Vị Bề trên tốt

Thứ bảy - 22/12/2018 04:08  2600
VỊ BỀ TRÊN TỐT
(Kỳ I)
Nguyên tác: Le Bon Supérieur
Của Cha Columban,  Ofm
Chuyển ngữ: Đaminh Trần Thái Đỉnh

MỘT LỜI NHẬP ĐỀ
vi bt tot


Nhân dịp phải diễn thuyết một đề tài đặc biệt cho các bà Bề Trên của một Hội Dòng tại một cuộc tĩnh tâm, tôi đã sử dụng một số ghi chú lượm lặt được trong sách vở của Thánh Bonaventura, của Đức Cha Plantier và một số tác giả khác. Người ta đã xin tôi cho phép in bài diễn thuyết đó để giúp ích cho các bà Bề Trên của Hội Dòng. Một vài bạn thân của tôi đã đọc bản thảo, đã thúc giục tôi hãy thêm vào một ít điều và hãy đem xuất bản, vì cuốn sách nhỏ sẽ giúp ích cho nhiều vị Bề Trên khác, cho các cha Bề Trên cũng như các bà Bề Trên trong thời gian tĩnh tâm hàng tháng, và nhất là hàng năm, các vị đó sẵn sàng đọc lại mấy  lời khuyên ngắn gọn này, hơn là tìm lại những thảo luận về vấn đề này. Tôi đã theo lời khuyên của mấy người bạn đó và tôi mong rằng, với ân sủng của Thiên Chúa, mấy trang sách này sẽ mang lại hiệu quả tốt. Để khỏi làm mệt trí bạn đọc, tôi sẽ không liên tục nêu lên xuất xứ của những lời trích dẫn, chỉ cần bạn đọc biết rằng gần như không có gì là của tôi trong tác phẩm bé nhỏ này.
Roma, ngày 6 tháng 01 năm 1920
Cha Colomban, Ofm


Kính thưa quý vị Bề Trên của các cộng đoàn tu sĩ.

Nghệ thuật quản trị là nghệ thuật trên hết các nghệ thuật, và rất ít người có được nghệ thuật này. Người ta có thể gặp được nhiều tu sĩ tốt, nhưng ít khi gặp được một Bề Trên tốt. Tuy nhiên phải nói rằng tai vạ khủng khiếp cho một cộng đoàn không  phải do thiếu những tu sĩ tốt,  cho bằng do không có những vị Bề Trên xứng đáng và có khả năng.

Thật là sai lầm nếu nghĩ rằng chức vị Bề Trên là một phần thưởng dành cho người có tuổi, có công trạng, đã hoàn thành những công trình lớn, đã chu tất một sứ mạng cách rực rỡ. Không phải thế đâu. Chức vụ Bề Trên là ơn gọi đặc biệt mà đôi khi người ta có thể nhận ra nơi một tu sĩ ngay khi bắt đầu cuộc sống tu trì: tuổi đời, kinh nghiệm, các công việc có thể sẽ biểu lộ làm tỏ ơn gọi đó, chắc chắn có thể giúp kiện toàn nhưng không thể thay thế cho ơn gọi này.

Bởi vì, ngoài những nhân đức cần thiết để làm nên những tu sĩ tốt, các vị Bề Trên còn cần phải có những nhân đức khác nữa mà tôi sẽ quy về sáu nhân  đức sau đây:
  1. CÔNG BẰNG KHÔNG THIÊN VỊ
Công bằng  là trả cho mỗi người những gì ta mắc nợ người đó, nghĩa là chu toàn các bổn phận của mình theo thứ tự mà Chúa muốn. Vậy thứ tự mà mỗi vị Bề Trên phải theo là: trước hết lo cho các linh hồn, thứ đến là lo cho sức khỏe anh chị em và tiếp theo là lo cho các công việc của Hội Dòng, không được biếng trễ đối với một việc nào trong ba công việc này.

Có những vị Bề Trên chỉ thấy trách nhiệm của mình là lo toan các sự việc trần thế: đó là những con người kinh doanh. Có những vị sống nội tâm hơn, chỉ nghĩ đến những việc thiêng liêng, ít quan tâm đến sức khỏe của anh  em và công việc của tu viện: người ta gọi họ một cách không đúng là những nhà thần bí. Một số khác biết lo cho các anh em tu sĩ của mình, cả phần linh  hồn lẫn về sức khỏe, nhưng lại ít để tâm phát triển và giữ cho các cơ sở của Hội Dòng được thịnh vượng.

Không một vị nào trong những vị trên đây là một Bề Trên hoàn hảo, ấy là chưa nói đến những người chỉ coi chức Bề Trên là cách sống an nhàn, không  phải lo toan gì hết, và chỉ đứng nhìn cho nước chảy qua cầu, như người đời nói. Tất cả những vị đó không có chút gì là Bề Trên; họ đã bất trung với tất cả bổn phận của mình. Họ là nguyên nhân sự sụp đổ của Hội Dòng họ.

Vậy một vị Bề Trên đích thực phải tuân giữ các luật của đức công bằng, trước hết phải lo cho những linh hồn được Chúa trao phó cho mình. Mà những người này vào Dòng để làm gì? Để cứu lấy linh hồn mình. Vậy lo toan số một và trọng đại của họ trong cuộc đời tu trì là gì? Là ơn cứu độ của linh hồn mình. Ngài là người Chúa đặt lên để hướng dẫn họ, nâng đỡ họ, giúp đỡ họ, ngài phải lo toan điều gì hơn hết? Lo cứu linh hồn họ. Những lời cầu nguyện, những nước mắt, những mệt nhọc, những gương sáng, những lời khuyên bảo v.v… ngài phải sử dụng hết tất cả những phương tiện này để thực hiện công trình lớn lao này: ngài là phụ tá của Thiên Chúa trong việc này. Những việc đạo đức mà anh em trong Dòng cần đến, những trợ lực mà luật Dòng dành cho họ, thời gian mà họ cần phải  có để lo việc linh hồn, ngài phải cung cấp tất cả cho họ, đúng như luật Dòng và Hiến pháp của Dòng ban cho họ. Nếu vì thế mà trong một vài trường hợp  phải hy sinh lợi ích vật chất của cộng đoàn, thì không có gì phải do dự: rõ ràng thà để cho ngôi nhà của Hội Dòng đổ sập xuống, còn hơn là thấy chỉ một anh em của ngài bị hư mất đời đời.

Thứ đến, Bề Trên có bổn phận lo cho sức khỏe của anh em mình. Phần sức khỏe của anh em là tài sản của cộng đoàn và là một phần kho báu của nhà Dòng. Trong nội bộ, tình trạng sức khỏe của anh em, gắn liền với sự tuân giữ hoặc sự lơ là  đối với luật Dòng. Sự an hòa của tu viện cũng lệ thuộc vào đó.

Đối ngoại, thân xác của anh em trong Dòng đã được thánh hiến bởi phép Thanh Tẩy và bởi việc khấn dòng, là dụng cụ Chúa dùng để ban phát ân sủng. Để giáo huấn các thiếu nhi và các thiếu niên, để giảng dạy cho dân chúng và để thực hiện những tuần đại phúc, các tu sĩ cần có tiếng nói và những buồng phổi tốt; để giám sát đám thiếu niên mà họ phụ trách giáo dục, cũng như để ngày đêm lo đèn sách, các tu sĩ cần phải có cặp mắt tốt để băng bó các bệnh nhân  các tu sĩ phải có bàn tay vững chắc; để thăm viếng các bệnh nhân ở những khu nhà xa xôi; các tu sĩ cần có những bộ giò thật khỏe; để chu tất các công việc trong nhà, hầu phục vụ anh chị em của cộng đoàn, các tu sĩ cần phải có những bàn tay lực lưỡng để lo toan những công việc cứu vớt các linh hồn. Ngồi nhiều giờ ở tòa giải tội, soạn thảo những tác phẩm hoặc những bài báo, các tu sĩ cần phải có đầu óc thảnh thơi và những thần kinh chắc nịch. Tóm lại, để chu toàn nhiệm vụ mà Thiên Chúa  chỉ định cho mình qua đức vâng lời, mỗi tu sĩ cần phải có sức lực. Các Bề Trên có nhiệm vụ bồi bổ các sức lực đó và đừng để chúng bị suy kiệt.

Đây không phải là chuyện chiều dưỡng xác thịt: cốt cách của đời sống tu trì vẫn luôn luôn là khổ hạnh, nhưng đây là vấn đề công bằng, phải lo cho thân xác những gì là nhu cầu.

Trong những anh em của ngài, có những người tính khí yếu ớt, mà than ôi! Ngày nay có rất nhiều người thuộc loại này: vậy ngài phải bồi dưỡng cho họ. Những anh em tráng kiện, ngài phải duy trì họ, có những anh em kiệt sức vì làm một công việc quá sức họ. Thật là xỉ nhục và bất công, nếu để tiết kiệm mấy đồng bạc, người ta từ chối một anh em những sự chăm sóc hoặc những sự trợ giúp cần thiết, cũng như để kiếm thêm mấy đồng bạc, người ta để anh em đó chết gục trong công việc, y như một tu sĩ và một tên nô lệ cũng như nhau. Trong vấn đề này, một vị Bề Trên tốt phải có mắt, cũng như phải có tấm lòng, nếu không, ta sẽ thấy trong cộng đoàn có những anh em thiếu những sự chăm sóc cần thiết, trong khi đó lại có những kẻ sống như những người có tiền gởi ngân hàng. Cũng trong vấn đề này, ngài phải hết sức khôn ngoan khi nhân danh tu viện nhận lãnh những gia sản có kèm theo những nghĩa vụ tài chánh, và những của dâng cúng như vậy: nhiều khi đó chỉ là cách người ta nhờ chúng ta trả những món nợ, hoặc thỏa mãn những cam kết nhẹ dạ của người ta bằng sự làm việc cực khổ của các tu sĩ, làm hao mòn sinh lực anh em.

Sau cùng, Bề Trên có bổn phận lo cho các công việc của cộng đoàn: đó là những lớp học, những viện tế bần, những bệnh viện v.v… đó là việc rao giảng Lời Chúa, điều hành các giáo xứ, các hội Dòng Ba, hoặc các hiệp hội đạo đức. Tóm lại, đó là tất cả các thứ công cuộc bác ái hoặc tông đồ có mục đích cuối  cùng là ơn cứu độ của các linh  hồn, vinh quang của Thiên Chúa và của Hội Thánh.

Vị Bề Trên  sẽ mắc tội nhu nhược và bất trung nặng nề, nếu để cho những công cuộc này tàn tạ, hoặc nếu không quảng đại góp phần phát triển những công cuộc đó, để chúng mang lại nhiều ơn ích hơn cho các linh hồn.

KHÔNG THIÊN VỊ:

Tất nhiên đức công bằng đối với mọi sự và cho mọi người sẽ loại trừ sự thiên vị.
Trước  hết là thiên vị đối với các công việc. Người ta không thích một công việc nào đó, người ta không bao giờ ưa nó khi còn là một vị tu sĩ đơn thuần; người ta đã chống đối nó, khi trở thành vị cố vấn của Hội Dòng;  nay là Bề Trên, người ta không có thời giờ, không có người để lo công việc đó; không những người ta không khuyến khích nó, mà còn thầm vui thích khi thấy nó dần dần suy tàn. Trái lại người ta hết lời ca tụng một công cuộc khác, sẽ luôn  luôn có thời gian và nhân sự dành cho nó, một mình một công việc đó chiếm hết tâm tư của ngài và  dần dần nó loại bỏ tất cả mọi công việc khác.

Ai mà không thấy những hậu quả của một cách hành xử như vậy, sự rối  loạn mà nó sẽ mang lại cho việc điều hành cộng đoàn, những hậu quả tai hại của hành động và của danh tiếng ngài? Ngài có sở thích đối với công việc này hơn công việc kia, tôi chấp nhận nhưng ngài nên nhớ rằng tất cả các công việc đó đều là bổn phận của cộng đoàn, vì cộng đoàn đã lãnh nhận trách nhiệm. Ngài không làm Bề Trên để làm theo sở thích của mình, làm theo  ý mình, nhưng là để chu toàn bổn phận của ngài, và ở đây bổn phận của ngài quá rõ ràng: đó là thứ tự và sự công bằng phải chỉ huy cách chu toàn mọi công việc của cộng đoàn.

RỒI THIÊN VỊ VỚI CÁC TU SĨ:

Đây là một sự cám dỗ rất tế nhị, khiến cả những vị Bề Trên chú  ý vấn đề này nhất cũng nhiều khi sa vào cạm bẫy.
Sau đây là lời Đức Cha Plantier nói với các bà Bề trên của những cộng đoàn nữ tu. Tôi xin trích dẫn gần như nguyên văn: “Đây là những chị nữ tu trẻ, rất có duyên và dễ thương, với những cử chỉ dịu dàng, đầy âu yếm; một cách ngây thơ, không có hậu ý, chị ra sức muốn làm đẹp lòng bà Bề Trên của mình, chị cư xử với tất cả tình con thảo, dịu dàng và ân cần, nên cuối cùng chị đã chiếm được mối tình cảm mà chị tìm kiếm và rõ ràng chị được yêu quý hơn các chị em khác”.

 Khi bà Bề Trên đau yếu, chỉ mình chị đó được chăm sóc cho bà; khi bà Bề Trên đi đâu, chỉ mình chị đó là bạn đồng hành; khi bà Bề Trên gặp chuyện buồn, chỉ mình chị đó là người được bà tâm sự;  khi bà Bề Trên  cần người giúp đỡ, chỉ mình chị đó là người phụ tá của bà. Có vẻ ngoài chị ấy ra, phần còn lại của công đoàn không hiện hữu nữa. Tất cả mọi người đều thấy sự việc này, kể cả những người ngoài Hội Dòng, chỉ mình bà Bề Trên vẫn ở trong ảo tưởng của mình. Nếu ai dám cảnh tỉnh bà, bà sẽ cho là người ta ganh tị, người ta sai lầm  một cách tệ hại. Đó là một tấm khăn bịt mắt mà chỉ Thiên Chúa mới có thể dẹp bỏ”.

Ai có thể bảo rằng những nhận xét về phụ nữ như thế đã không xảy ra trong những cộng đoàn nam tu sĩ? Đây đúng là trường hợp để nhắc lại rằng: “Có nhiều bậc nam nhi đã thật là đàn bà ở điểm này”.

Phải chăng chúng ta đã chẳng nghe người tu sĩ đưa ra những bằng chứng để than phiền rằng những bằng chứng để than phiền rằng: không phải đấng Bề Trên họ cai quản họ, mà là tu sĩ X, tu sĩ Y? Đôi khi con người đó chỉ là một thầy trợ sĩ, ân cần và mau mắn, hoặc khéo nịnh bợ, nên đã chiếm được lòng của cha Bề Trên, khiến ngài trở thành một kẻ được người đó hướng dẫn về đàng thiêng liêng!!!

Cũng có khi sự thiên vị diễn ra dưới hình thức nghi kỵ hoặc nghiêm khắc. Có vị Bề Trên luôn tỏ ra lạnh lùng với các tu sĩ già, luôn đối xử cách lạnh nhạt với các vị này. Lại có những Bề Trên  luôn chống lại các tu sĩ trẻ, và cư xử như thế không vì lý do nào chính đáng: hễ có gì không hay xảy ra trong nhà dòng, thì luôn luôn nhóm tu sĩ trẻ bị quy trách nhiệm. Rồi có vị Bề Trên đặc biệt có ác cảm với một tu sĩ nào đó:  cái gì cũng dễ dàng đổ cho tu sĩ này. Tại sao thế? Có trời biết:  có thể là do ganh tị thầm kín. Nhưng rõ ràng người tu sĩ này không thể làm điều gì tốt, vì ông luôn luôn bị mắng mỏ và lên án.

Nết xấu này đáng phải lên án lắm, vì nó làm cho các vị Bề Trên không còn là những người cha nữa! trong một gia đình, người cha phải thương yêu tất cả con cái mình bằng nhau, và nếu có những ưu ái thì những ưu ái đó phải dành cho những đứa con bị trời định cho số phận hẩm hiu, thua kém anh em. Khi một người cha hoặc một bà mẹ quên mình là cha mẹ, và tỏ ra yêu thương đứa con này hơn những đứa kia, biết bao nhiêu rối loạn, ấm ức, ganh tị và bất hòa trong gia đình! Trong một cộng đoàn cũng thế, sự thiên vị như thế chắc chắn sẽ sinh ra những ấm ức sâu xa và những xáo trộn nghiêm trọng.
(còn tiếp)

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

thang

Lịch Phụng vụ

MÙA PHỤC SINH
15 Th Hai   Thứ Hai Tuần 3 Phục Sinh
16 Th Ba   Thứ Ba Tuần 3 Phục Sinh
17 Th Tư   Thứ Tư Tuần 3 Phục Sinh
18 Th Năm   Thứ Năm Tuần 3 Phục Sinh
19 Th Sáu   Thứ Sáu Tuần 3 Phục Sinh
20 Th By   Thứ Bảy Tuần 3 Phục Sinh
21 Ch Nht   CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
22 Th Hai   Thứ Hai Tuần 4 Phục Sinh
23 Th Ba   Thứ Ba Tuần 4 Phục Sinh
24 Th Tư   Thứ Tư Tuần 4 Phục Sinh
25 Th Năm K  THÁNH MARCÔ, Thánh Sử
26 Th Sáu   Thứ Sáu Tuần 4 Phục Sinh
28 Th By   Thứ Bảy Tuần 4 Phục Sinh
29 Ch Nht T CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
30 Th Hai N Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
31 Th Ba   Thứ Ba Tuần 5 Phục Sinh

Videos

Audio

Hình ảnh

22 8
Lễ Mẹ Trinh Vương ngày 22.8.2023
img 3797
Hội chợ Xuân 2024
MN Rạng Động

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập35
  • Hôm nay2,082
  • Tháng hiện tại60,696
  • Tổng lượt truy cập6,553,926

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây