Chúa nói về gương yêu người, tôi lại buồn. Có một cái gì như mỉa mai làm tôi hổ thẹn. Có một cái gì cay đắng làm tôi bứt rứt. Tôi tưởng rằng, khi đưa ra gương yêu người, Chúa sẽ bảo: Hãy bắt chước thầy cả này, người giáo hữu kia. Nhưng Chúa lại bảo : Hãy bắt chước gương người ngoại đạo !
Không những thế, Chúa còn đem ra đối chiếu ba thái độ : một của thầy cả, một của người quý chức trong đạo và một người ngoại giáo. So sánh lại càng thấy rõ hai vị cao cấp trong tôn giáo kia thua kém xa người ngoại đạo.
Tất nhiên, dụ ngôn nhắc lại đạo cũ. Các người trong chuyện đều đã qua rồi.
Nhưng tôi tự hỏi : Nếu hôm nay Chúa đến đất nước này, hay đến miền này để giảng lại dụ ngôn bác ái, Chúa sẽ đem ai ra làm gương ? Biết đâu Chúa sẽ nói y nguyên dụ ngôn trên với những danh từ mới.
Nghĩ tới đây, tôi buồn kinh khủng.
Tôi buồn vì thấy nhiều khi chúng tôi giống hệt mấy người lãnh đạo tôn giáo xưa. Họ đi đâu cũng treo luật Chúa trước ngực, nhưng trong lòng thì độc ác. Cũng thế, đi đâu chúng tôi cũng mang danh hiệu của đoàn thể bác ái này, tổ chức đạo đức kia, mở miệng ra là khuyên yêu thương bác ái, nhưng lòng chúng tôi chứa đầy ganh ghét, hành động vẫn ác nghiệt, lời nói xấu như mũi tên độc bắn lén trong đêm. Đôi khi chúng tôi có làm được ít việc bác aí, nhưng bao lần làm để trình diễn hơn là thực sự bác ái.
Tôi buồn vì thấy nhiều khi chúng tôi hành động giống hệt những người Do Thái xưa. Họ không dám vào phủ đường của Philatô, nại lý do là nhà Philatô là nhà ngoại đạo, kẻ có đạo vào đó sẽ mắc dơ (Gn 18-28). Nhưng chính lúc đó, họ không ngại cáo gian và xin lên án giết một người cực thánh là Chúa Giêsu. Cũng thế, nhiều khi chúng tôi cặn kẽ với một vài hình thức đạo đức bề ngoài, nhưng lại coi thường các tội tày trời lỗi đức thương yêu, như cứng cỏi với người nghèo nàn, khinh dể kẻ yếu đuối, tàn nhẫn với người đau khổ, nói xấu bỏ vạ…Tôi lo sợ chúng tôi cũng bị Chúa mắng trách như ký lục và biệt phái xưa :
"Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi ngốn cả nhà cửa các bà góa mà còn làm bộ cầu nguyện lâu dài.
"Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi đi nộp thuế thập phân về bạc hà, rau ngò, rau húng, nhưng lại bỏ lơ những điều quan trọng hơn hết của lề luật là lòng chính trực, lòng nhân nghĩa, lòng thành tín. Các ngươi gạn lọc con muỗi nhưng lại nuốt trôi con lạc đà !
"Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi rửa sạch chén đĩa, nhưng trong lòng thì đầy tham ô vô độ"
Tôi có vào số những người đó không ?
Tôi biết rằng : Đạo tôi là yêu thương và yêu thương là biết cho đi.
Tôi cũng biết rằng : lịch sử đạo tôi không thiếu những gương yêu thương.
Nhưng nơi khác có, mà có thể ở đây không có. Trước có, mà có thể hôm nay không có.
Nếu thực sự hôm nay và ở đây không có, thì không gì đau xót bằng. Là thành phần của đoàn thể, của họ đạo, của địa phận, của Giáo Hội, tôi có trách nhiệm về sự thiếu sót đó  [6]

4. Lỗi giới răn yêu thương qua lời nói: nói hành nói xấu.

Ngay từ hồi nhỏ, tôi đã được sách giáo khoa dạy rằng : không gì tốt bằng cái lưỡi, nhưng cũng không gì xấu bằng cái lưỡi.
Hồi đó tôi không hiểu lắm. Nhưng dần dần, càng đi sâu vào đời, tôi càng nghiệm thấy đúng.
Không biết tôi có bi quan hay không. Nhưng kinh nghiệm sống đã cho tôi cảm nghĩ không mấy khác những tư tưởng của mấy đoạn Kinh Thánh sau đây : "Nhiều người đã chết vì võ khí, nhưng số người chết vì chính cái lưỡi của mình lại nhiều hơn" (Huấn đạo 28,32). "Rắn rết và thú dữ thì con người trị nổi, chỉ có cái lưỡi là khó ai trị nổi. Nó đầy nọc độc. Đi đâu thì hại đó…" (Gc 3,7-8).
Cái lưỡi con người độc đến nỗi giết được người khác. Nhưng đáng sợ nhất là nó có thể giết luôn chính người có lưỡi. Tất nhiên ở đây nói theo nghĩa bóng. Giết có nghĩa là làm hại.
Lưỡi tôi hại tôi, vì tôi dùng nó để hại người khác. Cách dễ nhất để hại người khác là nói xấu họ.
Nói xấu người khác dễ ợt, chẳng vất vả gì, chẳng tốn kém gì. Nói ở đâu cũng có người nghe. Nói bất cứ điều xấu gì về người khác dù có thực, dù bịa đặt, thì cũng có người chú ý. Chính vì thế mà tôi dễ phạm và tôi coi thường [7]

4.1. Những cách nói xấu.

Thánh Bonaventura chỉ điểm cho tôi bốn cách nói xấu :
- Một là khi người khác có sự tốt còn kín, tôi tìm cách che dấu đi, kẻo có ai biết mà khen.
- Hai là khi người khác có sự tốt đã trống, tôi tìm cách dèm pha, để người ta nghi ngờ mà bớt khen.
- Ba là khi người khác có sự xấu còn kín, tôi tìm cách khui ra để người ta biết mà chê.
- Bốn là khi người khác có sự xấu đã trống, tôi tìm cách tuyên truyền rộng ra, để người ta càng thêm biết để mà chê.
Cách nào cũng xấu hết. Và cũng không một lý do nào biện minh được cho việc nói xấu của tôi  [8]

4.2. Cách nói hành nói xấu thâm độc

Có kẻ khi muốn nói hành, đã khôn khéo tuyên bố danh dự trước, hoặc nói những lời có vẻ tử tế, hay đượm hài hước: đó là kẻ nói hành tinh quái và độc dữ nhất. Chúng nói: “Tôi tuyên bố rằng tôi quí mến người ấy, đàng khác, đó là một con người lịch thiệp. Tuy vậy phải nói thật, hắn đã bậy bạ khi làm chuyện đồi bại kia … Còn cô kia là con nhà đạo đức tử tế, song cô ta bị yếu đuối, sơ hở …”, và các điều khéo nói, đón trước rào sau như vậy. Con đã thấy cách lèo lái tinh quái ở đó chưa? Kẻ bắn cung, trước hết kéo cái tên về mình cho hết sức, nhưng cốt để bắn đi mạnh hơn. Những kẻ nói trên kia, có vẻ rút lời nói xấu về mình, nhưng mục đích là để bắn đi mạnh mẽ, làm cho cắm sâu vào lòng kẻ nghe hơn. Nói hành dưới hình thức hài hước thì ác hiểm hơn hết, vì như thuốc độc tự nó không mạnh, ngấm rất chậm nên dễ khử trừ, song nếu uống với rượu thì vô phương cứu chữa. Nói hành cũng vậy, một mình nó sẽ trượt tai này sang tai kia như người ta thường nói, nhưng nếu được dặm thêm vào đôi ba câu bông đùa, tinh quái, nó sẽ bám chắc vào trí người nghe. Đavít nói: “Những kẻ ấy có nọc rắn độc dưới làn môi” (Tv 139,4). Rắn độc cắn, bắt đầu ta như không cảm thấy gì, nọc nó chỉ làm cho ta ngứa và gãi bằng thích, do đó quả tim và ruột gan ta càng thấm chất độc, và sau đó vô phương chạy chữa. [9]

4.3. Thay vì nói hành lại ca tụng những tính nết xấu xa của người khác.

Dù phải rất dè giữ cho khỏi nói hành người đồng loại, song cũng còn phải giữ kẻo lại thái quá trong vấn đề đó, như có một số người vì tránh nói hành lại ca tụng, nói tốt về các tính hư nết xấu. Nếu có ai nói hành, con đừng bào chữa cho họ là ngay thẳng và thành thật. Nếu người nào rõ ràng có tính hão huyền, đừng bảo họ là hào hoa đại độ. Các điều quá thân mật nguy hiểm, đừng cho là đơn sơ vô tội. Sự bất tuân phục, đừng cho là nhiệt thành, và che đậy tính kiêu ngạo dưới danh từ cương trực, hay mệnh danh sự dâm đãng là tình bạn bè. Đừng, con đừng nghĩ là trốn tránh tật nói hành bằng cách ủng hộ các tật xấu khác. Trái lại, cái xấu phải nói là xấu, cái gì đáng trách phải trách mắng.  [10]

5. Hậu quả của việc nói hành nói xấu

5.1. Hậu quả của việc nói hành nói xấu:

Ai làm mất tiếng tốt của kẻ khác cách bất công, không kể có tội, còn phải đền bù, tuỳ thứ loại của nó mà đền khác nhau. Không ai có thể vào Thiên Đàng mà còn giữ của kẻ khác, mà trong các của cải bề ngoài, danh thơm là của quí nhất. Nói hành là một thứ sát nhân, vì ta có ba sự sống:

- Sự sống thiêng liêng là ơn nghĩa Thiên Chúa.
- Sự sống thể xác mà hồn là căn nguyên.
- Đời sống xã hội mà danh tiếng là huyết mạch.
Tội làm mất sự sống thứ nhất, chết làm mất cái thứ hai, nói hành làm mất cái thứ ba. Thường thường kẻ nói hành khi khoa môi múa mỏ, sát hại ba mạng sống: nó giết hồn mình và hồn kẻ nghe nó cách thiêng liêng, và huỷ đời sống xã hội của kẻ bị nói hành. Như thánh Bênađô nói: Kẻ nói và nghe nói hành, trong mình đều có ma quỉ: kẻ nói thì có trên lưỡi như lưỡi rắn. Kẻ nghe thì có nơi tai. Đavít nói về kẻ nói hành: “Chúng mài lưỡi nhọn như lưỡi rắn” (Tv 139,4). Mà con rắn, theo nhận xét của Aristote có lưỡi chẻ làm hai và nhọn. Lưỡi kẻ nói hành y như thế, mỗi lần vận dụng lưỡi là vừa cắn vừa tiêm nọc độc vào tai kẻ nghe và vào danh thơm kẻ bị nói hành.  [11]
Hỡi con, tôi tha thiết cầu mong con đừng bao giờ nói xấu ai cả, trực tiếp hay gián tiếp cũng vậy. Giữ mình đừng gán cho người khác những tội ác, những lỗi lầm giả, hoặc bới móc những lỗi kín, phóng đại những lỗi đã hiển nhiên, cắt nghĩa xấu một việc tốt, chối sự tốt mà con biết là người ta có, hay che lấp cách tinh quái sự tốt ấy hoặc làm giảm giá trị đi bởi đôi lời nói nọ kia: bằng tất cả những cách ấy, con xúc phạm nặng nề tới Thiên Chúa. Nhưng, nhất là khi cáo gian hay chối sự thật làm cho người ta bị hại, vì ở đây có hai tội: vừa nói dối, vừa làm hại người ta.

5.2. Khi tôi nói hành nói xấu, tôi tỏ ra là đồ hèn.

- Tôi hèn vì nói xấu là một điều trộm vụng. Đó là thái độ tiểu nhân, bắn lén tên độc trong đêm tối.
- Tôi hèn vì nói xấu là một việc thiếu ngay thẳng. Thường, lời nói xấu của tôi hay được ngụy trang dưới những ý hướng đạo đức giả tạo, nào là để cầu nguyện cho họ, nào là để rút kinh nghiệm… nhưng tôi thử hỏi Chúa Giêsu xem tôi thực sự có ý ngay lành hoàn toàn không ?
- Tôi hèn vì nói xấu là dùng cách đê tiện để khoe mình. Nói xấu ai tức là chê họ. Mà chê ai thì bao giờ cũng gián tiếp khoe mình không xấu như họ. Hơn nữa, sự nói xấu đó nhiều khi cũng ngầm một sự ganh tỵ kiêu căng muốn hạ người khác để mình được nổi hơn.
- Tôi hèn vì nói xấu là dùng cách bần tiện để cầu thân. Nhiều khi gặp ai, tôi không có gì cho hay nói, thì làm quà cho họ một chuyện xấu của kẻ vắng mặt. Gọi là để tâm sự, gọi là để chứng tỏ lòng mình tin tưởng. Sự tôi làm như thế đã tố cáo tôi là kẻ nghèo nàn hèn hạ. [12]

5.3. Khi tôi nói hành nói xấu, tôi bị hại lớn.

- Tôi bị hại lớn, vì tôi đã làm cho người khác không tin ở tôi. Điều đó dễ hiểu. Ai biết suy nghĩ một chút tất phải nghĩ rằng một người hay nói xấu người khác với họ, thì cũng dễ nói xấu họ với kẻ khác. Một người không biết kính trọng kẻ vắng mặt, thì đâu họ có trừ ai.
- Tôi cũng sẽ bị hại lớn, vì tôi phạm tới đức công bình bác ái. Nói xấu là một cách đâm chém và ám hại người. Tiền bạc sức khoẻ là quý nhưng danh giá còn quý hơn nhiều. Người bị tôi nói xấu sẽ bị thiệt thòi mất mát. Những tủi nhục, mặc cảm và đau đớn khó chịu khó có thể lường được. Nhiều khi lời nói xấu của tôi còn ảnh hưởng đến sự nghiệp, đến liên đới của họ đối với bạn bè, đến cả đời sống xã hội của họ nữa.
- Tôi sẽ bị hại lớn, vì khó có thể đền trả được những thiệt hại do tội nói xấu của tôi gây nên. Rắc một nắm bông gòn ra đường trước gió, rồi sau đó lượm lại, hỏi rằng kết quả được bao nhiêu. Cũng thế, lời nói xấu của tôi cũng bay từ miệng người này sang miệng người khác, làm sao dập tắt được. Rồi những đau khổ mất mát tinh thần vật chất người ta phải chịu do lời nói xấu của tôi, thì làm sao tôi đền trả được. Mà không đền trả thì không thể xong mình trước mặt Chúa.
- Tôi sẽ bị hại lớn, nhất là vì tôi sẽ bị Chúa phạt nặng nề. Sự tôi làm cho người khác thì Chúa kể như là làm cho chính Chúa. Như thế là chết tôi rồi  [13]

6. Sửa chữa tính nết xấu qua lời nói

6.1. Hãy cẩn thận khi nhận xét về các hành vi lời nói của người khác

Con đừng nói: “Người này say sưa rượu chè”, dù con nhìn thấy rõ ràng họ đang say sưa đi nữa; hay “Người kia ngoại tình”, vì con đã bắt chợt quả tang họ phạm tội; hoặc: “Người nọ loạn luân”, vì con đã thấy họ phạm lỗi ấy: tại vì chỉ mới thấy một hành động thôi chưa đủ để tặng họ danh từ ấy. Mặt trời ngưng lại một lần cho ông Gioduê thắng trận (sách Giodue 10-13), và một lần khác sầm tối lúc Chúa Cứu Thế tắt hơi, không ai lại vì đó mà nói mặt trời bất động hay tối đen! Ông Noe say rượu một lần, ông Lót một lần khác, đèo thêm vào đó một tội loạn luân, nhưng đâu có phải hai ông là kẻ nghiện rượu, hay ông thứ hai có tật loạn luân. Phêrô không là tên khát máu vì đã một lần làm đổ máu (khi chém đứt tai tên đầy tớ), hay ông là kẻ lộng ngôn chỉ vì đã nói phạm một lần (khi chối Chúa). Để đội tên một tính xấu hay một nhân đức, phải đã có tập quán và làm liên tục. Cho nên gọi một người là nóng nảy hay là đứa trộm cướp, vì ta thấy họ nóng giận hay ăn cắp một lần: đó là nói ngoa.
Dù một người đã có nết xấu lâu, ta cũng liều mình nói ngoa khi gọi họ là kẻ xấu nết. Ông Simong “hủi” gọi Mađalêna là gái tội lỗi, vì trước kia cô như thế. Nhưng ông đã nói sai, vì cô không còn thế nữa, trái lại, là người sám hối thánh thiện. Vì thế Chúa Giêsu đã bênh vực cô (Lc 7,36-50). Người Pharisiêu ngạo nghễ kia coi người thu thuế là kẻ đại nghịch bất đạo, hoặc ít nhất, kẻ bất công, ngoại tình, cưỡng đoạt, nhưng hắn lầm to, vì ông này được nên công chính ngay sau đó (Lc 18,9-14). Vì lòng nhân từ của Thiên Chúa lớn lao, đến nỗi chỉ một giây phút đủ để xin ơn và được ngay, thì ta làm sao dám quyết đoán chắc chắn rằng: người tội lỗi hôm qua, hôm nay vẫn thế? Ngày hôm qua không có phép xử đoán ngày hôm nay, và ngày hôm nay về ngày hôm qua. Chỉ có ngày sau cũng sẽ xét đoán về tất cả. Như thế không bao giờ được nói người ta độc ác mà không có nguy cơ là nói sai. Ta chỉ có thể nói – nếu có bổn phận - là họ đã làm một hành động xấu nào, đã sống trong tội thời gian nào, hay hiện thời đang làm điều ác. Nhưng không được kết luận từ ngày hôm qua, về ngày hôm nay, cũng như từ ngày hôm nay về ngày hôm quan, huống chi là về ngày mai. [14]

6.2. Hãy cẩn thận khi khiển trách tính hư nết xấu của người khác

Để khiển trách thói xấu kẻ khác, cần phải nhắm lợi ích của kẻ ấy hay của kẻ ta đang nói với. Trước mặt các thiếu nữ mà tả những chuyện ái ân kín đáo của người này người nọ, những chuyện ấy hiển nhiên là nguy hiểm; hoặc cách sống buông tuồng của người này kẻ khác, trong lời nói hay bằng thái độ cử chỉ dâm đãng: vậy nếu tôi không khiển trách ngay cuộc nói chuyện xấu ấy mà lại có ý miễn chấp, thì các tâm hồn non trẻ đang nghe kia sẽ nắm cơ hội để buông theo. Cho nên lợi ích của họ đòi tôi phải khiển trách thẳng thắn những chuyện ấy ngay lúc đó, trừ phi tôi có thể dành lại dịp khác nói tiện hơn, và ít tai hại cho kẻ mà ta nói đến. [15]
Ngoài điều kiện trên, còn phải là người có phận sự phải nói về vấn đề này nữa, như khi tôi là đầu trong cuộc hội họp ấy, mà nếu tôi không khiển trách, thì ra vẻ tôi tán thành tính xấu. Còn nếu tôi là một người bề dưới, tôi không có phận sự răn trách như thế. Nhất là tôi phải hết sức đúng trong lời nói để không một câu nào thừa. Chẳng hạn, tôi trách sự quá thân mật giữa thanh nam và thanh nữ kia, vì suồng sã và nguy hiểm, thì tôi phải cân nhắc cho đúng, đừng phóng đại thêm mảy may nào. Nếu chỉ có bóng dáng nhỏ mọn bên ngoài thôi, tôi sẽ nói chừng đó. Nếu là một sự dại dột thôi, tôi sẽ không nói thêm. Nếu chẳng có bóng dáng tội lỗi cũng chẳng có gì dại dột thật mà chỉ làm dịp cho vài đầu óc độc ác lấy cớ nói hành, thì tôi sẽ không nói gì hết. Khi nói về người đồng loại, cái lưỡi ở trong miệng cũng như dao mổ trong tay nhà giải phẫu, muốn cắt giữa hai đường gân, vậy phải nhắm sao cho vừa đúng, để khỏi nói thừa nói thiếu. Và sau cùng, khi răn trách thói xấu, ta phải gắng kiêng nể người có tính xấu ấy được chừng nào hay chừng ấy.
Người ta thường tự tiện phê bình, đoán xét các bậc vua chúa và nói xấu mọi quốc gia tuỳ theo tâm tình họ thuận hay nghịch đối với các vị ấy, phần con, đừng rơi vào lỗi ấy, ngoài sự xúc phạm Thiên Chúa, con còn có thể gây muôn ngàn mối bất hoà.
 Khi con nghe ai nói hành, hãy nghi vấn về lời cáo ấy, nếu có thể làm được cách chính đáng, nếu không, hãy bênh vực chủ ý người bị cáo. Nếu trường hợp sau này cũng không được nốt, con hãy tỏ lòng thương cảm họ, hãy gạt câu chuyện qua bên, trong khi đó con nhớ và nhắc bạn bè nhớ rằng: người không sai lỗi là nhờ ơn Chúa. Con hãy khéo đưa kẻ nói hành nghĩ đến bản thân hắn. Hãy nói vài điều tốt mà con biết về người bị nói hành. [16]


Còn tiếp

 
 

[1] GM.GB. Bùi Tuần, Nói với chính mình, trg.55-56
[2] Pascal M.Foresi, Reaching for more (Con đường thăng tiến), trg. 41
[3] Pascal M.Foresi, sđd trg.. 43
[4] Sđd, trg.41
[5] GM. GB. Bùi Tuần, Nói với chính mình, trg.60-61
[6] GM. GB. Bùi Tuần , Sđd trg.61-63
[7] GM. GB. Bùi Tuần, sđd trg.74-75
[8] GM. GB. Bùi Tuần, sđd trg..77
[9] Thánh Phanxicô Salêdiô, Sống thánh giữa đời, trg..233
[10] Thánh Phanxicô Salêdiô, sđd trg..235
[11] Thánh Phanxicô Salêdiô, sđd trg. 232-233
[12] GM. GB. Bùi Tuần, Nói với chính mình, trg.75-76
[13] GM. GB. Bùi Tuần, sđd trg.76
[14] Sđd, trg..234
[15] Thánh Phanxicô Salêdiô, Sống thánh giữa đời, trg.235
[16] Thánh Phanxicô Salêdiô, sđd trg..237

Tác giả bài viết: LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

thang

Lịch Phụng vụ

MÙA PHỤC SINH
15 Th Hai   Thứ Hai Tuần 3 Phục Sinh
16 Th Ba   Thứ Ba Tuần 3 Phục Sinh
17 Th Tư   Thứ Tư Tuần 3 Phục Sinh
18 Th Năm   Thứ Năm Tuần 3 Phục Sinh
19 Th Sáu   Thứ Sáu Tuần 3 Phục Sinh
20 Th By   Thứ Bảy Tuần 3 Phục Sinh
21 Ch Nht   CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
22 Th Hai   Thứ Hai Tuần 4 Phục Sinh
23 Th Ba   Thứ Ba Tuần 4 Phục Sinh
24 Th Tư   Thứ Tư Tuần 4 Phục Sinh
25 Th Năm K  THÁNH MARCÔ, Thánh Sử
26 Th Sáu   Thứ Sáu Tuần 4 Phục Sinh
28 Th By   Thứ Bảy Tuần 4 Phục Sinh
29 Ch Nht T CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
30 Th Hai N Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
31 Th Ba   Thứ Ba Tuần 5 Phục Sinh

Videos

Audio

Hình ảnh

22 8
Lễ Mẹ Trinh Vương ngày 22.8.2023
img 3797
Hội chợ Xuân 2024
MN Rạng Động

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,111
  • Tháng hiện tại58,853
  • Tổng lượt truy cập6,552,083

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây