Tài liệu học hỏi- Đặc sủng của Đấng Sáng Lập

Thứ năm - 22/11/2018 09:41  2443

ĐẶC SỦNG CỦA ĐẤNG SÁNG LẬP



MỤC LỤC
Chữ viết tắt
Lời mở
I. ĐẤNG SÁNG LẬP
1. Trước công đồng Vatican II 
a. Vài nét lịch sử
b. Dựa trên khía cạnh thần học về Thần khí
2. Từ công đồng Vatican II
3. Đấng sáng lập là ai?
II. ĐẶC SỦNG CỦA ĐẤNG SÁNG LẬP
    A. Đặc sủng nói chung
        1. Đặc sủng là gì?
        2. Đặc sủng và thừa tác vụ
        3. Tiêu chuẩn để nhận ra đặc sủng đích thực
           a) Đức ái
           b. Thần khí luôn làm chứng cho Chúa Kitô
            c) Sự phục vụ
   B. Đặc sủng của đấng sáng lập
       1. Đặc Sủng của Đời Sống Thánh Hiến nói chung
       2. Đặc Sủng của Đấng Sáng Lập
            a. Giáo huấn của Giáo hội
            b. Tính cách của đặc sủng. Thần học về đặc sủng của đấng sáng lập theo một số nhà thần học đương thời
      3. Đặc sủng lập dòng (thành lập)
      4. Đặc Sủng (Đoàn Sủng) của Hội Dòng  
      5. Đặc sủng và Sứ mệnh (mission)
      6. Thẩm quyền của Hội thánh
      7. Làm thế nào để khám phá ra đặc sủng của ĐSL?
Tài liệu tham khảo
 
CHỮ VIẾT TẮT
1. Vatican II
AG      Sắc lệnh về Truyền giáo
CD      Sắc lệnh về Chức vụ Giám mục
LG       Hiến chế Tín lý về Hội thánh
PC       Sắc lệnh về việc Canh tân Dòng tu
2. Các Đức Giáo hoàng
a. Đức Phaolô VI
ET      Tông huấn Chứng tá Tin Mừng
b. Đức Gioan Phaolô II
CL            Tông huấn Christifideles Laici
RM     Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc
VC       Tông huấn về Đời sống Thánh hiến
3. Bộ Tu sĩ và Các Bộ khác
EE      Văn kiện Những Yếu tố Cốt yếu của Đời tu
MR     Văn kiện Mối Tương quan giữa các Giám mục với các Tu sĩ
SAFC  Huấn thị Xuất Phát Lại Từ Chúa Kitô.
 
LỜI MỞ
Đặc sủng là yếu tố chính tạo nên sự khác biệt giữa hội dòng này với hội dòng khác. Đặc sủng chính là sức sống, là nguồn mạch của mọi hoạt động tông đồ của mỗi hội dòng. Một hội dòng mà không sống theo đặc sủng của đấng sáng lập sẽ đánh mất đi căn tính của nó, và như một hệ qủa, mất đi phương hướng của nó. Chìa khóa cho sự phát triển của mỗi hội dòng là trung thành với đặc sủng của đấng sáng lập. Bởi  đó, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã kêu gọi các cộng đoàn tu trì phải trung thành với tinh thần, với những ý hướng Phúc âm và gương thánh thiện của đấng sáng lập. Chính ở đây mà các hội dòng tìm thấy nguồn gốc của họ (x. ET 11-12).
Người tu sĩ cần phải biết được căn tính ơn gọi của mình trong Giáo hội. Họ phải giữ gìn, đào sâu và sống với sự trung thành và lòng biết ơn đối với đặc sủng mà đấng sáng lập của họ đã nhận được và truyền lại cho họ. Muốn có đổi mới, chúng ta cần biết chúng ta là ai. Mỗi hội dòng phải ra sức giữ lấy căn tính của mình để khỏi rơi vào tình trạng mập mờ, không xác định được vị trí và nhiệm vụ của mình trong đời sống Giáo hội. 
 

I. ĐẤNG SÁNG LẬP 

1. Trước Công Đồng Vatican II
a. Vài Nét Lịch Sử
Từ thế kỷ XIV, khái niệm về đấng sáng lập đã trở nên rõ ràng hơn. Nó có nghĩa là một người khởi đầu một hội dòng mới và cho nó sức sống. Từ đó, hình ảnh về đấng sáng lập đã mặc lấy những hình thức khác nhau tùy theo thời gian, văn hóa, địa lý và bối cảnh xã hội.
Nhưng mãi tới gần giữa thế kỷ 20, Bộ Phụng Tự, rồi Bộ Tu Sĩ và một số tác giả mới nghiên cứu để đưa ra một định nghĩa về các đấng sáng lập. Qua đó, có hai yếu tố liên quan đến việc định nghĩa về đấng sáng lập sau đây:[1] 
- Đấng sáng lập là người thành lập một tu đoàn hay một hội dòng nào đó với một mục đích rõ ràng.
- Những qui tắc cai trị tu đoàn hay hội dòng đó.
Yếu tố thứ nhất thì đã rõ ràng, còn yếu tố thứ hai cần được làm rõ thêm. Một số tác giả cũng như một số văn kiện của Đức Giáo hoàng đã đề cập đến yếu tố thứ hai này. Chẳng hạn Đức Giáo hoàng Piô XI đã kêu gọi các tu sĩ hãy “noi gương đấng sáng lập, tổ phụ (Father) và đấng làm luật (lawgiver) của họ.”[2] Ngài coi đấng sáng lập là người đưa ra luật lệ cho dòng của mình.
Năm 1946, Dom Gerard Oesterle, osb, đã phân biệt ba trường hợp có thể được xem là đấng sáng lập:
1) Theo nghĩa chặt: đấng sáng lập là người tạo nên một cộng đoàn tu mới cùng với mục đích và luật lệ của nó. Đây là trường hợp của thánh Basil, thánh Benedict, thánh Francis, thánh Ignatius, v.v.
2) Theo nghĩa rộng hơn: đấng sáng lập là người đã lấy một bộ luật nào đó đã được phê chuẩn làm căn bản, rồi bổ túc nó theo hiến pháp riêng biệt của mình để lập nên một cộng đoàn tu trì mới. Cộng đoàn mới này có những định hướng và đặc tính riêng của nó. Đó là trường hợp của thánh Romuald, thánh John Gualbert, thánh Bruno. Những vị này đều lấy luật của thánh Benedict làm nền tảng.
3) Sau cùng, đấng sáng lập là người lấy ý tưởng từ một người khác và đưa ý tưởng đó vào trong thực tế. Đây là trường hợp của thánh Jane Frances Fremiot de Chantal, người đã lập nên dòng Thăm viếng, mặc dù ý tưởng ban đầu là của thánh Francis de Sales, người cũng đã viết luật cho dòng này.
Trong trường hợp của dòng Thăm viếng được đề cập ở trên, với cái nhìn ngày nay, thánh Jane Frances được xem như là đấng đồng sáng lập. Đấng sáng lập thực sự của dòng Thăm viếng là thánh Francis de Sales, vì ngài là người có ý tưởng ban đầu và chính ngài đã viết hiến pháp cho hội dòng này. Tuy nhiên, sự thực hiện ý tưởng của ngài và sự trải rộng của hội dòng đó chủ yếu là công việc của thánh Jane Frances.
Một trường hợp tương tự gần đây hơn là của Bl. Mazzarello. Ý tưởng về lập dòng Marie Auxiliatrice và viết hiến pháp cho dòng là của thánh John Bosco. Bởi đó, ngài được coi là đấng sáng lập. Nhưng Bl. Mazzarello là người đưa ý tưởng của thánh John Bosco trở thành hiện thực và mở rộng hội dòng đó. Do vậy,  Bl. Mazzarello được coi là đấng đồng sáng lập.[3]
Theo Cosma Sartori, ofm, một người nào đó có ý tưởng làm một công việc lớn lao như là giáo dục, bác ái,... và người ấy biết rằng mình không thể thực hiện được, nên đem ý tưởng đó chia sẻ với người khác và làm cho người này cháy lên lửa nhiệt tình và lòng say mê về ý tưởng đó. Nếu người này thực hiện được ý tưởng đó trong đời sống cộng đoàn, được cột bởi những lời khấn/hứa tu trì, người đó trở thành đấng sáng lập của hội dòng đó. Tất nhiên, người đó phải đưa ra những qui tắc ổn định, định rõ về cách sống và sự cai trị của hội dòng và được phê chuẩn của đấng bản quyền hợp pháp. Trong trường hợp này, người nhận được ý tưởng ban đầu không nghĩ rằng đó là sứ mệnh được ủy thác cho chính họ. Họ như là dụng cụ để biểu lộ ý muốn của Thiên Chúa cho người khác. Đấng sáng lập là người khám phá ra rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa mà mình phải thành lập một hội dòng mới.[4] 
Từ những sự trình bày ở trên, Bộ Tu Sĩ đã rút ra kết luận sau đây:
Đấng sáng lập là người tập họp cùng nhau một cộng đoàn những môn đệ của mình, bất kể nhiều hay ít, với một mục đích rõ ràng. Đấng sáng lập là người cho những môn đệ này một số luật lệ hay qui tắc, bằng cách viết ra hoặc bằng miệng, mà chúng vạch rõ mục đích họ tập họp cùng nhau, và những phương tiện để đạt được nó. Nếu đấng sáng lập lấy một bộ luật đã được phê chuẩn sẵn, tác giả của bộ luật đó trở thành tổ phụ của hội dòng đó. Bởi vậy, thánh Benedict là tổ phụ của tất cả các cộng đoàn đan tu mà cách sống căn bản của chúng dựa trên luật của thánh Benedict. Thánh Francis de Sales là tổ phụ của dòng Salesian Don Bosco, vì thánh John Bosco đã lấy cảm hứng từ những bài viết của ngài để viết ra luật, v.v.[5] 
Từ kết luận trên đây, đã có những cuộc bàn luận ở Bộ Tu sĩ nhằm đưa ra những chi tiết để làm sáng tỏ hơn:
Năm 1950, đấng sáng lập là người đã tạo nên một mục đích rõ ràng của một hội dòng. Một người không được xem như là đấng sáng lập nếu người ấy chỉ mang lại một sự cải tổ về các lãnh vực phụ so với ơn gọi nền tảng. Đấng sáng lập được Thiên Chúa kêu gọi đặc biệt và được Giáo hội công nhận. Đấng sáng lập được kêu gọi để sống một hình thức mới của sự hoàn hảo Phúc âm. Điều này được thể hiện trong đấng sáng lập đầu tiên ở phương đông, thánh Pachomius (293-345), và ở phương tây, thánh Benedict (470- 547).[6] 
b. Dựa Trên Khía Cạnh Thần Học Về Thần Khí
Năm 1791, Đức Piô VI đã viết rằng các đấng sáng lập không thể lập nên những hội dòng nếu không được Thiên Chúa linh hứng (inspiration).[7] Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên khẳng định vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc sáng lập các hội dòng. Từ đó, các Đức Giáo hoàng như Piô VII, Piô IX, Piô X, Piô XI và Piô XII đều nói đến ân sủng của Chúa Thánh Thần trợ giúp cho các đấng sáng lập để họ lập nên những cộng đoàn tu trì mới. Tuy nhiên, trước công đồng Vatican II, các văn kiện của Giáo hội không đề cập đến đặc sủng của đấng sáng lập. Một số Đức Giáo hoàng kể trên, khi nói về sự thành lập các hội dòng, chỉ qui chiếu cách chung đến hành động của Chúa Thánh Thần.[8] 
Những lời dạy trên đây của các Đức Giáo hoàng đã trở thành nguồn cảm hứng cho công đồng Vatican II, khi trình bày về đời sống thánh hiến qua chiều kích Thần khí duy nhất của nó trong lòng Giáo hội.  
2. Từ Công Đồng Vatican II  
Một trong những phục hồi vĩ đại nhất của công đồng Vatican II đối với vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội là vai trò của đặc sủng. Thời đại của Giáo hội ngày nay, trong cuộc hành trình về cánh chung và sự quang lâm của Chúa Kitô, là thời đại của Chúa Thánh Thần. Chỉ với công đồng Vatican II, sự tìm hiểu ý nghĩa đầy đủ và rõ ràng của đặc sủng mới bắt đầu được quan tâm đặc biệt.  
Công đồng cũng nhận thức sâu xa về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống thánh hiến cũng như chỗ đứng của đời sống này trong lòng Giáo hội. Công đồng đã phát triển nền thần học về đời sống thánh hiến một cách sâu xa hơn, coi nó như là “trung tâm hiện xuống của Giáo hội,” như là không gian cho sự tự do năng động và sáng tạo của Thần khí. Lumen Gentium và Perfectae Caritatis đã đào sâu về những chiều kích này.
Giữa những hướng dẫn cụ thể và rõ ràng của công đồng cho sự đổi mới về đời sống thánh hiến, là một sự kêu gọi khẩn thiết khám phá lại tinh thần và những mục đích của đấng sáng lập (x. PC 2b)
Sau công đồng, Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II và Bộ Tu Sĩ đã định nghĩa về con người của đấng sáng lập một cách rõ ràng theo chiều kích Thần khí. Đó là người đã được Chúa Thánh Thần linh hứng (inspiration), là người đã khám phá ra rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa để lập nên một cộng đoàn tu trì mới trong Giáo hội. Sự nhận thức về việc được kêu gọi bởi Thiên Chúa để tạo nên một cộng đoàn tu mới là một đặc tính bản chất của một đấng sáng lập. Ngài, qua kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần, được gọi bởi Thiên Chúa để tạo ra một sự bắt đầu mới và chính ngài cũng sống cuộc sống mới đó.    
Năm 1969, cuốn tự điển đầu tiên sau công đồng Vatican II đã viết về đấng sáng lập như sau:
Đấng sáng lập là người được Thiên Chúa ban cho một ân huệ đặc biệt để bắt đầu một lối sống tu trì ổn định, với luật lệ rõ ràng nhằm xây dựng một tinh thần sống những lời khuyên Phúc âm và được Giáo hội phê chuẩn (x. LG 45).[9]
Chúng ta có thể tóm lại những nét nền tảng của đấng sáng lập như sau:
Đấng sáng lập là người nhận được từ Thiên Chúa ý tưởng thành lập một hội dòng với những mục đích của nó và ra luật sống và cai trị.
Tuy nhiên, các đấng sáng lập không nhất thiết phải là người viết luật và hiến pháp. Họ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các môn đệ của họ như trường hợp của thánh Ignatius và thánh Anthony Mary Claret (trong khi chính thánh Benedict, thánh Augustine, thánh Francis đã viết luật cho các môn đệ của họ). Trong lịch sử đời sống thánh hiến, chúng ta thấy có những đấng sáng lập đã xây dựng trên luật có sẵn bởi những đấng sáng lập đã sống trước đó (như dựa trên luật của thánh Benedict, thánh Augustine, thánh Francis), nhưng sống luật này với một tầm nhìn mới được thích ứng trong hoàn cảnh hiện tại. Có đấng sáng lập là người đã lấy một bộ luật hiện hành nào đó làm nguồn cảm hứng chung cho hiến pháp, mà được viết với mục đích rõ ràng của một cộng đoàn tu mới. Tác giả của bộ luật đó trở thành tổ phụ của hội dòng đó. Chẳng hạn như nữ thánh Julie Fostel đã cho các chị em của mình hiến pháp của thánh Jean Baptiste de la Salle. Trong nhiều trường hợp đấng sáng lập là phụ nữ, đã nhờ một linh mục giúp soạn thảo hiến pháp. Nhưng vị linh mục đó luôn làm theo ý tưởng của đấng sáng lập. Cũng có trường hợp đấng sáng lập trao ban hiến pháp được viết bởi một vị thánh khác. Trong trường hợp này, đấng sáng lập được hợp nhất với người khác trong ơn gọi của Thiên Chúa để lập nên một cộng đoàn tu trì với những đặc tính đặc biệt này. Chúng ta cũng nên biết ở đây là tất cả những dòng được phê chuẩn trong suốt những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, đều nhận được hiến pháp căn bản từ Toà thánh, trừ một số phần nói lên tính cách riêng biệt của mỗi hội dòng.[10]  
Trong lịch sử đời sống thánh hiến, chúng ta thấy có đấng sáng lập là những người:
- Tạo ra một gia đình tu trì mới hoàn toàn như thánh Pachomius, thánh Benedict, thánh Francis, v.v.
- Cải tổ một điều gì đó đã có sẵn như thánh Romuald (951- 1027), một trong những đấng sáng lập lấy lại sự linh hứng ban đầu của thánh Benedict (470- 547).
- Được linh hứng từ những bộ luật đã được viết bởi những người khác, như bởi thánh Augustine và Francis. 
3. Đấng Sáng Lập Là Ai? 
Chúng ta có thề rút ra kết luận ở đây là đấng sáng lập là người được gọi, được linh hứng bởi Thiên Chúa, để tập họp các môn đệ thành một gia đình tu trì mới với mục đích thích hợp và đặc biệt, là người cho sức sống (một hình thức mới của đời sống theo những lời khuyên Phúc âm) đối với cộng đoàn mới này và là người đưa ra luật và hiến pháp cho nó.[11] Dĩ nhiên, phải được sự phê chuẩn của Giáo hội.
Qua đó, chúng ta có một số vấn đề cần làm sáng tỏ:[12] 
a) Đấng sáng lập có thể nhận được đặc sủng/linh hứng hoặc ý muốn của Thiên Chúa qua:
- Trực tiếp: chính họ được linh hứng (inspiration) bởi Thần Khí.
- Gián tiếp: một người khác giúp đấng sáng lập nhận thức và hiểu rõ sự linh hứng này để thành lập.  
- Chia sẻ: chia sẻ với người khác, và người này trở thành người đồng sáng lập.
Yếu tố quan trọng ở đây là, chính đấng sáng lập, chứ không phải ai khác, được Thiên Chúa kêu gọi cách trực tiếp hay gián tiếp để lập nên một cộng đoàn tu mới. Thật vậy, trước tất cả, Thiên Chúa kêu gọi một người, rồi dần dần, ơn gọi đó trở thành ơn gọi của cả cộng đoàn.
b) Sự linh hứng
Đấng sáng lập là người nhận được sự linh hứng ban đầu. Sự linh hứng này hướng dẫn đấng sáng lập để:
- đào tạo những môn đệ đầu tiên;
- đưa ra mục đích và phạm vi của hội dòng mới;
- hình thành một chương trình cho đời sống thiêng liêng, ít là trong cách chung;
- rút ra được luật và hiến pháp cho cộng đoàn mới này. 
c) Mục đích của hội dòng
 Đấng sáng lập là người quyết định mục đích của dòng. Mục đích thích hợp và đặc biệt không có nghĩa là độc nhất vô nhị. Nó thích hợp với hội dòng này, nhưng nó cũng có thể thích hợp với các dòng khác.
d) Việc ban hành luật và hiến pháp
Các đấng sáng lập không nhất thiết phải là người viết luật và hiến pháp. Họ không cần xác định tất cả các chi tiết của luật và hiến pháp, chỉ cần đưa ra những nét nền tảng là đủ. Các môn đệ của họ và những người khác có thể viết luật và hiến pháp dựa trên đời sống, lời nói và bút tích của họ. 
e) Đấng sáng lập là người khởi đầu hội dòng?
Thông thường, đấng sáng lập là người đầu tiên tổ chức một nhóm môn đệ để hình thành một cộng đoàn tu mới. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ:
Có nhiều đấng sáng lập cũng là thành viên của hội dòng, nhưng cũng có những người không phải là thành viên của hội dòng mà họ thành lập. Có nhiều đấng sáng lập nam lập nên các hội dòng nữ, nhưng cũng có một trường hợp đấng sáng lập nữ lập hội dòng cho nam. Hầu hết các đấng sáng lập trực tiếp lãnh đạo cộng đoàn họ thành lập, nhưng một số đấng sáng lập vì lý do này hay lý do khác (chẳng hạn được chọn làm giám mục) đã trao việc điều hành thường xuyên cho người khác. Tuy nhiên, họ vẫn thường xuyên can thiệp vào trong tiến trình hình thành hội dòng đó.[13] 
Trường hợp của nữ thánh Soledad Torres Acosta và dòng Các Nữ Tì của Đức Maria. Vị thánh là người sau cùng trong số 7 phụ nữ trẻ đựơc một linh mục chọn để bắt đầu một hội dòng. Năm năm sau đó, vị linh mục dời đi Phi Châu cùng với một số chị em đầu tiên. Thánh Soledad ở lại Madrid để hướng dẫn số người còn lại. Dần dần cộng đoàn bắt đầu hình thành quanh ngài và hấp thụ tinh thần và sự cai trị của ngài. Do đó, không chỉ Các Nữ Tì của Đức Maria, mà cả Toà thánh, cũng nhìn nhận ngài như là đấng sáng lập của hội dòng.
Toà thánh cũng đã nhìn nhận thánh Anthony Mary Claret là đấng sáng lập. Ngài có ý tưởng lập dòng, nhưng ngài đã không thể thực hiện được, mà mãi hầu như một thế kỷ sau đó tu hội Daughters of the Heart of Mary của ngài mới bắt đầu.
Có ít nhất một trường hợp mà đặc sủng sáng lập được ban cho một nhóm người. Đó là trường hợp 7 đấng sáng lập của dòng Servite. Trường hợp của dòng Carmelite thì không có nguồn gốc rõ ràng, bởi họ không biết ai là đấng sáng lập của họ (hoặc có lẽ giống như dòng Servite, dòng được thành lập bởi một nhóm người ẩn tu đầu tiên). Bởi vì dòng được thành lập đầu tiên tại Carmel, nơi mà xưa kia ngôn sứ Elijah hoạt động, dòng đã đổi mới truyền thống ẩn tu cổ xưa mà coi vị ngôn sứ này như là người của Thiên Chúa đã thiết lập lối sống này. 
Trường hợp của thánh Augustine và dòng Augustine. Vị thánh đã qui tụ những nhóm người khác nhau, trước tiên là nhóm giáo dân, rồi nhóm linh mục và ban cho họ luật của mình. Nhưng dòng Augustine chỉ xuất hiện nhiều thế kỷ sau đó, khi một nhóm mới, dưới môi trường hoàn toàn khác, đã áp dụng luật và tinh thần của ngài. Vì vậy, ngài là tổ phụ, đấng sáng lập của họ.
Sau cùng, chúng ta có thể xem xét trường hợp của dòng Tiểu Đệ và Tiểu Muội. Hai dòng được thành lập bởi linh mục Rene Voillaume năm 1933, và chị Magdalen of Jesus năm 1939. Cha Voillaume đã coi Charles de Foucauld (1858-1916) như là tổ phụ (father) của họ. Cả hai dòng được thành lập dưới sự soi sáng của linh đạo của de Foucauld, nghĩa là theo linh đạo của Charles de Foucauld.
f) “Bộ đôi” sáng lập[14]
Vì trước đây, người phụ nữ có địa vị thấp trong xã hội, các hội dòng nữ đã chọn vị sáng lập của họ là nam. Trong lịch sử, chúng ta thấy có nhiều trường hợp bên nam đã soạn luật cho bên nữ như hai thánh nam Caesarius of Arles và Leander of Seville. Ngoài ra, nhiều dòng nữ đã theo những bộ luật được viết bởi phái nam và dành riêng cho nam, và áp dụng chúng theo phái tính của mình. Đây là trường hợp của các dòng nữ Augustine, Benedictine. Thánh Francis of Assisi đã viết luật ngắn gọn cho dòng nữ Poor Clares.[15] Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy được tính cách mạnh mẽ của những nữ tu trong các trường hợp kể trên. Họ không hoàn toàn phụ thuộc vào phái nam, nhưng đã biết áp dụng luật một cách linh động, phù hợp với tính cách của phái nữ. Họ đã thực sự bắt đầu và lãnh đạo những chi nhánh nữ có nguồn gốc từ các hội dòng nam đó. Trong trường hợp của thánh Francis, chúng ta thấy được hình ảnh “mạnh mẽ” nơi thánh nữ Clara. Họ đã biết nhập thể những lý tưởng của các đấng sáng lập nam vào trong cuộc sống của chính họ.
Chúng ta phải đợi tới công đồng Trentô mới thấy được sự tự lực cánh sinh của phái nữ: thánh nữ Angela Merici (1470-1540) đã tự lập nên hội dòng của chính mình. Thậm chí thánh Teresa of Avila đã hướng dẫn một nhóm nam tu cũng như nhóm nữ tu của ngài; thánh Birgitta là viện mẫu của dòng Birgittin, gồm cả tu viện nữ (60 nữ tu) và tu viện nam (25 đan tu: 13 linh mục, 4 phó tế và 8 trợ sĩ).[16] Ngoài ra còn phải kể đến thánh nữ Maria Micaela của dòng Blessed Sacrament và thánh nữ Rafaela Maria của dòng Sacred Heart. Mặc dù họ nhận được sự cố vấn và hướng dẫn từ người nam.  
Từ thế kỷ 17, chúng ta lại thấy những “bộ đôi” nam nữ sáng lập như trong trường hợp các dòng đan tu và Poor Clares trước đó: thánh Francis de Sales và thánh Jane de Chantal; thánh Vincent de Paul và thánh Louise de Marillac; thánh Anthony Claret và nữ tì của Chúa, Antonia Paris; thánh John Bosco và thánh Maria Mazzarello; v.v. Hầu hết những dòng nữ xuất hiện giữa thế kỷ 17 và 19 có bộ đôi sáng lập từ lúc bắt đầu của chúng.
Hiện tượng này được lập lại nhiều lần vì: 
- Trong một số trường hợp, một phụ nữ thánh thiện cảm thấy đồng cảm hoàn toàn với mục đích tinh thần và nhân cách của một người đàn ông thánh thiện, đến nỗi mà một sự hòa hợp về tinh thần đã được thiết lập giữa họ. Mẹ Antonia Paris cảm thấy được Thiên Chúa kêu gọi để lập nên một dòng nữ, nhưng đồng thời, qua ánh sáng huyền nhiệm nhận được khi cầu nguyện, mẹ hiểu rằng thánh Anthony Mary Claret, người mà mẹ chưa từng gặp (mặc dù mẹ đã biết ngài là một nhà truyền giáo danh tiếng), phải là người cùng lập dòng với mẹ. 
- Trong những trường hợp khác, ý tưởng lập dòng nảy sinh nhờ các mối quan hệ giữa một phụ nữ và cha giải tội hoặc vị linh hướng của mình. Vì thế, thật khó để mà xác định ai là người có ý tưởng trước. Sứ mệnh và tinh thần của hội dòng mới này lớn lên nhờ cả hai họ. Trong trường hợp này, cả hai đều là đấng sáng lập. 
- Cũng có những trường hợp một người nam hiến thân cho công việc mục vụ, chẳng hạn một giám mục hoặc một linh mục, có ý tưởng thành lập một hội dòng với một sứ mệnh mà người ấy cảm thấy cần thiết. Nhưng vì sứ mệnh này thuộc về phái nữ, nên người ấy đã qui tụ một nhóm phụ nữ để thực hiện sứ mệnh đó.
- Sau cùng, trong nhiều trường hợp, một phụ nữ cảm thấy được Thiên Chúa kêu gọi để thành lập một dòng nữ, nhưng vì phụ nữ không có vị trí cao trong xã hội, người này không thể thực hiện được lý tưởng của mình nếu không có sự ủng hộ của một người nam, thường là một giám mục giáo phận hay vị linh hướng. Trong trường hợp này, chỉ một bên là đấng sáng lập còn bên kia là đồng sáng lập.
g) Làm thế nào để xác định ra ai là đấng sáng lập?
Có nhiều hội dòng chưa xác định được ai là đấng sáng lập của họ và Tòa thánh cũng chưa giải quyết được vấn đề của họ. Đây là vấn đề mà toàn thể hội dòng mới có thể giải quyết được qua tổng hội của nó, sau khi đã điều tra nghiên cứu lịch sử hội dòng một cách nghiêm túc. Họ cần trả lời cho câu hỏi sau:
Ai đã nhận được ý tưởng lập dòng ban đầu?
Các nhà thần học đều đồng ý rằng các đấng sáng lập là người được Thiên Chúa lay động và được Chúa Thánh Thần linh hứng (inspiration). Họ được linh hứng cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc qua chia sẻ với người khác. Họ là những dụng cụ hành động của Thiên Chúa, đem sức sống đến cho công việc mà tác giả thực sự luôn là Thiên Chúa. Họ được kéo gần đến Thiên Chúa trong sự liên kết mật thiệt với Ngài và dần dần được chuẩn bị bởi ân sủng cho một sứ mệnh đặc biệt trong Giáo hội. Chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ nhập thể mầu nhiệm và tình yêu của Thiên Chúa giữa các môn đệ của họ. Họ nhận được đặc sủng và biểu lộ nó trong đời sống cụ thể của họ và họ truyền lại cũng cùng một đặc sủng ấy cho những môn đệ của họ. Những môn đệ này, mỗi người trong cách riêng của mình, rút ra và chia sẻ trong đời sống cùng một ân huệ đó.[17] 
Chúa Thánh Thần thúc đẩy (inspiration) các đấng sáng lập và ban cho họ đặc sủng thành lập. Ngài ban sức sống cho tất cả các hoạt động của họ và hướng dẫn họ dọc theo những con đường không được mong đợi và đầy chông gai. Ngài hướng dẫn họ để lập nên một hình thức mới của đời sống Kitô hữu. Ngài nung nấu họ trong ngọn lửa nhiệt tình về vai trò ngôn sứ của họ trong Giáo hội và trong thế giới. Ngài di chuyển họ tới tất cả những biên giới của đời sống Giáo hội, làm cho họ trở thành những người tiên phong của Ngài trong lịch sử, giữ họ tiến về phía trước.  
Các đấng sáng lập dần dần nhận thức rằng họ được gọi bởi Thiên Chúa để lập nên một hội dòng mới trong Giáo hội. Sự soi sáng đến với họ qua cầu nguyện, nguyện gẫm, đối thoại với người khác, sự hướng dẫn của người khác, v.v. Dĩ nhiên, trong tiến trình này, ân sủng của Thần khí lôi kéo sự chú ý của họ đến những nhu cầu của Giáo hội và thôi thúc họ hiến thân phục vụ như một dụng cụ trong tay Thiên Chúa. 
Lịch sử đời sống thánh hiến đã chỉ ra rằng các đấng sáng lập thường trải qua một tiến trình dài trước khi quyết định lập nên hội dòng của họ, và thậm chí một tiến trình dài hơn để xác định tất cả những nét căn bản của những hội dòng đó. Thiên Chúa chuẩn bị và giáo dục các đấng sáng lập, khắc sâu dần dần vào trong trái tim họ ý tưởng về hội dòng tương lai, giúp họ khám phá ra trong đời sống của họ những gì mà họ sẽ đề xuất cho người khác sau này. Thật vậy, các đấng sáng lập dần dần khám phá ra ơn gọi của họ và những hội dòng thường được hình thành một cách từ từ, và trong một số trường hợp, chúng được bắt đầu bởi một kinh nghiệm về một loại hiệp hội không rõ ràng nào đó. Thánh Anthony Claret đã trải qua một quá trình dài, bắt đầu từ giai đoạn hoạt động cá nhân (1839), rồi qui tụ một nhóm những bạn bè (1842), đến việc lập một hội dòng (1849). Catherine McAuley bắt đầu với nhà tình thương (1827), rồi thành lập một hiệp hội những người giáo dân (1827) và kết thúc bằng việc lập nên một hội dòng nữ (1830). Thánh Paul thánh giá đã thú nhận rằng tôi không biêt Thiên Chúa muốn gì nơi tôi, vì vậy tôi đã không nghĩ về nó xa hơn.[18]  

II. ĐẶC SỦNG CỦA ĐẤNG SÁNG LẬP

A. Đặc Sủng Nói Chung 
1. Đặc Sủng Là Gì?
Trong Cựu ước, các vua, thẩm phán, ngôn sứ đều nhận được sự trợ giúp của Thần khí để thi hành công việc của họ. Họ hoàn thành sứ mệnh Thiên Chúa trao ban trong quyền năng của Thánh Thần. Chúng ta có thể tìm thấy hoạt động của Thần khí trong St 41, 38-39; Đn 4, 15; Is 32, 15; 44, 3; ngôn sứ: Đnl 18, 15-19; Ds 11, 24-25; 1Sm 19, 20tt; Am 3, 8; Gr 20, 7-19; quyền năng và sự khôn ngoan: Tl 6, 33-35; 11, 28-29; 13, 24-25; 1V 5, 9-10; Isaia nói về đặc sủng của đấng Mê-si-a: 11, 1-2; 42, 1; 61, 1-3 và Ge 3, 12; những ân huệ được hứa ban cho thời đại của đấng Mê-si-a: Đnl 28, 49; Is 28, 11tt; Ge 3, 1.
Trong Tân ước, từ đặc sủng (charism)[19] được tìm thấy 17 lần: 16 lần trong các thư của thánh Phaolô (Rm 1, 11; 5, 15.16; 6, 23; 11, 29; 12, 6; 1Cor 1,7; 7,7; 12, 4.9.28.30.31; 2Cor 1, 11; 1Tm 4, 14; 2Tm 1, 6) và 1 lần trong 1Pr 4, 10.
Đặc sủng được coi là ân huệ mà Thần Khí ban cho mỗi người vì lợi ích chung. Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người (x. 1Cor 12, 4-7. 11; LG 12).  
Mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác. Ngài phân chia cho mỗi người mỗi cách tùy theo ý của Ngài. Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất (x. 1Cor 12, 13. 18). “Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung.” (1Cor 12, 24- 26)
Đặc sủng cho phép mỗi người hoà nhập vào toàn thể, cộng tác hài hòa vào đời sống Giáo hội. Được ban cho mỗi người vì lợi ích chung hơn là lợi ích cá nhân, và được phân chia cho mỗi người mỗi cách tùy theo ý của Thần khí, nên đặc sủng có thể mất đi mà không phương hại đến toàn bộ Giáo hội. Một đặc sủng là một công việc của Thần khí để định hướng người tin hướng về ơn cứu độ trong Chúa Kitô, nên không ai có thể kích động hay ép buộc nó. Mặc dù thánh Phaolô đã qui những đặc sủng một cách đặc biệt cho Thần khí, nhưng đặc sủng cũng xuất phát từ tình thương bao la của Chúa Cha và Chúa Con (x. 1Cor 12, 4-6; 12, 28; Ep 4, 11). 
Thiên Chúa muốn ban phát các đặc sủng cho mỗi người để phát triển đời sống nội tâm và cộng đoàn (x. 2Pr 1, 3-4; 1Pr 4, 10). Ơn của Thần Khí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Kitô hữu, bởi vì “không ai có thể nói Chúa Giêsu là Chúa mà không ở trong Thần Khí” (1Cor 12:3).  
2. Đặc Sủng và Thừa Tác Vụ
Đặc sủng thường gắn liền với chức vụ, thừa tác vụ hoặc với hoạt động.
Thánh Phaolô đã liệt kê ra 20 đặc sủng khác nhau:
- “Người thì được ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.” (1Cor 12, 8-10)
-“Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ.” (1Cor 12, 28)
-“Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm.” (Rm 12, 6-8)
-“Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ.” (Ep 4, 11)
Một người nắm giữ một chức vụ nào đó có thể nhận được một hoặc nhiều đặc sủng và một người nhận được nhiều đặc sủng có thể thi hành một hoặc nhiều tác vụ. Thánh Phaolô đã nhận mình là tiên tri, thầy dậy  và là người nói các tiếng lạ (x. 1Cor 14, 6. 18). Như vậy, đặc sủng có thể linh động việc thực hành các chức vụ chính thức trong Hội thánh. Các tác vụ trong Hội thánh được trao phó từ Chúa Kitô; các đặc sủng đến từ Thần khí, Đấng được Chúa Kitô sai đến để hoạt động trong lòng mỗi người. Do đó, đặc sủng và tác vụ bổ túc cho nhau.
Đặc sủng cũng có nghĩa là một ơn gọi đối với một bậc sống nào đó của Kitô hữu, như là độc thân hoặc hôn nhân (x.1Cor 7, 7-9).
Theo nguồn gốc, một đặc sủng không phải là một thừa tác vụ hay một hoạt động; đúng ra, nó là một ân sủng mà Chúa Thánh Thần làm cho một người hướng đến một tác vụ nào đó. Nhưng dần dần, các đặc sủng chỉ được biết đến qua các hoạt động, nên chúng được đồng hóa với các hoạt động. Từ đó, các đặc sủng lại được gắn với những chức vụ trong Giáo hội (x. Ep 4, 11) và có khunh hướng đồng hóa với một ơn gọi (x. 1Cor 7, 7-9).[20]
Đặc sủng được ban cho cá nhân, nhưng là để phục vụ cộng đoàn, Thân Thể Chúa Kitô. Thánh Phêrô cũng nhấn mạnh đến điều này khi ngài nói: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban. Như thế, trong mọi việc, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhờ Chúa Giê-su Ki-tô. Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men.” (1Pr 4, 10-11)
Thật vậy, đặc sủng được ban là để phục vụ Lời Chúa (x. Cv 6, 4) và để xây dựng Giáo hội, Thân Thể Chúa Kitô (x. Ep 4, 12. 26; Gl 4, 7, 11-12; 1Cr 14, 12; 12, 7). Các đặc sủng được sắp đặt để xây dựng Hội thánh, sinh ích cho con người và thỏa mãn những nhu cầu của trần thế (x. CL 24).
“Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.” (1Tx 5, 19-22)
Khi giảng dạy hoặc dạy giáo lý, chúng ta thường chú trọng đến Giáo hội như là một tổ chức, nhưng Giáo hội cũng là Giáo hội của Thần khí. Chính Thần khí làm cho Giáo hội sinh động. Giáo hội như một toàn khối liên kết với nhau và sống động nhờ các đặc sủng. 
3. Tiêu Chuẩn Để Nhận Ra Đặc Sủng Đích Thực 
a) Đức Ái 
Đặc sủng không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra. Để nhận biết một đặc sủng có phải phát xuất từ Thần Khí hay không, chúng ta cần xem xét những lời của thánh Phaolô:
“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.” (1Cor 13, 1-2)
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cor 13, 4-7)
“Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ghanh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Chúng ta có thể thấy được hoa quả của Thần Khí qua bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ.” (Gl 5, 19-23)  
b. Thần Khí Luôn Làm Chứng Cho Chúa Kitô  
Chứng thực của Thần khí là luôn luôn làm chứng cho Chúa Kitô: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga 14, 26) “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.” (Ga 16, 13-15) “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần khí của Thiên Chúa: Thần khí nào tuyên xưng Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì Thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Chúa Giê-su, thì không bởi Thiên Chúa.” (1Ga 4, 2-3)
Các tông đồ cũng được tràn đầy Thánh Thần và quyền năng để làm chứng cho Chúa Kitô (x. Cv 1, 8; 2, 1-41).
Hành động của Thần khí không bao giờ xung đột với giáo huấn đích thực của Hội thánh, Thân Thể Chúa Kitô, vì cũng một Thần khí đổ ân sủng của Ngài xuống cho các tín hữu và hướng dẫn quyền giáo huấn của Hội thánh.
c) Sự Phục Vụ
 Các đặc sủng được ban là vì công ích, vì sự hiệp thông và sứ mạng của Giáo hội. Do đó, đặc sủng luôn hướng đến phục vụ cộng đoàn, một sự phục vụ quên mình và vô vị lợi.[21]
 B. Đặc Sủng Của Đấng Sáng Lập  
1. Đặc Sủng của Đời Sống Thánh Hiến Nói Chung
Trước công đồng Vatican II, ý tưởng về đặc sủng của đời sống thánh hiến chưa được biết đến. Từ công đồng, theo Lumen Gentium, đời sống thánh hiến được xem như không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Hội thánh, nhưng thuộc về cơ cấu đặc sủng hay cơ cấu Thần khí. Đời sống thánh hiến là một ân huệ của Chúa Thánh Thần, Ngài khơi dậy nơi các tín hữu lòng khao khát nên trọn lành, bước theo Chúa Kitô qua việc sống các lời khuyên Phúc âm cách triệt để (x. LG 43; PC 1). Điều này cắt nghĩa tại sao đời tu gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Hội thánh. Vì Hội thánh lãnh nhận các lời khuyên Phúc âm từ Chúa Kitô. Hội thánh có bổn phận duy trì và truyền lại cho mọi thế hệ không những lời giảng của Chúa Kitô, mà còn đời sống và hoạt động của Ngài nữa. Như vậy, việc họa lại đời sống Chúa Kitô qua các lời khuyên Phúc âm nằm trong chính bản chất của Hội thánh (x. LG 43, 44; Can 575).
Đặc sủng được ban cho các Kitô hữu qua cơ chế phẩm trật và nhiệm tích, nhưng cũng được ban không qua các cơ chế này, mà qua các dòng tu, nhằm phục vụ lợi ích của Hội thánh. Công đồng qui chiếu vào các bản văn của thánh Phaolô và Phêrô nói về đặc sủng, để trình bày đặc sủng của đời sống thánh hiến. Nếu đặc sủng là một ơn gọi đối với một bậc sống nào đó của Kitô hữu như là độc thân hoặc hôn nhân (x.1Cor 7, 7-9), hoặc được đồng hóa với một thừa tác vụ trong Giáo hội (x. 1Cor 12; Rm 12; Ep 4), thì công đồng cũng gọi các lời khuyên Phúc âm là những đặc sủng (x. LG 12, 13, 42, 43; PC 12). Công đồng cũng nói lên tính cách đa dạng của các hội dòng tùy theo đặc tính riêng của chúng (x. PC 1, 7, 8, 9, 10, 11). Tuy nhiên công đồng không đưa ra một định nghĩa hay giải thích một cách đầy đủ đặc sủng của đời sống thánh hiến.
Đặc sủng của đời sống thánh hiến không đến từ sự thúc đẩy của huyết nhục hoặc từ một não trạng hòa theo thế gian hiện tại, nhưng là hoa qủa của Thần khí luôn hoạt động trong Hội thánh (x. ET 11). “Mỗi dòng, qua sự  cộng tác của đấng sáng lập, đã đem lại một ơn gọi đặc biệt, như một ân huệ do Chúa Thánh Thần khơi dậy (x. LG 45; PC 1, 2) và được hàng giáo phẩm chính thức công nhận.” (MR 11)
Nói chung, đời sống thánh hiến chính nó là một đặc sủng. Đó là một ân huệ đặc biệt được ban cho toàn thể Giáo hội (x. LG 43; ET 2, 11; MR 2, 11). Đời thánh hiến, bám rễ sâu trong gương mẫu và lời dạy của Chúa Kitô, là một ân huệ của Chúa Cha ban cho Giáo hội qua Chúa Thánh Thần. Thật vậy, các lời khuyên Phúc âm biểu lộ tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần (x. VC 1, 20, 21).
2. Đặc Sủng của Đấng Sáng Lập 
 a. Giáo Huấn của Giáo hội  
Để đổi mới đời sống thánh hiến, Vatican II đã kêu gọi mỗi hội dòng phải khám phá lại tinh thần và mục đích của đấng sáng lập (x. PC 2b). Sự đổi mới của mỗi hội dòng phải dựa trên nền tảng của chính nó, i.e., phải luôn luôn xuất phát từ căn tính nguyên thủy của chính nó. Bởi đó, các hội dòng cần trở về với Tin Mừng, với tinh thần của đấng sáng lập và thích ứng vào trong hiện tại.
Công đồng Vatican II không sử dụng cụm từ “đặc sủng của đấng sáng lập.” Đức Phaolô VI là vị Giáo hoàng đầu tiên nói đến vấn đề này. Ngài đã qui chiếu về công đồng và sử dựng từ đặc sủng để nói về những ân sủng khác nhau của các đấng sáng lập: “Chỉ như thế, các con mới có thề nâng tâm hồn lên để đón nhận chân lý và tình yêu của Thiên Chúa theo các đặc sủng của các đấng sáng lập của chúng con, mà Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội. Công đồng đã dạy rằng các tu sĩ phải duy trì một cách trung thành tinh thần của các đấng sáng lập, lối sống Tin mừng và gương thánh thiện của họ. Các tu sĩ phải nhận ra nơi đây một trong những nền tảng cho sự canh tân hiện nay và một trong những tiêu chuẩn chắc chắn nhất cho sự quyết định về loại  hoạt động của mỗi hội dòng.” (ET 11) Ngài chỉ ra rằng mỗi cá nhân của mỗi hội dòng được định hình bởi những tính cách đặc biệt về tinh thần và đặc sủng của đấng sáng lập. Mỗi hội dòng phải qui chiếu về với những nguồn gốc này trước khi nó có thể đem lại một sự canh tân đích thực và trung thành.[22] 
Các hội dòng chỉ có thể trung thành với đặc sủng nguồn gốc khi họ biết thế nào để đọc được những dấu chỉ của thời đại và biết thế nào để đáp ứng lại những nhu cầu của Giáo hội và xã hội trong thời hiện tại. Họ chỉ có thể làm sống động lại đời sống thánh hiến qua sự trung thành sáng tạo với đặc sủng của chính hội dòng họ, với tinh thần của đấng sáng lập và với nhu cầu mới của Giáo hội.
Đức Gioan Phaolô II đã nối tiếp công đồng và giáo huấn của Đức Phaolô VI. Ngài nhiều lần nhắc nhở các tu sĩ phải trung thành với đặc sủng của đấng sáng lập. Ngài nhấn mạnh đến nhu cầu kính trọng những đặc sủng khác nhau của các hội dòng. Trên tất cả, ngài tái khẳng định sự hiện diện của những đặc sủng khác nhau này tại chính nguồn gốc của mỗi hội dòng: “Mỗi đấng sáng lập của các con, dưới sự linh hứng của Thần khí mà Chúa Kitô đã hứa ban cho Giáo hội, đã nhận được một ân huệ đặc biệt. Đấng sáng lập là một dụng cụ đặc biệt của Chúa Kitô cho công cuộc cứu độ của Ngài, nó sống mãi trong lịch sử nhân loại. Giáo hội đã dần dần nhận ra những đặc sủng này, xem xét chúng và khi Giáo hội thấy chúng xác thực, đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và gìn giữ chúng trong đời sống cộng đoàn để cho chúng luôn đơm bông kết trái.”[23]Trong Tông huấn về Đời sống thánh hiến, ngài căn dặn các hội dòng phải trung thành với những đặc sủng này và sau đó trung thành với gia sản thiêng liêng được tạo lập nên trong mỗi hội dòng. Họ phải duy trì chúng trong những cộng đoàn mà chúng đã lập nên. Đặc sủng phải xây dựng nguyên tắc sống của mỗi hội dòng tại bất cứ thời điểm nào (x. VC 36, 37). “Mọi đặc sủng đều bao hàm ba định hướng: trước tiên, hướng về Chúa Cha, với lòng con thảo muốn tìm kiếm thánh ý Cha trong sự hoán cải liên tục, nơi mà sự vâng phục là nguồn mạch tự do đích thực, sự khiết tịnh biểu lộ niềm thao thức của một con tim không thể thỏa mãn bởi bất cứ tình yêu hữu hạn nào, sự khó nghèo nuôi dưỡng lòng đói khát công chính mà Thiên Chúa đã hứa ban cho thỏa lòng (x. Mt 5, 6). Trong viễn tượng này, đặc sủng của bất cứ hội dòng nào cũng thôi thúc người được thánh hiến thuộc trọn về Chúa… Các đặc sủng của đời sống thánh hiến cũng hướng về Chúa Con: các đặc sủng mời gọi duy trì một sự hiệp thông với Ngài trong đời sống thân mật vui tươi, noi gương Ngài quảng đại phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em… Sau cùng, bất cứ đặc sủng nào cũng hướng về Chúa Thánh Thần, vì mọi đặc sủng đều mời gọi con người hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và nâng đỡ trên con đường thiêng liêng riêng biệt, cũng như trong đời sống hiệp thông và hoạt động tông đồ… Thật vậy, chính trong mối tương quan ba chiều này mà những đặc sủng sáng lập dòng xuất hiện, dù dưới những nét riêng biệt của các hình thức sống khác nhau, bởi vì đặc sủng nào cũng nổi bật niềm khát vọng sâu xa của tâm hồn muốn được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, để làm chứng về một khía cạnh nào đó thuộc mầu nhiệm của Ngài. Khía cạnh đó được cụ thể hóa và phát triển trong truyền thống trung thực nhất của hội dòng, phù hợp với quy luật và hiến pháp.” (VC 36) Cũng trong tông huấn này, Đức Giáo hoàng đã nhiều lần sử dụng từ đặc sủng để nói về những chiều kích khác nhau của đời sống thánh hiến, đặc biệt là để nói lên tính đặc thù của mỗi hội dòng (x. VC 1, 5, 19, 25, 32, 36, 37, 48, 63, 65, 68, 72, 71, 73, 74, 80, 93). Lời dạy của ngài đã in dấu ấn trong nhiều văn kiện khác của Giáo hội.     
Văn kiện của Bộ Tu sĩ và Bộ Giám mục đã nói về đặc sủng của đấng sáng lập như sau:
“Đặc sủng của các Đấng sáng lập biểu lộ như là một kinh nghiệm[24] về Thần Khí, được truyền lại cho các môn đệ của họ để sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển trong sự hài hòa với Thân Thể Chúa Kitô đang không ngừng lớn lên.” (MR 11) Vì lý do này mà đặc tính của mỗi hội dòng khác nhau được Giáo hội bảo tồn và nuôi dưỡng (x. LG 44; CD 33, 35).
Qua đoạn văn trên, từ đặc sủng đã được sử dụng để giải thích về căn tính của những hội dòng khác nhau trong Giáo hội. Nó cũng bao gồm một kiểu linh đạo và hoạt động tông đồ mà nhờ đó, tạo nên truyền thống đặc biệt của mỗi hội dòng.[25] Mọi hội dòng được sinh ra từ Thần khí. Đây chính là nguồn gốc của mỗi hội dòng.[26] Tìm lại đặc sủng chính là tìm lại căn tính của mình.[27]Mỗi đấng sáng lập tìm ra một cách mới để sống những lời khuyên Phúc âm. Đấng sáng lập được Thiên Chúa kêu gọi để diễn tả mầu nhiệm Chúa Kitô trong một cách đặc biệt. Đấng sáng lập nhận được một cảm nghiệm đặc biệt về Thần khí, nhận thức một hướng đi mới trong đường nên thánh và đáp ứng lại những nhu cầu của Giáo hội và xã hội. Thiên Chúa ban cho họ một kinh nghiệm sâu xa về chính Ngài để mà những người khác có thể hưởng nhờ.[28] 
b. Tính Cách của Đặc Sủng  
Đặc sủng là một thực tế sống động, nhưng không thể định nghĩa được, mà chỉ có thể cảm nhận qua mối liên hệ với mục đích, sứ mệnh (mission) và linh đạo của nó.[29] Đặc sủng chỉ có thể được mô tả bằng cách tập hợp những yếu tố mà dần dần xuất hiện nơi những người đầu tiên sống nó, cũng như nơi những thế hệ sau. Đặc sủng  không thể được diễn tả trong vài lời, vì nếu giản lược chỉ trong vài lời, nhiều sự biểu lộ khác nhau của nó trong lịch sử sẽ bị mờ đi và trùng khớp.[30] Tóm lại, đặc sủng được biểu lộ qua ý định (bao gồm mục đích, sứ mệnh) của đấng sáng lập, linh đạo, truyền thống của hội dòng. Trong suốt giai đoạn hình thành, đặc sủng biểu lộ kiểu mẫu nguồn gốc duy nhất của chính nó. Đời sống, bản chất, mục đích, sứ mệnh, tinh thần, đặc tính của hội dòng bắt đầu trở nên rõ ràng hơn. Cộng đoàn là một sự nối dài đấng sáng lập theo thời gian. Đặc sủng có thể tiếp tục tồn tại trong lịch sử qua một tiến trình năng động mà trong đó Chúa Thánh Thần kêu gọi và kết hợp những thành viên mới vào trong hội dòng.[31]
Đặc sủng phải là cái gì đó được sống, hơn là để hiểu, dù sự hiểu biết về nó là cần thiết để sống nó. Mọi thành viên và cộng đoàn cần để cho chính họ bị khuấy động bởi nó và ngoan ngoãn vâng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Đặc sủng giống như bản thể của một con người. Con người bao gồm bản thể và tùy thể. Tùy thể là hình thức bên ngoài như màu da, màu tóc, mập, ốm, v.v., nên có thể thay đổi; còn bản thể thì luôn giữ lại. Dù tôi khác tôi cách đây 10 năm, 15 năm, 20 năm..., nhưng tôi vẫn là tôi, tôi không thể là người khác. Đặc sủng là duy nhất, nhưng có nhiều hình thức biểu lộ khác nhau qua thời gian. Để đổi mới, chúng ta cần nhận thức về căn tính của chính chúng ta. Bên cạnh đó, sự thay đổi và sự sáng tạo là những khía cạnh không thể tránh khỏi trong đời sống của mỗi hội dòng.
Trong Kinh thánh, Thần khí được mạc khải như là Đấng ban sự sống. Mỗi đặc sủng, vì đó là ân huệ của Đấng ban sự sống, luôn luôn là một thực tế năng động, nguồn sống và hoạt động. Đặc sủng được ban cho các đấng sáng lập và sau họ là hội dòng của họ, là một ơn gọi cộng đoàn trong Giáo hội, nên phải bảo tồn nguyên vẹn qua không gian và thời gian. Tuy nhiên, vì nguồn gốc Thần khí của nó và vì nó được ban cho toàn thể Giáo hội, nó sinh nhiều hoa trái khác nhau, trong những thời gian và nơi chốn khác nhau. Các đặc sủng sản sinh những hình thức sống khác nhau mà chúng nhập thể Tin Mừng vào trong những môi trường sống. Chúng thúc đẩy các hội dòng đảm nhận những sứ mệnh khác nhau. Do vậy, các hội dòng cần mở ra và ngoan ngoãn vâng theo sự hướng dẫn của Thần khí. Kết hợp mật thiết với Ngài chính là nguồn đổi mới và thích nghi thật sự của tất cả các cộng đoàn tu trì trong bối cảnh hiện nay.[32]                    
Kinh nghiệm về Thần khí này bắt nguồn từ sự linh hứng siêu nhiên, dẫn họ vào trong sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô và Tin mừng của Ngài. Thật vậy, các đấng sáng lập là những con người của Thần khí. Họ biết nhìn vào thực tế với cái nhìn mới và qua đó nhận thức được nhu cầu khẩn cấp của Giáo hội và thế giới. Họ nhận thức được điều kiện hiện tại của Giáo hội và thế giới và được thôi thúc để làm cho Chúa Kitô có một vị trí mới trong bối cảnh mới. Họ đã đọc được dấu chỉ của thời đại và đáp ứng lại những nhu cầu cấp bách của Giáo hội và xã hội. Bởi đó, đặc sủng luôn luôn gắn liền và định hướng cho sứ mệnh truyền giáo.[33] 
Các đấng sáng lập chính là những điểm hội tụ và hợp nhất của tất cả các môn đệ của họ. Các đấng sáng lập là những người hướng dẫn các môn đệ của họ tới sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô và sống theo Tin mừng của Ngài. Kinh nghiệm về Thiên Chúa của đấng sáng lập thu hút các môn đệ của họ. Họ và các môn đệ của họ được liên kết và hợp nhất với nhau trong cùng một kinh nghiệm thiêng liêng. Sự liên kết và hợp nhất này giúp củng cố và nuôi dưỡng sự phát triển của một Giáo hội đang được đổi mới không ngừng bởi Thần Khí. Các môn đệ không đóng băng đặc sủng của đấng sáng lập của họ, nhưng phải sống, đào sâu và thích nghi vào trong môi trường sống của thời đại họ. Chúa Thánh Thần, nguồn gốc của mọi đặc sủng, đang đòi hỏi nơi họ lòng trung thành với đặc sủng của đấng sáng lập và sự sáng tạo.[34] 
Đặc sủng được ban cho các cộng đoàn tu trì là để xây dựng và phục vụ Giáo hội. Các đấng sáng lập tìm kiếm cách thức để yêu Giáo hội với trái tim của Chúa Giêsu và yêu Chúa Giêsu với trái tim của Giáo hội. Bởi thế, đời sống thánh hiến sẽ không thể sinh hoa trái trong Giáo hội địa phương, nếu nó không bám chặt vào nguồn gốc của nó, với một lòng trung thành năng động, trong tinh thần và đặc sủng của đấng sáng lập.[35] 
Đặc sủng mà đấng sáng lập nhận được có 2 mục đích khẩn cấp: Một mặt, nhu cầu trở về với Tin mừng (một cách thức bước theo Chúa Kitô) và phương cách thực hiện sự trở về nguồn gốc này; mặt khác, đáp ứng lại tình huống lịch sử của Giáo hội, đặc biệt là trong mối quan hệ với nhu cầu cấp bách của Giáo hội:[36] 
1) Trở về với Tin mừng
Mọi cộng đoàn Kitô hữu được sinh ra và lớn lên bởi Lời Chúa (x. 1Tx 1, 5-10). Sách Công vụ tông đồ đã mô tả cuộc “hành trình” của Lời Chúa: tới bất cứ đâu, Lời Chúa đều sinh ra Giáo hội. Giáo hội là một sự triệu tập: một ơn gọi chung, được liên kết vì danh Chúa Giêsu, trong Lời của Ngài, sự hiện diện của Ngài (x. Mt 18, 20) cho tới khi trở nên một trong Chúa Kitô. Lời Chúa xây dựng cộng đoàn. Lời Chúa là Lời cứu độ (x. Cv 13, 26), Lời hằng sống (x. Pl 2, 16), Lời chân lý (x. Gc 1, 18).
Nguồn gốc và nền tảng của đoàn sủng của một hội dòng là Lời nhập thể nơi đấng sáng lập. Hành động của Thần khí mạc khải và sự thật, người dạy “tất cả sự thật” và gợi lại những Lời của Chúa Giêsu (x. Ga 14, 24-26; 16, 13), dẫn các đấng sáng lập vào trong sự hiểu biết sâu xa về một “Lời” đặc biệt và qua đó mở ra sự hiểu biết Kinh thánh cho họ (x. Lc 24, 25).[37] Các đấng sáng lập đã nhận được Lời Chúa trong tình huống lịch sử đặc biệt của họ và họ được kêu gọi để sống lý tưởng của nước trời noi gương Chúa Kitô theo một cách mới. Lịch sử Giáo hội cho chúng ta thấy rằng những hình thức mới của đời sống thánh hiến được sinh ra là kết quả của sự trở về với Tin mừng, trong những giai đoạn khi mà Giáo hội đang trải qua những suy đồi về đạo đức và luân lý, sự cám dỗ về quyền lực, v.v.
Thực ra, vào những thế kỷ đầu, không có sự phân biệt về nếp sống giữa người Kitô hữu và tu sĩ. Từ giữa thế kỷ III, nhất là từ thế kỷ IV, đã có những người, khi thấy đời sống đạo sa sút do ảnh hưởng của quyền lực và tục hóa, tìm vào sa mạc để sống đời ẩn tu. Họ muốn trở về với nếp sống của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.[38] Thánh Basil và thánh Francis đều nhấn mạnh đến đời sống trung thành theo Tin mừng, nghĩa là trở về với Tin mừng. Thánh Pachomius, thánh Augustine và sau đó, toàn bộ truyền thống Benedictine đã nỗ lực sống theo tinh thần của cộng đoàn Giêrusalem nguyên thủy. Các dòng hành khất (Đa minh, Phanxicô, Augustinô, Carmelo, v.v.) ra đời từ thế kỷ XIII đáp ứng lại nhiều phong trào cải cách, kêu gọi Giáo hội trở về với nếp sống đơn sơ, giản dị của thời nguyên thủy. Những dòng khành khất này đề ra lối sống Phúc âm tinh ròng trong sự hiệp thông với Giáo hội. Tất cả họ, bằng cách này hay cách khác, đều muốn trở về với nguồn gốc của đời sống Kitô hữu.[39]Nhiều người lúc đầu không có ý định thành lập một hội dòng, nhưng sự nhiệt tâm sống theo Tin mừng của họ đã thức tỉnh những người đương đời và lôi kéo nhiều người theo họ.[40] 
Mục đích của sự “linh hứng ban đầu” của các hội dòng là để thăng tiến một lối sống Phúc âm trong Giáo hội và những cách thức để thực hiện nó. Qui luật tối thượng của họ là việc theo Chúa Kitô. Cuộc sống của họ phải qui chiếu theo khuôn mẫu này, nghĩa là bắt chước gương sống của Ngài (vâng phục, khó nghèo, thanh khiết), thực hành những gì Ngài giảng dạy, cách riêng trong bài giảng trên núi. Phúc âm là luật sống cho mọi Kitô hữu. Nhưng mỗi hội dòng đã thể hiện một cách rõ ràng và tươi mới đối với những giá trị của Tin Mừng. Mục đích của họ là thể hiện một đời sống theo Phúc âm trong trinh sạch, khó nghèo, vâng lời và trong cộng đoàn. Sự linh hứng ban đầu nhấn mạnh đến chất lượng của cuộc sống. Luật của dòng Phanxicô trình bày rằng mục đích của nó là “sống Phúc âm bằng cách sống vâng lời, không có của cải riêng và giữ đức khiết tịnh.”[41] 
2) Đáp ứng những nhu cầu cấp bách của Giáo hội và xã hội:
Từ thời Trung cổ, ý thức về sứ vụ ngày càng trở nên mãnh liệt. Đời tu không chỉ lo sống Phúc âm, mà còn hiến thân đi rao giảng Phúc âm như Chúa đã truyền dạy (x. Lc 10, 1- 15). Nhiều nhóm được thành lập để đáp ứng lại những tình huống lịch sử nào đó, thực hiện một sứ mệnh nào đó bên trong hoặc bên ngoài cộng đoàn: qua việc hãm mình và khẩn cầu cho trần thế trong đời sống chiêm niệm, qua việc loan báo Tin Mừng trong những hình thức phục vụ khác nhau.
Vào thế kỷ XI- XII, ta thấy xuất hiện 3 loại dòng: những dòng bác ái chuyên săn sóc những người di cư, người bệnh, người hành hương; những dòng được lập ra để cứu những Kitô hữu bị bắt làm nô lệ; những dòng hiệp sĩ, lo giải phóng và bảo vệ những nơi thánh ở Palestine. Một số dòng thuộc 3 loại này gồm: dòng bệnh viện thánh Antôn, dòng bệnh viện Chúa Thánh Thần, dòng Chúa Ba Ngôi, dòng Đức Bà chuộc kẻ làm tôi, dòng Đền thờ, dòng hiệp sĩ Malta.[42] 
Từ thế kỷ XIII, cùng với sự xuất hiện của các dòng hành khất, nhiều hội dòng đã được thành lập, góp phần làm phong phú thêm đời sống và hoạt động của Giáo hội.
 Trong thời cận đại, nhiều dòng ra đời để đáp ứng những nhu cầu khác nhau của Giáo hội hay xã hội, như giáo dục, chăm sóc bệnh nhân, người già, trẻ mồ côi, người tàn tật, v.v.[43] Thế kỷ XIX đã đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của những hội dòng loại này. Chỉ trong khoảng thời gian này, có khoảng 600 cộng đoàn mới được thành lập.[44] Thế kỷ XX ghi dấu ấn của một đấng sáng lập được cả thế giới khâm phục và ngưỡng mộ: mẹ Têrêxa Calcutta. Dòng của mẹ đã đem tình yêu Thiên Chúa đến với những người cùng khốn nhất qua việc phục vụ trong khiêm nhường.
Trong những trường hợp này, với ơn của Chúa Thánh Thần, các đấng sáng lập đã khám phá ra một nhu cầu đặc biệt trong Giáo hội và quyết định để đáp ứng nhu cầu đó. Động lực bên trong thúc đẩy họ phải làm một cái gì đó, dùng một phương tiện nào đó, để đạt được một mục đích nào đó. Đó là lý do tại sao những hội dòng thuộc loại này, các đấng sáng lập và những môn đệ đầu tiên của họ đã thực hiện sứ vụ mà họ đã chọn: Những tu sĩ Đa Minh, dòng Tên, dòng Claret đã là những nhà thuyết giáo lưu động trước khi họ được thiết lập thành hội dòng. Nhiều dòng nữ đã bắt đầu chỉ là một nhóm nhỏ, hoạt động trong một giáo xứ hay giáo phận, hoặc một hiệp hội thiện chí, hiến dâng cho những hoạt động đặc biệt. Rồi sau khi lớn mạnh, họ xin Tòa thánh phê chuẩn. Jean Baptiste de la Salle, Nano Nagle, Edmund Rice và Theresa Gerhardinger đều bắt đầu bằng cách lập một trường học, và kết thúc bằng việc lập nên một hội dòng.[45] 
Luật sống, cách tổ chức, việc đào tạo những thành viên mới được phát triển dần dần chung quanh trục sứ vụ nguyên thủy này. Lối sống độc thân, khó nghèo và đời sống cộng đoàn ngay từ đầu đã được coi như là những yếu tố bản chất của sự hiến thân của nhóm cho Thiên Chúa trong sứ vụ đó. Thánh Ignatius và những người bạn của ngài đã hứa giữ khiết tịnh và khó nghèo nhiều năm trước khi họ quyết định thành lập một hội dòng. Thánh Anthony Mary Claret và những nhà truyền giáo đầu tiên của ngài đã sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời, thậm chí trước khi họ có bất cứ sự hiến dâng chính thức nào, và nhiều năm trước khi sự hiến dâng đầu tiên của họ được thay thế bằng những lời khấn đơn.[46] 
Ở Việt Nam, ngay từ khi các nhà truyền giáo mới đến đây, họ đã tổ chức những Hội thày giảng và các dòng Mến Thánh Giá để giúp họ trong việc truyền giáo. Chúng ta có thể coi những tổ chức này lúc đầu như là những tu đoàn sống chung không có lời khấn. Nhưng qua thế kỷ XX, đặc biệt là từ khi bộ giáo luật 1917 ra đời, họ đã dần dần trở thành dòng tu với ba lời khấn.[47]
Sứ mệnh của hội dòng không chỉ là một phần của đặc sủng, nhưng còn là yếu tố đặc biệt mà đặc sủng này phát triển tới mức hoàn hảo của nó. Đời sống thánh hiến không thể hiểu được nếu không có sự qui chiếu không ngừng và rõ ràng với sứ mệnh thích hợp của nó.[48] Ngày nay, các hội dòng càng ý thức hơn về sứ mệnh của họ trong việc phục vụ những nhu cầu tinh thần hay vật chất của nhân loại theo đặc sủng của mình. Văn kiện “Tu sĩ với sự thăng tiến con người” (1980) của Bộ Tu sĩ đã nói về sự phục vụ người nghèo, dấn thân bênh vực họ và tranh đấu cho công bằng xã hội của họ. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đề cao sự đóng góp của họ vào công việc truyền giáo (x. RM 65, 69- 70).
Tóm lại, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ để họ ở với Ngài và để được Ngài sai họ đi (Mc 3, 14). Các hội dòng được thành lập không chỉ vì mục đích đáp ứng những nhu cầu của Giáo hội và xã hội, nhưng một lối sống Tin mừng cụ thể đã phát sinh ra một cách sống mới của đời sống Kitô hữu. Tình yêu Thiên Chúa phát sinh và thúc đẩy tình yêu tha nhân. Thật vậy, không những bắt chước đời sống của Chúa Kitô, sự tận hiến còn là tham gia vào sứ mạng của Ngài nữa, tức công cuộc cứu độ thế giới. Họ làm cho Chúa Kitô hiện diện giữa nhân loại qua việc cầu nguyện trên núi, rao giảng cho đám đông, chữa lành những người bệnh, khuyên nhủ các tội nhân ăn năn sám hối, chúc lành cho trẻ em và ban ơn lành cho mọi người, trong tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha (x. LG 46; PC 14; Can 577).
c. Thần Học về Đặc Sủng của Đấng Sáng Lập Theo Một Số Nhà Thần Học Đương Thời[49]
- Jean Beyer, sj 
Ơn gọi tu trì là một ơn gọi tập thể để theo Chúa Kitô, một ơn gọi được điều chỉnh qua lịch sử và qua hoa trái tinh thần của đấng sáng lập. Beyer xem xét đặc sủng của đấng sáng lập dưới hai chiều kích bổ túc cho nhau:
+ Cá nhân: sự biến đổi con người của đấng sáng lập trong sự chuẩn bị cho một sứ mệnh truyền giáo rõ ràng và đặc thù trong Giáo hội.
+ Tập thể, bao gồm  mọi thành viên của hội dòng: qua đời sống của họ, họ tạo ra một hình thức lịch sử của kinh nghiệm về Thần khí của đấng sáng lập mà qua đó, dự định cho việc hình thành một cộng đoàn của niềm tin, hy vọng và tình yêu, trong và cho Giáo hội, một cộng đoàn sống đời sống thần linh.
Trở về với đặc sủng của đấng sáng lập có nghĩa là bám chặt vào mảnh đất tinh thần của con người Thần khí đó. Nó có nghĩa là trở về với những điểm xuất phát ban đầu của hội dòng để khám phá lại khía cạnh tinh thần trong nhiều cách diễn tả của đặc sủng, được nối kết qua những nhiệm vụ và bổn phận khác nhau trong hội dòng. Đặc sủng của  đấng sáng lập chiếm hữu một đặc tính nền tảng mà Beyer gọi là “hoa trái tinh thần” và Beyer đặt nó vào trong cương vị làm cha hay làm mẹ của đấng sáng lập. Hoa trái tinh thần này được diễn tả một cách “huyền bí” trong hội dòng, qua đó, mỗi thành viên, trong sự hài hòa và hợp nhất với đấng sáng lập, sống kinh nghiệm Thần khí ban đầu và làm phong phú nó với ân sủng và tài năng tự nhiên của chính mình. Hoa trái tinh thần đó được làm phong phú thêm bởi mỗi ơn gọi mới. Mỗi ơn gọi mới trong hội dòng là một sự làm mới lại đặc sủng ban đầu, một ơn gọi để giới thiệu căn tính của hội dòng cho Giáo hội và thế giới với một sức mạnh được đổi mới. Bởi vì đặc sủng được ban không chỉ cho hội dòng, nhưng cho toàn Giáo hội. Ngay cả khi nó được sinh ra và mang lại hoa trái chỉ trong Giáo hội địa phương, nó vẫn mang chiều kích Giáo hội hoàn vũ, vì Giáo hội địa phương là Giáo hội hoàn vũ thu nhỏ. Đặc sủng đó chỉ có thể mất đi qua sự bất trung hoặc thiếu hiểu biết.
Đặc sủng luôn gắn liền với sứ mệnh truyền giáo cách đặc biệt. Đó là để xây dựng Thân Thể Chúa Kitô qua việc làm chứng bằng một đời sống đặc biệt và hoạt động mục vụ của mỗi hội dòng tại Giáo hội địa phương. Vì thế, như một ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần ban cho toàn Giáo hội, Giáo hội cần nhận ra, chăm sóc, bảo vệ, tôn trọng và tiếp đón đặc sủng vào trong đời sống của mình, nhất là trong hoạt động mục vụ nào đó mà đặc sủng được trao ban để phục vụ.  
- Jean Marie Roger Tillard, op.
  Đời sống thánh hiến là bí tích của Giáo hội, là một dấu chỉ quyền lực và sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới, kiểu mẫu của đời sống mới trong Thần khí. Các đấng sáng lập được coi như là những người điều phối lịch sử cứu độ mà qua đó, Thiên Chúa tiếp tục nói với dân Ngài. Họ, qua cách sống của họ, trở thành những dấu chỉ ngôn sứ, nhắc nhở Giáo hội rằng trung tâm của số phận con người nằm ở sự giàu có của Thiên Chúa.
Người tu sĩ ngày nay biểu lộ niềm tin của họ qua bằng chứng của đời sống, một đời sống minh chứng tình yêu mãnh liệt của họ vì bước theo Chúa Kitô qua việc bước theo đấng sáng lập của họ.  
Trở về với nguồn gốc của hội dòng không phải là giữ khư khư lấy đặc sủng ban đầu của nó, mà là biết thích nghi nó với bối cảnh mới. Bởi vì đặc sủng luôn luôn là một ân huệ sống động, không chỉ trong quá khứ nhưng cả trong hiện tại và tương lai. Đó là ơn Chúa Thánh Thần ban để củng cố và nuôi dưỡng Giáo hội. 
- Juan Manuel Lozano, cmf 
Có thể nói rằng mọi hội dòng đều bắt đầu từ ơn gọi của một người: đấng sáng lập. Các đấng sáng lập đã nhận được đặc sủng trực tiếp từ Chúa Thánh Thần và rồi qui tụ các môn đệ của họ để cùng chia sẻ và sống theo cùng một ân huệ ấy. Những yếu tố tinh thần (cách sống những lời khuyên Phúc âm và những giá trị Tin Mừng, cách phục vụ Giáo hội) thuộc về đặc sủng của các đấng sáng lập, gắn liền với ơn gọi của họ, được truyền lại cho các môn đệ của họ. Các môn đệ của họ được Thiên Chúa kêu gọi để chia sẻ cùng một đặc sủng ấy và qua đó, họ tìm thấy ý nghĩa của chính ơn gọi của họ. Có thể nói họ nhận được cùng một ơn gọi với đấng sáng lập.
 Hai mục đích căn bản của đặc sủng được ban là xây dựng Giáo hội và vì lợi ích của nhân loại. Bởi đó, đặc sủng của đấng sáng lập cần được thể hiện qua sứ mệnh. Không có sự hiểu biết rõ ràng về sứ mệnh truyền giáo và căn tính của mình trong Giáo hội và trong thế giới, một hội dòng sẽ có nguy cơ đánh mất chính mình hoặc suy tàn.
Đặc sủng của đấng sáng lập luôn bị thách thức bởi hiện tại và tương lai, cần được tiếp tục, đào sâu, hoạch định và sống luôn trong sự tiếp nối những lý tưởng và ý định sâu xa nhất của đấng sáng lập. Những biến cố lịch sử có thể làm phong phú hay bào mòn  những lý tưởng và ý định của chúng ta, nhưng giữa những biến cố dao động không thể tránh được, chúng ta thực sự nhận ra căn tính của chúng ta. Căn tính này là sự hài hòa giữa sự trung thành với sự linh hứng ban đầu và sự thích ứng không ngừng với Giáo hội sống động và những thực tế của lịch sử.
- Mario Midali, sdb
Chúng ta không thể giản lược đặc sủng của đấng sáng lập vào trong một công thức, bởi vì công thức sẽ đóng khung nó và có thể sẽ trở nên lỗi thời. Đặc sủng luôn là một thực tế sống động. Điều quan trọng là chúng ta phải mô tả nó với tất cả những đặc thù của nó và sống nó một cách hiệu quả trong sự trung thành với kinh nghiệm và sứ mệnh truyền giáo ban đầu của đấng sáng lập.
Midali phân biệt giữa đặc sủng của đấng sáng lập và tinh thần của đấng sáng lập. Đặc sủng thuộc lãnh vực đức tin, hành động của Thiên Chúa. Tinh thần của đấng sáng lập là sự đáp ứng của con người, hành động của con người.
- Giuseppe Oliviero Girardi, sci 
Căn tính tông đồ và tinh thần của một hội dòng không đơn giản đến từ sự thực hành những lời khấn hay lời khuyên Phúc âm, nhưng đến từ sự chia sẻ đặc biệt một kế hoạch của Thiên Chúa. Sự chia sẻ này được biểu lộ trong đặc sủng và ơn gọi của mọi đấng sáng lập. Nó được nhập thể vào trong đấng sáng lập và đời sống của họ, bởi vì họ được chọn bởi Thiên Chúa để lập nên một cộng đoàn tu mới trong Giáo hội.
Đặc sủng không chỉ được cho riêng đấng sáng lập, nhưng còn được cho vì cộng đoàn mới được lập nên và vì lợi ích chung. Trước hết, đặc sủng lớn lên trong chính con người của đấng sáng lập, mặc dù trong một bối cảnh xã hội, văn hóa và Giáo hội nhất định. Rồi, trong khi giữ lại căn tính của nó, đặc sủng cũng có khả năng thích ứng và lồng vào những thực tế mới theo nhu cầu của thời đại, con người, cộng đoàn, Giáo hội và xã hội. Các thành viên của hội dòng chia sẻ cùng một đặc sủng với đấng sáng lập và cùng một nguồn gốc chung. Mỗi người đều góp phần làm phong phú đặc sủng ấy.
- Fabio Ciardi, omi
Đặc sủng của đấng sáng lập được xem như là kinh nghiệm, được hình thành qua Chúa Thánh Thần và dẫn tới sự hiểu biết về mầu nhiệm Chúa Kitô và Tin mừng của Ngài. Đây là một nét phác họa của một công việc phục vụ, được thiết kế để đáp ứng lại một tình huống lịch sử nào đó của  Giáo hội và xã hội. Đó là một kinh nghiệm nên nó được truyền lại cho các môn đệ.  Ciardi xem đặc sủng của các đấng sáng lập như là một phần của sự thánh thiện của họ và một phần của sự lớn mạnh và sức sống thanh xuân của Giáo hội.
Ciardi cũng đưa ra 4 chiều kích căn bản của đặc sủng của đấng sáng lập: 
1)     Thần khí
Đây là hành động của Chúa Thánh Thần để đổi mới Giáo hội từ bên trong. Chúa Thánh Thần thực hiện công việc này bằng sự hiện diện của Ngài nơi một người, qua sự linh hứng ban đầu, để thực hiện một sứ mệnh đặc biệt trong Giáo hội. Điều này đặt đấng sáng lập, con người của Thần khí, vào lúc khởi đầu của một cộng đoàn tu trì mới. Tuy nhiên, đấng sáng lập không phải là một dụng cụ thụ động trong bàn tay Thiên Chúa. Đặc sủng tạo ra nơi ngài những thái độ và hành động và thôi thúc ngài để khởi xướng công việc trong và vì Giáo hội. Thật vậy, nơi đấng sáng lập, chúng ta vừa thấy được công việc của Thiên Chúa, vừa thấy được sự đáp trả của con người. Có thể nói rằng ơn gọi để trở thành đấng sáng lập cũng là ơn gọi để trở thành ngôn sứ.
2)     Chúa Kitô và Tin mừng
Chúa Thánh Thần làm cho đấng sáng lập trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Sự tập trung vào Chúa Kitô giúp đấng sáng lập hoàn thiện mọi kinh nghiệm trong đời sống của ngài. Thật vậy, sự linh hứng để trở thành đấng sáng lập bao gồm khả năng thâm nhập vào một khía cạnh đặc biệt nào đó của mầu nhiệm Chúa Kitô và đạt được sự thẩm thấu mới về con người của Ngài. Chúa Giêsu, bên cạnh việc hướng dẫn hội dòng qua sự thẩm thấu mới này, cũng là tiêu chuẩn mà nhờ đó, hội dòng đọc Tin mừng và mầu nhiệm cứu độ và khám phá ra hình thức phục vụ của nó trong Giáo hội. Qua đó, việc nhập thể cứu chuộc của Chúa Kitô được phản ánh trong tất cả các thành viên và được chia sẻ bởi họ.
Chúa Thánh Thần kêu gọi các đấng sáng lập hướng đến một con đường thánh thiện mới bằng cách ban cho họ sự hiểu biết đặc biệt về mầu nhiệm Chúa Kitô mà nhờ đó, con đường thánh thiện mới được bắt đầu. Thật vậy, bằng cách biểu lộ kinh nghiệm về Tin mừng trong đời sống và hành động của họ, các đấng sáng lập trở thành “những nhà chú giải Thánh kinh sống động” của một sự khôn ngoan được múc lấy từ Thần khí.
3)     Giáo hội
 Giáo hội thực hiện nhiệm vụ đào sâu tính xác thực của đặc sủng, nhìn nhận, phê chuẩn và đón  nhận đặc sủng như là ân huệ mà Chúa Thánh Thần ban cho toàn Giáo hội. Nhìn vào lịch sử của các hội dòng ta thấy đôi khi có đối nghịch giữa đặc sủng và thẩm quyền trong Giáo hội, bởi vì tính cách ngôn sứ mới của nó có thể gây ra sự lẫn lộn cho thẩm quyền của Giáo hội. Đấng sáng lập, đồng thời là một ngôn sứ, vì đã đọc được dấu chỉ của thời đại và dám dấn thân để đáp lại những nhu cầu cấp bách của Giáo hội và xã hội. Vị ngôn sứ thường mạnh dạn lên án những bất công trong xã hội và Giáo hội và loan báo một triều đại của nước Thiên Chúa bình an, công chính và tình yêu. Sự lên án và loan báo này thường gây ra hiểu lầm và chống đối. Sự đau khổ này là một phần của mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô, mở ra cho đấng sáng lập và công việc đó tới chiều kích Giáo hội trọn vẹn hơn. 
4)     Đơm bông kết trái        
Đây là sự biểu thị đặc điểm của đặc sủng, bởi vì nó dẫn những thành viên khác nhau chia sẻ một cách tích cực cùng một kinh nghiệm về Chúa Thánh Thần. Qua sự chia sẻ này, họ cùng nhau nối dài sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Chính qua cộng đoàn mà cương vị làm cha/làm mẹ của đấng sáng lập được xem như là yếu tố căn bản và đặc thù của đặc sủng của họ. Điều này mang lại ngày sinh cho cộng đoàn tu mới trong lòng Giáo hội.
Đấng sáng lập mời gọi các môn đệ của họ hướng đến một kế hoạch chung trong Thánh Thần. Đó là một sự kêu gọi để chuyển giao và truyền đạt cho các thế hệ sau những yếu tố nền tảng mà chúng giống như là mã di truyền tinh thần. Mã di truyền tinh thần này làm cho cộng đoàn tu trì trưởng thành theo thời gian và nơi chốn đúng với kiểu mẫu của nó như là một gia đình. Nó tặng cho Giáo hội một nét đặc sắc riêng biệt và tô điểm cho Thân Thể Chúa Kitô với những ân sủng tuyệt vời khác nhau 
3. Đặc Sủng Lập Dòng (Thành Lập)
Tại thời điểm thành lập, luôn luôn có một đấng sáng lập, người được Thần khí ban cho đặc sủng thành lập. Đặc sủng thành lập được chia sẻ với cộng đoàn, thuộc về người sáng lập và các môn đệ của họ. Sự giàu có về tinh thần của đặc sủng thành lập tùy thuộc một cách đặc biệt vào mã di truyền tinh thần, mà Chúa Thánh Thần đã chọn để đặt vào trong đặc sủng của đấng sáng lập. Đặc sủng thành lập luôn hiện diện trong bất cứ loại thành lập nào. Nó luôn luôn có một mối quan hệ đặc biệt với những điểm khởi đầu của việc thành lập, và đặc biệt với thời gian khi vị sáng lập còn sống. Qua vị này, những yếu tố căn bản về đặc sủng của hội dòng được rút ra. Đặc sủng của đấng sáng lập biểu lộ chính nó như là một đặc sủng chung, vì nó được chia sẻ với người khác ngay từ lúc khởi đầu của cộng đoàn. Nó được làm phong phú và làm sáng tỏ bởi kinh nghiệm ban đầu của cộng đoàn đó.[50] 
Đặc sủng thành lập xác định bản chất, tinh thần, mục đích và đặc tính, là những yếu tố cấu thành di sản thiêng liêng của mỗi hội dòng và làm nền tảng cho ý nghĩa của căn tính, một yếu tố then chốt cho sự trung thành của mỗi tu sĩ (x. EE 11). 
4. Đặc Sủng (Đoàn Sủng) của Hội Dòng  
Đặc sủng của đấng sáng lập được truyền lại cho các môn đệ của họ. Cộng đoàn, những môn đệ của đấng sáng lập, biểu lộ, làm sáng tỏ và phát triển quyền năng của Thần khí mà đặc sủng, ân huệ của Thiên Chúa, chứa đựng trong chính nó ngay từ khi hội dòng bắt đầu. Đặc sủng (đoàn sủng)[51] của hội dòng diễn tả căn tính tinh thần của các môn đệ dọc theo những đường nét được dự định bởi đấng sáng lập. Căn tính này phải được xem xét trong ánh sáng của những môi trường thay đổi. Qua đó, nó trải qua một sự đổi mới năng động, nhưng không đánh mất lòng trung thành của nó đối với những điểm xuất phát ban đầu.
Mỗi thành viên đều có trách nhiệm cho sự phát triển lịch sử hoặc sự gây trở ngại cho đặc sủng. Không phải đấng sáng lập, cũng không phải những môn đệ đầu tiên của ngài, có thể nhận thức đầy đủ những gì chứa đựng trong đặc sủng. Những người đến sau phải tìm kiếm để hiểu nó tốt hơn và sống đặc sủng đó trong sự nhận thức về trách nhiệm truyền lại cho những người kế tiếp một cách trung thành. Đây thực sự là sự đáp trả của họ đối với “Lời Chúa” đang cật vấn họ trong hoàn cảnh hiện tại. Do đó, thật cần thiết để nối kết đời sống và hoạt động của tất cả những người cùng chia sẻ cuộc phiêu lưu mạo hiểm theo ơn gọi của Thần khí, bắt đầu với đấng sáng lập.[52] 
Đặc sủng của hội dòng ôm trọn toàn bộ lịch sử của chính nó và hiện diện trong tất cả các thành viên của nó.  Điều này xảy ra trong nhiều cách khác nhau, tùy theo tài năng và những ân huệ tinh thần của mỗi thành viên, và trong sự đo lường tương ứng với ơn gọi mà họ nhận được. Không một thành viên nào có thể nhận được đoàn sủng một cách trọn vẹn, nó phải được khám phá lại không ngừng, nó phải được tìm kiếm trong cộng đoàn, trong sự hiệp thông với tất cả những thành viên cùng nhận được một đoàn sủng đó.[53] 
Đặc sủng tồn tại qua thời gian. Chúng ta không thể tìm thấy nó cách tự động qua tư duy, qua việc duy trì những tập quán, thói quen, kinh nguyện, hoạt động tông đồ, v.v. Chỉ có thể kéo dài sự hiện diện của nó bằng sự trung thành sáng tạo, một sự trung thành được bám chặt vào nguồn gốc của nó, nhưng đồng thời mở ra đối với dấu chỉ của thời đại. Trung thành mà không thích nghi vào bối cảnh mới, sẽ dẫn đến chỗ suy tàn; đổi mới mà không bám vào gốc của nó, sẽ dẫn đến chỗ lập nên một hội dòng mới. Đó là lý do tại sao sự đổi mới đời sống tu trì không bao giờ được làm một lần cho tất cả.[54] Sau cùng, khi chúng ta muốn trình bày lại đặc sủng cho thế hệ mai sau của hội dòng, chúng ta phải xem xét đến tình huống hiện nay của Hội thánh và thế giới. Chắc chắn rằng chúng ta làm việc này không phải để sửa đổi đặc sủng, nhưng là để xem làm thế nào mà chúng ta đáp lại những ý hướng sâu xa của đấng sáng lập trong bối cảnh hôm nay. Đức Piô XII đã từng nói với các hội dòng rằng ngày nay họ phải làm những gì mà đấng sáng lập, nếu còn sống, sẽ làm. Chắc chắn trong một số trường hợp họ sẽ lập lại những gì mà đấng sáng lập của họ đã làm; nhưng cũng chắc rằng một số sáng kiến mà các đấng sáng lập đã chọn trong thời của họ, họ sẽ không chọn chúng đối với bối cảnh hiện nay.[55] 
Những dấu chỉ của thời đại đang biểu lộ ý muốn của Thiên Chúa. Trung thành với đoàn sủng là sự chăm chú lắng nghe và trung thành với những gì Thiên Chúa đang đòi hỏi nơi hội dòng theo những dấu chỉ này.[56] Trong mỗi Tổng hội, hội dòng phải nhìn lại quá khứ của mình, đọc và giải thích nó để để tìm ra hướng đi cho tương lai của mình. Điều này có nghĩa là họ phải luôn duy trì ký ức sống động về đấng sáng lập của họ và luôn tiến tới một sự hiểu biết rõ hơn về đặc sủng nguồn gốc của họ, về sứ mệnh của họ trong Giáo hội và trong thế giới.[57] Qua đó, họ có thể  làm cho đấng sáng lập trở thành người tiên phong của Thần khí trong thời của họ. Đó chính là chiều kích ngôn sứ của đấng sáng lập, như George đã khẳng định: “Các đấng sáng lập ở trước chúng ta, đi trước chúng ta.”[58] 
Mỗi thành viên phải nhận thức rằng đặc sủng là của mình, chính họ chứ không ai khác phải tiếp tục, phát triển và mở rộng kinh nghiệm đó. Nó được tiếp tục và thực hiện trong những môi trường và những biến cố khác với môi trường và những biến cố mà đấng sáng lập của họ đã trải qua. Sự phát triển của cộng đoàn làm phong phú thêm kinh nghiệm của chính đấng sáng lập. Họ nên nhớ rằng đời sống của hội dòng của họ biểu lộ, trong những tình huống lịch sử khác nhau, kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa, sứ mệnh và ơn gọi của họ mà đấng sáng lập đã thực hiện trong đời sống và kinh nghiệm của ngài.[59]Đây là nhiệm vụ của mọi thành viên. Nếu họ không ý thức được như vậy, họ không chỉ có nguy cơ đánh mất đi ý nghĩa của ơn gọi chính họ, mà còn làm mờ đi căn tính đích thực của hội dòng của họ.[60]
Tinh thần của đấng sáng lập tiếp tục thấm sâu và cho sức sống tới cộng đoàn qua một truyền thống sống động. Mỗi đặc sủng luôn chứa đựng một số đặc tính nào đó. Một đặc sủng không bao giờ bị nhốt lại trong một công thức thật hay, nhưng nó có thể được đào sâu và làm phong phú qua sự mô tả rõ hơn để dần dần có thể hiểu được nó hơn. Nói cách khác, những phần tử của hội dòng là những người chú giải đặc sủng của đấng sáng lập. Trong suốt giai đoạn phát triển, cộng đoàn cần phản ánh không ngừng trên kinh nghiệm nguồn gốc của chính nó. Họ cần khôi phục lại kinh nghiệm đó, kinh nghiệm mà đã được sống bởi đấng sáng lập hoặc được khẳng định lại và được phát triển bởi những kinh nghiệm thích hợp từ kinh nghiệm đó. Trong cách này, cộng đoàn khám phá ra làm thế nào mầu nhiệm ơn gọi của nó được biểu lộ.[61] 
Mỗi thành viên, tùy theo vị trí và nhiệm vụ của mình, đều có trách nhiệm góp phần vào sự phát triển đoàn sủng của hội dòng. Trách nhiệm ở đây được hiểu là một cái gì đó thôi thúc họ phải đáp ứng. Sự góp phần của mỗi người trong sự hợp tác với người khác, tạo nên sự phong phú và sức sống cho đặc sủng và giúp hiểu được những nét đặc biệt của nó hơn. Đó là lý do tại sao công đồng Vatican II kêu gọi công việc canh tân nên được thực hiện trong sự hợp tác của cả cộng đoàn (PC 4). Cộng đoàn phải luôn tìm kiếm cách tốt hơn để thích hợp với nhu cầu “ngôn sứ” của đấng sáng lập của họ. Trong cách này, cộng đoàn tìm cách để nhận ra và đáp ứng những nhu cầu của thời đại trong mọi tình huống.[62] 
Tính cách đặc sủng của mỗi hội dòng đòi hỏi đấng sáng lập và các môn đệ phải thường xuyên kiểm chứng xem họ có trung thành với Chúa, với một khát vọng sâu xa muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô để làm chứng cho một khía cạnh nào đó trong mầu nhiệm của Người, có ngoan ngoãn vâng theo sự hướng dẫn của Thần khí, có sáng suốt quan tâm đến bối cảnh họ đang sống và nhận thức về những dấu chỉ của thời đại, có đang phục vụ Giáo hội và sẵn sàng phục tùng hàng giáo phẩm, có dũng cảm trong sáng kiến, có kiên trì trong hiến thân và có khiêm tốn chấp nhận những nghịch cảnh không (x. MR 12, 51).
Sai lầm có thể xảy ra là khi chúng ta “hiện đại hóa” đặc sủng, thay mới hoàn toàn để cho nó hấp dẫn hơn, hoặc sử dụng đặc sủng của đấng sáng lập để phục vụ cho chính chúng ta, để biện minh cho những quyết định và hành động của chúng ta. Điều này có thể là tốt, nhưng nó không phải là mục đích của đấng sáng lập. Nó có thể phá đi những gì đã được dày công xây dựng và làm mất đi đặc tính và căn tính của hội dòng.[63]  Việc dung hòa giữa trung thành với sự thích nghi và canh tân không dễ dàng. Những năm sau công đồng Vatican II đã cho thấy những khó khăn đó: nhiều dòng đan tu muốn lấy lại ơn gọi nguyên thủy không có chức linh mục của mình; trái lại, một số dòng giáo dân (nam) lại muốn chuyển hướng sang dòng giáo sĩ. Bên Âu Mỹ, nhiều dòng đã bỏ các cơ sở giáo dục và y tế, vì không còn thích hợp, để tìm những cách thức mới phục vụ người nghèo.[64] 
Để khám phá và thích nghi đặc sủng xác thực của đấng sáng lập vào bối cảnh hiện tại, chúng ta phải khiêm tốn đặt chính chúng ta vào trong vị trí của những người biết lắng nghe (lắng nghe lời Chúa), cầu nguyện, ao ước tìm kiếm trong một thái độ hoàn toàn sẵn sàng và sẵn sàng để đưa những gì đã được khôi phục vào trong thực tiễn.[65]
Một điều cần ghi chú ở đây là chúng ta thường hiểu rằng đặc sủng của đấng sáng lập được truyền lại cho hội dòng và nó trở thành đoàn sủng của hội dòng. Nhưng theo Sandra Schneiders, có những hội dòng khó xác định được đặc sủng của đấng sáng lập, như những hội dòng do Giám mục giáo phận hay linh mục giáo xứ lập nên, để giúp họ điều hành một cô nhi viện hoặc một trường học đã có sẵn trong giáo phận hoặc giáo xứ của họ. Bên cạnh đó, những vị sáng lập này không biết gì nhiều về đời sống thánh hiến. Bởi đó, Schneiders cho rằng đoàn sủng của một hội dòng cần được hiểu với nghĩa rộng hơn. Nó không chỉ bao gồm đặc sủng của đấng sáng lập, mà còn nền tảng và sự phát triển theo giòng lịch sử của nó nữa.[66]  
5. Đặc Sủng và Sứ Mệnh (Mission)
Mỗi hội dòng giống như một cái cây: gốc rễ của nó là đặc sủng, thân cây là linh đạo và hoa trái của nó là hoạt động tông đồ hay sứ mệnh truyền giáo. Đấng sáng lập nhận được đặc sủng để mở ra một hướng đi mới của việc sống những lời khuyên Phúc âm, một con đường nên thánh (linh đạo) và đồng thời để đáp ứng một nhu cầu nào đó của Giáo hội (sứ mệnh truyền giáo). Nơi đấng sáng lập, có thể sứ mệnh truyền giáo đang còn nằm trong giai đoạn nảy mầm, nhưng nó sẽ trở nên rõ ràng hơn đối với các thế hệ tiếp theo.[67] 
Thiên Chúa ban đặc sủng để thực hiện kế hoạch của Ngài, nên đặc sủng, kế hoạch của Thiên Chúa và sứ mệnh truyền giáo luôn đan quyện vào nhau. Thiên Chúa có mục đích của Ngài và Thần khí của Ngài ban đặc sủng cho ai đó để thực hiện mục đích đó. Tách khỏi mục đích này, đặc sủng không còn ý nghĩa. Vì vậy, đoàn sủng của mỗi hội dòng có thể được định nghĩa là một ân huệ của Thần khí được ban cho họ để cho phép họ thực hiện sứ mệnh đặc biệt của họ.[68] 
Các văn kiện của Giáo hội, đặc biệt là các Đức Giáo hoàng đều đề cập đến sứ mệnh truyền giáo (mission) của các đấng sáng lập. Đặc sủng của các đấng sáng lập thì đa dạng. Giáo hội, như Đức Gioan Phaolô II đã trình bày, cần sự đa dạng về đặc sủng và ơn gọi này, bởi vì cả sự phong phú về tinh thần và sự phục vụ nhân loại của Giáo hội đều tùy thuộc vào nó.[69] Bởi vậy, Ad Gentes đã trình bày rằng trong việc xây dựng Giáo hội địa phương, việc thành lập các hội dòng cần phải được ưu tiên ngang hàng với việc đào tạo hàng giáo sĩ (x. AG 15, 18).
Đặc sủng luôn gắn liền với sứ mệnh truyền giáo.[70] Trong những hội dòng hoạt động tông đồ, yếu tố đầu tiên để đặc sủng xuất hiện là sự nhận thức về một nhu cầu thiết yếu nào đó trong Giáo hội và ơn gọi để đáp ứng lại nhu cầu đó.
Được hướng dẫn bởi Thần khí, nguồn gốc của mọi ơn gọi và đặc sủng, đời sống thánh hiến, chính nó, trở thành một việc truyền giáo (x. SAFC 9). Văn kiện “Những Yếu tố Cốt yếu của Đời tu” cũng khẳng định: “Sự thánh hiến luôn đi kèm theo một sứ mệnh.” (EE 23) Chính Thần khí thúc đẩy họ đảm nhận sứ mệnh của Chúa Kitô. Thật vậy, ý thức về truyền giáo thấm sâu vào tận huyết mạch của mọi hình thức tu trì. Nó bao trùm mọi khía cạnh của đời sống họ. Sự thánh hiến luôn ẩn chứa một sứ mệnh và đặc sủng luôn gắn liền với sứ mệnh đặc biệt của mỗi hội dòng. Bởi đó, việc truyền giáo là điều cốt yếu đối với mọi hội dòng, cả những hội dòng chuyên lo làm việc tông đồ, lẫn những hội dòng sống đời chiêm niệm. Ý thức truyền giáo luôn là ưu tiên số một của mọi hình thức tu trì (x. VC 19, 25, 72). Vì thuộc về bản chất của Hội thánh, nên đời tu cũng gắn liền với sứ mệnh của Hội thánh (x. LG 44). Sự tận hiến của tu sĩ được Hội thánh tiếp nhận, nên họ biết rằng họ cũng dấn thân để phục vụ Hội thánh (x. PC 5). Những đặc sủng khác nhau của các hội dòng làm phong phú đời sống của Giáo hội và góp phần vào sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội theo tính cách riêng của mỗi hội dòng.[71] Mỗi hội dòng có một sứ mệnh riêng trong Thân Thể Chúa Kitô mà không ai khác có thể thay thế được. Nếu họ không thực hiện nó, họ khước từ kế hoạch của Thiên Chúa trao cho họ.
Tại mỗi Tổng hội, hội dòng cần xem xét lại sứ mệnh truyền giáo của mình và luôn biết thích nghi sứ mệnh đó vào trong bối cảnh mới.
6. Thẩm Quyền của Hội Thánh
Mỗi hội dòng có một vị trí trong đời sống Giáo hội và một sứ mệnh phải hoàn thành. Khi được thiết lập, hội dòng đương nhiên trở thành pháp nhân công trong Hội thánh. Họ hoạt động nhân danh Hội thánh để đạt được mục đích nhằm tới lợi ích chung của Hội thánh (x. PC 8; Can 116, §1; 675, §3).
Ở đây, cần phân biệt việc sáng lập và thiết lập. Việc sáng lập do ơn Chúa ban cho một tín hữu nào đó, thôi thúc họ lập nên một hội dòng mới để đạt tới mục tiêu nào đó. Việc thiết lập là một hành vi pháp lý, thuộc thẩm quyền của Giáo hội
Lumen Gentium đã đặt đời sống thánh hiến trong lòng Hội thánh, để nhắc nhở họ rằng việc theo Chúa không chỉ là lợi ích của riêng họ, mà còn liên hệ tới cả Hội thánh nữa. Do đó, công đồng đã khẳng định mối liên hệ giữa đời tu với bản chất, sự thánh thiện và sứ mệnh truyền giáo của Hội thánh: đời tu được xem như là dấu chỉ trong Hội thánh. Hoạt động của họ cần được thực hiện trong sự hiệp thông với Hội thánh. Họ cần duy trì mối tương quan với Giám mục giáo phận trong tinh thần phục tùng và kính trọng.
“Hội thánh có thẩm quyền giải thích các lời khuyên Phúc âm, điều hành việc thực hành chúng bằng các luật lệ và thiết lập những hình thức sống vững chắc bằng cách phê chuẩn theo giáo luật.” (Can 576) Lumen Gentium 45 trình bày: ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy của Thần khí, hàng Giáo phẩm, sau khi tu chính, chính thức phê chuẩn các luật dòng do các đấng sáng lập đề nghị. Rồi hàng giáo phẩm luôn săn sóc và bảo trợ những hội dòng được thiết lập khắp nơi nhằm xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô để họ phát triển và sinh hoa kết quả theo tinh thần của các đấng sáng lập của họ.
Mọi đặc sủng xác thực đều hàm chứa những yếu tố nào đó của tính sáng tạo đích thực và sáng kiến đặc biệt cho đời sống thiêng liêng của Hội thánh. Bởi đó mà đôi khi nó gây ra những khó khăn, vì không phải lúc nào cũng dễ nhận ra ngay tác động của Thần khí. Mutuae Relationes đã  nhận định rằng đặc sủng đích thực thường gắn liền với thập giá (Thiên Chúa luôn thanh luyện những người Ngài tuyển chọn để chuẩn bị cho họ thực hiện công việc của Ngài), nhưng nó thực sự hữu ích để phân định tính xác thực của một ơn gọi (x. MR 12). Đây thực sự là nhiệm vụ khó khăn và đầy trách nhiệm của các Giám mục. Bởi vì không phải lúc nào cũng dễ phân biệt và đón nhận đặc sủng (x. CL 24).
Trong bối cảnh có nhiều cộng đoàn mới ra đời hiện nay,[72] để biện phân các đặc sủng, tông huấn về đời sống thánh hiến (VC) đã nói: “Để có thể gọi là đời sống thánh hiến, nguyên tắc căn bản là những nét đặc thù của những cộng đoàn và những nếp sống mới này cần phải xây dựng trên những yếu tố chủ yếu của thần học và giáo luật về đời sống thánh hiến.[73] Việc biện phân này bao gồm cả cấp độ địa phương lẫn cấp độ hoàn vũ, vì cùng tuân phục một Thánh Thần duy nhất. Trong mỗi giáo phận, Giám mục sẽ thẩm định tính chính đáng và chứng tá đời sống của các đấng sáng lập các cộng đoàn ấy, linh đạo của họ, sự nhạy cảm của họ đối với Giáo hội trong việc thực thi sứ mệnh, phương pháp huấn luyện và cách thức gia nhập cộng đoàn. Giám mục phải khôn ngoan lượng định những nhược điểm có thể có trong khi kiên nhẫn chờ đợi sự đơm bông kết trái (x. Mt 7, 16), để có thể nhận ra tính xác thực của đặc sủng. Cách riêng, Giám mục, căn cứ trên những tiêu chuẩn rõ ràng, phải xác định được năng lực của những thành phần trong những cộng đoàn trên xin lãnh nhận các chức thánh.” (VC 62)   
7. Làm Thế Nào Để Khám Phá Ra Đặc Sủng của Đấng Sáng Lập?
Như đã trình bày, đặc sủng không thể định nghĩa hay giản lược vào một công thức. Nó có thể được mô tả qua những biểu lộ của nó. Nó là gia sản tinh thần của cả hội dòng và cần được sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển trong sự hài hòa với Thân Thể Chúa Kitô đang không ngừng lớn lên (x. MR 11). Bởi vậy, để khám phá ra đặc sủng của đấng sáng lập, chúng ta cần xem xét những yếu tố sau:  
-Tìm hiểu về con người, đời sống, bút tích... của đấng sáng lập:
Việc nghiên cứu về đời sống, tinh thần và những bài viết của đấng sáng lập không thể tách rời việc tìm kiếm đặc sủng của một hội dòng.[74] Công đồng Vatican II nói về gia sản tinh thần của mỗi hội dòng. Gia sản đó gồm có tinh thần, ý định của đấng sáng lập và những truyền thống lành mạnh (x. PC 2). Ý định của đấng sáng lập được bày tỏ qua bút tích, cách thức xử sự hành động hoặc qua văn thư châu phê của giáo quyền.
Chúng ta có thể đọc tất cả những cuốn sách viết về đặc sủng và đời sống thánh hiến, nhưng nếu chúng ta không biết gì về đấng sáng lập của chúng ta, chúng ta sẽ không biết được đặc sủng của chúng ta. Đấng sáng lập phải được thấy như là chìa khóa để hiểu được bản chất của hội dòng. Đấng sáng lập là nơi đầu tiên giúp chúng ta đào sâu đặc tính thực sự của hội dòng. Đấng sáng lập giống như một gốc cây mà từ đó rút ra nhựa sống Thần khí. Đó là lý do tại sao Girardi khẳng định rằng để định rõ được những ý định của Chúa Thánh Thần và hiểu được ý nghĩa của căn tính và đặc sủng, chúng ta phải khám phá lại đấng sáng lập. Để đào sâu đặc sủng của Thần khí, chúng ta phải tìm hiểu đời sống, gương sáng và lời dạy của đấng sáng lập. Khi chúng ta nhìn vào kinh nghiệm tông đồ và tinh thần, vào đời sống ngay lúc khởi đầu sứ mệnh của đấng sáng lập, chúng ta có thể thấy được Chúa Thánh Thần muốn gì cho Hội thánh. Trong cách này, chúng ta có thể khám phá lại sự phong phú và cảm xúc mãnh liệt, những nét phác thảo, lược đồ về tông đồ và tinh thần được truyền lại cho chúng ta. Thật vậy, qua sự chia sẻ của chính chúng ta vào trong đó, chúng ta có thể khám phá lại đặc sủng của đấng sáng lập.[75] 
Chúng ta phải bắt đầu từ đấng sáng lập. Phải nghiêm túc nghiên cứu tiểu sử về con người đã cho hội dòng sức sống của nó: một con người sống động và cụ thể, đã hiện diện trong suốt giai đoạn lịch sử cụ thể của Hội thánh; một con người dần dần nhận thức về đặc sủng của mình và tiếp tục làm sáng tỏ nó qua lời nói và hành động. Chúng ta cần tập trung vào những dữ liệu để tìm ra ý nghĩa thực sự của chúng. Nhưng chúng ta cần lưu ý rằng đặc sủng không thể được đồng nhất hóa với những gì mà đấng sáng lập đã làm, vì hành động của họ, chính nó, không phải là đặc sủng, nhưng chính là cách thức mà họ đáp trả lại ơn gọi của họ trong một tình huống lịch sử nhất định. Chúng ta không chỉ dựa vào lý thuyết, mà còn thực tế của lịch sử nữa, cả trong những giai đoạn phát triển, lẫn những giai đoạn đi trệch đường.
Thiên Chúa không kêu gọi đấng sáng lập để làm những gì đã được làm, để đi theo những con đường đã được in dấu chân, vì như vậy là bước đi trong bình an. Ngài làm cho họ trở thành những người cưu mang mầu nhiệm, mà mầu nhiệm thì luôn luôn mới và phải được khám phá, đương đầu và lao vào.[76] 
- Tìm hiểu về bối cảnh (xã hội, văn hóa, tôn giáo, Hội thánh) mà trong đó đấng sáng lập nhận được đặc sủng:
Một hội dòng được sinh ra thường là để đáp ứng một nhu cầu khẩn cấp nào đó trong Hội thánh và xã hội; do đó, đặc sủng luôn gắn liền với sứ mệnh. Chúng ta phải tìm hiểu xem làm thế nào đấng sáng lập đã chấp nhận, mô tả và sống đặc sủng đó trong bối cảnh văn hóa, xã hội, tôn giáo và Giáo hội thời ngài.
Những lời nói và việc làm của các đấng sáng lập cần được hiểu trong bối cảnh lịch sử mà họ sống. Chúng ta cần hiểu được tính cách ngôn sứ và sứ mệnh của họ trong môi trường sống cụ thể; qua đó, với sự hướng dẫn của Thần khí, chính Người cũng đã dẫn dắt các đấng sáng lập, chúng ta tìm ra được hướng đi thích hợp cho hội dòng chúng ta trong bối cảnh mới.
- Tìm hiểu qua những môn đệ đầu tiên của đấng sáng lập và những thế hệ tiếp theo:
Mutuae Relationes nói về đặc sủng như là “một kinh nghiệm về Thần khí, được truyền lại cho các môn đệ để sống.” (MR 11) Đấng sáng lập đã truyền lại cho những môn đệ đầu tiên kinh nghiệm về Thần khí nền tảng này qua đời sống và kinh nghiệm tinh thần của ngài. Những môn đệ đầu tiên là những người làm phong phú thêm kinh nghiệm ban đầu với những ân sủng của chính họ. Các môn đệ làm sáng tỏ kinh nghiệm này qua chính đời sống của họ. Giống như các môn đệ của Chúa Kitô, họ sống trong sự hiệp nhất thân mật với đấng sáng lập của họ. Họ đồng hóa tinh thần của đấng sáng lập và trải qua những kinh nghiệm mà đấng sáng lập đã vượt qua và giải quyết những khó khăn trong bước đầu thành lập. Họ cũng là những người có cơ hội cảm nghiệm được đặc sủng mà dẫn đến sự hình thành một cộng đoàn tu mới. Họ có kinh nghiệm về nguồn gốc xác thực của nó trong đời sống tinh thần và tông đồ của Hội thánh. Họ sống cùng nhau với đấng sáng lập, vì họ chia sẻ ơn gọi cá nhân của chính ngài. Ơn gọi cá nhân này chứa đựng những ân sủng giúp họ hoàn thành sứ mệnh của họ trong Hội thánh. Được nắn đúc qua sự tương tác giữa các thành viên trong hội dòng, đặc sủng của đấng sáng lập phát triển vào trong đặc sủng (đoàn sủng) của hội dòng.[77] Nhờ vào ân sủng của riêng họ, họ đã góp phần vào sự phát triển ban đầu của hội dòng. Qua đó, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, họ cũng chuẩn bị tính cách ngôn sứ cho con đường tương lai của hội dòng.[78] 
Những thành viên mới bước vào cộng đoàn vì họ khám phá ra một căn tính nào đó giữa ơn gọi cá nhân của chính họ và đặc sủng của đấng sáng lập và các môn đệ của ngài.[79] Đặc sủng của đấng sáng lập được truyền lại cho các thế hệ sau. Nó được nuôi dưỡng,  lưu lại trong huấn giáo tinh thần cho các thế hệ mới, đào sâu và thực hiện. Những yếu tố chính của nó, mục đích của hội dòng hoặc mối bận tâm lúc khở đầu của hội dòng, cách sống, môi trường tinh thần, được mô tả trong hiến pháp, như là điểm đối chiếu, nguồn sáng và nguồn nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo.[80]
Đặc sủng chỉ có thể hiện diện trong những con người, trong trái tim của họ, mặc dù sứ mệnh mà nó biểu lộ có tính cách chung. Vì thế, tìm kiếm đoàn sủng của một hội dòng là công việc có vừa có tính cách tập thể, vừa có tính cách cá nhân sâu xa. Những thành viên của hội dòng cần sự giúp đỡ để tìm ra nó, nhưng không ai có thể làm thay cho họ.[81]       
- Tìm hiểu về lịch sử, hiến pháp của hội dòng:
Ý nghĩa của các đặc sủng của các hội dòng được diễn tả qua hiến pháp và luật riêng của mỗi hội dòng.[82] 
Những biến cố quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và sự sống còn của hội dòng cần được xem xét, để biết làm thế nào và dựa vào đâu mà đấng sáng lập và môn đệ của ngài đã vượt qua được những khó khăn. Mỗi Tổng hộị của hội dòng là một sự lượng giá, xem xét và định hướng cho sứ mệnh truyền giáo theo đặc sủng của hội dòng trong giai đoạn sắp tới.
Điều quan trọng cần ghi nhớ là chính cộng đoàn, chứ không phải một cá nhân hay một nhóm nào đó, mới có thể tìm hiểu một cách đầy đủ về đặc sủng. Bởi vì cộng đoàn được sinh ra từ kinh nghiệm về Thần khí của đấng sáng lập. Chính cộng đoàn đã sống, đào sâu kinh nghiệm ban đầu đó. Đây là một công việc tự tìm hiểu, tự phân tích của cộng đoàn. Chúng ta có thể nói rằng có 5 nhóm người liên quan đến đặc sủng đó: 
1)     Đấng sáng lập
Đấng sáng lập, đối tượng chính, người cưu mang đặc sủng và là người khai mở cộng đoàn và lịch sử của nó.
2)     Các môn đệ
 Những thành viên, với tất cả ân sủng riêng của họ, tác động qua lại với đặc sủng thành lập của đấng sáng lập.
3)    Cộng đoàn
Cộng đoàn, trong nghĩa đầy đủ của nó, bao gồm đấng sáng lập và các môn đệ. Họ diễn tả toàn bộ mối quan hệ tương tác trong cùng một kinh nghiệm ban đầu về Thần khí.
4) Giáo quyền  
Thẩm quyền của Hội thánh liên hệ có nhiệm vụ đào sâu, nhận ra và phê chuẩn tính xác thực của đặc sủng của đấng sáng lập và của cộng đoàn.
5) Dân Thiên Chúa
Dân Thiên Chúa đón tiếp và nhìn nhận đặc sủng mà nó khích lệ họ sống đời Kitô hữu trọn vẹn hơn trong lòng Giáo hội địa phương.[83] 
  
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Sách
- Antonio Romano. The Charism of the Founders: The person and Charism of Founders in Contemporary Theological Reflection. Ireland: St Pauls, 1994.
- Cassian J. Yuhaus, ed. Religious Life: The Challenge of TomorrowNew York: Paulist Press, 1994.
- Fabio Ciardi. KoinoniaSpirituality and Theology of the Growth of Religious Community. Quezon City: Claretian Publications, 1999.
- Felicisimo Diez Martinez, OP. Refounding Religious Life: Charismatic Life and Prophetic Mission. Quezon City: Claretian Publications, 2000.
- Gerald A. Arbuckle, SM. From Chaos to Mission, Refounding Religious Life Formation. London: Geoffrey Chapman, 1996.
- Jesus Alvarez Gomez. New Evangelization for the Third Millennium.Quezon City: Claretian Publications, 1997. 
- John Manuel Lozano, CMF. Foundresses, Founders and Their Religious Families. Chicago: Claret Center   for Resources in Spirituality, 1983.
- Leonardo Boff. Church: Charism & Power- Liberation Theology and the Institutional Church. New York: Crosss, 1992.
- Marcello Azevedo, SJ. Vocation for Mission- The Challenge of Religious Life Today. New York: Paulist Press, 1988.
 
- M. Ngọc Đính (Chuyển ngữ). Đời tu dưới ánh sáng công đồng Vatican II và Giáo luật, Quyển I. The Daughters of St. Paul, 1986.
- Phan Tấn Thành. Giải Thích Giáo Luật Quyển 2- Dân Thiên Chúa, tập 3 và 4, Các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ. Rôma, 1993.
- Saint Francis of Assisi. Writtings and Early Biographies. Chicago: Franciscan Herald Press, 1973.
- Sandra Schneiders. Religious Life in a New Millennium, Volume I, Finding the Treasure- Locating Catholic Religious Life in a New Ecclesial and Cultural Context. NewYork: Paulist Press, 2000.
- Teresa Ledóchowska Osu. In Search of the Charism of the Institute of the Ursulines of the Roman Union. Roma: Ursulines of the Roman Union Via Nomentana 236, 1976.
- The 54th Assembly of the Union of Superiors General (Unione Superiori Generali).  For a Creative Fidelity Refounding- Resituating Charisms, Redesigning Presence. Rome 1998.
  
II. Tạp Chí
F. George. Critères pour découvrir et vivre le charisme du Fondateur aujourd’hui, trong Vie Oblate Life 36 (1977).
- Futrell, J.C. Discovering the Founder’s charism, in The Way Supplement14 (1971).
- R. Mainka. Carisma e storia nella vita religiosa, trong Bollettino UISG, số 58 (1981).
- S. McCarty. Touching Each Other at the Roots: A Reflection on the Charism of the Founder, trong Review for Religious 31 (2/1972).

[1] x. Antonio Romano, The Charism of the Founders: The person and Charism of Founders in Contemporary Theological Reflection (Ireland: St Pauls, 1994), tr. 32-33; John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families (Chicago: Claret Center   for Resources in Spirituality, 1983), tr. 3.
[2] Đức Pio XII, Tông thư Unigenitus, 19/3/1924 (AAS, XVI, tr. 135); John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 2.
[3] x. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 33-34.
[4] x. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 6-7; Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 34.
[5] x. Antonio Romano, The Charism of the Founder, tr. 34-35; John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 3-4.
[6] x. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 35.
[7] x. Đức Piô VI, the Letter Quod Aliquantum.
[8] x. Đức Piô VII, the Apostolic Constitution Ad Cathedram Apostolorum Principis, 24/5/1807; Đức Piô IX, the encyclical Ubi Prinum Arcano, 27/6/1847; Đức Piô X, the Letter I Filiali Ossequi, 7/5/1907; Đức Piô XI, the Letter Unigenitus Dei Filius, 19/3/1924; Đức Piô XII, trong bài giảng của ngài vào ngày 27/4/1941.
[9] x. V. Caprioli, Fondatori, in Dizionario del Concilio Ecumenico Vaticano Secondo, Rome 1969, 1144- 1145.
[10] x. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 3-4; Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 35, 39- 40.
[11] x. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 5; Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 42-43.
[12] x. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 42-43; John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 5-13, 20. 
[13] x. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 4.
[14] x. Ibid., tr. 10-13.
[15] x. Saint Francis of Assisi, Writtings and Early Biographies (Chicago: Franciscan Herald Press, 1973), tr. 74-76.
[16] x. Phan Tấn Thành, Giải Thích Giáo Luật Quyển 2- Dân Thiên Chúa, tập 3, Các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ (Rôma, 1993), tr. 365.
[17] x. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 74-75.
[18] x. Ibid., tr. 42-43.
[19] Đặc sủng được ban nhằm phục vụ lợi ích cộng đoàn; còn ơn thánh sủng nhằm thánh hoá bản thân người nhận.
[20] x. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 33.
[21] x. Leonardo Boff, Church: Charism & Power- Liberation Theology and the Institutional Church (New York: Crosss, 1992), tr. 154- 164.
[22] X. Đức Phaolô VI, bài nói chuyện với một số tu sĩ ngày 31/3/1969, trong AAS 61 (1969) 266;  và trong bài giảng ngày 4/3/1964; ET 11.
[23] Đức Gioan Phaolô II, Bài nói chuyện với các bề trên tổng quyền nam, ngày 24/11/1978, được trích lại trong John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 28.
[24] Kinh nghiệm hay cảm nghiệm là một đặc sủng, vì là một ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần.
[25] X. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 29-30.
[26] X. Cassian J. Yuhaus, ed., Religious Life: The Challenge of Tomorrow (New York: Paulist Press, 1994), tr. 184- 185.
[27] X. Teresa Ledóchowska Osu, In Search of the Charism of the Institute of the Ursulines of the Roman Union (Roma: Ursulines of the Roman Union Via Nomentana 236, 1976), tr. 26.
[28] X. Thượng Hội đồng Giám mục, kỳ IX, Đời Sống Thánh Hiến và Sứ Mạng của Đời sống này trong Giáo hội và trong Thế giới (Tài lệu làm việc), số 16-17.
[29] X. Germinario M., được trích trong Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 148.
[30] X. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 92.
[31] X. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 109, 140; M. Ngọc Đính (Chuyển ngữ), Đời tu dưới ánh sáng công đồng Vatican II và Giáo luật, Quyển I (The Daughters of St. Paul, 1986),  tr. 66- 68, 148- 154.
[32] X. Ibid., tr. 91-92.
[33] X. Fabio Ciardi, KoinoniaSpirituality and Theology of the Growth of Religious Community (Quezon City: Claretian Publications, 1999), tr. 276-279; M. Ngọc Đính (Chuyển ngữ), Đời tu dưới ánh sáng công đồng Vatican II và Giáo luật, Quyển I (The Daughters of St. Paul, 1986),  tr. 199.
[34] X. Teresa Ledóchowska Osu, In Search of the Charism of the Institute of the Ursulines of the Roman Union, tr. 23, 31-33.
[35] X. Antonio Romano, The Charism of the Founder, tr. 24, 137.
[36] X. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 45-46.
[37] X. Fabio Ciardi, Koinonia, tr. 256- 259.
[38] X. Phan Tấn Thành, Giải Thích Giáo Luật Quyển 2, tr. 353-354, 411-412.
[39] X. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 46; Phan Tấn Thành, Giải Thích Giáo Luật Quyển 2, tr. 360-362.
[40] X. Marcello Azevedo, SJ, Vocation for Mission- The Challenge of Religious Life Today (New York: Paulist Press, 1988), tr. 137.
[41] Saint Francis of Assisi, Writtings and Early Biographies, tr. 57, 31.
[42] X. Phan Tấn Thành, Giải Thích Giáo Luật Quyển 2, tr. 360-361, 366-367.
[43] X. Fabio Ciardi, Koinonia, tr. 157-158.
[44] X. Gerald A. Arbuckle, SM, From Chaos to Mission, Refounding Religious Life Formation (London: Geoffrey Chapman, 1996), tr. 27.
[45] X. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 43-44.
[46] X. Ibid., tr. 47.
[47] X. Phan Tấn Thành, Giải Thích Giáo Luật Quyển 2, tr. 369.
[48] X. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 77.
[49] X. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 97-123.
[50] X. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 149-150.
[51] Đoàn sủng được sử dụng khi nói đến ý nghĩa phục vụ cộng đoàn của đặc sủng.
[52] X. The 54th Assembly of the Union of Superiors General (Unione Superiori Generali),  For a Creative Fidelity Refounding- Resituating Charisms, Redesigning Presence (Rome 1998),  tr. 74-75.
[53] X. Teresa Ledóchowska Osu, In Search of the Charism of the Institute of the Ursulines of the Roman Union, tr. 16, 19, 23, 30.
[54] X. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr.151-156; Teresa Ledóchowska Osu, In Search of the Charism of the Institute of the Ursulines of the Roman Union, tr. 17.
[55] X. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 89-90.
[56] X. Felicisimo Diez Martinez, Refounding Religious Life: Charismatic Life and Prophetic Mission (Quezon City: Claretian Publications, 2000), p. 314; VC 73.
[57] X. Futrell, J.C., Discovering the Founder’s charism, in The Way Supplement 14 (1971) 62,70.
[58] F. George, Critères pour découvrir et vivre le charisme du Fondateur aujourd’hui, trong Vie Oblate Life 36 (1977) 39.
[59] X. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 179.                                                                             
[60] X. Ibid., tr. 165, 175.
[61] X. S. McCarty, Touching Each Other at the Roots: A Reflection on the Charism of the Founder, trong Review for Religious 31 (2/1972) 205.
[62] X. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 181.
[63] X.  Ibid., tr. 171.
[64] Trong bối cảnh xét lại các hình thức hoạt động tông đồ đó, văn kiện “Những yếu tố cốt yếu của đời tu” (số 27) đã đưa ra những khuyến cáo về ba cơn cám dỗ khi xây dựng kế hoạch hoạt động tông đồ: (i) muốn ôm đồm mọi hình thức hoạt động tông đồ, (ii) bỏ đi những hình thức hoạt động truyền thống theo đặc sủng của dòng, để chạy theo những hoạt động đáp ứng nhu cầu xã hội tức thời, nhưng lại không hợp với đặc sủng của dòng, (iii) phân tán nhân lực dòng vào những hoạt động ngắn hạn, chỉ liên hệ đến đặc sủng một cách mơ hồ; do đó, với thời gian, tính cách đồng nhất trong việc thực hiện đặc sủng của dòng sẽ bị tổn thương (x. Phan Tấn Thành, Giải Thích Giáo Luật Quyển 2- Dân Thiên Chúa, tập 4, Các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ (Rôma, 1993), tr. 762- 763).
[65] X. R. Mainka, Carisma e storia nella vita religiosa, trong Bollettino UISG, số 58 (1981) 6.
[66] X. Sandra Schneiders, Religious Life in a New Millennium, Volume I, Finding the Treasure- Locating Catholic Religious Life in a New Ecclesial and Cultural Context (NewYork: Paulist Press, 2000), tr. 287-288.
[67] X. Teresa Ledóchowska Osu, In Search of the Charism of the Institute of the Ursulines of the Roman Union, tr. 27.
[68] X. Ibid., tr. 13-14, 15.
[69] X. Đức Gioan Phaolô II, bài nói chuyện với các tu sĩ tại Sao Paulo, 3/7/1980, được trích lại trong  trong John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 28; Thượng Hội đồng Giám mục, kỳ IX, Đời Sống Thánh Hiến và Sứ Mạng của Đời sống này trong Giáo hội và trong Thế giới, số 3, 6.
[70] X. Cassian J. Yuhaus, ed., Religious Life: The Challenge of Tomorrow, tr. 184-185; Thượng Hội đồng Giám mục, kỳ IX, Đời Sống Thánh Hiến và Sứ Mạng của Đời sống này trong Giáo hội và trong Thế giới, số 6.
[71] X. Jesus Alvarez Gomez, New Evangelization for the Third Millennium(Quezon City: Claretian Publications, 1997), tr. 78.
[72] Đây là những hình thái mới của đời tu: gồm nam và nữ, giáo sĩ và giáo dân, người đã lập gia đình và người độc thân.
[73] Bộ Giáo luật, đ. 573; Bộ Giáo luật các Giáo hội Đông phương, đ. 410.
[74] X. Teresa Ledóchowska Osu, In Search of the Charism of the Institute of the Ursulines of the Roman Union, tr. 27.
[75] X. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 114-115, 138-139, 141, 144.
[76] X. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 145.
[77] X. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 140; John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 75.
[78] X. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 64.
[79] X. John Manuel Lozano, Foundresses, Founders and Their Religious Families, tr. 76.
[80] X. Ibid., tr. 76.
[81] X. Teresa Ledóchowska Osu, In Search of the Charism of the Institute of the Ursulines of the Roman Union, tr. 29.
[82] X. Phan Tấn Thành, Giải Thích Giáo Luật Quyển 2, tr. 388.
[83] X. Antonio Romano, The Charism of the Founders, tr. 173-174.

Tác giả bài viết: Lm. JB Trần Hữu Hạnh fsf.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

thang 9 1

Lịch Phụng vụ

MÙA CHAY
17 Ch Nht    Chúa Nhật 5 Mùa Chay
18 Th Hai n*  Thánh Sy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem, tiến sĩ Hội Thánh
19 Th Ba T  Thánh Giu-se, Bạn trăm năm Đức Trinh nữ Maria
20 Th Tư    Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay
21 Th Năm    Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay
22 Th Sáu    Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay
23 Th By n*  Thánh Tu-ri-bi-ô Môn-rô-vê-khô, giám mục
24 Ch Nht    Chúa Nhật Lễ Lá
25 Th Hai    Thứ Hai Tuần Thánh
26 Th Ba    Thứ Ba Tuần Thánh
28 Th Năm    Thứ Năm Tuần Thánh
29 Th Sáu    Thứ Sáu Tuần Thánh
30 Th By    Thứ Bảy Tuần Thánh
31 Ch Nht    CHÚA PHỤC SINH

Videos

Audio

Hình ảnh

22 8
Lễ Mẹ Trinh Vương ngày 22.8.2023
img 3797
Hội chợ Xuân 2024
MN Rạng Động

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập29
  • Hôm nay3,459
  • Tháng hiện tại64,090
  • Tổng lượt truy cập6,470,151

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây