Cái tôi trữ tình xốn xang hành hương - Lê Đình Bảng

Thứ ba - 04/02/2020 21:26  1112
CÁI TÔI TRỮ TÌNH XỐN XANG HÀNH HƯƠNG
TRONG BÀI THƠ "XUẤT HÀNH" CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG


Trong tiếng La tinh cổ, từ "hành hương” thường được dịch là “ngang qua cánh đồng”. Vì thế người hành hương là “người khách lạ”, “người lữ hành", gặp nhiều thách đố nhưng cũng đầy hy vọng. Thách đố vì cuộc hành hương đòi người ta phải dấn thân, phải dám băng qua những khó khăn về địa lý hay tâm lý. Hy vọng vì đích đến là nơi người hành hương có thể gặp gỡ tha nhân và Đức Chúa. Trên đường đi, họ hát những bài ca vui tươi như người Do Thái hành hương về Đền Giêrusalem trong các dịp lễ, họ cất cao những bài thánh vịnh:
“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi
Ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa!
Và giờ đây, Jerusalem hỡi,
cửa nội thành ta đã dừng chân…” [5]
            Trong những vần thơ Công giáo của Lê Đình Bảng, bạn đọc có thể bắt gặp tầng nghĩa khác của "hành hương" từ nghĩa gốc này. Ta thử đọc "Xuất hành" để khám phá ẩn ý của tứ thơ:

Tôi đợi mãi, bốn mùa sương khói ngất
Với tượng buồn và cổ mộ xanh rêu
Đã khép ngàn năm thăm thẳm rừng chiều
Cành rụng cành rơi, vai người thiếu phụ
Một chút nắng, một chút tình xưa cũ
Em còn yêu người du mục lang thang?
Bởi không áo xiêm, ra khỏi địa đàng
Babylon, những chiều đi cúi mặt.

Em có thấy cầu vồng lên bát ngát
Lớp lớp triều dâng, vách dựng song song
Sóng vỗ ngoài khơi, biển vẫn chập cùng
Mặt trời chói chang giữa ngàn sim mới
Sion đó, nhịp nơi đang vẫn gọi
Em về đi, trong đôi mắt long lanh
Cờ xí tung bay trên khắp mặt thành
Đấy chảy sữa và mật ong như suối
Em có nghe giữa hồn mình bão nổi
Xuống đời thơm, thơm dào dạt niềm vui.

Lạy Đức Giave, tôi nguyện một đời
Xin nương náu trong vườn nho cổ thụ
Dưới bóng cây, tôi nằm ru giấc ngủ
Reo vang hoài nhã nhạc những mùa xanh.
Top of Form
Xuất hành của Đình Bảng không phải là một chuyến hành hương địa lý nhưng là một cuộc hành hương trong tâm tưởng, nghĩa là có diễn biến của chiều sâu tâm lí nội tâm. Xuất hành khởi đầu với những nét buồn:
"Tôi đợi mãi, bốn mùa sương khói ngất
Với tượng buồn và cổ mộ xanh rêu
Đã khép nghìn năm thăm thẳm rừng chiều
Cành rụng cành rơi, vai người thiếu phụ
Một chút nắng, một chút tình xưa cũ"
Những từ ngữ: sương khói, tượng buồn, cổ mộ, rừng chiều, cành rụng, vai người thiếu phụ, chút tình xưa cũ, xét ở nghĩa hàm ẩn đều chuyên chở nét buồn và sầu. Các hình ảnh này dồn dập xuất hiện chỉ trong mấy câu thơ tạo nên một trường nghĩa mang âm hưởng rầu rĩ, rệu rã. Yếu tố thời gian cũng xuất hiện với nhóm từ: bốn mùa, cổ, nghìn năm, xưa cũ. Nỗi buồn được diễn tả ở bề sâu và chiều dài như vậy thì quả là nỗi buồn thăm thẳm của kiếp người "tôi".
"Em còn yêu người du mục lang thang?
Bởi không áo xiêm, ra khỏi địa đàng
Babylon, những chiều đi, cúi mặt"
Nguyên nhân của nỗi buồn đã hiện ra. "Tôi" hóa thân thành "người du mục" sau cuộc "ra khỏi địa đàng". Người du mục là người nay đây mai đó, vất vưởng lang thang. Trở thành người du mục bởi bị đuổi ra khỏi địa đàng là hiện thân của ý tưởng tàn tạ. Phải chăng nhân vật trữ tình trong câu thơ mang vác tâm trạng của tội nguyên tổ để than khóc? Bên cạnh vườn địa đàng còn xuất hiện Babylon trong tư thế đi cúi mặt vào buổi chiều, một hình ảnh đắt giá của tứ thơ. Vua Nebuchadnezzar II thời Tân Babylon đã đánh thành Jerusalem và đày ải dân Israel của Đức Chúa sang đế quốc mình làm nô lệ. Đó là một trải nghiệm đau thương về "liều thuốc đắng" của Đức Chúa đối với dân Israel, là ngọn roi sửa dạy của Đức Chúa cho dân quay về nẻo chính đường ngay. Ở nơi viễn xứ, dân Israel rầu rĩ khóc than, kêu cầu Đức Chúa với tiếng khóc nỉ non: "Bờ sông Babylon/ Ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion/ Liễu rũ ngành soi bóng, ta tạm gác cây đàn". Họ nhủ với nhau rằng nếu quên Jerusalem thì "tay gảy đờn thành tê bại" "lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm". Vì thế, họ hướng về Jerusalem như niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn và họ thở than, hi vọng nơi Đức Chúa:
"Tại sao con phải than van?
Hãy tin vào Chúa,
vì con luôn muốn cảm tạ Ngài,
Ngài là Ðấng cứu độ và là Chúa con"
(TV 43) [5]

Tâm trạng hi vọng này được nhân vật trữ tình trong Xuất hành đồng điệu:
"Em có thấy cầu vồng lên bát ngát
Lớp lớp triều dâng, vách dựng song song"
Một lần nữa, "cầu vồng" và "vách dựng song song" xuất hiện. Nếu như ở Người hát rong trên đồng cỏ, đó là dấu chỉ ân phúc trong dòng hoài niệm của nhân vật trữ tình, thì ở đây nó hiện lên với khuôn mặt đầy hi vọng, sáng tươi rực rỡ hân hoan, thúc giục kẻ lữ hành hãy tin vào Đức Chúa. "Cầu vồng" đã lên cao cho "em" thấy lời hứa của Đức Chúa và triều dâng lớp lớp đó là bàn tay Đức Chúa ở giữa con cái mình, "em" có thấy không? "Em có thấy" – một cụm từ thật ý nhị, nó vừa duyên dáng về ngôn từ vừa thổ lộ được niềm hân hoan, nội tâm như muốn vỡ òa tựa lời ca tụng của Môisen và dân Israel trong sa mạc:
"Lạy Chúa, tay Chúa uy dũng, đánh nát quân thù.
Ngài đã đánh ngã kẻ thù bằng sức mạnh phi thường;
Ngài phóng cơn lửa giận dữ,
cơn giận đốt cháy chúng như rơm..."
[5]

Cái xốn xang hành hương hiện rõ trong tứ thơ Xuất hành:
"Sóng vỗ ngoài khơi, biển vẫn chập chùng
Mặt trời chói chang giữa ngàn sim mới
Sion đó, nhịp nơi đương vẫy gọi"
"Sóng" vẫn vỗ, "biển" vẫn chập chùng. Phận người vẫn bấp bênh, mênh mang trôi nổi nhưng với sự xuất hiện của "mặt trời chói chang" và "sim mới", đã gieo một niềm hi vọng mãnh liệt, "sóng" và "biển" tìm thấy nguồn cội để trở về, đích đến để hướng tới. Sion đang vẫy gọi. Khuôn mặt Sion hiện rõ trong Thánh vịnh 86 của vua Đavit:
"Thành Sion được lập trên núi thánh
Chúa yêu chuộng cửa thành
Hơn mọi nhà của dòng họ Giacop" [5]
Thành Sion cũng chính là thành Jerusalem, nghĩa cơ bản là “chiến lũy”. Theo tiến trình Kinh thánh, từ "Sion" chuyển tiếp từ ý nghĩa là một thành phố vật chất đến một ý nghĩa linh thiêng. Gọi Jerusalem là Sion, ý nghĩa thần học của thành được chú trọng, ám chỉ vương quốc thiêng liêng Đức Chúa dành cho con cái Người.
"Em về đi, trong đôi mắt long lanh
Cờ xí tung bay trên khắp mặt thành
Đất chảy sữa và mật ong như suối
Em có nghe giữa hồn mình bão nổi
Xuống đời thơm, thơm dào dạt niềm vui".
"Cờ xí" - loại cờ được giăng trong các dịp lễ hội, cùng với "đất chảy sữa" và "mật ong như suối" em đã nhìn thấy qua đôi mắt long lanh hi vọng. Ngày hội của thành Sion đang chờ đón "em về". "Em có nghe" lòng mình xốn xang như bão nổi trước niềm vui dào dạt không? Trong cái xốn xang hành hương ấy, nhân vật trữ tình phóng một ánh nhìn trực diện về cõi thiên thu:
"Lạy đức Giavê, tôi nguyện một đời
Xin nương náu trong vườn nho cổ thụ
Dưới bóng cây, tôi nằm ru giấc ngủ
Reo vang hoài nhã nhạc những mùa xanh".
Trong tâm tưởng nhân vật trữ tình, "vườn nho cổ thụ" có thể là vườn địa đàng mà cũng có thể là "vườn nho" trong Tin Mừng mà Đức Chúa trong vai chủ ngày ngày thuê gia nhân vào làm cho mình, hay cũng được hiểu là hình bóng Thiên đàng. Có thể như vậy và cũng có thể là không bởi hình ảnh trong thế giới thơ là hình ảnh mang nghĩa biểu tượng, nhưng chắc chắn rằng đó là một nơi chốn, một không gian hạnh phúc vĩnh cửu, khiến cho nhân vật trữ tình nguyện một đời nương náu ở đó, mong ước ngủ vùi dưới bóng cây khi đang reo vang khúc nhạc tình yêu màu xanh bất tử.
Giọng thơ khi buồn lắng đọng, khi hân hoan như nhảy múa, giàu suy tưởng và vì vậy thắm đượm ý nghĩa triết lý nhân sinh. Nếu bạn đọc thừa nhận, đến với thơ Công giáo là để tìm một lời đồng điệu sâu sắc trong kinh nghiệm sống niềm tin vào Đức Chúa giữa kiếp người thì có lẽ đến với thế giới thơ Lê Đình Bảng, khoái cảm thẩm mĩ của bạn đọc sẽ được đáp thỏa.
Gió Biển, CMR

Tài liệu tham khảo
  1. Lê Đình Bảng (2010), Văn học Công giáo Việt Nam – những chặng đường, Nxb.Từ điển Bách khoa, Hà Nội
  2. Lê Đình Bảng (2011), Hành hương, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội
  3. Lê Đình Bảng (2012), Lời tự tình của bến trần gian, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội
  4. Phạm Ngọc Hiền (2018), Thi pháp học, Nxb.Tổng hợp, Tp.HCM
  5. Tòa Tổng Giám Mục (1995), Các giờ Kinh Phụng vụ, Nxb.Thành phố HỒ CHÍ MINH


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý cầu nguyện

thang 9

Chúc mừng & cầu nguyện

- Ngày 17.9. 
Kn. Thánh tẩy: c.M.Sự
- Ngày 18.9 
Kn. Thánh tẩy: c.M.Thảo31
- Ngày 20.9. 
Kn. Thánh tẩy: cc. M.Giá, M.Thơm

- Ngày 24.9. 
Kn. Thánh tẩy: c.M.Nguyên

- Ngày 26.9. 
Kn. Thánh tẩy: c.M.Huyền30

- Ngày 27.9. 
Kn. Thánh tẩy: c.M.Ngự

- Ngày 29.9. 
Kn. Thánh tẩy: c.M.Đăng

Videos

Audio

Hình ảnh

22 8
Lễ Mẹ Trinh Vương ngày 22.8.2023
c trinh
Tang lễ chị Maria Nguyễn Thị Trinh

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm12
  • Hôm nay2,318
  • Tháng hiện tại103,683
  • Tổng lượt truy cập5,851,319

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây