Tác phẩm tiểu thuyết Công Giáo của Cha Phêrô Nghĩa

Thứ bảy - 19/10/2019 21:12  1370

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM TIỂU THUYẾT CÔNG GIÁO
CỦA CHA PHÊRÔ NGHĨA
ĐĂNG TRÊN TUẦN BÁO NAM KỲ ĐỊA PHẬN


 

Văn học miền Nam có khá nhiều tác phẩm viết về đề tài Công giáo có giá trị, khởi đi từ Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản. Khác với những vở kịch Công giáo ban đầu chủ yếu dựa vào tuồng tích bên phương Tây như Tuồng Cha Minh, Tuồng Joseph của Trương Minh Ký; Tuồng thương khó của Nguyễn Bá Tòng, các tiểu thuyết có đề tài Công giáo đăng trên tuần báo Nam Kỳ địa phận thường lấy cốt truyện Trung Quốc nhưng dựa vào bối cảnh Việt Nam. Cha Phêrô Nghĩa với hai tiểu thuyết gây ấn tượng Cha giết conĐôi bước lưu ly cũng nằm trong giòng chảy này.
  1. Tiểu thuyết Cha giết con
 Tiểu thuyết này được đăng trên 34 số báo liên tiếp từ số 1211 xuất bản năm 1932 đến số 1245 xuất bản năm 1933 trên tuần báo Nam kỳ địa phận. Truyện  xoay quanh vấn đề Ơn gọi tu trì của người Kitô hữu trong đạo Công giáo. Tư tưởng của thiên tiểu thuyết là lời cảnh tỉnh lương tâm vừa hướng đến những bậc cha mẹ trong việc đồng hành với con cái khi chúng nhận ra Ơn gọi, vừa hướng đến những người trẻ trong việc kiên trì theo đuổi ơn gọi của mình. Nhân vật chính của tiểu thuyết có tên Bùi Xuân. Bùi Xuân được miêu tả ở đầu thiên truyện là một đứa trẻ dễ thương, thông minh và hết mực ngoan đạo. Cậu là con của ông bà Phó Hội - gia đình có đạo một thời đã có “tai mắt” trong xã hội hương thôn. Cậu trẻ được cha mẹ gởi vào học trong nhà cha sở với dụng ý khỏi vướng mắc tật xấu nơi chúng bạn ở “trường ngoài”. Khi đến tuổi thiếu niên, cậu Xuân có ý muốn phục vụ đạo Chúa, muốn dâng hiến mình cho Chúa trong đời sống tu trì. Cậu thổ lộ điều này với cha sở và xin phép cha mẹ nhưng lại gặp phải một sự phản đối đến thịnh nộ của phụ mẫu. Bởi lẽ, ông bà chỉ có mình cậu nên muốn cậu phải nối dõi tông đường, học hành giỏi giang để “có ngày lại làm vẻ vang gia đình, dòng họ” mà đời ông đã không còn hi vọng phục hồi. Ông bà Phó Hội ban đầu còn khuyên răn, sau thì đánh đập, cấm cậu Xuân không được nhắc đến chuyện đi tu nữa. Thế nhưng, dù bị ngăn cấm thế nào, Bùi Xuân vẫn sục sôi ước muốn đi tu. Cậu đã có những hành động mà ông bà Phó Hội không ngờ có ngày xảy ra nơi đứa con ngoan: cãi lời, bỏ chạy khỏi nhà,…
Khuyên răn chẳng được, dọa nạt không xong, ông bà Phó Hội tìm tòi phương kế lôi kéo Bùi Xuân xao nhãng những việc đạo đức ở nhà thờ, để từ đó hi vọng cậu con từ bỏ ý định tu tát. Nhờ “kế sách” của “ông giáo làng trên” mà ông bà Phó Hội cho là cao kiến, ông bà quyết định cho Bùi Xuân nghỉ học ở nhà học nghề thuốc của gia đình. Sau đó, Bùi Xuân được một thanh niên tên Huỳnh Tống dẫn đi khắp gần xa với lí do là “đi làm thuốc cho thiên hạ để nâng tay nghề”, thực chất là để thực hiện cái phương kế của cha mẹ cậu đã tính toán. Quả thật, ông bà đã đem ra thực hành cái lí thuyết của “ông giáo làng trên” rằng cứ cho cậu Xuân đi tiếp xúc với những cảnh xa hoa, trụy lạc hòng mở mang tầm nhìn mà “điều chỉnh lại ý muốn”. Sau khi trở về tư chuyến du ngoạn, Bùi Xuân tuy tỏ ra ít nhiều thích thú cảnh lạ dọc đường nhưng vẫn “chứng nào tật đó” đòi đi tu. Hai ông bà tiếp tục bàn hỏi ý kiến của Huỳnh Tống và quyết định dọn nhà lên thành phố Huế ở hẳn với ý hướng cho Bùi Xuân có dịp “tiếp xúc với đời” đắc lực hơn. Hai ông bà tâm đắc bàn luận rằng cứ để con “vui chơi cho quên cái ý định cũ đi, rồi vừa khi phát hiện nó ham mê thoái quá thì lại khuyên nó trở về đường ngay nẻo chính”.
Thế nhưng chẳng xong, Bùi Xuân lúc đầu còn lạ lẫm với chốn thành thị, e dè trước cảnh ăn chơi, ngại ngùng trước các cô gái; nhưng chẳng bao lâu, cậu không chỉ quên những thói quen đạo đức nơi nhà thờ, mà còn “hội nhập” rất nhanh với những điều tiêu cực thành thị, trở thành một tay ăn chơi chính hiệu. Cậu sa đà vào chốn tội lỗi mà ông bà Phó Hội không thể lường được. Từ việc ăn cắp tiền để tiêu xài vô bổ đến cả việc tự tử không thành. Phần cuối truyện không thể đau lòng hơn. Bùi Xuân dan díu với Ba Huệ - một cô gái lẳng lơ đã có chồng. Bùi Xuân ăn cắp một khoản tiền lớn của gia đình rồi cao chạy xa bay với Ba Huệ sau khi ngấm ngầm bỏ thuốc cho chồng cô chết. Họ ăn ở với nhau nhưng “nỗi niềm ân ái” chẳng kéo dài bao lâu do Bùi  Xuân vẫn chứng nào tật ấy, cờ bạc rượu chè sáng đêm. Ba Huệ lại dan díu với một người trong giới giang hồ và cuối cùng chính tay cô đã đâm chết Bùi Xuân do yêu cầu không thể khước từ của tình mới. Kết truyện là cảnh tượng ông Phó Hội chứng kiến xác Bùi Xuân nằm giữa vũng máu tang thương. Trước xác chết của Bùi Xuân, ông đã thét lên “Trời ơi, cha giết con, con ôi!”

 
  1. Tiểu thuyết Đôi bước lưu ly
Dài hơn rất nhiều so với Cha giết con,  Đôi bước lưu ly được đăng trên 84 số báo liên tiếp từ số 1024 xuất bản năm 1928 đến số 1108 xuất bản năm 1930 của tuần báo Nam kỳ địa phận. Thiên tiểu thuyết là câu chuyện vô cùng gian nan của đôi vợ chồng trẻ trải qua mười bốn năm lưu lạc do hoàn cảnh bách hại các tín hữu Công giáo thời vua Tự Đức. Để giữ trọn đức tin Công giáo, các nhân vật đã phải trả bằng một giá rất đắt.
Ngô Văn Giáo ban đầu là người “ngoại đạo” sống với mẹ ở Thanh Hóa. Sau khi được anh bạn học Mai Trần Tình cảm hóa, cậu Giáo đã “chịu phép Rửa tội” cùng với mẹ mình và kết hôn với chị của anh bạn học này là cô Mai Thị Khiêm. Kết hôn chưa được bao lâu thì buổi bắt đạo ngày một gia tăng. Ngô Văn Giáo vâng lời mẹ một mình từ Thanh Hóa quá bộ vào nhà ông chú Phác ở Quảng Nam để dò tìm nơi lánh nạn cho gia đình. Thật không may, Quảng Trị cũng là nơi đang xảy ra những cơn bách hại đạo rầm rộ. Hơn nữa, bà con trong họ hàng lại ra mặt phản đối việc theo đạo Thiên Chúa của gia đình cậu. Vì vậy, Ngô Văn Giáo được chú sắp đặt xuống Quảng Nam ở nhà một người quen biết. Chú hứa sẽ tìm cách đưa cả mẹ và vợ cậu Giáo xuống đó để ẩn náu qua buổi gian nan.
Thật không may, chuyến tàu mẹ và vợ cậu Giáo xuống Quảng Nam đã gặp kẻ xấu. Bà mẹ bị giết, còn Mai Thị Khiêm và người chị họ sống sót. Cuộc đời của Mai Thị Khiêm từ đây bước vào những dặm đường tìm chồng hiểm nguy và thử thách đức tin. Cô từng rơi vào tay tên cướp và dâm đãng khét tiếng Hồ Lạc, lần mò đêm hôm trong rừng sâu. Ban đầu còn có hai chị em, sau người chị cũng chết để lại thân cô côi cút dặm trường. Có lúc, cô rớt vào tình cảnh ốm đau xin ăn qua ngày. Mai Thị Khiêm từng trải qua những năm dài trong nhà một người giàu có tốt bụng nhưng lại nài ép cô kết hôn với con trai mình. Cô từng suýt mất mạng dưới ta lũ cướp ở Đèo Ngang, bị đắm tàu khi cùng với em trai rẽ thuyền vào quê chồng. Bởi được phú bẩm nhan sắc hơn người nên cô luôn gặp những khó khăn. Không chỉ con trai của ông Huỳnh Phức muốn lấy cô, cô còn rơi vào “mắt xanh” của một người quyền thế là em một vị ân nhân khác đã cứu mạng cô.
Phần Ngô Văn Giáo chồng cô cũng gian nan chẳng kém. Sau khi nghe tin chẳng lành về vợ và mẹ, cậu ra ngẩn vào ngơ. Cậu chẳng ngại từ Quảng Nam trở lại Quảng Trị hỏi han tin tức, rồi lại từ Quảng Trị quá bộ trở ra Thanh Hóa với chút hi vọng mong manh được gặp lại vợ và mẹ. Cậu từng bị lạc trong rừng và rơi vào động cướp. Rất nhiều lần cậu gặp họa trên đường đi bởi cách cư xử tốt bụng, tử tế của mình. Và cũng bởi tử tế mà Ngô Văn Giáo được nhiều người yêu quí muốn giữ chân cậu ở lại với họ, những cô gái cũng mong muốn gắn bó cùng cậu trọn đời.
Cả Ngô Văn Giáo và Mai Thị Khiêm đều trải qua những khổ ải. Họ đã quá đau khổ vì nhung nhớ và lo lắng cho nhau. Dầu vậy, họ chưa một lần sa ngã bởi những “mối tình khác” đầy hứa hẹn. Một đàng họ nghĩ đến chữ thủy chung vợ chồng. Đàng khác và cũng là cốt yếu, họ nghĩ đến đạo chúa với những giới luật của Chúa, nghĩ đến chính Chúa. Họ luôn cầu nguyện và lấy Chúa Giêsu làm nguồn động lực sâu thẳm và mạnh mẽ cho họ vượt qua tất cả. Kết truyện, khi Ngô Văn Giáo trở thành thầy Thông lại – một chức quan đáng kể dưới thời các vua triều Nguyễn, trong một lần đi khám án đã nhận ra vợ mình trong hình hài một nạn nhân thừa sống thiếu chết do bị người ta nhấn nước. Họ từ đây sống hạnh phúc, đạo hạnh và thường xuyên thuật lại với nhau về quãng đời lưu li của mỗi người.
Cha giết conĐôi bước lưu ly là hai tiểu thuyết mang màu sắc đạo Công giáo hơn cả trong tất cả các tiểu thuyết của Phêrô Nghĩa đăng trên Nam Kỳ địa phận. Nội dung tư tưởng của cả hai tiểu thuyết còn khá đơn giản. Có lẽ, đó cũng là đặc điểm chung của các tiểu thuyết trong buổi đầu hình thành thể loại. Tuy nhiên, điểm đặc sắc là ở chỗ Phêrô Nghĩa đã khéo léo sử dụng tinh thần và các phạm trù đạo đức Nho học như trung hiếu, tiết nghĩa để phục vụ cho việc truyền bá tôn giáo của mình. Trong cả hai tiểu thuyết, những phạm trù thuộc về đức tin Công giáo được tỏ lộ. Người có đức tin Công giáo khi đọc hai tiểu thuyết này sẽ dễ dàng nắm bắt thông điệp tác giả gởi gắm thuộc về đời sống đạo của mình. Người không có đức tin này cũng bàng bạc cảm nhận hơi thở tôn giáo qua nội dung lẫn hình thức tác phẩm. Đôi bước lưu ly là một câu chuyện hồi tưởng về quá khứ bi hùng của người Kitô hữu nên chắc chắn truyện có giá trị khích lệ, an ủi người tín hữu giữ vững đức tin trong những cơn thử thách. Cha giết con đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh về vấn đề lắng nghe tiếng Chúa và kiên trì bước theo ơn gọi của bản thân cũng như việc đồng hành với ơn gọi của con cái của các bậc cha mẹ Công giáo. Ở Đôi bước lưu ly, người đọc dễ dàng nhận ra sự ảnh hưởng của thi pháp chương hồi Trung Quốc với cốt truyện tài tử giai nhân và lối kết cấu theo ba công đoạn quen thuộc: hội ngộ - lưu lạc - đoàn viên. Tuy nhiên, Cha giết con đã có những cách tân táo bạo. Cha Phêrô Nghĩa đã mạnh dạn đẩy kịch tính lên đến đỉnh điểm khi cho nhân vật chính Bùi Xuân bị giết bởi tay Ba Huệ, một người đàn bà lẳng lơ mà Bùi Xuân đã dan díu. Sự cách tân trong tiểu thuyết này là một trong những trường hợp hiếm hoi trong tiểu thuyết của Nam  Kỳ địa phận.

3.Những chủ đề tư tưởng của Cha giết conĐôi bước lưu ly
3.1 Thái độ ứng xử trước đức tin của người Kitô hữu
Đứng trước chân lí đức tin đạo Công giáo, mỗi nhân vật Kitô hữu trong tác phẩm có thái độ khác nhau, có nhân vật sống đức tin một cách tròn đầy nhưng có người lại sống đức tin ấy cách nửa vời, nhu nhược.
Các nhân vật Ngô Văn Giáo và Mai Thị Khiêm đã sống đức tin một cách tròn đầy. Họ luôn thi hành luật Chúa về hôn nhân. Bởi sở hữu một phong thái lịch thiệp và tính tình đáng mến nên trong những cuộc hành trình lưu lạc, đã có những “bóng hồng” thấp thoáng quanh cậu Ngô Văn Giáo. Mai Thị Khiêm cũng thuộc vào hạng “gái thuyền quyên” với nhan sắc và tài khéo. Vì vậy, cả hai trở thành đối tượng thu hút người khác phái cách rất tự nhiên. Nhưng bởi chữ thủy chung ôm ấp trong lòng mà hai người nhiều phen “đào vi thượng sách”. Trong những nỗi trăn trở, không nghe cậu Giáo tính toán thiệt hơn nhưng chỉ thấy cậu đặt tình yêu với vợ làm trung tâm dòng suy tưởng, “một khối tình chung há dễ toan xẻ bớt cho ai mà đành dạ! vả chăng luật đạo thánh nhứt phu nhứt phụ, ai toan bảo mình lạm phép thất trinh?”[P7, tr.16]. Chính bởi nghĩ tới “chồng con ngày trước” mà cô Khiêm từ chối thẳng thừng trong tất cả những lần được mời gọi. Từ chối những cuộc hôn nhân đầy hứa hẹn đồng nghĩa với việc hai người từ chối nơi nương tựa, tiếp tục dấn thân phiêu lưu tìm nhau. Tình yêu ấy không thuần ở mức độ tình cảm nam nữ như bao tình đời khác, mà tình yêu đã được gắn kết bởi mối dây phép hôn phối thành tình nghĩa vợ chồng, tình yêu được thánh hóa. Như thế, có thể thấy chính đức tin đã gợi mở, soi sáng ý thức thuộc về nhau và thôi thúc những quyết định mạo hiểm giữ trọn giao ước vĩnh viễn một vợ một chồng của Ngô Văn Giáo và Mai Thị Khiêm.
Biết bao gian nan đeo đuổi hai vợ chồng trẻ trên bước đường lưu lạc như người đồng hành cố hữu. Thế nhưng, tác giả đã không để họ trở thành nạn nhân đương nhiên của số phận. Một sự vùng dậy ngỡ ngàng chắc chắn được nhìn nhận nơi Ngô Văn Giáo và Mai Thị Khiêm và một số nhân vật khác nữa. Họ đã đón nhận đau khổ với lòng can đảm và phó thác vào Thiên Chúa. họ sẵn sàng nói lên tiếng nói của cộng đồng mình. Họ sẵn sàng chiến đấu không phải bằng vũ khí nhưng trong tinh thần hiếu hòa để đòi lại công bằng cho đạo Chúa. Đó là một sự can đảm không phải do sở hữu sức mạnh cơ bắp nhưng dựa trên lẽ phải và lối sống ngay lành ngay giữa những ức hiếp, đè nén.
Ngô Văn Giáo và Mai Thị Khiêm còn là đại diện của một lối sống triển nở đức tin thành đức ái. Đức tin hoạt động qua đức ái. Đó là “trang giáo lí” đẹp nhất của đạo Công giáo. Nó thể hiện trong thái độ khao khát Thiên Chúa từ việc ước ao tham dự nghi thức tôn giáo đến hành vi hướng về tha nhân trong giúp đáp, bảo bọc nhau trong gian truân cuộc sống.
 Ông bà Phó Hội trong Cha giết con đại diện cho lối sống đức tin cách nửa vời. Họ tin Chúa nhưng không dám tin vào sự quan phòng của Chúa. Hai ông bà thực hành đạo nhưng chẳng sống giáo lí của đạo. Vấn đề của ông bà Phó Hội là thiếu sót trong nhìn nhận về vai trò của mọi thành viên trong gia đình Công giáo, trong đó con cái cũng như cha mẹ đều có trách nhiệm đối với nhau dựa trên điều răn của Chúa. Hai ông bà tỏ rõ sự thiếu sót trong vai trò và bổn phận của cha mẹ đối với con cái khi cho rằng “quyền bính trong tay mình”, bắt con cái làm gì là chúng phải làm “không được sai chệch”. Rõ ràng, ông bà đã trở nên xa lạ đến phản kháng với tinh thần của Giáo hội, vì lẽ ra, cha mẹ phải đón nhận và tôn trọng, với tâm tình vui mừng và tạ ơn, ơn gọi mà Chúa dành cho con cái mình để đi theo Người trong sự trinh khiết vì Nước Trời, trong đời sống thánh hiến hay trong thừa tác vụ tư tế.
 Nhân vật Bùi Xuân đại diện cho những Kitô hữu sống đức tin cách nhu nhược. Lương tâm Cậu có dấu hiệu suy yếu rõ rệt trong ngày được Tống Giả rủ đi "trường hát". Để quyết định đi hay không, lương tâm Bùi Xuân diễn ra cuộc chiến ác liệt giữa bóng tối và ánh sáng. Trong cuộc giao tranh giữa lương tâm và con người tự nhiên, bên nào cũng tỏ ra mạnh mẽ với những lí lẽ của nó, nhưng cuối cùng tự do đã thỏa hiệp với con người tự nhiên. Quả vậy, buổi đi chơi đầu tiên được tác giả miêu tả vừa như một khởi điểm, vừa là biến cố đại diện cho quá trình mù quáng của Bùi Xuân trước tiếng gọi tha thiết của lương tâm.
    1. Những rào cản và cám dỗ ngăn bước người Kitô hữu
      1. Sự ngăn cấm của triều đình phong kiến
Bối cảnh trong tiểu thuyết Đôi bước lưu ly là bối cảnh bách hại đạo Công giáo tại Việt Nam dưới thời vua Tự Đức. Biến cố đau thương Phân sáp năm 1861 phản ánh trong Đôi bước lưu ly là biến cố đàn áp đạo có thật trong lịch sử đúng vào năm ấy. Đó là những ngày vô cùng đen tối trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam. Sóng gió tạm yên thì vừa lúc Ngô Văn Giáo trở về làng. Cậu suýt không nhận ra làng mình bởi viễn cảnh điêu tàn. Chưa cách mấy năm mà nó đã xoay nên một “cuộc tang thương gớm lạ”, chẳng sót cái nhà nào ở trong làng mà chẳng bị “hủy diệt tan tành”; “chỗ thì ngọn lửa đã bao phủ tự hồi nào không biết mà còn để lại chút đấu tro tàn dưới gộc cây, nơi thì bị chúng cướt đoạt cả giang sơn, còn lại cái nền đất lưa thưa ba bụi cỏ nằm kêu với mặt trời xin soi đều oan khổ” [P5, tr.727]. Sự thiệt hại về con người mới là điều đáng nói hơn. Quả vậy, “giáo hữu thì phiêu lưu đào tán đâu hầu hết, kẻ thì chết sấp chết ngửa dọc cả dọc đường, người thì đào thoát biệt thân trên mường trên mọi” [P5, tr.727]. Chỉ còn lại một phần thiểu số trở về. 
Lí do người Kitô hữu phải hứng chịu cuộc phân sáp này được tác giả tiểu thuyết đặt để thẳng thắn ngay trên môi miệng mấy ông Lý trong vụ xét xử thằng nhỏ bị chủ đánh đập: “Tây phá hại nước nhà bao nhiêu, thì chúng chú những người theo đạo Thiên Chúa phải nhận hết trách nhiệm về nguy cơ nước mất nhà tan do giậc ngoại xâm” [P4, tr.464]. Thật vậy, các quan triều Nguyễn lí luận rằng bởi quân Pháp ở Cửa Hàn và Gia Định, chúng yêu sách chính phủ ta cho người Công giáo được tự do hành đạo nên người Công giáo là đồng minh của địch. 
Chưa dừng lại ở sắc dụ phân tháp năm 1861, Đôi bước lưu ly còn phản ánh cuộc bách hại đạo liền sau đó cũng không kém phần khốc hại. Đó là cuộc đàn áp của phái Văn Thân năm 1868. Không chỉ ở Thanh Hóa nhưng đi đến đâu Ngô Văn Giáo cũng nghe kể, cũng chứng kiến những cảnh bắt đạo, đốt làng, bắt bớ. Làng Kẻ Trình cũng đã bị đốt phá, “khói lên nghi ngút, lửa dậy tưng bừng, tiếng nổ lốp đốp nghe dội trời chuyển đất” [P6, tr.687]. 
3.2.2 Sự cản trở của gia tộc
Niềm tin Công giáo nơi các nhân vật trong tiểu thuyết của tác giả Phêrô Nghĩa không chỉ gặp cản trở nơi chính quyền nhưng còn bởi chính những người trong gia đình, dòng họ. Trong Đôi bước lưu ly, từ khi bà Huyện và cậu Giáo “đi đạo”, họ hàng đã đem lòng ghét bỏ, ai nấy đều “căm gan tức giận”. Họ cho rằng “đi đạo là đều thất hiếu với ông bà đã rồi, mà lại lỗi cùng phép nước lệnh vua; cha thì làm quan giúp nước, mà con há nỡ trở lại phản quấc làm sao” [P3, 32].
Trong việc bước theo ơn Chúa kêu gọi, lần nào Bùi Xuân bày tỏ nỗi lòng xin đi tu theo ý sở nguyện cũng bị cha mẹ phản đối dữ dội. Bao quát những lí luận ông bà Phó Hội đưa ra trong các cuộc đối thoại đều xoay quanh chữ hiếu. Họ đồng quan điểm rằng trong hoàn cảnh gia đình mình, Bùi Xuân đi tu là bất hiếu bởi sẽ không phụng dưỡng cha mẹ khi về già, nhất là gia đình và dòng họ sẽ thành ra “vô kế hậu”. Người Việt khi nói đến chữ hiếu thì nghĩ ngay đến việc cung kính, đỡ đần cha mẹ, chăm sóc phụng dưỡng, sớm thăm tối viếng, quạt nồng ấp lạnh. Vì vậy, “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là đi tu” trở thành câu cửa miệng khi nói về vấn đề liên quan giữa đi tu và ở nhà phụng dưỡng cha mẹ. Đó cũng là câu nói đi vào trong Cha giết con, ở trên môi miệng ông Phó Hội như một chân lí muôn thuở ông bắt Bùi Xuân phải thấm nhuần. 
Top of Form
Lời Lời quả quyết Bùi Xuân đi tu là bất hiếu cho thấy ông bà Phó Hội bị ảnh hưởng nặng nề của truyền thống Nho giáo, lại thiếu hẳn kiến thức giáo lí về ơn gọi tu trì. Chính từ những sai lầm trong tư tưởng, quan điểm về vai trò và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình Công giáo nên bao nhiêu lần mở miệng ra khuyên giải là bấy nhiêu lần ông bà bộc lộ rõ sự thiếu sót, sai lầm của bậc làm cha mẹ. Những suy nghĩ thế tục đã ăn sâu vào tâm trí hai ông bà. Tiêu chí xã hội đã trở nên hệ qui chiếu thứ nhất trong việc giáo dục con cái thay vì cần phải lấy giáo lí Công giáo làm nền tảng. 
Từ sự sai lầm trong tư tưởng dẫn đến sai lầm trong hành động mà cả hai ông bà vẫn tưởng là “diệu kế”. Thực hiện “dự án” lớn vì mục tiêu dứt con ra khỏi nhà thờ này, hai ông bà mạnh tay khuyến khích cậu con tiếp xúc với đời cách thoải mái bất luận tốt xấu. Những cảnh tượng ăn chơi phù phiếm, hào hoa trăng nguyệt, Bùi Xuân được tự do đi về không cần phép tắc, giới hạn. Không còn một hàng rào ngăn cản nào được đặt ra cho Bùi Xuân giữa môi trường đạo đức và môi trường tội lỗi. Những bước quyết định của hai ông bà Phó Hội đã dẫn đưa cậu con trai từ một trẻ thơ “giống hình ảnh Thiên Chúa” trở thành một tội nhân. 
3.2.3 Sự cám dỗ của đam mê, dục vọng
Bùi Xuân trượt dài trong đam mê kể từ lần đi xem hát đầu tiên. Qua ngòi bút của cha Phêrô Nghĩa, người đọc cảm nhận được bước đi của Bùi Xuân trong bóng tối đam mê hết sức nguy hiểm. Bùi Xuân đã phạm cả những thứ tội nặng nhất trong các điều răn của Chúa: cờ bạc, dâm đãng, tự tử, giết người, ước muốn và chiếm đoạt vợ người ta,…Chạy theo đam mê, Bùi Xuân sớm trở thành nô lệ tội lỗi. 
Cám dỗ thứ nhất đến với Bùi Xuân là những thú vui vô bổ. Những “rạp xinêma” dẫn đưa cậu vào bước đắm sa “phường hoa nguyệt” và cờ bạc. Trong đêm cuối cùng ở cõi trần gian, cậu cũng đang lêu lổng ở sòng bạc cho tới khi “trời đã quá hai phần đêm” mới ra về, lúc mà Ba Huệ “quyết định đi tìm cậu”. Bùi Xuân sống trong môi trường sôi động, phản ảnh môi trường thành thị mới thời điểm Phêrô Nghĩa viết tiểu thuyết, nơi mà những thú vui vô bổ trở thành một phần không thể thiếu của con người thành thị.
Cám dỗ thứ hai đến với Bùi Xuân là tình ái. Đó như cơn cám dỗ “chết người” khiến cậu chao đảo từ vẻ đẹp hình thể của cô gái Ba Huệ đến giọng nói, dáng điệu, đặc biệt là cái liếc mắt của cô. Mọi tư tưởng đạo đức, phán xét, bận tâm về tương lai trở nên nhạt nhòa nơi Bùi Xuân khiến cậu âm mưu giết anh thợ mộc để cướp “người đẹp”.
Danh vọng lại là cơn cám dỗ dai dẳng đối với ông bà Phó Hội. Ngay từ đầu tác phẩm, hai ông bà được giới thiệu là những người “ưu thời mẫn thế” với những ưu điểm đáng trân trọng: một bậc hữu chí, “thường đem cả bầu nhiệt huyết đối với tình cảnh”. Điều đó có thể khẳng định ông bà là người tốt, nhiệt thành với những việc thiện. Vấn đề chỉ trở nên phức tạp khi người đọc chú ý đến tâm tư của ông bà về cái địa vị của ông đã mất. Tuy không còn đứng trong hàng ngũ những người “tai mắt” trong làng nhưng hai ông bà chẳng lúc nào lãng quên cái địa vị ấy với một niềm khao khát chiếm hữu trở lại; tuy nhiên là ở vào một phương thế khác, vào thời điểm khác. Đứa con trai chào đời, đó là một tia sáng thắp lên niềm hi vọng nhỏ nhoi nhưng mãnh liệt ở ông bà. Vì hi vọng đó mà ông bà quyết vun trồng “chút con cho nên khôn ngoan tài đức, chí khí anh hùng” hầu sau này “khi may gặp cuộc bể dâu xui nên thời thế xoay vần mà được bổ cứu cái hạnh phúc, biểu dương tiếng họ Bùi lại trong phường xã” [P1, tr.479].
Tìm kiếm phương thế để có địa vị trong xã hội dưới lắng kính Công giáo ắt không phải là điều xấu. Nó chỉ lệch lạc khi lấy đó làm mục đích duy nhất, làm tiêu chuẩn đầu tiên để xử trí cho những vấn đề khác trong cuộc sống người Kitô hữu. Ở Cha giết con, nó trở nên động lực cho quá trình giáo dục con cái của hai ông bà Phó Hội. Điều đó hể hiện sự lệch lạc của những người lo xa thái quá. Nó mách bảo về tâm hồn người Kitô hữu chưa đủ đức tin mạnh mẽ để sống giây phút hiện tại tròn đầy. Bởi tâm hồn  hi vọng nơi danh vọng trần thế, đặt cái “hạnh phúc” là cái thuộc về trần thế làm mục đích nên ông bà Phó Hội bị đam mê ấy lừa dối. 
Có thể nói rằng, khi đọc Đôi bước lưu lyCha giết con, độc giả có thể bắt gặp những chân lí đức tin của đạo Công giáo. Trước đức tin ấy, thái độ các nhân vật rất khác nhau. Có những người sống đức tin một cách tròn đầy nhưng cũng có những người sống cách nửa vời, nhu nhược. Đồng thời, tác phẩm cho thấy hành trình sống đức tin Công giáo không phải khi nào cũng sáng sủa. Người Kitô hữu gặp nhiều cản trở, cám dỗ ngăn bước họ sống tròn đầy đức tin của mình. Có những người nhờ gắn bó với Chúa nên đủ sức mạnh để chiến thắng nhưng cũng có những người ngày càng xa rời chân lí đức tin, thậm chí sa lầy trong tội ác.


Kết luận
Mảng văn học trên Nam Kỳ địa phận đã kết trái đặc biệt ở thể loại tiểu thuyết Công giáo. Phêrô Nghĩa là gương mặt đại diện cho các tiểu thuyết gia có thể nói là xứng đáng nhất.  Nơi Cha giết conĐôi bước lưu ly, những chân lí đức tin Công giáo nền tảng được bộc lộ ngang qua cuộc hành trình sống đức tin của người Kitô hữu giữa những cơn thử thách của thời cuộc. Tiểu thuyết gia Phêrô Nghĩa đã biết sử dụng những vấn đề đạo lí cương thường của người Việt Nam làm mảnh đất ươm hạt giống đức tin Công giáo nảy mầm cách âm thầm mà vững chãi. Việc ghi dấu ấn Công giáo nơi những tác phẩm văn học như vậy được nhiều nhà nghiên cứu văn học cho là hết sức khôn ngoan của những nhà văn Công giáo.
Gió Biển, CMR

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1].Antôn Vũ Huy Chương (2016), Từ vựng Công giáo, Nxb Tôn giáo, Tp.HCM.
[2]. Phan Phát Huồn (1966), Việt Nam Giáo sử, Nxb Sài Gòn, Tp.HCM.
[3]. Đỗ Quang Hưng (2000), Lịch sử báo chí Việt Nam 1865 – 1945, Nxb.Đại học Quốc gia, Hà Nội.
[4]. Hội đồng Giám mục Việt Nam (2011), Từ điển Công giáo 500 mục từ, Nxb.Tôn Giáo, Tp.HCM.
[5]. Bằng Giang (1992), Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865-1930, Nxb Trẻ, Tp.HCM.
[6]. Khoa ngữ văn (1993), Về sách báo của tác giả Công giáo, Trường Đại học Thành phố Hồ Chí Minh.
[7]. Võ Văn Nhơn (2008), Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tp.HCM.
[8].Bùi Đức Tịnh (1992), Những bước đầu của Báo Chí, tiểu thuyết và thơ mới, Nxb Tp.HCM.
[9]. Huỳnh Văn Tòng (2000), Báo Chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Nxb Tp.HCM.
[10]. Ủy ban Giáo lý Đức tin (2010), Sách giáo lý của Hội thánh Công giáo, Nxb Tôn giáo, Tp.HCM.

PHỤ LỤC
Tiểu thuyết Cha giết con đăng trên tuần báo Nam Kỳ địa phận:
P1: Cha giết con, Nam Kỳ địa phận, số 1212, trang 478 – 480

Tiểu thuyết Đôi bước lưu ly đăng trên tuần báo Nam Kỳ địa phận:
P2: Đôi bước lưu ly, Nam Kỳ địa phận, số 1025, trang 782 – 784
P3: Đôi bước lưu ly, Nam Kỳ địa phận, số 1029, trang 30 – 32
P4: Đôi bước lưu ly, Nam Kỳ địa phận, số 1056, trang 462 – 464
P5: Đôi bước lưu ly, Nam Kỳ địa phận, số 1060, trang 527 – 528
P6: Đôi bước lưu ly, Nam Kỳ địa phận, số 1069, trang 686 – 688
P7: Đôi bước lưu ly, Nam Kỳ địa phận, số 1073, trang 750 – 752


 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

dtc voi gioi tre viet nam 800x445

Chúc mừng & cầu nguyện

- Ngày 1.4
Kn. Thánh tẩy cc.M.Vãng, M.Ấn, M.HằngLc
- Ngày 2.4 CN LỄ LÁ
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CHÚA

Kn. Thánh tẩy cc.M.Hiện, M.Năng, Vũ Nhung28
- Ngày 3.4 Thứ Hai tuần Thánh
Kn. Thánh tẩy c.M.Lan24, M.PhượngLc
- Ngày 4.4 Thứ Ba tuần Thánh
Kn. Thánh tẩy c.M.Điền, M.Ơn
- Ngày 5.4 Thứ Tư tuần Thánh
Kn. Thánh tẩy c.M.Vương

Videos

Audio

Hình ảnh

img 0186
Cầu nguyện cho chị Maria Nhàn (Chiên)
img 0417
Giỗ Tổ Trinh Vương Ngày 3.2.2023

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập28
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại83,550
  • Tổng lượt truy cập5,300,209

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây