Suy niệm Lời Chúa: Thứ năm tuần II Phục Sinh

Thứ ba - 30/04/2019 23:22  2060
Thứ Năm Tuần II Mùa Phục Sinh 
 Cv 5, 27-33; Ga 3, 31-36

 
THÁCH ĐỐ CỦA ĐỨC TIN
 
mau loi chua hang ngay
Ngày hôm nay không ai phủ nhận về cuộc cách mạng truyền thông. Nhờ vào cuộc cách mạng này mà xóa bỏ mọi khoảng cách. Ta thấy trong tích tắc, thông tin làn truyền khắp hành tinh. Người ta cũng không tiếp nhận thông tin một cách thụ động nữa, nhưng một cách chủ động bình luận phản hồi; cũng không còn phải qua trung gian ai nữa, nhưng một cách trực tiếp với bất cứ ai trên trái đất này.
Nhờ vậy, con người có thể tự hào, mọi rào cản đã bị gỡ bỏ, mọi khoảng cách đã được thu hẹp lại. Tuy vậy, bài Tin mừng hôm nay, Tác giả Tin mừng thứ tư trình bày một khoảng cách phải nói là ‘nghìn trùng cách biệt’. Đó là khoảng cách giữa trời và đất. Nếu trời được hiểu như mặt trăng hay một tinh tú nào khác trên bầu trời thì vấn đề cũng đơn giản hơn. Nhưng trời ở đây chỉ về một thế giới thần linh, còn đất là thế giới phàm nhân chúng ta mới là vấn đề.
Khoảng cách này được Tin Mừng hôm nay khẳng định rằng: ‘Đấng từ trên cao mà đến thì ở trên mọi người’ và dĩ nhiên đối lập với ‘kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất’. Vì vậy, hệ quả là: ‘Đấng từ trời mà đến thì ở trên mọi người; Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người’. Sự khác biệt giữa các tộc người là ngôn ngữ và văn hóa, muốn hiểu nhau và chấp nhận nhau, người ta học biết ngôn ngữ của nhau và trao đổi giao lưu văn hóa. Nhưng giữa trời và đất không phải là hai môi trường xã hội mà là hai thế giới, cũng không phải là hai chủng người nhưng một là Đấng từ cõi trên, một bên là loài thụ tạo ở cõi dưới. Vì thế Đấng từ cõi trên thì vượt trên mọi người ở cõi dưới, nên người cõi dưới chỉ biết và nói về những gì thuộc cõi dưới, còn Đấng từ cõi trên không những thuộc về cõi trên, biết những điều thuộc cõi trên mà còn biết cả những gì thuộc cõi dưới vì Đấng ấy ‘ở trên mọi người’.
            Lý do thôi thúc hành động của Thiên Chúa cứu rỗi con người chính là tình yêu thương, và Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho mọi người biết và cho cả ông Nicôđêmô, là người có đủ uy tín để nói như vậy, bởi vì Người từ nơi Thiên Chúa Cha mà mạc khải cho chúng ta biết.
Và rồi ta thấy nhìn vào lịch sử cứu độ, lịch sử đã xác nhận căn cứ và nguồn gốc của Chúa Giêsu từ trên cao, từ Thiên Chúa Cha. Những lời này nhắc cho chúng ta nhớ lại những suy tư cao sâu của tác giả Phúc Âm theo thánh Gioan, nơi khởi đầu sách Phúc Âm của ngài như sau: "không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một Ngài là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu Kitô". Làm cho những sự thật được Chúa mạc khải cho con người có được giá trị trỗi vượt hơn mọi lý thuyết, hơn mọi lẽ khôn ngoan do trí khôn con người nghĩ ra. "Kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Ðấng từ trên trời mà đến thì ở trên mọi người". Người làm chứng về những gì Người đã thấy và đã nghe trực tiếp từ Thiên Chúa Cha, vì Người hằng ở cùng Thiên Chúa Cha, được sai xuống trần gian để mạc khải cho con người biết.
Ta thấy không có sự tương tác để mà trao đổi giao lưu mà chỉ có ‘mạc khải và đón nhận’. Đấng từ cõi trên thì chẳng phải học biết gì nơi chúng ta cả, bởi Người dựng nên chúng ta mà, nhưng chúng ta thì phải học biết Người, vì Người là Đấng Tạo Hóa, là Nguyên Lý, là Cội Nguồn và cũng là Cứu Cánh của muôn vật. Chúng ta phải học biết Người để quy hướng về Người thì chúng ta mới thành toàn. Vì thế mà Người đã sẵn lòng mặc khải cho chúng ta biết về Người. Thế nhưng đã có một thực tế đau lòng mà Tác giả nêu ra: ‘nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người’. Đó là hoàn cảnh thật của nhân loại chúng ta. Vì thế mà công cuộc truyền giáo của Giáo Hội lúc nào cũng như chỉ mới bắt đầu và nỗi thao thức của Chúa Giêsu xưa cũng vẫn còn đó: ‘lúa chín đầy đồng mà thờ gặt thì ít, các con hãy xin Chủ ruộng sai thêm thợ gặt’!
Nhân loại thì cũng có người này người kia, có người từ chối thì cũng có người đón nhận. Điều quan trọng đối với cá nhân đang gặp gỡ Đấng từ cõi trên qua những giòng chữ của tác giả Tin mừng này thì mình đang đứng ở chỗ nào: ‘Ai nhận lời chứng của Người, thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật.
Quả vậy, Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn.’ Nếu chúng ta tin và chấp nhận mọi điều Chúa Giêsu đã dạy thì chúng ta được bảo chứng nơi Thiên Chúa là Đấng Chân Thật và nơi Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý. Bởi vì: ‘Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người.’ Con người chúng ta có tự do, tin hay không tin, chấp nhận hay từ chối mạc khải của Thiên Chúa.
Dĩ nhiên hậu vận đời mình là do chính mình đã có hành vi chọn lựa ngay từ hôm nay: ‘Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy’. Lời cầu nguyện thích hợp chỗ này chính là lời của ông bố có đứa con bị quỷ ám mà các Tông đồ không trừ được (Mc 9,13-28): ‘thưa Thầy con tin, nhưng xin Thầy trợ giúp lòng tin yếu kém của con’.
Ngày nay và ngày xưa cũng thế, ta thấy thảm trạng của con người bắt đầu khi con người tin không có Thiên Chúa và nếu có Thiên Chúa thì họ vẫn lãnh đạm thờ ơ không tin vào Thiên Chúa, và cũng không tin, không quí trọng sự thật được Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, mạc khải nữa. Nhưng thử hỏi, con người có thể dập tắt khát vọng hướng về Thiên Chúa đã ăn rễ sâu trong tâm hồn của mình hay không?
Với và trong xã hội Việt Nam, người ta vốn quan niệm “đạo nào cũng như đạo nào,” nay lại chịu ảnh hưởng của việc toàn cầu hoá cào bằng này, các Ki-tô hữu mất dần cảm thức về bổn phận phải đem Chúa đến cho lương dân. Ngoài ra, lỗ hổng kiến thức về giáo lý còn khiến họ không tự tin trình bày Đạo của mình trước những nghi vấn, nhất là của những người không thiện cảm. Đành rằng bản chất của Giáo hội là truyền rao Tin Mừng và mỗi Ki-tô hữu, qua Bí tích Rửa tội, đều nhận lãnh sứ vụ “đi ra” để làm chứng tá cho Chúa Kitô, nhưng hiện nay việc thực hành đức tin lắm khi chỉ diễn ra trong khuôn viên nhà thờ, chưa có dấu hiệu “đi ra.”
Ngày nay, nhìn vào lối sống đạo của nhiều tín hữu, trong đó có thể có cả chúng ta, chúng ta có thấy hình bóng của câu chuyện ngày xưa. Ngày ấy, nhiều người không tin vào Chúa Giêsu vì họ không nhận ra nguồn gốc từ trên cao của Người, thì bây giờ, biết đâu chúng ta cũng đang từ chối Người khi hạ thấp hay lảng tránh những đòi hỏi gắt gao của Tin Mừng? Ngày ấy, nhiều người bị vấp ngã bởi con người Đức Giêsu, một bác thợ mộc, thì bây giờ, liệu chúng ta có nhận ra nhiều điều Thiên Chúa muốn nói qua những con người tầm thường xung quanh chúng ta?
Như thế, không chỉ chúng ta phải mở thật lớn con mắt đức tin để nhận thấy phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã đặt để nơi mỗi con người, không chỉ trong những người có khả năng, hay các bậc hữu trách, mà còn trong chính những con người hèn mọn, thậm chí là đối lập với chúng ta về quan điểm sống, về tư duy và cả về sự xác tín. Từ đó, chúng ta sẵn sàng đón nhận những điều tốt đẹp nơi họ như những điều đến từ trên cao, bởi lẽ Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong tự do và Thiên Chúa vẫn hằng nói trong lương tâm của mỗi người.
Cuộc sống luôn là những chọn lựa khó khăn. Và càng khó khăn hơn nữa khi ta đứng trước một bên là những đòi hỏi của Tin Mừng, một bên là sự thỏa mãn đam mê ích kỷ. Tin vào Chúa Giêsu chính là thái độ cởi mở dám chọn Chúa trong hành động để đức tin của ta ngày thêm lớn mạnh, ngõ hầu, ta xứng đáng hưởng sự sống đời đời mà Chúa hứa ban.
Tin vào Chúa Giêsu luôn là một thách đố cho con người ở mọi thời đại. Rất nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đòi hỏi con người cần phải có lòng tin vào Ngài. Hôm nay, Chúa nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của đức tin để có được sự sống đời đời. Đối với người Công giáo, rất nhiều lần chúng ta tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa, nhưng có bao giờ ta thử dành một vài giây phút để nhìn lại niềm tin của ta như thế nào?.

Tác giả bài viết: Sỏi Đá Ven Đường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý cầu nguyện

50c748fb79e4deba87f5

Lịch Phụng vụ

THÁNG 9 – MÙA THƯỜNG NIÊN
Thứ Năm   Thứ Năm đầu tháng, ngày các Linh mục
Thứ Sáu   Thứ Sáu đầu tháng, đền tạ Trái Tim Chúa Giê-su
Thứ Bảy K SINH NHẬT
ĐỨC MARIA
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIII TN 
Thứ Hai   Thánh Phêrô Claver, Linh mục
Thứ Ba   Thứ Ba Tuần 23 TN
Thứ Tư   Thứ Tư Tuần 23 TN
Thứ Năm   Danh Rất Thánh Trinh Nữ Ma-ri-a
Thứ Sáu N Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh
Thứ Bảy K SUY TÔN THÁNH GIÁ, lễ kính
Chủ Nhật T CHÚA NHẬT XXIV TN 

Videos

Audio

Hình ảnh

dsc 9935 min
Lễ Tận hiến & Tiên khấn ngày 28-29.6.2024
dsc 9597 min
Tạ ơn hồng ân Thánh Hiến
ngày 22.6.2024

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập12
  • Hôm nay1,727
  • Tháng hiện tại35,892
  • Tổng lượt truy cập7,076,293

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây