CÁI TÔI HOÀI NIỆM ĐỨC TIN
TRONG BÀI THƠ "NGƯỜI HÁT RONG TRÊN ĐỒNG CỎ"
CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG
Tiếp cận những vần thơ Công giáo của Lê Đình Bảng, Vũ Đức Sao Biển trong lời tựa tập thơ Hành hương đã viết: "Ta có thể tìm thấy trong 'Hành hương' của Đình Bảng niềm tin mãnh liệt vào Chúa Kitô" [2; tr.9]. Dưới góc nhìn của Vũ Đức Sao Biển, Đình Bảng là một nhà thơ cưu mang trái tim nhạy cảm, "căng lên như một sợi dây đàn lên đúng độ cao, chỉ cần một cơn gió thoảng nhẹ là rung lên thành âm tơ". Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam trong Lời tựa Lời tự tình của bến trần gian của Đình Bảng chia sẻ chân thành: "Trước khi đọc tập thơ này, tôi nghĩ có lẽ mình sẽ đọc những câu thơ, bài thơ minh họa cho một số điều trong Kinh Thánh,…nhưng ý nghĩ ban đầu của tôi đã sai. Nhà thơ Lê Đình Bảng đã không làm như vậy, bởi ông thực sự thấu hiểu chốn cao xanh kia và nơi mặt đất này" [3; tr.5]. Với Nguyễn Quang Thiều, thơ Đình Bảng rẽ một cõi riêng hướng về nẻo nhân sinh từ mạch chung dòng thơ Công giáo truyền thống; với Vũ Đức Sao Biển, những dòng thơ ấy là điệu rung của một trái tim "nhạy cảm" đang độ "căng lên". Hai cái nhìn của hai nhà phê bình về một đối tượng bổ sung cho nhau, như một điểm tựa giúp người viết khám phá ra cái tôi trữ tình trong những vần thơ Công giáo Đình Bảng. Phải chăng vốn sống và tuổi đời của Đình Bảng đã trở nên chất liệu cho thơ ông mang hơi hướm triết lý? Đặt vấn đề như vậy bởi tuy là thơ Đạo, một thể loại xưa nay vẫn thường được coi là "dễ cảm", nhưng ở thơ Lê Đình Bảng lại có những bài như thách đố người đọc nếu muốn đụng chạm đến tầng sâu mĩ cảm. Ta thử thả hồn với Người hát rong trên đồng cỏ để khám phá vẻ đẹp tôn giáo trong thơ ông!
Tôi van lơn, lời kinh trầm thống
Xin mặt trời dừng lại bên sông!
Hãy lặng thinh, ngôi đền cổ Pharaon
Một nửa cầu vồng vắt ngang biển Đỏ
Em biết không, đêm qua
Con bò vàng vỡ ra như cám
Tôi đợi Người suốt cả mùa đông
Lắng nghe nhịp lũ sông Nil giục giã
Sầu Cain, lòng tháp vắng mênh mông
Jerusalem mưa ngập trắng đồng
Em hãy quỳ hôn nơi những dấu chân
Kỷ niệm một thời tuổi mọn
Khi người đội vòng hoa phủ kín gai chông
Tôi đợi Người trên những chặng đường xuyên Á
Nơi thân tượng buồn rã rục trầm tư
Nỗi đoạn trường đi tìm một nơi cư ngụ
Như trẻ thơ tung tăng ngợi ca
Lòng đạo đức tin.
Từ trong khu vườn ríu rít tiếng chim
Từ vết máu trước cửa nhà mình, từ con sông, giếng thánh
Từ manna, bánh miến, rượu nho
Ước chi tôi được ngồi chung bàn tiệc tông đồ
Mang dấu tích mỗi dụ ngôn, ân sủng
Ở Palestin, rừng Ôliu lá rụng
Ở thượng nguồn, nằm chết như mơ.
Tôi uống no nê những lời hằng sống
Thuở đất trời vào hội mùa xanh
Khi đôi mắt mở ra long lanh
Em sẽ đọc thấy tên mình
Giữa mười hai chi họ
Cây thánh giá nở hoa đào rực rỡ
Hãy thả bồ câu bay rợp đền vàng
Hương sáp, mật ong, quần điều áo lục
Bên đây bờ Tân ước
Em sẽ gặp Người bằng thịt bằng xương
Ngã tư, ngã ba, không ánh đèn đường
Dưới gốc cây cao bóng cả, đồi non gió biển
Người chợt đi chợt đến
Như tia chớp lòe Nam Bắc Đông Tây
Nếu có một ngày
Tình cờ em gặp chàng thanh niên tóc bay tiền sử
Áo vải, chân không giữa đám trẻ thơ
Hay một hừng đông biển hồ
Ngồi trên mạn thuyền, giữa nơi nhà hội
Mùa sương sa, em về may áo mới
Gọi mưa trên bờ cuội trắng nhung tơ
Gió sa mạc cơ hồ
Đang thổi mấy chiều hơi nước
Tôi đợi Người
Miệng lưỡi khát khô.
Cái tôi trữ tình trong thơ ca Công giáo truyền thống đa phần hiện ra trong hình hài con chiên ngoan đạo, ý thơ nghiêng về hướng chúc tụng, ngợi khen:
"Như song Lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể" [7]
Hàn Mặc Tử trong Ave Maria tựa như một con chiên ngoan đạo đắm chìm trong cầu nguyện với Đức Trinh Nữ, khát khao sống và khát khao được cứu rỗi. Giữa nguồn chung thơ đạo, Lê Đình Bảng trong Người hát rong trên đồng cỏ dường như rẽ qua một nẻo nhỏ khác. Dòng thơ ông chan chảy cái khát vọng thành thực, khát vọng của kiếp nhân sinh, hiện sinh hữu thần. Khi vừa tiếp xúc tựa bài thơ "Người hát rong trên đồng cỏ", bạn đọc dễ tưởng đó là một cuộc rong chơi với những vui thú kiếp đời thường. Tuy nhiên, không phải vậy. Ngay những câu đầu bài thơ đã trực trào nỗi khao khát, ước ao:
"Tôi van lơn, lời kinh trầm thống
Xin mặt trời dừng lại bên sông!"
"Lời kinh" là kí hiệu của bối cảnh cầu nguyện. Và trong bối cảnh ấy, "tôi" cầu xin cho "mặt trời dừng lại". "Mặt trời" lên xuống là bước đi của thời gian, phải chăng "tôi" đang đặt mình trước đôi bờ thời gian tương lai và quá khứ để hoài niệm về chặng đường lịch sử cứu độ, tứ thơ phát triển từ Cựu ước đến Tân ước cùng với những biểu tượng tôn giáo hiện ra sinh động.
"Hãy lặng thinh, ngôi đền cổ Pharaon
Một nửa cầu vồng vắt ngang biển Đỏ"
"Ngôi đền cổ Pharaon" nhắc nhớ về các vị Pharaon Ai Cập cổ đại. Liên quan tới các vị vua này, dân tộc Israel đã được kiên vững niềm tin vào Đức Chúa nơi các phép lạ Đức Chúa làm để cứu thoát dân. "Biển đỏ" là chứng nhân hùng hồn nhất biểu dương quyền lực của Đức Chúa ở sự kiện nước dựng đứng như bức tường thành hai bên tả hữu cho Israel đi qua lòng đại dương khô cạn. Biển đỏ hiện ra trong tư thế nằm dưới vòm cầu vồng vắt ngang qua thật kì thú, diễn tả sự đong đầy, tiếp nối của ân sủng. Theo Kinh thánh, loài người đã trải qua một trận đại hồng thủy vô cùng khủng khiếp. Cầu vồng là lời nhắc nhớ của Đức Chúa về lời thề: mãi mãi nước sẽ không bao giờ quét sạch con người và mọi sinh linh khỏi mặt đất nữa.
Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã viết: "Đời sống của cá nhân cần phải vin vào một cái gì đó thiêng liêng hơn cá nhân và thiêng liêng hơn sự sống" [6; tr.119]. Thật thế, con người cần cơm áo và truyền thống văn hóa để sống cho ra người. Ngoài những yếu tố đó, niềm tin người Kitô hữu chỉ tròn đầy nhờ những hoài niệm đức tin dọc theo dòng chảy ơn cứu độ, nôm na gọi là suy gẫm các sự kiện Kinh thánh.
"Em biết không, đêm qua
con bò vàng vỡ ra như cám
Tôi đợi Người suốt cả mùa đông
Lắng nghe nhịp lũ sông Nil giục giã"
"Con bò vàng" là biểu tượng của ước muốn, ảo tưởng tự do, nó đã nô lệ hóa Israel một thời khắc nào đó trong sa mạc. Đối với phận người tham sân si, "bò vàng" có sức hấp dẫn của con rắn nhìn con chim non. "Con bò vàng" vỡ vụn cho thấy tình hiền phụ của Đức Chúa có khả năng trấn áp sự mê hoặc của thế gian, miễn là "tôi" nhẫn nại "đợi người" giữa những "mùa đông" hồn "tôi". Dòng nước "sông Nil" biến thành máu đỏ giết chết toàn bộ cá và khiến cho đất đai bốc mùi tanh tưởi là đại dịch đầu tiên trong mười đại dịch Đức Chúa giáng xuống Ai Cập cổ đại, hòng lay chuyển lòng Pharaon chai đá.
"Sầu Cain, lòng tháp vắng mênh mông"
Cuộc hành hương lần ngược tới tận nguồn sáng thế với bộ mặt Cain. Đó quả là khuôn mặt "sầu", bộ mặt của "kẻ trốn chạy", "kẻ lang thang", bộ mặt của một con người hấng chịu lời nguyền vì đã đổ máu đồng loại, khiến mặt đất bị nguyền. Triết gia Philo giải nghĩa ẩn dụ từ bản Kinh thánh Hy Lạp rằng Cain phải hứng chịu nỗi sợ vô hồn của con người, bản Ngũ Kinh Samari và các bản Targum gọi cảm thức của Cain là "lưu vong và bất ổn". Theo một nghĩa nào đó, mặt đất phải "uống máu của Abel" nên trở thành tiêu sơ tựa "lòng tháp vắng mênh mông". Tình trạng đó kéo dài cho đến khi:
"Jerusalem mưa ngập trắng đồng"
Jerusalem được Thánh Vịnh 86 miêu tả như người mẹ và "Chúa yêu chuộng cửa thành/ Hơn mọi nhà của dòng họ Giacop". Hình ảnh Jerusalem móc nối hai bờ Cựu – Tân ước. Đứng ở ngưỡng cửu Jerusalem với thái độ cung kính "quỳ hôn nơi những dấu chân", những "kỷ niệm một thời tuổi mọn" thật đáng trân trọng. Dòng thơ bước qua một giai đoạn cứu độ của thời Tân ước:
"Khi Người đội vòng hoa phủ kín gai chông
Tôi đợi Người trên những chặng đường xuyên Á"
"Người" là một đại từ thay thế nhưng ở phía trước lại không có tên người được thay thế. "Vòng hoa phủ kín gai chông" đã bổ túc cho chỗ khuyết ấy như một dụng ý nghệ thuật. "Người" viết hoa ở đây mầu nhiệm và khó nắm bắt khiến "tôi" phải rong ruổi tìm "Người" dọc "trên những chặng đường xuyên Á". Kinh nghiệm này trở nên thật thấm thía:
"Nơi thân tượng buồn rã mục trầm tư
Nỗi đoạn trường đi tìm một nơi cư ngụ
Như trẻ thơ tung tăng ngợi ca
lòng đạo đức tin"
"Buồn rã mục", "nỗi đoạn trường" "tìm một nơi cư ngụ", những cụm từ này mang một nghĩa khái quát là sự dãi dầu của tâm trạng. Cảm thức sống kinh nghiệm đức tin của nhân vật trữ tình trong tứ thơ này gần gũi với cảm thức tha hương. Nhưng bởi là một cuộc lữ hành về với Đức Chúa nên nỗi "trầm tư" ở đây được nhân vật trữ tình nhìn dưới lăng kính "trẻ thơ", ngợi ca trước ân phúc của Chúa mình:
"Từ vết máu trước cửa nhà mình, từ con sông, giếng thánh".
Sự kiện "vết máu" cứu thoát trẻ thơ Irael bên Ai Cập hay sự cứu thoát khỏi tội nguyên tổ qua phép rửa tội được nhìn nhận như con sông, giếng thánh cho cuộc đời.
"Từ manna, bánh miến, rượu nho
Ước chi tôi được ngồi chung
bàn tiệc tông đồ
Mang dấu tích mỗi dụ ngôn, ân sủng
Ở thượng nguồn, nằm chết như mơ"
Từ sự kiện Manna nuôi dân Chúa trong sa mạc, nhân vật trữ tình liên hệ đến Bánh thánh nuôi linh hồn được ban tặng bởi Đức Giêsu. Ước mơ được ngồi chung bàn việc tông đồ quả táo bạo nhưng diễn tả nỗi lòng thiết tha, khao khát lắng nghe từng "dụ ngôn" và lãnh nhận "ân sủng" của Chúa. Ở thượng nguồn ơn cứu độ, "tôi" mong được "nằm chết như mơ". Ý thơ đẹp đến nao lòng, "chết như mơ" là cái chạm đến vô biên, một sự chạm của trần trụi thực tại tới chân thiện mỹ cao xanh.
"Tôi uống no nê những lời hằng sống
Thuở đất trời vào hội mùa xanh
Khi đôi mắt mở ra long lanh
Em sẽ đọc thấy tên mình
giữa mười hai chi họ"
Nhân vật trữ tình bỗng trở nên hân hoan trong cảm thức no say "lời hằng sống" – lời cứu độ thuở ban sơ Tân ước. Đôi mắt long lanh là hình ảnh đẹp tựa như mắt trẻ thơ, mắt những cô gái xuân sắc. Nhìn ở góc nhìn ấy, "tôi" ngỡ ngàng nhận ra sự độc đáo của ơn gọi mình, trước ân sủng Chúa cũng sánh ngang với các chi họ Asher, Benjamin hay Dan,...của dân tộc Israel
"Cây Thánh giá nở hoa đào rực rỡ
Hãy thả bồ câu bay rợp đền vàng"
Dưới góc nhìn Kitô giáo, chim bồ câu là biểu tượng của Thần khí thánh hóa, cũng có nghĩa là hòa bình. "Đền vàng" được hiểu là Giáo hội, Đền thờ nơi Thiên Chúa ngự. "Cây thánh giá" là biểu tượng Chúa Giêsu cứu độ. Ba hình ảnh thiêng liêng ấy trở thành cội nguồn tiềm thức trong lối sống đạo:
"Em sẽ gặp Người bằng thịt bằng xương
Ngã tư, ngã ba, không ánh đèn đường
Người chợt đi chợt đến
Như tia chớp lòe Nam Bắc Đông Tây"
"Bên đây bờ Tân ước", một Giêsu đã sống kiếp con người "bằng thịt bằng xương", nhưng "em" vẫn mang tâm trạng của người đứng giữa "ngã ba ngã tư không ánh đèn đường". Lối sống đức tin cần đến những thái độ lựa chọn quả không dễ bởi Đấng mà ta đặt niềm tin "chợt đi chợt đến" như ánh "chớp lòe" giữa đời ta, thinh lặng giữa cuộc đời ta, như nốt lặng dài giữa khúc nhạc.
"Nếu có một ngày
Tình cờ em gặp chàng thanh niên tóc bay tiền sử
Áo vải, chân không giữa đám trẻ thơ
Mùa sương sa, em về may áo mới
Gọi mưa trên bờ cuội trắng nhung tơ
Gió sa mạc cơ hồ
Đang thổi mấy chiều hơi nước"
"Chàng thanh niên tóc bay tiền sử" lãng du lẽ ra phải xuất hiện trong những thiên tình sử kiểu "Romeo và Juliet", nhưng đây chàng lại chọn ở "giữa đám trẻ thơ" mộc mạc với "áo vải, chân không". Có một qui luật tự nhiên nào đó bị đảo lộn và chỉ có thể là chàng Giêsu – Đấng "phận là phận của một Vì Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế". Thế nên, "em" cũng phải "may áo mới" trong tinh thần, mới mong hứng được những "mưa", những "hơi nước", mới cảm được vẻ "nhung tơ" của "bờ cuội trắng" ngay trên sa mạc cuộc đời. Triết lý "Rượu mới phải đổ vào bầu da mới" được tỏ bày trong tứ thơ.
Thả lòng hoài niệm về những bến bờ in rõ nét dấu ấn lịch sử cứu độ, nhân vật trữ tình bỗng nhận ra chân dung mình trong thực tại:
"Tôi đợi Người
Miệng lưỡi khát khô".
"Khát khô" trong miệng lưỡi xuất hiện ở cuối mạch thơ khiến người đọc liên tưởng đến cái khát của một con người bị treo trên cây Thập tự, một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đau đớn trong cõi lòng. Dấu chấm kết thúc dòng hoài niệm của nhân vật trữ tình hòa vào nỗi niềm khao khát của Đức Giêsu. Đức Giêsu khát con người và con người khát Chúa. Một sự giao cảm của đất trời thật trữ tình.
Gió Biển, CMR
Top of Form
Tài liệu tham khảo
- Lê Đình Bảng (2010), Văn học Công giáo Việt Nam – những chặng đường, Nxb.Từ điển Bách khoa, Hà Nội
- Lê Đình Bảng (2011), Hành hương, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội
- Lê Đình Bảng (2012), Lời tự tình của bến trần gian, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội
- Trần Thái Đỉnh (2008), Triết học hiện sinh, Nxb.Văn học, Tp.HCM
- Phạm Ngọc Hiền (2018), Thi pháp học, Nxb.Tổng hợp, Tp.HCM
- Hoài Thanh, Hoài Chân (2012), Thi nhân Việt Nam, Nxb.Văn học, Tp.HCM
- Trăng Thập Tự (chủ biên) (2012), Có một vườn thơ đạo, tập 1, Nxb.Phương Đông, Tp.HCM
- Tòa Tổng Giám Mục (1995), Các giờ Kinh Phụng vụ, Nxb.Thành phố HCM