Tập thơ hành hương của Lê Đình Bảng từ cảm thức hiện sinh

Thứ bảy - 27/02/2021 21:41  1146
dinh bang

 
 
ĐỌC TẬP THƠ HÀNH HƯƠNG CỦA LÊ ĐÌNH BẢNG
TỪ CẢM THỨC HIỆN SINH

        
     Con người luôn khát vọng vươn tới cái đẹp. Chính trong sự chiêm ngưỡng cái đẹp mà ta cảm nhận mình được "cứu rỗi", bởi "cái đẹp cứu rỗi thế gian"[1] và "đẹp là chữ kí của thượng đế"[2]. Nhà văn có sứ mệnh khám phá và sáng tạo cái đẹp hướng tới sự thanh lọc tâm hồn. Khác với nhà văn, nhà phê bìnhcòn có sứ mệnh giải mã cái đẹp văn chương để định hướng mỹ cảm cho độc giả tiếp nhận, anh ta suy tư và chỉ ra cái đẹp ẩn chứa/lập thànhtên tuổi tác phẩm.
Phạm trù của cái đẹp cũng đa chiều đa hướng điểm nhìn. Có ngườiví cái đẹp tựa vẻrực rỡ của đóa hoa đương nở. Người khác cho là bông hoa không chỉ đẹp lúc đương nở nhưng còn đẹp lúc nó ngả chiềutàn tạ - cái đẹp của sự nhỏ nhoi, yếu ớt, mong manhtrong bàn tay "thượng đế" tác tạo nên nó. Đó là vẻ đẹp của cái "bi" toát ra từ cuộc hiện sinh con người, mà những gì làm nên vóc dáng, là hơi thở của cuộc hiện sinh đều đẹp. Dòng triết lí về hiện sinh quan điểm rằng,cái nhìn duy lídùng lí luận dìm vũ trụ và bản ngã con người trong biển ý niệm trong khicái nhìn mang cảm thức hiện sinh dìu con người về chính lòng mình với những nét sinh động. Karl Japers và Gabriel Marcel mang gương mặt của nhà hiện sinh hữu thần đã tiệm cận cuộc hiện sinh theo chiều hướng đó: đặt thân phận con người trước những mở xét, xoáy vào bản thể trong muôn vàn cách thế xuất hiện giữa cuộc đời. Bởi theo Karl Japers, cuộc đời là một "tự do nguyên ủy", nên nó mặc một hình thái bi đát, còn Gabriel Marcel nhìn cuộc đời như một cái vươn dài tới Thiên Chúa mà thượng đế luôn là một mầu nhiệm khó nắm bắt.
ĐọcHành hươngcủa Lê Đình Bảng trên tiến trình suy nghiệm về hiện sinh, độc giảhứa hẹn chạm được phần nàotới tầng sâu kín ẩn trong tâm trạng con người, với những trận bão tố và con người không khỏinhững khoảnh khắc mâu thuẫn nội tâm căng thẳng đau đớn. Hành hươnglà một chuyến đi, tuy nhiên không phải chuyến đi thể lí mà là hành trình cuộc đời của kẻ tin vào Chúa,một kiếp lữ hành.
Trong tiếng Latinh cổ, từ "hành hương” thường được dịch là “ngang qua cánh đồng” và người hành hương là “lữ khách xa lạ”. “Kẻ lữ hành" gặp nhiều thách đố nhưng cũng chứa chan hi vọng. Cuộc hành hương đòi hỏiđời người phải dám "liều" băng qua những "giải ngăn cách" đam mê kiếp người, phóng tầm nhìn tìm kiếm những bóng mờ Chân Thiện Mỹ nơi bờ bên kia giới hạn. Có không ít những bài thơ trong Hành hươngcủa Lê Đình Bảng phơi trầnnhững lát cắt của lòng tin day dứt, rong ruổi trên dương thế như vậy. Những gẫm suy về một hành trình của niềm tin nơi cõi thế, bản thể xé ra giữa cái tôi hướng tới và cái tôi hiện thực được thổi vàoHành hương như hương vị của cuộc đời kẻ dong duổi theo Chúa.
 
  1. Nỗi đau bản thể
Cuộc hiện sinh giống như "nguồn suối". Hiện sinh là một sức trào vọt tự thẳm sâu của mỗi con người, cósức mạnh nhảy vọt. Ở đây mỗi lúc con người bắt gặp được trong chính thâm tâm mình một cái gì không gặp được ở nơiđâu khác trong trần thế này, cái đó vượt mọi khả thể có thể chứng minh. Con người được thúc bách đi tìm sự hữu của mình trong cuộc lữ hành mang theo những niềm đau được thấy rõ trong Hành hương.
Sự dòn ải của cuộc sống con ngườilà cái gì bất khả kháng như một định mệnh buồn man mác trải ra trên những vần thơ: Tôi nghe đáy hồn mình đương trở gió/ Tiếc thời gian không đủ để làm người/ Giữa bời bời xô dạt những dòng khơi/Trăm bến đỗ, thuyền đi, chưa kịp tới[3]. Bởi cuộc sống không phải là một cái gì đã hoàn bị, nên đáy hồn "tôi" luôn trở gió. Thời gian như bóng thiều quang và con người đi qua cuộc sống như một giấc mơ dài, vậy màkhi nhìn về lại thấy vô cùng ngắn ngủi. Cuộc đời trôi chảy cho "tôi" cảm giác không kịp làm người. "Tôi" chỉ là một thực thể bé bỏng dòn ải tan chìm vào đại dương đắng chát của cõi hữu hạn. Cuộc sống dịch chuyển "bên lở bên bồi" nối tiếp nhau mãi. "Tôi" nhỏ nhoi mong manh chảy trôi như con nước giữa đêm khuya mờ mịt chẳng thể cản ngăn, cương định:Giữa khuya khoắt, áo tầm gai se lạnh/Nghe nước sông trôi hay tiếng kinh buồn/Đôi ngả bồi hồi mờ mịt thinh không/Trông đốm lửa chài, chân đi trĩu bước[4]. Nước sông trôi hay cuộc đời trôi có lẽ "tôi" chẳng còn phân biệt rạch ròi, chỉ biết một điều nhịp trôi ấy vẫn đâu đâyphảng phất nhịp thở của tiếng kinh buồn chẳng đủ cho lòng "tôi" vơi trĩu bước. Niềm tin trong lòng người tín hữucó những đoạn đường mong manh như thế!Phải qua lo âu xao xuyến "tôi" mới mong được an nghỉ, phải vượt qua sự chịu khinh thị "tôi" mới mong đạt được lòng từ bỏ.
Sự cô độc và bí mật thuộc về kỉ phần của con người bởi ngay thuở ban sơ Thiên Chúa đã tránh mặt nhân loại khi tổ tông phạm tội. Con người chỉ có thể lại gần sự siêu việt "trong một trạng thái đánh cuộc"[5] và"tôi"chỉ có thể ở trong tình trạng trông lên sự tiệm cận xa xôi: Từ vực thẳm, tôi trông lên, lạy Chúa/ Mảnh trời nghiêng, sao rét mướt linh hồn/ Suốt dặm dài, xa tít tắp Sion/ Chong mắt đợi, đêm muộn màng góa bụa[6]. Cô độc như một quà tặngvĩnh cửu cho kẻ tin bao lâu còn ở trong cõi thế. Ngay cả quá trình vượt lên không ngừng để xác định bản ngã độc đáo của mình, "tôi" cũng chỉ đồng hành cùng nỗi cô đơnsuốt dặm dài giống như sự vươn tới Sion – biểu tượng của thành đô Thiên Chúa – nhà Thiên Chúa – dung nhan Thiên Chúa ởxa tít tắp vậy. Con người không có được sự cảm thông trực tiếp từ tha nhân vì mỗi cá nhân là một thế giới bí mậtrét mướt tận thâm tâm. Nỗi băn khoăn day dứt, mỏi mòn là nẻo đường của niềm tin, buồn nhưng rất thật dưới "mảnh trời nghiêng" này. Karl Japers từng tỏ ra bất mãn trước những luận điệu diễn tả đức tin tôn giáo tự phụ rằng có thể giao thiệp trực tiếp với Thiên Chúa như một "tha hữu tối cao"[7]. Quả thật, ý nghĩ có thể tìm gặp Thiên Chúa trong một lộ trình phẳng phiu như vậy dễ dẫn đến nguy cơ trốn tránh cuộc đời. Niềm tin cõi thế không thể đưa "tôi" lên tới "tầng trời thứ ba", mà chỉ có thể ở một trạng thái viễn vọng (trông lên/trông xa): Hãy thiêu đốt hồn tôi thành tro bụi/ Ngọn lửa phục sinh, ơn cứu rỗi bao dung/ Tôi, con chim sâu khát khô trong bụi cỏ lùng/ Tôi, que diêm cuối ngày hắt hiu đầu gió[8]. Bởi "trốn tránh cuộc đời là hiện sinh đi đến chỗ tự sát"[9] nên mắt "tôi" đang khi đăm đăm trông vềngọn lửa phục sinh - biểu tượng của ơn cứu rỗi,tin tưởng lòng Chúa bao dung, "tôi" vẫn như thiêu như đốt trong cảm nghiệm số kiếp đen tối của thân phận tro bụi, như con chim sâu khát khô quay quắt trong bụi cỏ lùng hi vọng mong manh một bàn tay cứu thoát đưa tới nguồn nước sự sống, như que diêm cuối ngày thấy mình sắp tàn mà tương lai chỉ là đêm.
Những hoàn cảnh giới hạn của kiếp đờimà con người bị giam hãm trong đó đi vào thơ Lê Đình Bảng như một phần chất liệu cho "tôi"gẫm suy về cuộc hiện sinh: Tôi nghe rõ mỗi hắt hiu tàn tạ/ Mỗi phù du rong rêu, mỗi nhọc nhằn/Là bụi bờ sinh tử của trần gian/Là thánh giá của phận người mang vác[10]Bụi bờ sinh tử là "không gian tất định"[11] khiến "tôi" không thể chạy trốn. Bởi thế nên cuộc đời "tôi" trở nên "thánh giá" cho "tôi" mang vác.Karl Japers đã vạch ra ba "hoàn cảnh giới hạn tất định" tiêu biểu của kiếp người là đau khổ, sa ngã và sự chết. Con người "giãy giụa" trong đau khổ của cõi phù dunhư cá bơi trong nước với thiên hình vạn trạng: "Đau khổ sinh lý, đau khổ tâm tình, đau khổ của bản thân ta, đau khổ của thân nhân ta, đau khổ của đồng bào ta, đau khổ của nhân loại. Ta đau trong bản thân ta, và cũng đau trong thân xác của những người ta yêu mến…"[12].Con ngườinhọc nhằn trong hoàn cảnh tất định đời mình nhưng không như sự vật: một khi "tôi" ý thức nỗi khổ là "thánh giá" mà "tôi" đón nhận từ Chúa, khi đó "tôi"còn có khả năng "sáng tạo đời mình" bằng những cách thế đón nhận. "Thánh giá" mang hàm ý nỗi đau khổ đã được "rửa tội".
Có thể thấy, lối suy tư về nỗi đau bản thể đã vượt truyền thống cũ ở chỗ chúng đã "mạo hiểm" đi vào những miền sâu, bí ẩn của lòng người, của niềm tin; đi vào những uẩn khúc quanh co của hiện sinh để mô tả lên những gì hầu như không thấy trên môi miệng những "con chiên ngoan đạo".Lòng tin của cái tôi trữ tình trong thơ Lê Đình Bảng nhập nhòe không sao thoát ra được những nỗi niềm tâm trạng. Lòng tin ấy khi tỉnh khi mê. Mê man trong nỗi hắt hiu và tỉnh táo phóng cái nhìn trong suốt để thấy Tôinghe rõ nỗi hắt hiu tàn tạ.Đó gọi là ý thức vĩnh cửu, làý thức rằng tôi đã từng ý thức thế nào. Tâm trạng "tôi" chuếnh choáng, chuệnh choạng, gập ghềnh khiến "tôi" tàn tạ, là một nỗi khổ. "Tôi" lại hoài niệm rằng "tôi" đã cảm thấy tàn tạ thế nào, đó lại thêm một lần nữa "tôi" đau, niềm đau đó lập lại từng lần từng lầnnhư cảnh phim quay ngược, quay đi quay lại vẫn cảnh đau. Cảnh quay ấy lập lạinhiều lần dần biến thành khắc khoải, thành khôn nguôi. Nỗi đau bản thể của kẻ tin như vậy giống như vết thương hở, cứ "nắng gió trở trời" lại trở đau. Quả vậy, đã có những vần thơ trong Hành hươngdám nhìn thẳng vào vùng tối lòng mình,là một kiểu loại dấn thân trong tâm trạng.Hồn thơ ấy cất lên khẳng khái:"tôi" thấy gì và "tôi" chẳng thấy gì, cũng có lúc "tôi" mơ màng, mường tượng mình thấy "đốm lửa" ngay trong vùng tối.
 
  1. Lỡ nhịp với cuộc đờivà xa lạ với chính mình
Khi con người ở trong trạng thái an cư tĩnh tại, con người nhìn đời mơ màng và dường như mọi thứ xung quanh đều ổn. Nhưng khithức tỉnh, con người bắt đầu ưu tư, xao xuyến, băn khoăn về một tương lai đầy huyền nhiệm với bao nhiêu yếu tố chưa thành hình rõ rệt mà ở đó, mỗi người sẽ phải tự quyết định lấyđể hoàn thành sứ mệnh "sáng tạo nên mình" thông qua trải nghiệm. Ưu tư là sức chuyển động trong nội tâm con người nhưng cũng chính lúc ấy con người bắt đầu cảm thấy mình dường như chệch nhịp với cuộc đời đang trôi chảy.
          Có những vần thơ lỡ nhịp trong đó thế giới "tôi" và thế giới cuộcđời trời mây non nước đôi nơi đôi ngả: …Trời tháng tư, vẫn chưa phai màu cánh gián/ Hoa xoan rơi từng chặp trước hiên nhà/Tôi ngước nhìn, một bày én bay qua/ Sao thấy lòng mình trống trơn, tăm tối?[13] Bầu trời tháng tư mưa rơi hay bầu trời không muốn nắng?dù sao cũng là bầu trời nhung nhớ của những lứa đôi, nhưng  trời tháng tư của Lê Đình Bảng chẳng thể gây được tiếng động nào trong cõi trống trơn lòng "tôi". Cái lãng mạn của không gian gây nhung nhớ, cái chao nghiêng của cánh én báo hiệu xuân về, hay vẻ thơ mộng của hoa xoan tím mơ phất phơ trước hiên nhà qua lăng kính của thế giới "tôi" chỉ còn là cái gì lãng đãng, chẳng tạo nên một sự rung cảm nào, như dây đàn hờ hững rung mặc cho giọng ca cất tiếng.Những vần thơ có khuynh hướng đẩy tâm trạng đi tới mà chẳng biết đang đi đâu về đâu: Sao đời vẫn lặng câm/ Mai tôi lên đền thánh/ Đem theo những hư hèn/ Tôi về đây lặng lẽ/ Hỏi phố phường không tên[14]. "Tôi" như lao về bế tắc bởi đón "tôi" là cuộc đời lặng câm. Nhưng dầu vậy, "tôi" vẫn tiếp tục khởi sự cuộc hành trình đời mình lên đền thánh vào ngày mai. "Mai" làthời gian tương lai gần hay chỉ có thể là một khái niệm mơ hồ trong kế hoạch đời "tôi"?Bởi cảnh đời mà "tôi" thấy vẫn chỉlặng lẽ và "tôi" chẳng thấy gì ngoài những phố phường không tên.Cuộc đời phải chăng là cái hốkhi mà hoàn cảnhđẩy con người đến đau thương?Nhưng dù sao, sống là phải vươn lên, vươn lên mãi, làm sao để thăng hoa hai chữ "con người", dừng lại là tự đặt mình vào cảnh chết của tinh thần. Một niềm tin luôn phải khởi sự những cuộc lên đền thánh,đem theo những hư hèn của mình.
Lỡ nhịp với cảnh đời kéo theo sự lỡ nhịp với lòng người trong Hành hương: Tôi nghe rõ nhịp đầy vơi, khoan nhặt/Từ cõi hư không, từ nẻo vô thường/Nơi đầu ghềnh, nơi cuối bãi mù sương/ Những còn mất, những xa gần, khép mở[15].Những gập ghềnh của câu thơ thoát ra từ những cặp từ trái nghĩa: đầy – vơi, khoan – nhặt, đầu ghềnh – cuối bãi, còn – mất, xa – gần, khép – mở, hay là nỗi gập ghềnh giữa lòng "tôi" với lòng người? Nay gần mai xa, nay còn mai mất, mở đấy nhưng cũng khép ngay đấy,…. "Tôi"chẳng thấy lạ chi những điều đó bởi hết thảy chúng ta đang ở trong cõi hư khôngnẻo vô thường. Con người luôn hướng tới cái tuyệt đối vô cùng nhưng thực rachẳng bao giờ đạt được điều đó khi con người còn đi trên cuộc lữ hành. Dưới góc nhìn hiện sinh vô thần, những khắc khoải của con người rốt cục chỉ là "một đam mê vô ích"[16], lúc nào cũng nuôi một ý thức khốn khổ bởi cái vô định là cái bóng ma, càng lại gần thì nó càng xa ra mãi. Nhưng với niềm tin vào Chúa,ý tứ thơ của Lê Đình Bảng diễn tả cảm thức hư vô ấy như những chênh chao của kiếp người trong một hiện sinhvươn lên tuy chưa thể chạm được chân lí. Cái vươn đó mong manh nhưng mang theo niềm hi vọng. Cuộc sống khi tiệm cận với hư vô sẽcó khả năng thúc đẩy khát vọng sống của con người. Cảm thức hư vô có ngay trong cảm nghiệm giữa những cõi lòng:…Gắng tìm nhau trong một cõi lứa đôi/Sao, chợt đến chợt đi, hoài chia cắt?/…Người yêu người sao chẳng được gần nhau?Cứ ngơ ngác, những ga tàu trễ chuyến[17].Ở ngay trong tầm tay sao chẳng thể nắm bắt? Không thể nắm bắt nên "tôi" hụt hẫng,nhưng cũng không thể thôi khát khao nắm bắt bởi bản chất "tôi" là phóng tới. Cuộc đờiai đã ý thức hiện hữu của mình sẽ chẳng thể đứng yên. Vì thế mà Chuyện đời người buồn như chuyện đời sông/ Những đứt nối, hợp tan, những chia lìa, hẹn ước[18]. Con người biết là dự phóng không thành sẽ đưa đến bầu khí ảm đạm tinh thần nhưng sao con người không dừng lại mà cứ lao đi trong tâm trí bằng sự tra vấn cuộc đời? Thật ra con người có bản chất là muốn vươn tới vô cùng, vươn tới cõi siêu việt.
Sự lỡ nhịp, không hòa điệu được với cảnh đời và lòng người dường như đẩy "tôi" đứng riêng ra một cõi ngay giữa cuộc đời, cõi tối tăm của niềm tin. Thà rằng lòng "tôi" thỏa hiệp, xuôi theo dòng đời, lấy làm tương đối, làm bằng lòng những chuyện còn – mất, xa – gần, khép – mở và tìm hưởng thụ những vui thú trong đó, hẳn "tôi" đã khuây khỏa. Giá như "tôi" chẳng truy nguyên những chuyện ấy trên cái nền hư vô hẳn "tôi" đượcan lòng. Nhưng không. Thâm tâm "tôi" dường như muốn phá tung bức tường nội tại cứ muốn giam giữ "tôi" lại trong những trạng thái tĩnh chỉ, lười lĩnh và thụ động. "Tôi" dám trực diện với cuộc đời. "Tôi" không trốn tránh nhưng lắng tai nghe những nhịp đầy vơi, khoan nhặtđể chất vấn đời bằng những câu hỏi tại sao: Sao, chợt đến chợt đi, hoài chia cắt?/…Người yêu người sao chẳng được gần nhau?
Không chỉ xa lạ với đời, với người, nhân vật trữ tình trong thế giới nghệ thuật của Hành hương còn xa lạ với chính mình,luôn đi tìm hiện hữu đích thực của mình khắc khoải. Bởi lẽ ấy, có những vần thơđối diện với u tối của lòng mình bằng cái nhìn trong suốt về nó: Sao đời tôi mãi lênh đênh/ Đi trên hoang mạc, vòng quanh địa cầu/ Bao giờ cỏ lá thương nhau/Con sông bỗng nhớ bờ lau đôi hàng[19].Khi "tôi" bắt đầu ý thức về "tôi" cũng là lúc "tôi" nhận ra tình trạng lênh đênh của mình. "Tôi" thấy mình một mình đi trong hoang mạc chơi vơi của quả địa cầu và cất tiếng hỏi. Tiếng hỏi ném vào bức tường hư không, vọng lại những âm thanh hư vô u buồn: cỏlá có lạ nhau bao giờ nhưng vẫn phải đợi đến khi chúng thương nhaulúc ấy con sôngđời "tôi" mớinhớ được những gì thuộc về "tôi", của "tôi", là "tôi". Thật lạ kì nhưng cũng rất thật. Cái hữu thể con người thường bị chia cắt qua những khoảnh khắc sống. "Tôi" lạ "tôi" như thể trong "tôi" có cái tôi này và những cái tôi khác, chúng chẳng quen mặt nhau dù vẫn đập chung một nhịp thở của lồng ngực, cùng nhau đi vòng quanh quả địa cầu của cuộc lữ hành hiện sinh vươn tới siêu việt, khắc khoải tự thâm sâu tìm về "nguồn suối".
Những vần thơ của Lê Đình Bảng có thể khiến ta liên tưởng đến ý tưởng củaKarl Japers khi ông phát biểu rằng mỗi lần đọc những con chữ viết về hiện sinh là mỗi lần trí khôn và tâm hồn như tắm lại trong một sức sống và suy tư mới[20], tựa như những câu:Hồn tôi mòn mỏi đã nhiều/ Khi không, đời có những chiều buồn tê/ Hồn tôi trống trải phên che/Ngày xuân biếng giục, đêm hè vèo trôi/Chuyện lòng chẳng mấy khi vơi/Ai đong nước mắt, nói lời chia tay[21]. Cái buồn được tra vấn:Khi khôngsao lại trống trải trong hồn đến như ngày xuân phơi phới và đêm hè nực nội cũng không thể khuấy động? Cõi buồn trong "tôi" dường như chỉ còn dung chứa nhữngchuyện lòng, nước mắt, lời chia tay mà "tôi" phải mang vác. Quả vậy, đời là ưu tư nhưng mỗi nhân vị là một độc đáo và "tôi" phải hoàn thành định mệnh độc đáo của mình. Mỗi người phải làm nên lịch sử tính của mình và vì vậy "tôi" cảm thấy cô đơn trong sự mang vác ấy.Cô đơn có thể đưa con người đến đau thương nhưng cũng có thể thúc đẩy con người tìm hướng đi mới trong nỗi trăn trở: Ta là ai? Ta đang sống trong tình trạng nào và hướng về đâu? Con người cô đơn từ khi sinh ra cho đến tồn tại giữa cuộc đời. Khi con người lẩn tránh hay đối mặt với hiện thực đều thấy mình cô đơn và bắt đầu ý thức được sự hiện hữu của bản thân mình giữa cuộc đời.
 
  1. Nhìn đời và nhìn mình cách trắc diện
Thế giới thực tại trong cảm nhận của mỗi người luôn khác nhau. Người này có thể thấy thế giới thực tại là A1 nhưng người kháclại thấy A2 và người khác nữa A3, A4, A5,…cho tới A100, A200, A1000,… tương đương với những nhân vị đã ý thức được cuộc hiện sinh độc đáo của mình. "Thế giới uyên nguyên"[22]ấy chỉ có thể cảm nhận khi ta trở về lòng mình, tạm bỏ trong "ngoặc đơn" thế giới thực tại đang diễn ra, là thời cuộc đang bao lấy mỗi người.Cuộc đời hiện ra trước ý thức tôi thế nào thì tôi mô tả thế ấy, mô tả cách thế “vật” hiện ra trước ý thức. Đó gọi là "mô tả hiện tượng luận"[23] mà Husserl chủ trương để mô tả cuộc hiện sinh cá biệt và sinh động của mỗi người. Hiện tượng luận như vậy có khả năng mô tả những phút sống thực, những dòng ý thức của con người khi tiệm cận với "thế giới nó sống", chứ không phải cái "thế giới đã có" ngoài kinh nghiệm sống của con người, có khả năng vạch trần và mô tả con người hiện sinh. Kĩ thuật mô tả hiện tượng luận trong sáng tác văn học trả lại "tự do" cho nhân vật và tôn trọng những biểu hiện của nó. Hành hương của Lê Đình Bảng mang hơi hướm hiện tượng luận của Husserl khi mỗi bài thơ là mỗi lát cắt trắc diện trong cách nhìn đời và nhìn mình. Đâu đó có những độc giả đã thốt ra rằng đọc thơ Lê Đình Bảng da diết đấy, chất thơ đấy nhưng chẳng hiểu rốt cuộc thơ Lê Đình Bảng nói gì vậy? …Cứ để tôi nằm gai và nếm mật/ Cùng rong rêu, cầm hạc giữa dòng khơi/ Tôi mỏng dòn và dễ vỡ như chơi/ Bông tuyết rụng của từng ngày băng rã/ Để đi hết những chặng đường thập giá/ Từ vườn Cây Dầu lên đỉnh Căn Vê/ Babylon ơi, mưa đá dầm dề/ Khổ ải, lạc loài, áo tơi, nón lá/ Bên kia dốc, ráng chiều đương tàn tạ/Biết tìm ai, hun hút mấy hàng dương/ Thôi, xin về miền cỏ ướt mưa sương/ Con chim lẻ loi ẩn mình chờ chết[24].
Cái không hiểu của độc giả phảichăng là nghệ thuật của thơ Lê Đình Bảng?Bởi có ai trong cơn say có thể hỏi tại sao tôi say hay có thể trả lời say nghĩa là gì? Cũng vậy, con người va vấp trong sa ngã, đau khổ và sự chết sao có thể quan sát cái sa ngã là gì? đau khổ, chết là gì? Người ta chỉ có thể mô tả rằng người ta thấy gì qua lăng kính tâm trạng của họ. Đó là những lát cắt tâm trạng với những tia khúc xạ khác nhau tùy thuộc nỗi niềm mỗi nhân vị. Với kẻ tin, đó là những "tượng số"[25] mời gọi con người nhìn ra còn một cái gì linh thiêng bên kia bờ cuộc sống. Những tượng số ấy được hình tượng hóa trong Khổ hạnh cathành những gai góc, những mật đắng; là dòng khơi, những mỏng dòn dễ vỡ; là bông tuyết rụng, ngày băng rã, Babylon[26]…và những tượng số ấy mời gọi kẻ tin dù lầm lũi giữa cuộc đời nhưcon chim lẻvẫn liên tưởng đến những giá trị linh thiêng bên kia dốccuộc đời với những chặng đường thập giá, những vườn Cây Dầu,những đỉnh đồi Căn vê,…
Phải nói rằng, "hiện sinh là một đối tượng phức tạp, u uẩn nên thiết yếu phải có một thứ lí luận cũng phức tạp, u uẩn"[27], thứ lí luận đặt con mắt vào bên trong cuộc hiện sinh để nhìn về đời và nhìn vào mình. Thật ra con người không thể ra ngoài cuộc đời để nhìn về cuộc đời nhưng con người đang ở trong vấn đề mà con người tra hỏi, nhưng việc tra hỏi thân phận khiến con người cảm thấy chênh chao như kẻ lưu đày. Người ta có thể đi con đường đức tin bằng trăm ngàn nẻo và cuộc hiện sinh của kẻ tin cũng trải ra trăm ngàn trạng huống, nhưng cùng theo đuổi một mục đích là "suối nguồn".Như thế tập thơ Hành hương có lẽ không phải là tả cảnh, tả tình, nhưng là độc thoại nội tâm. Lê Đình Bảng dường như dùng kĩ thuật này để nhân vật trữ tình tự nhận định, tra hỏi trong cuộc hành trình dấn thân vào cuộc đời. Nó là một hình thức của sự suy nghĩ và do đó tất cả khoảnh khắc trữ tình trong thơ đều như được thu gọn vào trong ý thức để nhận lấy một khuôn mặt mà ý thức muốn gán cho. Cuộc đời hiện ra trong thơ ông như một cuộc lưu đày tâm trạng đang vươn chạm nhọc nhằn mù mịt tới siêu việt của đức tin: Tôi khô khát tựa trẻ thơ đòi sữa/ Chiều đăm đăm, trông khói núi lên trời/ Nên van Ngài làm mưa móc tuôn rơi/Và phủ sóng lên đời tôi nhật thực/…Cây hương bá buồn ủ ê từng phút/ Là hồn tôi đầy bóng tối âm u/ Lạy Chúa Trời, tôi bờ bụi hoang vu/ Sao, tan tác giữa ngàn mai rớt hột[28].
Có những câu thơ như đi giữa thực và hư. Những từ, những câu đọc lên như rời rạc không liên lạc luận lí với nhau, mỗi câu đi về một hướng, chẳng liên lạc với nhau trong một ý nghĩa liên tục: Đừng quên nhé, mượn nhành hương trầm quế/ Đường bạch dương xanh rợp những đồi sim/ Nơi địa đàng còn ríu rít tiếng chim/ Thơm ngát mùa về, mãn thiên hoa vũ/…Và khi ấy, hỡi bồ câu thiên sứ/ Gõ nhịp mà ca,trẩy hội cầu mưa/ Hạt xuống đồng, xanh mướt búp măng tơ/ Hạt lên dốc, đẫy đà cây muôn trượng[29].Phải chăng, để mô tả cuộc đời trôi nổi, Lê Đình Bảng đã viết những câu biểu lộ sự rời rạc về nghĩa như một tổng số những yếu tố khác biệt không ăn khớp với nhau. Cuộc đời phải chăng như những ngẫu nhiên, đơn biệt mà sự gần nhau chỉ có tính cách một sự ở bên cạnh?Người ta đi từ khoảnh khắc trước sang khoảnh khắc sau phải bằng một bước nhảy như ở giữa haikhoảnh khắc có một quãng trống, một hư vô vì không có gì tiếp nối chúng lại. Sự việc xảy ra, rồi một sự việc khác xảy ra, như thế đấy trong cuộc đời "tôi". Những ý tưởng "đứt đoạn" biểu lộ cuộc đời đó như một tình cờ ở đâu tới, chứ không phải người ta có thể đoán trước từ câu trên. Những vần thơ như đi giữa thực và hư, và cũng chẳng quan trọng là nó thực hay hư, miễn là nó miêu tả những gì diễn ra trong tâm trí. Có rất ít những câu thơ có thể nắm bắt nội dung đơn cử như: Đội ơn lòng Chúa bao dung/Đã gọi tôi giữa muôn trùng hư vô/Cầm bằng là chuyện trong mơ/Thật tình, tôi chẳng bao giờ hiểu ra/Bởi từ bụi cát sương sa/Bỗng dưng, tôi được làm hoa làm người[30]. Thật hiếm hoi những vần thơ bắt trúng nhịp đời trong một ý thức đảm nhận thân phận làm người, nhưng vẫn bao hàm sự trăn trở màtôi chẳng hiểu ra những bí ẩn trong cuộc đời "tôi".
Trong thế giới thơ Hành hươngdường như có những đoạn thơ không còn lằn ranh giữa tác giả, nhân vật trữ tình và độc giả nữa. Cả ba đã hòa làm một trong một quá trình suy tư, chiêm nghiệm cuộc đời. Con mắt thơ hướng về cuộc đời và tra vấn mình như những lát cắt tâm trạng chứ không tham vọnglối nhìn "toàn tri" như"thượng đế"[31]. Tên mỗi bài thơ dường như là một lát cắt tâm trạng, một mặt của đời sống, một nỗi ưu tư tình cờ trong vô vàn nỗi niềm ưu tư khác của cuộc đời.Những phận người nhỏ nhoi không ngừng nghỉ Xuất hành cuộc đời mình, làm những cuộc Hành hương tâm trạng ngay trên bước đường lữ hành nhân thế, tựa như Người hát rong trên đồng cỏ.Ngát trên lưng đồi,lòng hướng Về Canaanmiền đất hứa.Giữa bao la đất trời,lòng kẻ tin thầm thĩ những Lời trần tình trước hừng đông như Mộ khúc hay Tự tình khúc đời mình. Kẻ lữ hành kể những câu chuyện đời mình như Chuyện dòng sôngvới khúc hátCho tôi làm hạt muối,như Bài du ca của gã tuần phiên, Bên bờ giếng cũ.Nỗi muộn phiền củaLời kinh chiều Emmaushay niềm hoan hỉcủa Lời kinh chiều phục sinh, tất thảynhư tiếng thở than cất lên từ Lời buồn của đất mang dáng dấp những bài Khổ hạnh ca khẩn nàiXin trời mưa sương xuống, hay những bồi hồi tra hỏiSao Chúa vẫn yêu tôi?…
Đấy, cuộc hiện sinhlà tổng hòa những lát cắt tâm trạng, những khoảnh khắcvà đời xét cho cùng cũng chỉ như những ví dụ ít nhiều với tính chất bất kì. Nó như thế này mà cũng có thể như thế khác, không đảm bảo sự nhất định, như cái chong chóng xoay. Như cái tên của tôi có thể là Lê, là Đình, là Bảng hay X, Y, Q, P nào đó để rồi cũng chết và được đưa đến một nơi an nghỉ giấc ngàn thu ở địa chỉ X, Y, Z. Cuộc đời “nuôi dưỡng” và “giáo dục” con người bằng những ngọn roi, có thể lập thành mê lộ như một cơn mê sảng sốt. Điều còn lại, điều gắn kết tất thảyphải chăng là ý thức gẫm suy những câu chuyện đời mình trong một ý nguyện vươn chạm đến siêu việt?Những câu thơ của Hành hương hẳn không thể đọc một cách vội vàng hay đọc để nắm bắt ý tưởng nhưng thiết tưởng đọc với thái độ chiêm nghiệm cuộc đời: Một, hai, ba những vòm sao biền biệt/ Những đồi non xanh điệp điệp về đâu/ Những buổi chiều, lòng bằn bặt Emmaus/ Nhớ nhung gởi về phương nào xa tít?[32]. Hay những vần thơ khác: …Từ vực thẳm, tôi nhìn lên, xa quá/ Bóng mây che, che khuất cửa thiên đường/ Sao nhọc nhằn, che khuất những chiều sương/ Nghe gió thở ướt đầm rung ngực áo"[33].
Lối nhìn duy lí dường như không có khả năng xót thương con người như vậy, bởi duy lí chỉ công nhận một hoàn cảnh chung cho một lớp người nào đó, không có cái gọi là "hoàn cảnh giới hạn" của mỗi hiện sinh. Chủ trương của duy lí nhìn con người như một hệ thống khép kín không rạn vỡ. Tính cách mê lộ của đời sống theo duy lí cổ truyền là không có. Vì vậy, nó chỉ thấy con người trong tư thế đứng đó hoặc con người trong tư thế đi nhưng là đi trên con đường thẳng được vạch sẵn: tin hoặc không tin.Thế thôi. Duy líít chú ý đến con người trong tình trạng đi trong mê lộ vật vã để giữ lấy niềm tin hoặc vì niềm tin mà khắc khoải giữa đời. Chính vì vậy mà Gabriel Marcel nói: "Vũ trụ duy lí là một nỗi buồn không chịu được"[34]. Những vần thơ Hành hương đượm nét buồn nhưng không phải buồn theo kiểu của duy lí. Cái buồn củaHành hương là cái buồn vì ý thức mình cô đơn, trống trải, chơi vơi trong ý hướng đảm nhận thân phận của kẻ tin, là cái buồn tra vấn thân phận đi tìm sự hữu giữa cuộc đời dưới ánh mắt thượng đế. Trái lại, cái buồn của duy lí là cái buồn của tình trạng đóng khung, một chiều với những mối tương quan luận lí, ít nhiều bóc đi ý nghĩa một trần gian sinh động cho con người. Nó biến con người thành những vị khách bàng quan, ít lo lắng và thờ ơ trong kiến tạo. Trong thế giới của duy lí, chắc chắn chẳng thể dung chứa những Lời kinh chiều Emmaus, Lời kinh chiều phục sinh, Ngát trên lưng đồi, Người hát rong trên đồng cỏ,….với những vần thơ biền biệt cõi người: Một, hai, ba những vòm sao biền biệt/ Những đồi non xanh điệp điệp về đâu/ Những buổi chiều, lòng bằn bặt Emmaus/ Nhớ nhung gởi về phương nào xa tít?[35],...

Kết luận
Những vần thơ mang cảm hứng hiện sinh trong Hành hương của Lê Đình Bảng gợi cho độc giả những chiêm nghiệm trong hành trình tin của người tín hữu. Những vần thơ đượm buồn nhưng không đơn thuần là cảm xúc tâm lí, mà có lẽ là nỗi buồn "phân tâm học hiện sinh"[36] trong một ý thức về nỗi đau bản thể và lạc loài, lỡ nhịp giữa cuộc đời.Nếu như cảm giác trôi trong hư vô dưới góc nhìn củaAlbert Camus khi ông ta suy tư về hiện sinh vô thần, cho là đem lại cho cuộc sống hết tất cả giá trị của đời người, hư vô cứ kéo dài suốt một cuộc đời sẽ hoàn lại cho con người chiều kích hùng vĩ; thì Hành hương dưới góc nhìn hữu thần cảm nghiệm đời người như cát bụi nhưng là cát bụi được yêu thương, cõi hư vô của kẻ tin được Chúa ghé mắt nhìn. Kẻ vô thần đi đến cái chết mà không mong muốn được giải hòa, kẻ lưu đày có thể sống đến cùng trong mọi sự, sống đến cùng trong cảm nhận bi đát của bản thân. Kẻ tin của Lê Đình Bảng cũng cảm nghiệm thân phận lưu đày nhưng tin nhận có quê hương vĩnh cửu là đích đến của cuộc đày ải đó, cuộc lữ hành nhọc nhằn nhưng có hi vọng.
Thông điệp thơ của Lê Đình Bảngdường như không đề nghị giải pháp nào trong hành trình khắc khoải thân phận lữ hành. Tác phẩm chỉ trình bày những ngỡ ngàng, uẩn khúc như kẻ lần đầu tiên đi vào cuộc đời, mà cũng là lần đầu tiên thật vì có kẻ nào được sống cuộc đời hai lần? Phải chăng đó là "ý đồ" của Lê Đình Bảng khi ông chủ ý khai phá yếu tính của con người đã ý thức được hiện hữu mình với khả năng "tự qui": suy tư, tra vấn? - những vấn đề ít gặp trong dòng văn học Công giáo Việt Nam. Dưới góc nhìn hiện sinh, con người đi vào mê lộ cuộc đời trong mọi lối dấn thân dường nhưđều tiệm cận với vực thẳm cô đơn chơi vơi.Đó có thể là một lối mở cho cảm hứng văn học Công giáo với tính chất sinh động của kẻ tin mà Hành hương đã bước đầu chạm tới, dù những vấn đề về nghệ thuật có thể chưa bàn tới? Con người "mấy ngàn năm đã suy tư về ánh sáng, bao giờ tôi mới suy tư và tư tưởng về bóng tối? Bóng tối làm mạnh khỏe ý thức và đời sống của tất cả loài hoa dại. Bóng tối là máu của mặt trời mà mặt trời thiếu máu thì mặt trời không thể sáng"[37]. Suy tư về "bóng tối" trong tương quan khắc khoải với ánh sáng trên hành trình vươn tới siêu việt của kẻ tin liệu có thể trở thành một hệ mỹ cảm của văn học Công giáo hứa hẹn "mùa vàng"[38]?

Saigon 20/02/2021
Gió Biển, CMR

Tài liệu tham khảo
  1. Lê Đình Bảng (2010), Văn học Công giáo Việt Nam – những chặng đường, Nxb.Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
  2. Lê Đình Bảng (2011), Hành hương, tập thơ, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội.
  3. Trần Thái Đỉnh (2008), Triết học hiện sinh, Nxb.Văn học, Hà Nội.
  4. Karl Japers (1974), Triết học nhập môn, (Lê Tôn Nghiêm dịch và giới thiệu), Ca Dao xuất bản, Sài Gòn.
  5. Phạm Công Thiện (1967), Hố thẳm tư tưởng, An Tiêm xuấn bản, Sài Gòn.
  6. Bùi Công Thuấn (2020), Những mùa vàng văn học Công giáo Việt Nam, Nxb.Hội Nhà văn, Hà Nội.
  7. Nguyễn Văn Trung (2006), Ca tụng thân xác, Nxb.Văn nghệ, Sài Gòn.
 
[1]Dostoyevky
[2]Hoàng Xuân Việt, Danh ngôn từ điển, Nxb Khai trí, Sài Gòn, 1972, tr.115
[3]Hành hương, bài Lời kinh chiều Emmaus, tr.22
[4]Hành hương, bài Sao Chúa vẫn yêu tôi, tr.106
[5]Quan niệm của Karl Japers
[6]Hành hương, bài Lời kinh chiều Emmaus, tr.22
[7]Từ dùng của Karl Japers
[8]Hành hương, bàiLời kinh chiều phục sinh, tr.61
[9]Karl Japers, Triết học nhập môn, Lê Tôn Nghiêm giới thiệu, Cadao xuất bản, Lời tựa
[10]Hành hương, bài Giữa bao la trời đất, tr.100
[11]Từ dùng của Karl Japers
[12]Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb Văn học, tr.228-229
[13]Hành hương, bài Lời kinh chiều phục sinh, tr.61
[14]Hành hương, bài Mộ khúc 2, tr.126
[15]Hành hương, bài Lời kinh chiều Emmaus, tr.22
[16]Từ dùng của Jean Paul Sartre, triết gia hiện sinh vô thần
[17]Hành hương, bài Gởi người thiếu phụ chăn chiên, tr.124
[18]Hành hương, bài Gởi người thiếu phụ chăn chiên, tr.124
[19]Hành hương, bài Chuyện dòng sông, tr.66
[20]Karl Japers, Triết học nhập môn, Lê Tôn Nghiêm giới thiệu, Cadao xuất bản, Lời tựa
[21]Hành hương, bài Hồn tôi, tr.88
[22]Là "thế giới" hiện ra khác nhau trong cái nhìn của mỗi người
[23]"Hiện tượng luận" được các nhà triết học hiện sinh sử dụng như một phương pháp thể hiện triết lí
[24]Hành hương, bài Khổ hạnh ca, tr.46
[25]Từ dùng của Gabriel Marcel
[26]Đế quốc mà dân Israel – dân riêng của Chúa lưu đày đến
[27]Karl Japers, Triết học nhập môn, Lê Tôn Nghiêm giới thiệu, cadao xuất bản, tr.16
[28]Hành hương, bài Xin trời cho sương xuống, tr.41
[29]Hành hương, bài Xin trời mưa sương xuống, tr.44
[30]Hành hương, bài Chúa ở cùng tôi, tr.110
[31]Theo quan điểm "hiện tượng luận", chỉ có thượng đế mới có cái nhìn toàn tri, còn con người chỉ có những cái nhìn trắc diện tùy hoàn cảnh và tâm trạng.
[32]Hành hương, bài Về Canaan, tr. 98
[33]Hành hương, bài Lời kinh chiều Emmaus, tr.22
[34]Nguyễn Văn Trung (2006), Ca tụng thân xác, Nxb.Văn nghệ, Sài Gòn, tr.115
[35]Hành hương, bài Về Canaan, tr. 98
[36] Là nỗi buồn xuất phát từ bản thể chứ không phải do hoàn cảnh gây nên
[37] Phạm Công Thiện (1967), Hố thẳm tư tưởng, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn, tr.227
[38] Từ dùng của Bùi Công Thuấn, tác giả cuốn Những mùa vàng văn học Công giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Ý cầu nguyện

20220503t1000 pope prayer may 1527758

Chúc mừng & cầu nguyện

- Ngày 29.5.  Lễ Mẹ Giáo Hội
Bổn mạng: cộng đoàn Mai Linh, Châu Ninh, lớp Mẹ Giáo Hội
Giỗ chị Maria Hiếu (1998)

- Ngày 30.5.
 K.n Vĩnh thệ Lớp Xót Thương
 
* Kn.Tận hiến 
   Lớp Mẹ Giáo Hội, Lớp Khiết Trinh, c.VịnhLc 

 * Giỗ chị Maria Quyết (2005)
 - Ngày 31.5. Lễ Mẹ Thăm Víếng
 * Bổn mạng Lớp Thăm Viếng
  và cc. M.Nguyệt22, M.Bảo26 

 * Mừng Hiến Chương và Đổi Tên Dòng
 Kn. Thánh tẩy 
   cc.M.Thanh25, M.HươngSp 

 * Kn. Vĩnh Thệ 
   Lớp Mẫu Tâm, Lớp Phó Thác, c.KhánhLc 

 * Kn.Tận hiến
   Lớp Đồng Công, Lớp Phó Thác, c.KhánhLc 
 * Giỗ chị Maria Huỳnh (1982)

Videos

Audio

Hình ảnh

img 0186
Cầu nguyện cho chị Maria Nhàn (Chiên)
img 0417
Giỗ Tổ Trinh Vương Ngày 3.2.2023

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay7,123
  • Tháng hiện tại87,145
  • Tổng lượt truy cập5,470,452

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây