Tân Phúc Âm hóa Đời sống cộng đoàn- kỳ 3

Thứ năm - 11/10/2018 22:46  2104
TÂN PHÚC ÂM  HÓA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

 
Kỳ III
NHỮNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ TRONG CỘNG ĐOÀN
nhung van de cu the trong cong doan
 
​a. Cộng đoàn Thánh Gia

Tình yêu không có nghĩa là làm được những điều khác thường hay anh hùng. Tình yêu có nghĩa là biết làm những điều bình thường với sự dịu dàng. Tôi nhận thấy điều tuyệt diệu là Đức Giêsu đã sống ba mươi năm ẩn dật ở Nazareth với Mẹ của Người và thánh Giuse. Chưa ai biết Người là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Người sống nơi gia đình và nếp sống cộng đoàn trong sự khiêm nhu, theo tinh thần các mối phúc. Ngài làm nghề thợ mộc và sống những biến cố nhỏ của cộng đoàn Do Thái trong tình Cha yêu thương. Chỉ khi Người đã sống tin mừng ấy, Người mới đi rao giảng. Giai đoạn thứ hai cuộc sống của Người là thời gian tranh đấu, khi Người cố gắng đón nhận sứ điệp thập giá và dùng những dấu chỉ để khẳng định quyền bính của Người. Theo tôi, một số người Kitô hữu gặp phải nguy cơ nói quá nhiều những điều mà mình không sống; họ có lý thuyết làm gì để “sống tốt” nhưng lại không biết nó có khả thi hay không, bởi vì họ chưa hề sống lý thuyết đó. Đời sống ẩn dật của Đức Giêsu là mẫu mực cho tất cả cộng đoàn. [1]
 
b. Không phải mọi rắc rối trong cộng đoàn đều được giải quyết

Nhiều người tin rằng đời sống cộng đoàn có hàng chuỗi những vấn đề phải giải quyết. Một cách ý thức hay vô thức, họ mong đợi một ngày kia tất cả những căng thẳng, xung đột và rắc rối gây ra bởi những người bên lề và cơ cấu sẽ được giải quyết và sẽ không còn nhiều vấn đề tồn đọng nữa! Càng sống lâu trong cộng đoàn, chúng ta càng khám phá ra rằng điều quan trọng không phải là giải quyết những rắc rối đó cho bằng là biết sống với chúng một cách kiên nhẫn. Hầu hết những vấn đề đều không được giải quyết. Với thời gian suy xét và trung tín lắng nghe, mọi sự sẽ được sáng tỏ vào lúc chúng ta ít ngờ nhất. Nhưng rồi sẽ luôn luôn có những vấn đề khác thay thế. [2]
 
c. Hãy trung tín với những gì bé nhỏ nhất

Thường thì chúng ta có khuynh hướng tìm kiếm những khoảnh khắc “diệu kỳ” hay những lễ hội tuyệt vời, ấn tượng. Chúng ta quên rằng nguồn lương thực bổ ích nhất có khả năng nuôi dưỡng đời sống cộng đoàn, canh tân con người và mở rộng con tim chúng ta, lại nằm trong chính những cử chỉ trung tín thật nhỏ bé, dịu dàng, khiêm tốn, tha thứ, nhạy cảm và đón nhận vốn làm nên đời sống thường nhật. Chúng ở lại trung tâm của cộng đoàn và nhờ đó chúng ta nhận biết được tình yêu. Những cử chỉ ấy đụng chạm đến trái tim và biểu lộ những ân huệ. [3]

d. Những con người gồm thể xác và tinh thần

Một số người loại bỏ thân xác thể lý – dù là của riêng họ hay của cộng đoàn – như là có một thứ dơ bẩn và bản năng của nó thì xấu xa. Những người này không muốn cơ cấu, họ sợ chúng. Họ loại bỏ tất cả những nguyên tắc, luật lệ và quyền bính. Họ cũng không tôn trọng ngay cả nước sơn trên tường. Họ không ý thức về tiền bạc hay trách nhiệm đối với tài sản vật chất. Ý tưởng của họ về một cộng đoàn phải là một cộng đoàn thuần túy tinh thần, được xây dựng bởi tình yêu, tương quan thân tình và sự tự phát. Nhưng điều đó là phi hiện thực: cộng đoàn phải có cả hai thể xác và tinh thần.

Dĩ nhiên, nếu cộng đoàn bị coi thường bởi những người chối bỏ quy luật vật chất, thì nó cũng có thể bị chết ngạt bởi những người chỉ dựa vào nguyên tắc, luật lệ, quản lý tài chính tốt và điều hành hiệu quả. Những người chỉ nhìn dưới khía cạnh này, họ sẽ giết chết trái tim và tinh thần của cộng đoàn. Như Stephen Verney nói: “Chúng ta thuộc về đất và trời hơn là chúng ta quan tâm nhận lấy. Điều đó đúng với cộng đoàn. Thân xác là quan trọng: nó xinh đẹp và chúng ta phải quan tâm tới nó. Nhưng chúng ta làm điều này là để phục vụ cho đời sống, tinh thần, con tim, động lực, hy vọng và phát triển những con người mà vì họ mà cộng đoàn tồn tại” [4]

e. Cộng đoàn giàu – cộng đoàn nghèo – xấu hay tốt

Khó nghèo là một vấn nạn đầy khó khăn! Một cộng đoàn có thể rất nhanh chóng trở thành giàu có, vì những lý do chính đáng nhất. Chúng ta cần có một cái tủ lạnh để có thể mua thịt rẻ hơn và giữ được những thực phẩm dư – và rồi chúng ta cần giữ một máy đông lạnh. Thật đúng khi một kinh phí ban đầu rộng rãi cuối cùng có thể mang lại sự tiết kiệm. Một chiếc xe là tuyệt đối cần thiết nếu chúng ta muốn mua sắm tiết kiệm ở siêu thị; vì vậy chúng ta không đi bộ và sử dụng xe đạp nữa. Máy móc giúp chúng ta làm việc nhanh hơn và có hiệu quả hơn, nhưng cũng có thể làm hỏng một số sinh hoạt của cộng đoàn. Tôi thực sự buồn nếu một lúc nào đó chúng tôi sắm máy rửa chén cho cộng đoàn chúng tôi tại Trosly, nếu có máy, chúng tôi không còn tụ họp lại với nhau, thư giãn và cười nói với những chén đĩa nữa. Những cộng đoàn khác thì muốn nói rằng việc chuẩn bị các món rau cũng tạo cơ hội để chia sẻ. Máy móc cũng có thể ném con người yếu kém nhất ra khỏi công việc và đây là điều đáng buồn, bởi vì sự đóng góp nhỏ nhoi của họ với công việc nhà hay nấu ăn là cách sống của họ đối với cộng đoàn. Chúng ta gặp nguy cơ tổ chức đời sống cộng đoàn không khác như một xí nghiệp – hay chí ít là như một phần của xã hội thông thường. Con người có thể làm việc mau lẹ nhờ có máy móc giúp đỡ; họ trở nên bận rộn khủng khiếp, hoạt động luôn tay, trong nhiệm vụ của mỗi người – phần nào như họ là cái máy vậy. Những người kém năng lực thì bị kết án không làm gì cả và cuốn hút vào truyền hình.

Có một quy tắc chuẩn mực cho khó nghèo không? -  Một điều chắc chắn rằng – một cộng đoàn trở nên giàu có hơn, không còn thiếu thốn và hoàn toàn tự tin, sẽ trở nên bị cô lập bởi vì cộng đoàn đó không cần sự trợ giúp. Cộng đoàn trở nên ít thuyết phục. Cộng đoàn đó sẽ không thể làm nhiều thứ cho người xung quanh, nhưng lại không thể nhận lấy điều gì cho mình. Sẽ không có trao đổi hay chia sẻ nữa. Cộng đoàn sẽ trở nên người thân cận giàu có. Lúc ấy cộng đoàn sẽ làm chứng được điều gì?

Một cộng đoàn có nhiều nhu cầu thì càng phải chi phí nhiều; nó sẽ gây ra lãng phí hay lạm dụng. Nó sẽ đánh mất đi khả năng tôn trọng tài sản vật chất, mất đi tính sang tạo với những vật chất trở nên cẩu thả. Cộng đoàn sẽ đánh mất khả năng phân biệt cái gì là xa xỉ, cái gì là thích hợp cho việc phát triển tinh thần và thể xác, cái gì là thiết yếu cần. Một cộng đoàn trở nên giàu sẽ nhanh chóng đánh mất năng động của tình yêu.

Khi chúng ta trở nên giàu có, chúng ta giương lên những rào cản; có thể chúng ta thuê một con chó giữ nhà. Người nghèo không có gì để bảo vệ và thường chia sẻ chút ít những gì họ có.

Trong một cộng đoàn nghèo, có nhiều sự giúp đỡ và chia sẻ lẫn nhau về vật chất, cũng như sự giúp đỡ từ bên ngoài. Khó nghèo là mối dây liên kết hiệp nhất. Đây là điểm nổi bật của cộng đoàn Arche khi chúng tôi tiếp tục cuộc hành hương với nhau: mọi người chia sẻ niềm vui, đôi khi bằng lòng với chút nho nhỏ. Nhưng khi chúng ta trở nên giàu có, chúng ta sẽ đòi hỏi và khó tính hơn: chúng ta có khuynh hướng sống thu mình lại, cô độc và riêng lẽ. Trong những ngôi làng nghèo ở Châu Phi, người ta chia sẻ cho nhau trong sự tương trợ và lễ hội. Ở những thành phố hiện đại, họ khép kín mình trong những căn hộ riêng. Bởi vì họ có tất cả những điều họ cần, họ dường như không cần đến nhau nữa. Họ tự thỏa mãn. Không có sự tương thuộc và không có tình yêu.

Khi người ta yêu thương nhau, người ta hài lòng với một chút ít. Khi chúng ta có ánh sáng và niềm vui trong con tim của mình, chúng ta không cần giàu có vật chất. Cộng đoàn yêu thương nhất thường là cộng đoàn nghèo nhất. Nếu cuộc sống riêng của chúng ta sang trọng và lãng phí, chúng ta không có thể đến gần những người nghèo. Nếu chúng ta yêu thương người nghèo, chúng ta muốn đồng nhất với họ và chia sẻ với họ. Nếu cộng đoàn giàu có, người ta muốn sử dụng chúng và muốn có chúng. Vì thế sự giàu sang có thể nhanh chóng tạo nên những rào cản ganh tỵ, hay mặc cảm tự ti, bởi vì sở hữu đồng nghĩa sức mạnh. Ngược lại, nghèo khó mang đồng nghĩa với yêu thương và đón nhận. Vấn đề luôn là: chúng ta có muốn làm chứng cho tình yêu và tiếp nhận, hay chúng ta muốn rút vào phía sau hang rào tiện nghi và an toàn?

Nhưng một cộng đoàn bề thế và giàu có hơn không nên thất vọng! Họ phải làm chứng cho một hình thức khó nghèo khác; họ có thể tránh được xa hoa và lãng phí. Ví dụ họ có thể tận dụng sự rộng rãi để tiếp nhận nhiều người hơn. Sự giàu có của họ là ân huệ của Thiên Chúa, nhưng nó không thuộc về họ - họ chỉ là người quản lý. Họ phải sử dụng ân huệ này để công bố tin mừng tình yêu và sẻ chia. Những công việc được thực hiện với sự cẩn thận và kỹ xảo biểu lộ nên vẻ đẹp. Đó là tham gia vào hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa, Người đã làm tất cả mọi sự cách tốt đẹp và khôn ngoan, tốt đẹp tới chi tiết cuối cùng. [5]

f. Cộng đoàn với việc giải trí

Một điều gì đó đặc biệt nối kết một cộng đoàn làm việc chăm chỉ và cẩn thận và tất cả những thành viên đều có vị trí của họ. Một cộng đoàn hoang phí thời gian xem truyền hình rất nhanh chóng đánh mất ý thức sáng tạo, chia sẻ và lễ hội. Họ không gặp gỡ nhau nữa – họ dán mắt vào màn hình. Nơi nào mà có quá nhiều xa hoa và giải trí, lãng phí thời gian và mông lung, cộng đoàn đó trở nên lãnh đạm và căn bệnh ung thư của tính ích kỷ sẽ mau chóng lan rộng. [6]

g.Cộng đoàn với việc lao động chân tay

Trong thời đại tự động hóa, chúng ta có khuynh hướng lãng quên giá trị của công việc kỹ xảo tay chân. Người thợ thủ công ở trong sự chiêm niệm. Người thợ mộc mà thực sự yêu mảnh gỗ và biết sử dụng những dụng cụ, thì sẽ không thúc ép mình và không cáu gắt. Ông biết những gì ông đang làm; mỗi hoạt động đều có mục đích của nó và công việc của ông tốt đẹp.

Trong cộng đoàn ở Kerala, tất cả nước để ăn uống, giặt giũ, tưới tắm phải được kéo lên từ giếng. Đó là cách làm giữ chúng ta gần gũi với thiên nhiên và với nhau. [7]

h. Cộng đoàn với đời sống công nghiệp hóa

Đời sống tại các quốc gia công nghiệp hóa đã trở thành nhân tạo, xa rời thiên nhiên. Nhà cửa thì đầy những đồ dùng bằng điện. Thành phố ồn ào, ngột ngạt và ô nhiễm. Dân chúng thì mệt mỏi vì phải nhiều giờ đi lại bằng tàu điện ngầm, xe lửa hay xe hơi – khi thì mệt mỏi một cách vô lý vì kẹt xe. Những phim ảnh và tin tức tập trung vào bạo lực. Họ không còn khả năng bắt nhịp với tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới – động đất ở Guatemala, nạn đói kém ở Sahel, nội chiến ở Lebanon, chia rẽ ở Bắc Ireland, kiểm duyệt báo chí, chính thể chuyên chế, sự tra tấn, những người bị tù tội không xét xử hay bị đưa vào bệnh viện tâm thần khi không có bệnh. Bùng nổ về thông tin. Và dân chúng quá tải vì nó. Người ta không được trang bị để tiêu hóa tất cả những thông tin đầy bi kịch như thế. Đó là lý do tại sao họ bám vào những chuyện hoang đường mới đang rêu rao cứu độ thế giới, hay những giáo phái khắt khe tuyên bố độc quyền nắm giữ chân lý. Con người khi càng cảm thấy lo âu, thì càng tìm kiếm những vị cứu tinh mới – dù là thuộc lãnh vực chính trị, tâm thần, hay tôn giáo thần bí nào. Hay cách khác vì những tác động nhất thời, họ muốn ném đi tất cả mọi thứ để lao vào cuộc đua tranh tiền bạc và danh vọng.[8]
Tiến tới một cộng đoàn lý tưởng
Những ai đã bước vào đời sống hôn nhân mà nghĩ rằng hôn nhân sẽ làm nguôi ngoai cơn khát và chữa lành vết thương cho họ thì sẽ không tìm được hạnh phúc. Cũng vậy, những người sống trong cộng đoàn lại hy vọng rằng cộng đoàn sẽ lấp đầy trống vắng và chữa lành họ, thì sẽ thất vọng. Chúng ta chỉ nhận ra ý nghĩa thực của hôn nhân hay đời sống cộng đoàn khi chúng ta hiểu và chấp nhận vết thương của mình. Chỉ khi nào chúng ta đứng dậy, với tất cả những thất bại và đau khổ, và cố gắng giúp đỡ người khác hơn là rút lui vào vỏ ốc của mình, thì chúng ta có thể sống trọn vẹn đời sống hôn nhân hay cộng đoàn. Chỉ khi nào chúng ta thôi không còn dựa dẫm vào người khác, thì chúng ta mới trở nên sức sống và ủi an, bất chấp mọi vết thương đau. Chính khi đó chúng ta tìm thấy bình an. [9]

 Còn tiếp 
 
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy, Tân Phúc Âm hóa đời sống cộng đoàn, trong Hiệp Thông, Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 79, tr. 57 - 101. 

[1] Id., trang 168.
[2] Id., trang 270.
[3] Id., trang 270.
[4] Id., trang 271.
[5] Id., trang 271 – 275.
[6] Id., trang 276.
[7] Id., trang 275 – 276.
[8] Id., trang 281.
[9] Id., trang 300.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Ý cầu nguyện

thang

Lịch Phụng vụ

MÙA PHỤC SINH
15 Th Hai   Thứ Hai Tuần 3 Phục Sinh
16 Th Ba   Thứ Ba Tuần 3 Phục Sinh
17 Th Tư   Thứ Tư Tuần 3 Phục Sinh
18 Th Năm   Thứ Năm Tuần 3 Phục Sinh
19 Th Sáu   Thứ Sáu Tuần 3 Phục Sinh
20 Th By   Thứ Bảy Tuần 3 Phục Sinh
21 Ch Nht   CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
22 Th Hai   Thứ Hai Tuần 4 Phục Sinh
23 Th Ba   Thứ Ba Tuần 4 Phục Sinh
24 Th Tư   Thứ Tư Tuần 4 Phục Sinh
25 Th Năm K  THÁNH MARCÔ, Thánh Sử
26 Th Sáu   Thứ Sáu Tuần 4 Phục Sinh
28 Th By   Thứ Bảy Tuần 4 Phục Sinh
29 Ch Nht T CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
30 Th Hai N Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh
31 Th Ba   Thứ Ba Tuần 5 Phục Sinh

Videos

Audio

Hình ảnh

22 8
Lễ Mẹ Trinh Vương ngày 22.8.2023
img 3797
Hội chợ Xuân 2024
MN Rạng Động

Nối kết

 

 

 

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập5
  • Hôm nay2,440
  • Tháng hiện tại56,071
  • Tổng lượt truy cập6,549,301

Copyright. 2018 © DONG TRINH VUONG 
Trụ sở chính: 41/2D Ấp Tân Tiến, Xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn, TP HCM
Phone: 
 (028).3891 0676 - 3710 9011; Email biên tập: 
truyenthongtrinhvuong@gmail.com.
© 
Mã nguồn mở  NukeViet CMS  4.3
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây