Chúa Giêsu Giáng sinh ngày nào?

Thứ sáu - 14/12/2018 23:48  2006
CSC - Toàn thế giới mừng lễ Chúa giáng sinh ngày 25 tháng 12. Tại sao bên Nga, lễ Chúa Giáng sinh được mừng vào ngày 7 tháng giêng? Có phải tại vì họ theo lịch của các Giáo Hội Chính thống không? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.
 

Capture

Chúng ta nên phân biệt hai chuyện khác nhau: một bên là chuyện bên Nga, và một bên là chuyện các Giáo Hội Đông Phương. Bên Nga, người ta không chấp nhận cuộc cải tổ lịch của Giáo Hoàng Grêgoriô XIII năm 1582, vì thế có sự chênh lệch đến 10 ngày. Vì thế ngày 25 tháng 12 theo lịch cũ (quen gọi là lịch Giulianô) thì tương đương với ngày 7 tháng 1 với lịch của Giáo hoàng Grêgoriô (mà chúng ta đang sử dụng); cũng tương tự như cuộc cách mạng tháng 10 của Liên sô (ngày 26, theo lịch Giuliano) thì trùng với ngày 8 tháng 11 theo lịch Gregoriano. Như vậy là bên Nga người ta cũng mừng lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12, chỉ có điều là họ tính lịch cách khác thôi. Còn truyền thống các Giáo hội Đông phương về lễ Chúa Giáng sinh thì khác. Ở Rôma, người ta cử hành lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12, theo tục truyền là để thay thế vào lễ kính thần mặt trời. Như vậy là các Kitô hữu muốn Phúc-âm-hóa một lễ của dân ngoại. Bên Đông phương thì có nhiều tục lệ khác nhau: ở Antiokia, người ta cũng mừng lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng12; bên Ai cập, người ta mừng vào ngày 6 tháng giêng. Theo một vài sử gia, đây cũng là một cố gắng để Phúc âm hóa một lễ ngoại giáo, bởi vì ngày ấy, bên Ai cập, có lễ kính nữ thần sông Nil; Giáo hội kính việc Thiên Chúa tỏ mình ra khi đức Giêsu lãnh phép rửa tại sông Giordan, và rồi từ đó mở rộng đến toàn thể mầu nhiệm Thiên Chúa làm người.

Như vậy, cả hai ngày 25 tháng chạp và 6 tháng giêng đều là lấy lại một lễ ngoại giáo. Chúng ta có biết chính xác Chúa ra đời vào ngày nào không?

Không. Và đây thật là điều đáng ngạc nhiên. Các tài liệu của Tân ước không cung cấp cho ta một dữ kiện nào chắc chắn về ngày, tháng, năm sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng chẳng biết Chúa sinh vào ngày thứ mấy trong tuần. Đây là một điểm khác biệt giữa biến cố Giáng sinh và biến cố Phục sinh. Biến cố Phục sinh xảy ra vào ngày Chúa nhật. Các bản Phúc âm đều nói đến “sau ngày sabat, ngày thứ nhất trong tuần” (Mt 28,1; Mc 16,1-2; Lc 24,1; Ga 20,1). Vì thế mà ngay từ thời các thánh tông đồ, các tín hữu đã mừng lễ Chúa Phục sinh không những là hằng năm vào dịp lễ Vượt qua của người Do thái, mà còn hằng tuần, vào “ngày thứ nhất” mà họ gọi là ngày Chúa nhật, (ngày của Chúa), vào ngày mà nhiều dân tộc Âu châu gọi là ngày của mặt trời: dies solis trong tiếng La-tinh, Sunday theo tiếng Anh và Đức. Trái lại, chúng ta không có một dấu chỉ nào nói về ngày Chúa sinh ra. Trong 3 thế kỷ đầu, lịch phụng vụ không nói tới lễ Giáng sinh. Mãi đến cuối thế kỷ III, mới thấy có vài nơi mừng lễ Chúa ra đời.

Tại sao muộn vậy?

Khi đọc các thư của thánh Phaolô, chúng ta thấy thánh tông đồ nhấn mạnh đến cuộc tử nạn và Phục sinh của đức Kitô, chứ không đả động gì đến việc Chúa giáng trần. Ta cũng có thể nói một cách tương tự về các sách Tin mừng, nghĩa là trọng tâm đặt vào sứ vụ công khai của Đức Ki-tô từ khi lãnh phép rửa tại sông Giorđanô cho đến thập giá và phục sinh. Chỉ có thánh Mattheu và Luca nhắc đến cuộc giáng sinh. Thế nhưng sang thế kỷ IV, sau khi Giáo hội được hưởng tự do hành đạo, thì nảy ra nhiều lạc giáo liên quan đến bản tính Đức Kitô: có nơi phủ nhận thiên tính của ngài, có nơi phủ nhận nhân tính của Ngài. Trong bối cảnh này, người ta bắt đầu để ý đến mầu nhiệm Nhập Thể. Có những chứng tích cho thấy rằng từ năm 336, lịch phụng vụ đã ghi ngày 25 tháng 12 là lễ Giáng sinh. Lúc đầu là một lễ địa phương của Giáo hội Rôma, dần dần lan sang Bắc Phi. Đến cuối thế kỷ IV, thì nhiều vùng bên Giáo hội Đông phương cũng mừng ngày Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng chạp, như chúng ta thấy các bài giảng của các giáo phụ Basiliô vào khoảng năm 375, Grêgôriô Nissa năm 380, Gioan kim khẩu năm 386. Đặc biệt là thánh Gioan kim khẩu, trong bài giảng nhân ngày 25 tháng 12 năm 386 tại Antiôkia đã giải thích lý do vì sao du nhập lễ Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12 thêm vào lễ 6 tháng giêng. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng trong Giáo hội của ngài có nhiều thành phần bảo thủ, không chấp nhận những canh tân, nhất là khi sự canh tân đến từ Tây phương. Thánh Gioan không đả động chi đến các nguồn gốc thần học của Giáo hội Rôma mà cố gắng thuyết phục cộng đoàn bằng lý do lịch sử. Thánh Luca nói rằng thiên sứ Gabriel hiện ra với ông Dacaria khi ông này vào đền thờ Gierusalem để tiến hương. Thử hỏi xem ông ta vào đền thờ vào kỳ nào? Thưa vào dịp lễ xá tội, Yom Kippur, vào cuối tháng 9. Sáu tháng sau, thiên thần hiện ra với Đức Mẹ Maria tại Nadarét. Như vậy là cuối tháng 3. Và, chín tháng sau đó, (cuối tháng 12) Chúa ra đời là đúng rồi. Do đó, thánh Gioan Kim Khẩu kết luận, chúng ta hãy mừng lễ Chúa Giáng sinh vào cuối tháng 12 thì hợp lý hơn. Và rồi, vào ngày 6 tháng giêng, người ta không còn mừng lễ Chúa Giáng sinh nữa, nhưng chỉ còn mừng lễ Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, qua việc các đạo sĩ đến thờ lạy Đấng Cứu thế.

Để kỷ niệm mừng Chúa Giáng Sinh, các nhà thờ cũng như tư gia làm một hang đá với các nhân vật có mặt tại Bêlem lúc Chúa ra đời. Có phải Chúa ra đời trong hang đá nơi máng lừa hay không?

Theo thánh Luca, vào thời ấy có một cuộc kiểm tra dân số trong toàn đế quốc Rôma, ai nấy phải về nguyên quán của mình để kê khai. Hoàng đế Rôma không chỉ muốn biết con số nhân đinh của mình, nhưng còn muốn biết có bao nhiêu người sẵn sàng thi hành nghĩa vụ quân sự, cũng như tài sản của họ để đánh thuế. Từ Nazarét có lẽ là quê quán của Mẹ Maria, ông Giuse dẫn bạn mình trở về nhà của song thân mình ở Bêlem, một quãng đường dài khoảng 150 cây số. Bêlem (theo nguyên ngữ Do Thái Bethlehem) có nghĩa là “nhà của bánh”. Nhưng theo một số học giả hiện đại, có lẽ phải tìm nguyên ngữ Bit-ilulahama (tiếng Canaan, có nghĩa là nhà của thần Lajamu). Bêlem là một thôn làng nhỏ bé, cách Giêrusalem độ chừng 8 cây số về phía Nam. Vào thời ấy dĩ nhiên là không có khách sạn hay quán trọ. Luca nói rằng ông Giuse không tìm được một chỗ trong một gian phòng dành cho khách. Có lẽ là một gian nhà xép như cái chái, mở ra làm gian dành cho súc vật. Vì vậy mà sau khi hết chỗ, có lẽ ông chủ đưa ra ngoài hiên, nơi dành cho súc vật chăng? Từ thế kỷ II mới có truyền thống do thánh Giustinô kể lại (Dialogo cum Triphone 78,5viết vào khoảng năm 150) là Chúa Giêsu sinh ra trong một hang đá. Từ đó lưu truyền ấy được tiếp tục như chúng ta thấy trong chứng tích của Origène (Contra Celsum I, 51 viết vào khoảng năm 248) một thế kỷ sau đó. Ấy là chưa kể đến các Nguỵ Phúc Âm Thư. Vào thế kỷ IV hoàng đế Constantinô đã xây một thánh đường tại hang đá mà theo tục truyền là nơi Chúa ra đời. Tuy nhiên tục lệ cất hang đá trong các nhà thờ và tư gia để tưởng niệm biến cố Chúa giáng sinh mới có từ thế kỷ XIII, do thánh Phanxicô khó khăn khởi xướng.

Còn hai con bò lừa ở đâu tới vậy?

Phúc Âm không nói đến. Chi tiết này xuất hiện ở Nguỵ Phúc Âm theo thánh Matthêu. Tác giả này muốn chứng minh rằng việc Chúa ra đời trong hang bò lừa ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia 1,3: “Con bò đã biết chủ mình, và con lừa nhận biết máng của chủ mình”. Đây cũng là một lời trách móc. Thiên Chúa đến ở giữa dân của ngài, nhưng họ không nhận ra ngài, đang khi mà các động vật vô tri lại nhận biết. Mặt khác, cũng có giáo phụ giải thích theo một nghĩa tích cực hơn, đó là: Chúa giáng trần đã mang lại thái bình cho vạn vật, như ông Isaia loan báo ở chương 11: “sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ”.

Bên cạnh hang đá, không thể nào thiếu ngôi sao. Có phải đó là sao chổi dẫn đường cho Ba Vua đến thờ lạy Chúa Cứu Thế không?

Đúng vậy, ngôi sao đặt bên cạnh hang đá tưởng nhớ đến ngôi sao đã dẫn đưa các nhà đạo sĩ đến thờ lạy Hài Nhi ở Belem. Tuy nhiên thánh Matthêu không nói rõ ràng đó là ngôi sao chổi. Dù sao theo các học giả Kinh Thánh, sao chổi hay sao nào khác không quan hệ cho bằng ý nghĩa thần học của sự kiện: trong Cựu ước (Ds 24,7), ông Balaam tiên báo ngày vị cứu tinh ra đời dưới hình ảnh của một ngôi sao chỗi dậy từ nhà Giacóp. Lưu truyền bình dân ở Israel đều nói đến một ngôi sao xuất hiện vào lúc một hoàng đế hay vĩ nhân ra đời.

Một ngôi sao đã dẫn đường cho Ba Vua thờ lạy Chúa, họ có phải là Vua hay các nhà đạo sĩ, nhà chiêm tinh? Tại sao lại có ông da trắng, da vàng và da đen?

Thánh Matthêu nói là có các “magoi”. Từ này có ý nghĩa hàm hồ: ở Ba Tư, họ thuộc hàng giáo sĩ, nhưng không phải lo chuyện tư tế mà còn lo chuyện bói toán, thiên văn và y khoa nữa. Nhưng khó có thể nói là các nhân vật mà thánh Matthêu nói tới thực sự từ Ba Tư mà đến. Đối với người thời đó, “Phương Đông” không hẳn là Trung Hoa, Nhật Bản nhưng chỉ là xứ ở phía Đông của bờ sông Hoà Giang, có thể là chính từ miền Ảrập. Về sau các vị ấy được gọi là vua có lẽ vì người Kitô hữu liên tưởng tới thánh vịnh 72: “ Các vua Tharsis và hải đảo sẽ mang lễ phẩm; các vua Ảrập và Saba sẽ mang cống vật …”. Con số “ba” xuất hiện có lẽ vì gắn liền với ba phẩm vật: vàng, trầm hương, mộc dược. Ba lễ phẩm có ý nghĩa tượng trưng. Vàng là biểu hiệu của vua chúa; trầm hương là biểu biệu của thần linh; mộc dược dùng để tẩm liệm ước xác, biểu hiệu của thân phận con người. Các Giáo Hội Syria và Armeni đếm hơn một chục vị, chứ không phải chỉ có ba vị. Dầu là ba hay là bốn đi nữa, ta vẫn có thể nghĩ rằng họ đều cùng một xứ với nhau. Về sau, vì muốn làm nổi bật tính cách phổ quát của ơn cứu chuộc, người ta đặt ba vị tượng trưng mầu da của ba đại lục của trái đất: da trắng (Âu châu), da vàng (Á châu), da đen (Phi châu). Mỹ châu mới được khám phá cách đây 500 năm thôi. Dù sao đi nữa vấn đề chính mà Matthêu muốn nêu lên là vào lúc Chúa ra đời, trong khi những người ở chính quê hương của Ngài thuộc làu Sách Thánh, nhưng không nhận biết thời giờ cứu độ; còn những người ngoại đạo từ xa xăm đã nhận ra Chúa Cứu Thế và đến thờ lạy Ngài. Biết đâu đó cũng là lối trách móc dành cho chúng ta, những người Kitô hữu?

Bên cạnh hang đá, người ta còn đặt thêm cây thông nữa. Tại sao đặt cây thông? Ở Việt Nam đâu dễ gì kiếm được cây thông, sao không đặt cây chuối, cây dừa?

Trong Tân ước không có chỗ nào nói Chúa Giêsu sinh ra gần cây thông. Mặt khác tục lệ làm hang đá để tưởng niệm Chúa ra đời đã có từ thế kỷ XIII, còn tục lệ đặt cây thông thì mới trở nên phổ thông từ thế kỷ XIX, phát xuất từ bên Đức. Tại những nước Bắc Âu, trong mùa Đông, các cây đều trụi lá hết, chỉ trừ cây thông là giữ được vẻ tươi xanh. Vì thế không lạ gì người ta dùng cây thông để trang hoàng vào dịp lễ. Điều quan trọng là tìm hiểu ý nghĩa của nó. Cây thông với những cành lá luôn xanh tươi, tượng trưng cho sự sống. Cây thông dựng lên trong mùa Giáng Sinh gợi lên cây trường sinh ở vườn địa đàng. Nguyên tổ chúng ta đã phạm tội, bị trục xuất khỏi nơi hạnh phúc và chịu án tử. Nay Chúa Cứu Thế giáng trần, Ngài mở lại cửa thiên đàng cho chúng ta, trả lại cho chúng ta cây trường sinh. Thiết tưởng một khi hiểu được ý nghĩa như vậy, ta có thể dùng bất cứ cây nào đặt bên cạnh hang đá cũng được.

Nguồn tin: catechesis.net
http://dongthanhtam.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

thang 9 1

Lịch Phụng vụ

MÙA CHAY
17 Ch Nht    Chúa Nhật 5 Mùa Chay
18 Th Hai n*  Thánh Sy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem, tiến sĩ Hội Thánh
19 Th Ba T  Thánh Giu-se, Bạn trăm năm Đức Trinh nữ Maria
20 Th Tư    Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay
21 Th Năm    Thứ Năm tuần 5 Mùa Chay
22 Th Sáu    Thứ Sáu tuần 5 Mùa Chay
23 Th By n*  Thánh Tu-ri-bi-ô Môn-rô-vê-khô, giám mục
24 Ch Nht    Chúa Nhật Lễ Lá
25 Th Hai    Thứ Hai Tuần Thánh
26 Th Ba    Thứ Ba Tuần Thánh
28 Th Năm    Thứ Năm Tuần Thánh
29 Th Sáu    Thứ Sáu Tuần Thánh
30 Th By    Thứ Bảy Tuần Thánh
31 Ch Nht    CHÚA PHỤC SINH

Videos

Audio

Hình ảnh

22 8
Lễ Mẹ Trinh Vương ngày 22.8.2023
img 3797
Hội chợ Xuân 2024
MN Rạng Động

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập46
  • Hôm nay3,484
  • Tháng hiện tại69,963
  • Tổng lượt truy cập6,476,024

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây